Càng ngày tôi càng tin vào số mạng. Đâu có biết giờ này tôi lại sống ở Hoa Kỳ. Đâu có biết là tôi sang đây mới lập gia đình, trong khi bạn bè tôi có bao nhiêu cuộc tình thơ mộng. Đâu có biết giờ này tôi lại cặm cụi vào các sách vở, băng nhạc, trong khi trước đây tôi làm kế toán chi chít các con số. Thật đúng với câu: Mỗi người sinh ra đời với một ngôi sao chiếu mệnh. Có hằng hà sa số tinh tú trên bầu trời hàng đêm, vậy mà tôi lại rớt vào cung "Cô Hàng Sách".
 
 
Nhớ lại sau thời 75, tôi phải đi tìm việc làm để khỏi phải đi vùng kinh tế mới. Chẳng biết may hay rủi mà công ty Phát Hành Sách lại nhận tôi, trong khi gia đình tôi bị liệt vào thành phần "tư sản mại bản" và gia đình có người thân vượt biên. Thế là mỗi ngày sổ sách, cộng trừ, kế hoạch, báo cáo với các con số chi chít. Tưởng cũng tạm được cái nghề này để nương thân. Nhưng cái cung số nên tôi được điều ra cửa hàng sách. Công việc sách bán nầy cũng không làm khó được tôi, nên cửa hàng ngày một đông khách, sách báo được các nơi order ngày một nhiều. Chẳng bao lâu tôi thấy mình yêu cái nghề này lúc nào không hay. Và thời gian sau, tôi ra ngoài mở cho mình tiệm sách nhỏ ngay gần nhà, vừa tiện đi làm, vừa làm chủ lấy mình. Công việc nhẹ nhàng và thật vui. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, có tiệm sách tại tỉnh nhà, tôi thường hay vào mua giấy bút, báo chí, sách học, tiểu thuyết, tôi thấy những người đứng bán hàng ai cũng có vẻ thông minh, nhã nhặn. Tôi thích vì họ lúc nào cũng ăn nói nhỏ nhẹ, hiểu biết. Tôi muốn tìm gì thì họ chỉ đâu đúng đó. Vậy mà không ngờ hôm nay tôi được làm công việc mà tôi thích. Tôi biết tôi không thông minh, không là mọt sách, nhưng tôi được khách hàng thương mến và quí trọng. Khách hàng của tôi là những người trẻ hoạt bát, các người đứng tuổi và những người có tuổi thì thường xuyên đến tiệm tôi với tư cách rất đứng đắn. Tôi sinh ra trong gia đình buôn bán, nên việc bán sách tôi hội nhập rất nhanh. Trông vào số khách ngày một đông tôi biết việc làm của mình khá thành công. Dù không dư dả, nhưng cuộc sống thoải mái. Rồi thời cuộc đưa đẩy, tôi phải bỏ nghề cô hàng sách, rời quê hương sang định cư ở xứ người. Và giờ đây, tôi cũng lại tiếp tục là... cô hàng sách.

 


 
- Chào cô bán sách, hôm nay sao mở cửa trễ vậy cô?

- Thưa bác, trễ năm phút. 
 
Tôi nhìn đồng hồ và trả lời ông khách thường xuyên của tôi. Tôi tiếp:

- Hôm nay cháu bị kẹt xe, cũng rời nhà như mọi hôm vậy đó bác Huân.

Bác Huân đến viếng tiệm tôi thường xuyên, mà hình như khi nào bác mất ngủ đêm trước là bác đến tiệm sớm như hôm nay. Có những người khách đến tiệm thường xuyên, nên khi có chuyện vui buồn đều kể cho tôi nghe. Tôi thấy bác Huân ngày càng đi đứng khó khăn chậm chạp. Có lẽ tuổi già đã đến, từ ngày bác gái mất ông vắng mặt một thời gian gần nửa năm. Hôm đám tang bác gái, tôi cũng có đến chia buồn. Nghe đâu bác Huân cũng là Sĩ Quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa năm xưa, và sau biến cố 75, bác cũng bị đưa đi học tập cải tạo hơn mười năm, đi hết trong Nam rồi ra ngoài Bắc. Sau khi ra trại, bác làm đủ nghề, từ đạp xích lô, vá lốp xe đạp, đến khi đuối quá bác đổi sang nghề phân phối sữa. Sau này bác định cư theo chương trình HO, đến Hoa Kỳ gần hai chục năm nay. Bác kể cuộc đời thăng trầm của người chiến sĩ già xa quê hương và chỉ mong ngày nào trở về cố quốc để "gởi nắm xương tàn". Đây là câu mà bác Huân hay nói nửa đùa nửa thật với tôi.
 
 
Tôi còn được nghe tâm sự của những người viết văn, viết sách, làm thơ. Tôi không dùng chữ văn sĩ, thi sĩ, vì có người viết năm ba cuốn, bán khá chạy, nhưng ông chỉ muốn được là một người bình thường thôi. Ông tâm sự, viết lách chẳng qua để giải tỏa tâm sự, ghi lại chặng đường sương gió mình đã trải qua. Ông viết vì sợ mai kia mốt nọ, không còn trí nhớ để ghi lại những kỷ niệm đời mình. Ông dùng số tiền dành dụm, và số tiền mà hiện nay an sinh xã hội cấp dưỡng hàng tháng để lo việc in ấn, thiếu hụt chút đỉnh thì con cái phụ lo trang trải, chứ thực ra không phải cần danh vọng, không cần tiền bạc mà mục đích chính là muốn nói tâm trạng mình để thế hệ con cháu sau này biết được cuộc sống hào hùng của cha ông ngày trước. Ông còn muốn bước xa hơn là dịch sang song ngữ, nhưng chưa có cơ hội.

Tôi còn biết được một nữ nhạc sĩ tài danh một thời, nhưng giờ đây sống cuộc đời thanh đạm. Bà hay gởi các CD ra tiệm tôi để bán. Giờ đây bà thường làm các việc thiện nguyện. Hay xuất hiện trong các show nhạc của nhà thờ, hay các hội đoàn. Ngoài ra bà còn mở các lớp dạy nhạc lý. Ước vọng của bà là âm nhạc sẽ làm cuộc sống con người thêm nhiều cung bậc để thấy cuộc đời này còn đẹp và nhiều ý nghĩa. Âm nhạc của bà phụng sự cho người cho đời. Trong khi xã hội ngày nay, cuộc sống vật chất, tiền bạc làm biến thể bản chất con người. Tìm được người nghệ sĩ sống cho nghệ thuật vì nhân sinh trong lúc này, thật khó như tìm viên kim cương trong sa mạc.

Kể ra thì không biết bao nhiêu chuyện vui buồn của đời "Cô Hàng Sách". Vì yêu nghề nên tôi thấy thời gian qua mau. Một ngày trôi qua mang nhiều ý nghĩa. Cuộc sống này là một nghiệp dĩ, dù không hái ra tiền nhiều như những thương mại khác nhưng tôi rất vui vì được phục vụ khách hàng của mình. Như có sợi dây vô hình ràng buộc giữa tôi và những người khách đến cửa hàng sách, câu thăm hỏi, lời tâm sự, hay những chuyện mưa nắng không đâu cũng đủ làm niềm vui cho cuộc sống của tôi nơi thành phố này. Những lúc rảnh rỗi tôi đọc lướt qua vài cuốn sách, báo để tiện việc giới thiệu đến khách hàng. Nhờ thế những chuyện lớn nhỏ trong thành phố, tôi cũng biết ít nhiều. Bao nhiêu kỷ niệm trong đời cô hàng sách làm sao kể cho hết, nhưng câu chuyện sau đây tôi không bao giờ quên.
 
 
Đó là câu chuyện về bác Thân.

Gần một tháng trời, bác Thân và con trai bác, ngày nào cũng gọi điện thoại hỏi quyển sách mà bác nhờ tôi order nói về cuộc chiến đấu anh dũng của người chiến sĩ phát hành không bao lâu, tiệm tôi đã bán hết. Tôi cố order gấp cho bác vì sức khỏe bác đến hồi suy thoái trầm trọng. Đến hôm sách về, tôi gọi cho hay, người con trai bác ra nhận sách, và đồng thời báo tin buồn là bác vừa qua đời tối hôm qua. Tôi lặng người khi nghe tin trên, cảm thấy như mất mát chính người thân, cảm thấy như mình chưa làm hết trách nhiệm của cô hàng sách. Tôi nhớ thời gian trước đây mỗi lần đi chợ là bác ghé qua tiệm và tìm tôi để nói chuyện. Khi ra về lúc nào bác cũng cười thật hiền và nói là thích nghe tôi nói. Thật ra tôi nghe bác nói nhiều hơn vì tôi hiểu nỗi cô đơn của người già không ai trò chuyện. Lẩn quẩn trong nhà, khi mà con cái sáng đã đi làm, các cháu thì đi học. Tối ngày hết đọc sách thì ra vườn như ba má tôi vậy. Giọng bác rất từ tốn, chậm rãi. Mỗi khi kể chuyện hình như bác gởi hết tâm sự mình. Dù tuổi già sức yếu, đi lại khó khăn nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh. Dạo sau này bác đến thưa dần. Vậy mà cuốn sách cuối cùng cho cuộc đời của một người hy sinh cho Tổ Quốc đã không kịp đến tay bác Thân. Hôm tôi đến tiễn chào bác lần cuối, lá cờ vàng ba sọc đỏ gấp nửa che áo quan. Trông bác thanh thản, nét mặt hiền lành và... cuốn sách tôi order được đặt trên bụng dưới bàn tay gầy guộc của bác. Tôi cảm thấy nghẹn ngào, chắp tay khấn nguyện mong bác hiểu cho nỗi lòng của mình, và cầu nguyện bác được thanh thản về cõi vĩnh hằng. Tôi ra về cảm thấy như vừa đánh mất một cái gì quý giá và bên tai văng vẳng tiếng chuông ngân nga.
 

 
Thấm thoát, tôi đã theo cung mạng Cô Hàng Sách mấy chục năm rồi, kể từ khi ở quê nhà cho đến lúc sang đây. Tôi được nghe tâm sự, được chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của những người khách của mình. Tôi được đọc những hồi ký ghi lại cuộc đời hy sinh của những người anh hùng không tên tuổi vào sinh ra tử. Tôi được đọc những bài thơ, bài văn đậm nét yêu thương, ca tụng tình yêu, tình mẫu tử, tình cha con; ca tụng nét đẹp thiên nhiên của vũ trụ, và những chuyện vui cười làm cuộc đời đỡ tẻ nhạt... Tôi nghe, tôi đọc, tôi thấy những tâm tình con người trang trải trên trang giấy, qua những lời ca... Tôi là người hạnh phúc. Tôi được sinh ra đời với ngôi sao "Cô Hàng Sách", mà có mấy người có được diễm phúc này! Tôi cám ơn cuộc đời và tôi tự nguyện lúc nào cũng làm hết thiên chức mà tôi được ân hưởng: "Cô Hàng Sách!"
 
 
Sách đây tôi bán cho người
Vui buồn, nghĩa khí, chuyện đời tình chung
Từng trang sách trải nỗi lòng
Tình Cô Hàng Sách vui cùng buồn chia...


Songthy