Dưới mắt các con, má tôi là người cương nghị, có óc chỉ huy, thông minh, xinh đẹp và quý phái. Chuyện tình của ba má, tuy không nhiều gian truân, sóng gió cũng không tình tứ ly kỳ, nhưng qua lời má kể và nhìn nét mặt hơi ngượng ngùng của ba mỗi khi nghe lại chuyện xưa thì cũng biết tình thâm, nghĩa nặng thế nào.
Má sinh ra trong một gia đình Nho giáo và đông con. Ông ngoại là Hiệu trưởng trường Trung học ở Nha Trang, lúc đó gọi là Đốc học, nên mọi người hay gọi là ông Đốc. Bà ngoại chỉ lo việc nội trợ như mọi phụ nữ khác thời bấy giờ. Với 13 người con, lương nhà giáo cũng không dư giả chi, nên mọi ưu đãi thường dành cho các cậu, từ việc ăn uống cho đến học tập, hợp với quan niệm thời xưa“nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, thêm vào “con gái học cao cũng chỉ về làm dâu nhà chồng”nên các dì và má không được khuyến khích học tập. Vốn thông minh và ham học, má nộp đơn xin thi vào khóa đào tạo Y tá, má đậu Thủ khoa khóa ấy và có học bổng, nhưng phải năn nỉ hết lời mới được ông bà ngoại đồng ý cho đi học.
Thời đó, học sinh phải tham dự khóa thực tập quân sự mỗi tuần hai lần. Ba tôi là người huấn luyện khóa quân sự đó. Má bảo thời bấy giờ má chỉ lo học để mong ra trường có việc làm giúp đỡ gia đình nên không hề nghĩ chi đến tình yêu do đó khi được ba để ý và nhận mấy lá thư tình của ba gởi, má không trả lời và chỉ lo chúi mũi vào việc học hành thi cử. Chờ đợi mãi không được, ba đành nhờ một chị bạn thân của má giả bộ rủ má qua nhà chơi, thế là hai bên chạm mặt, má bảo lúc đó lùng bùng lỗ tai, mặt đỏ bừng, ba nói gì cũng có nghe đâu, chỉ hứa sau khi thi xong sẽ tính (tôi vẫn còn nhớ nét mặt ngượng ngùng và bỏ ra khỏi phòng khi ba nghe má kể lại chuyện xưa và tràng cười của các con đuổi theo).
Mới đây, cậu út tôi cười nói với cô em kế út“Má con tân tiến lắm nhe, thời đó phải nhờ mai mối, còn má con “dẫn” ba về cho ông bà ngoại chấm điểm”. Má kể“Thấy ba lúc đó oai lắm, nhưng... không đẹp trai, tuy nhiên cách ăn nói đàng hoàng nên má gật đầu đại”. Ông bà ngoại rất kén rể vì thời đó mấy dì và má được tiếng con nhà gia giáo lại xinh đẹp, vậy mà nói chuyện với ba một lần là ông bà ngoại đồng ý ngay khi biết gia thế của ba. Ông nội tôi là Tri phủ ở Huế mà ông ngoại cũng có giao tình, nên chuyện hôn sự không gặp trở ngại nào.
Má kể lúc trẻ cũng háo thắng lắm, cái gì cũng“phản kháng”đến cùng, nên một lần, ba viết giấy để lại từ giã má vì cho rằng hai người không hợp thì ăn đời ở kiếp thế nào được, má đi chợ về, đọc mẩu giấy khóc nức nở, phần hối hận, phần sợ về lại nhà cha mẹ thì không biết giải thích thế nào cho ổn. Thời đó còn phong kiến, đàn bà đã có chồng mà bị từ hôn thì mang tiếng với bà con, chòm xóm, khó lòng sống nổi. Nhắm chừng nỗi ân hận của má thấm sâu, ba từ đâu không biết xuất hiện cười cười hỏi má tính sao, còn gì mừng vui hơn thế, má thẹn thùng xin lỗi và từ đó hạnh phúc êm ả trôi theo dòng đời với tám đứa con lần lượt ra đời... cuộc sống gia đình ngày càng sung túc.
Lúc tôi vừa bước chân vào đại học thì miền Nam sụp đổ, rồi ba theo lệnh tập trung, đi học tập cải tạo. Gia đình tôi bắt đầu xuống dốc, má tôi phải lăn xả vào đời kiếm sống để nuôi các con chưa đứa nào ra trường đi làm, còn cô em út của tôi mới có 5 tuổi. Nhớ lần đầu tiên đổi tiền, má trong bệnh viện chăm nuôi cô em kế út đang bị sốt xuất huyết. Hai anh em tôi vội chạy vào bệnh viện báo tin, tôi thế má, ở lại chăm sóc đứa em để má về lo liệu, thu vén cho việc đổi tiền. Thức suốt đêm chờ đợi, hình như 2,3 giờ sáng mới được đổi 200 đồng tiền mới, mấy mẹ con ôm nhau khóc ròng, làm sao đủ sống đây, còn tiền phí bệnh viện chưa trả nữa. Bàn tính tới lui, chúng tôi quyết định dẫn em trốn bệnh viện, may mà lúc đó mọi người đều bàng hoàng với vụ đổi tiền và em tôi cũng khỏi bệnh nên mọi chuyện coi như thoát nạn.
Với tinh thần lạc quan, má quyết định mọi việc rất chí lý và chính xác, cùng với may mắn, má đã lo liệu cho chúng tôi vượt biên từng đợt thành công. Bây giờ lập gia đình và chăm sóc con cái, tôi mới nhận ra nỗi niềm của má khi quyết định đưa con đi xa khỏi vòng tay mình. Làm sao mà đành lòng nỡ đẩy con ra đi một nơi vô định, nhưng biết làm sao khi thời đó lý lịch là một chướng ngại khó thể vượt qua để tiếp tục việc học, nhìn con cái mình tuổi còn thơ, niềm đam mê học hành còn đó, mà đành phải ngưng để ngày ngày ra vô làm chuyện nhà, làm công việc nặng nhọc không cần bằng cấp hoặc đi lao động? Hình ảnh má lủi thủi bước đi khi chiếc xe đò lăn bánh, đưa hai chị em tôi về miền Tây để bắt đầu cho chuyến vượt biên không hề biết may rủi ra sao, vẫn còn tồn đọng trong tôi…
Hôm ấy, chuyến đi bất thành, hai chị em tôi lội ruộng, mất cả guốc dép, quần áo lấm lem, may mà vẫn còn tiền đón xe về lại nhà, mới biết khi đưa con ra đi, má thẫn thờ bước chân nặng trĩu, lòng như muối xát thì bỗng dưng bị xô té vào vũng nước, chiếc bóp nhỏ trong tay đã bị giựt mất. Theo phản xạ tự nhiên, dù áo quần lấm lem bùn đất, dép văng xa, má vẫn chạy đuổi theo, la lớn mong họ trả lại giấy tờ, người đi đường cũng xúm lại giúp, cuối cùng thì chiếc bóp được quăng lại nơi góc hẻm. Má kể “Lượm chiếc bóp lên, giấy tờ còn đó, lòng mừng vui nhưng nhớ đến các con, nước mắt lại chảy dài, không biết có được bình yên ra đi suôn sẻ, vì cái rủi mất tiền biết đâu lại là cái may cho con đi trót lọt thì quí biết bao“
Chuyện này chỉ là hình ảnh nho nhỏ của cánh cò thời sau 75 biết bao là khó khăn, đau xót mà bút mực nào tả xiết. Giờ đây má đã 84 tuổi, sức khỏe có yếu đi nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn, dù con cái đã trưởng thành và có mái ấm riêng nhưng bà vẫn là người sắp xếp, tổ chức mọi vỉệc giỗ chạp, tiệc tùng và các con phải nghe theo. Bà vẫn sống lạc quan, dù ba đã qua đời bảy năm rồi, một mình tự lo ăn uống, dọn dẹp không nhờ đến con cái. Mới đây, tình cờ mở chiếc cặp Samsonite đựng giấy tờ của ba má, liếc nhìn những lời dặn dò phải làm khi má qua đời, lòng tự nhiên buồn không tả. Thì ra má đã chuẩn bị hết mọi thứ cho ngày ra đi vĩnh viễn, không những chi phí ma chay chúng tôi không cần phải lo mà mỗi đứa còn có chút quà để nhớ đến má. Các cô em ở xa đã bật khóc khi nghe kể chuyện này.
Má tôi là vậy đó, cương nghị, rắn rỏi không nhờ cậy, dựa dẫm một ai, ngay cả con cái mình nếu có thể tự mình làm được. Nhiều người quen thường nói má có số sướng, nhàn hạ, nhưng ngẫm lại liệu có thật sự sướng không khi đến tuổi này vẫn sáng sáng chiều chiều ra vào một bóng, chưa được đứa con nào phụng dưỡng đúng nghĩa? Hỏi, nhưng tôi vẫn thầm mong má đừng đọc câu hỏi này!
Hồ Diệu Thảo