Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Tình hình chiến sự trên thế giới gần đây thật sôi động. Tương lai thế chiến có thể không cần đến bom nguyên tử có tính cách quy ước, mà trở thành chiến tranh cyber attack. Hiện nay mới có mấy "nhá" giữa các phe đối nghịch, nào Sony Entertainment, nào Ngũ Giác đài, nào Bắc Hàn "bị thương" kha khá. Hai phe đối nghịch là những ai, không ai nhận đã nhúng chàm. “Chàm” ở đây là các con số mà ít ai hiểu cặn kẽ. Những ai hiểu cặn kẽ thì được cất kỹ, còn quý hơn kim cương. Bao nhiêu biến động, thiên tai, nhân tai, trên không, dưới nước, trên bộ, đủ cả. Có ai mường tượng được chiến tranh sau này sẽ ra sao? Sức tàn phá không thể lường. Khi mà trên không, nhan nhản các vệ tinh truyền thông, phục vụ cho nhân sinh thì ít mà nhu cầu quốc phòng, quân sự thì nhiều. Đó là chưa kể đến các cuộc khủng bố len lỏi vào đời sống. Rốt cuộc còn biết tin ai?
 
Đó là thế giới chúng ta hiện nay. Nghe thật ngán ngẩm. Không lẽ chúng ta bị trói vào các điều chẳng lành và bi quan này mãi hay sao?
 
Sự mầu nhiệm của tế bào cấu tạo con người và vạn vật, là biết tìm cách để sống còn. Riêng con người, những ai biết đủ là đủ, biết buông xả, let-it-go thì cuộc sống đỡ bi quan hơn và tìm được hạnh phúc, dù nhỏ nhoi, nhưng là niềm tin và hy vọng. Trái đất vẫn xoay vần, vẫn bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông cho dù chúng ta có đón nhận hay không.

Và thấm thoát mùa Xuân lại gần kề.
 
Tôi xa quê hương bao nhiêu năm, nhưng vẫn nhớ mùi rạ ẩm bên ngoài chái nhà, pha mùi hăng hăng, nồng nồng của trâu bò. Ở đây đốt đuốc không tìm đâu ra thứ mùi đặc biệt của quê tôi. Tôi làm sao quên được những mùa khô, khi ruộng nứt nẻ, mùa gặt đã xong, đó là dịp  đi mót lúa. Từng nhánh lúa sót, hạt căng đầy rơi rớt trên cánh đồng khô. Tôi đi mót lúa không phải để chà lấy gạo mà để cho gà vịt ăn. Viết đến đây, chợt nhớ có nói chuyện với mấy người bạn ở thành thị. Có người đến giờ này chưa biết lúa ra sao, trồng như thế nào, gieo mạ là sao. Nghe tôi kể họ há hốc ngạc nhiên, vì bạn tôi chỉ thấy các cánh đồng trơ gốc rạ mỗi khi về quê. Mà chính tôi cũng ngạc nhiên không kém có người đến từng tuổi này, ăn com mòn răng mà không biết hạt lúa thóc. Thật vậy con nít nhà quê có những niềm vui, nhiều điều thú vị mà trẻ nhỏ thành thị không biết, và quê tôi còn biết bao điều đáng nhớ nhất là lúc xuân về.
 
Năm nào cũng vậy, cận Tết, tôi phải chuẩn bị gởi về ít tiền làm quà cho mấy anh chị em  ở quê nhà.  Bao nhiêu năm xa nhà, thì bấy nhiêu năm tôi làm phận sự người anh, người em, người con khi má còn sống. Nay dù má mất từ lâu, nhưng phần cúng kiến ba má vào ngày tư ngày tết, tôi không bao giờ quên. Chiếc ghế đêm Giao thừa vẫn còn trống không chờ tôi, con ngựa sổng chuồng không người cầm cương. Cả nhà mấy anh chị em xúm xít quây quần bên bàn thờ khói nhang nghi ngút. Các chiếc ghế quanh bàn thờ đều được thân nhiệt anh chị em hâm nóng mỗi Giao thừa, ngoại trừ chiếc ghế của tôi lạnh buốt, dù quê tôi ở miền xích đới.
 
Ở đây, thấy bà con đồng hương về Việt Nam ăn Tết, tôi cũng nôn nao. Đứa bạn thân càphê-ghiền với tôi gần như ngày ngày, cuối tháng này, cũng về quê thăm mấy đứa con còn kẹt. Nó mua Computer Laptop mới toanh làm quà cho đứa cháu vừa lên lớp Sáu, nó còn khoe bao nhiêu thứ phải mua, dù chật vật cũng bóp bụng. Nó cũng sẽ đi thăm những đứa bạn của chúng tôi còn kẹt.
 
Bạn bè khi xưa còn trong quân đội có biết bao kỷ niệm, nói mãi nói hoài cũng không hết. Nhớ lúc đoàn xe tiếp tế hành quân vào những nơi hẻo lánh. Chúng tôi chia nhau từng miếng cơm chỉ với cá mòi hộp kho rồi ăn kèm với cà chua vừa chín hườm, mà sao ngon như ăn tiệc. Chai bia "33" hay bia "bé bự" nóng hổi trôi vào cổ họng ngon lành, từng giọt êm re ngọt xớt. Điếu thuốc chia nhau rít, vì bao thuốc của đứa nào cũng lép xẹp, và ở nơi không quán sá. Cả nửa thế kỷ tôi chưa gặp lại bè bạn cùng ngành.  Thằng bạn may mắn hơn tôi!
 
Tôi cũng vừa giúp người bạn nhóm càphê-ghiền, lo giấy tờ chứng minh tên họ để nhỡ về quê gặp bất trắc, khi cần đến thủ tục hành chánh với chánh quyền địa phương. Những ai đổi tên Việt Nam sang tên Mỹ khi vào quốc tịch cũng nên lưu ý để khỏi bị làm khó dễ. Tôi không còn lạ gì thủ tục đầu-tiên mỗi khi nhập cảnh qua các ải quan. Khi còn sống, nhà tôi phải làm nhiệm vụ "tiền thám", tức tiền đi thám trước, cho tôi được đi trơn tru. Lâu quá rồi, nhà tôi đã về cõi trên. Chẳng biết tình trạng hiện nay khám xét hành lý ở phi trường ra sao. Khi tôi viết những dòng chữ này thì bạn tôi và đứa con chuẩn bị lên phi cơ.
 
Về Việt Nam vào dịp Tết, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người có điều ước muốn khác nhau. Ngạc nhiên vô cùng cách nay hai hôm, đứa bạn Mỹ đã từng làm chung với tôi khoảng hai chục năm trước khi tôi về hưu, và sau này anh bị cho nghỉ việc. Từ đó anh lận đận, nhưng chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên. Anh chấp nhận các việc làm, cho dù có khoảng trên dưới ba chục năm kinh nghiệm trong ngành điện toán. Anh vừa email rủ tôi đi ăn tối, vì cả bảy năm nay hai đứa chưa gặp mặt. Xưa kia chúng tôi có thói quen chọn hôm nào có trò chơi thể thao để hẹn nhau đi ăn. Cũng vậy, lần này chúng tôi vừa ăn tối vừa xem Basketball. Chừng cạn ly "Margarita on the rocks" anh mới lè nhè báo là anh về Việt Nam ngày mai. Trời đất!
 
-  Bộ mày về VN cưới vợ hả?
 
Tôi buộc miệng hỏi, vì anh đã ly dị cách nay chừng hai năm. Câu hỏi thật tự nhiên, bởi tôi có mấy đứa bạn già khú, vợ mới mất cũng về VN cưới vợ.
 
-  Bộ mày tưởng tao khùng sao?
   
Anh hỏi lại tôi. Đang ậm ừ chưa biết trả lời sao thì anh tiếp:
 
- Số là thằng cháu, con của chị tao bị cái bệnh trên óc bẩm sinh từ nhỏ mà không biết. Nó giải thích lòng vòng toàn chữ bệnh nghe lạ hoắc. Bây giờ đứa cháu bốn mươi hai tuổi, bị xỉu lúc nào không hay, có khi bị kinh phong, chỉ vì một khu não bộ có vấn đề từ nhỏ. Nó có cô vợ Việt Nam và con trai đầu được sáu tuổi. Tao điên cái đầu.
 
Tôi thông cảm hoàn cảnh của thằng bạn. Nó đang chờ tòa Lãnh sự Houston cấp Visa nhập cảnh. Bằng không nó phải ở trong phi trường chín tiếng đồng hồ chờ, để hai cậu cháu trở về Mỹ. Chưa hết! Nó còn kể là ngồi đây với tôi, nó cũng đang đợi quyết định giờ chót của đứa cháu, có chịu về Hoa Kỳ chữa bệnh hay không, lý do là vợ cháu nó vừa cấn thai. Nếu cháu nó không chịu về Mỹ, thì hai vé máy bay coi như không cánh mà bay.
 
Đó là mấy chuyện lẩm cẩm khi Tết nhất gần kề. Người đi, người ở, người gặp bao chuyện rắc rối… dồn vào lúc cuối năm. Kể như tôi một thân một mình, cũng nhiều chuyện cần phải sắp xếp. Dù không nấu nướng gì cũng phải lo cúng kiến, bánh mứt, hoa quả. Sực nhớ trong freezer nhà còn mấy xấp lá chuối mua để gói bánh tét. Nhưng năm đó, nhà tôi đã phải vào nhà thương vào ngày ba mươi tháng chạp, rồi không bao giờ trở về căn nhà trần gian! Tôi soạn đem bỏ mấy xấp lá chuối và những thứ lỉnh kỉnh đã nằm trong tủ đá hơn năm năm qua. Mỗi món cho tôi một kỷ niệm. Lại kỷ niệm! Cuộc sống lớp người ở tuổi tôi thường thiên về kỷ niệm là vậy.

Bên ngoài hôm nay nắng ráo, ánh sáng chan hòa dù nhiệt độ ban trưa khoảng 50 độ F. Thật lý tưởng để mang các chậu kiểng ra ngoài sân, vì hổm rày lạnh quá, nên giữ chúng ở trong garage. Cây kiểng cũng có vẻ "vui hơn". Đó là suy bụng ta ra bụng... cây cỏ. Hôm nay cũng là ngày nên tước lá cây hoa mai để kịp trổ hoa vào dịp Tết.
 
Ngồi tước từng chiếc lá già, xanh tươi trên cành gần năm nay để khởi đầu chu kỳ mới. Rồi đây từng lớp búp non, từng lớp đọt màu xanh lá mạ được đâm chồi nẩy lộc. Thớ đất bên dưới sẽ là nguồn năng lực để cây hoa tái sinh. Những đóa hoa mai vàng óng ả xinh tươi sẽ đón mùa xuân mới. Các chiếc lá này cả năm nay đã hấp thụ oxy, ánh nắng, để cho cây được tươi tốt. Con người cũng vậy, hy sinh như làm thân lót đường, kết từng miếng ván để những gì mình yêu mến được thăng tiến, để rồi một mai chịu rữa nát, cũng như những chiếc lá này thôi. Vạn vật, nhân sinh đều chịu chung một định luật trong trời đất, có bắt đầu để có hồi chấm dứt. Đừng bắt đầu ngang tắt như bụi cây trái quất sau nhà. Tôi mua loại tháp nhánh, nhánh quất, mà gốc cam, tôi nào biết. Trái quất và cây cam cũng lên nhưng èo uột, sẽ không sống lâu như các cây được ươn trồng từ hạt tốt. Con người cũng vậy, sự học, kiến thức... phải được dạy dỗ từ gốc lên ngọn. Sống giả tạo, ảo giác, trèo ngang đi tắt, rồi cũng sẽ èo uột như cây quất, cây cam kia sau nhà tôi.
 
Nghĩ ngợi lan man mà tôi đã lặt hết lá mai, cành nhánh trụi lủi, lá mai ngổn ngang quanh chậu. Cơn gió lạc mang lá đi xa, vĩnh viễn, mất hút. Cơn gió lành lạnh mơn man này gợi nhớ mùa Xuân quê tôi.  Những mùa Xuân khi còn bé bình yên, vô tư, chờ mặc áo quần mới và nhận bao lì xì. Những mùa Xuân khi lớn lên lúc chiến tranh chỉ bộ "treillis", tiếng súng thay pháo Giao Thừa, hỏa châu thay hoa đăng, mùi khét viên đạn ra khỏi nòng, thay mùi bánh chưng vừa vớt. Bao nhiêu thay đổi đưa đẩy chúng ta đến nơi này. Mùa Xuân quê hương còn đó nhưng đã biến dạng. Tôi tìm được sự bình an và hạnh phúc với những gì mình có, dù phải vay mượn quê người làm quê mình.

 

Tiếng cell phone reo:
 
-Alô!  Tôi trả lời.
 
Bên kia đầu dây, giọng người y tá Mỹ báo là ngày mai tôi có hẹn lúc 10:00 để khám tổng quát đầu năm, và theo dõi tình trạng sức khỏe - ngày một suy thoái.
 
Năm mới sắp đến. Và cứ mỗi năm, sau khi cả nhà nhận quà Tết của tôi, cô em Út luôn luôn email dặn dò, nghe đứt ruột:
 
"Anh Năm, ráng về quê ăn Tết một năm, rồi sau này có ra sao thì chịu vậy  Cả nhà luôn luôn nhắc đến anh mỗi khi cúng Giao Thừa, van vái ba má phò hộ cho anh được nhiều sức khỏe. Anh đi quá lâu, tuổi ngày một cao, mọi sự thay đổi quanh đây, nhưng lòng mong đợi anh về của em và anh chị vẫn không hề đổi thay!"
 
Câu "mọi sự thay đổi quanh đây, nhưng lòng mong đợi anh về của em và anh chị vẫn không hề đổi thay!" thật nhiều ý nghĩa.
 
Út ơi! Chỉ có sỏi đá mới không đau. Anh làm sao nói hết những uẩn khúc đời mình.  Hy vọng một ngày anh sẽ về ăn Tết để hâm nóng chiếc ghế trống không, hằng bốn mươi năm nay đang chờ anh.  Trời Phật, ba má phò hộ cho anh được sức khỏe, tim anh được tốt, thì giấc mơ hồi hương sớm muộn gì cũng sẽ thành tựu./.
 
 
Phạm Văn Hòa
Chờ Xuân Ất Mùi, 2015