PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Vào thế kỷ thứ 17 biên cương nước Hoa Kỳ lấn dần về miền viễn tây, đó là thời kỳ Cowboy Wild Wild West mà tôi thuở nhỏ đã mơ tưởng khi xem các phim ảnh cowboy trình chiếu. Theo Wikipedia online, mãi đến năm 1912 nước Hoa Kỳ mới hoàn toàn khai phá và chinh phục được các vùng đất này. Hóa ra đây là vùng đất hứa chẳng những cho dân Hoa Kỳ mà còn là vùng đất hứa cho người Việt chúng ta đi tìm tự do sau ngày 30-4. Vùng viễn tây gồm tiểu bang Cali mà tôi đã đến thăm nhiều lần từ hơn 30 năm, mà mới đây sau một tuần trở về, nay lòng còn vương vấn. Ngoài phong cảnh hữu tình, thời tiết dễ chịu vào mùa hè so với Texas, dọc đường số 5 từ Nam Cali đến Bắc Cali tôi đã gặp lại những người bạn vong niên. Có người mới gặp năm qua, có người chưa hề gặp từ ngày ra trường cả nửa thế kỷ. Chuyến đi tuy ngắn ngủi, nhưng tôi đã được đàn anh, đàn em, bạn bè cùng khóa, các chị, các con cháu đón tiếp với vòng tay rộng mở. Thời gian, cuộc đời dâu bể, cảm tình mà tôi được nhận trong suốt tuần ở lại Thung Lũng Hoa Vàng, vùng thủ đô người Việt tị nạn tại Cali, là kỷ niệm và hành trang cho đôi chân chậm bước vào buổi hoàng hôn. Bảy ngày so với cuộc đời có nghĩa gì, nhưng những phút giây trôi qua trong chuyến đi nay thật đáng ghi nhớ, vô giá không thể đo lường. 

Chuyến đi được bắt đầu thật giản dị!

Tiếng điện thoại reo vang.

-         Alô!

-         Mày hả Mõ? Tên tự mà anh em thường gọi.

-         Ừa!  Mày gọi tao chớ còn ai vào đây mà Mõ với chuông!

-         Mày hết làm cái gì đó, giờ rảnh rỗi chưa? Chừng nào qua chơi với tao như mày đã hứa?

Đúng là tôi có hẹn với cậu Cẩn, tên anh em đặt cho vì cùng khóa chúng tôi có đến ba người có tên cúng cơm này. Tôi ậm ừ:

-         Để tao coi khi nào giá máy bay rẻ tao qua thăm mày và bà xã. Có lẽ cuối tháng 9.

-         Mày liệu qua sơm sớm, vì bà xã tao sức khỏe ngày càng tệ. Chẳng vậy mớ nho để dành cho mày đã đến mùa chín tao không giữ được lâu, chim xuống từng đàn canh hụt hơi.

Nghe đến đây, tôi cảm thấy có điều gì thôi thúc, thấy nghẹn ngào khi nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng đến lúc chín muồi thời gian như chùm nho ngoài kia. Cố nén xúc động, giọng trêu cợt: 

-         Để chim xuống có bậu bạn, cớ sao lại đuổi!     

Cậu Cẩn không quan tâm câu tôi nói mà bồi thêm thuốc mồi:

-         Cậu Mười, lại tên một đứa bạn khác, chỉ tao cách giữ nho khỏi bị chim ăn, nghe lời giờ thì thành rượu hết rồi!

-         Được rồi để tao tính. 

Anh em cùng khóa hầu như đứa nào cũng được đặt thêm tên ngoài tên cúng cơm. Đã bao nhiêu năm, vậy mà khi nói ai cũng biết. Riêng Cậu Cẩn tội nghiệp, vì bà xã bệnh nên cả năm nay anh không đi đâu được. Suốt ngày săn sóc vợ, lo từ miếng ăn, từng viên thuốc. Cứ vài ngày phải đưa vợ đi vô máu. Bà sống nhờ từng giọt máu của những người không cùng huyết thống. Lòng nhân đạo cao hơn màu da, không căn cứ vào quá khứ và giai tầng trong xã hội. Tôi đã ở vào hoàn cảnh này, nên cảm thông được tâm trạng anh. Niềm tin, tình yêu thương, tình nghĩa vợ chồng giúp con người vượt thắng bất trắc cuộc đời dù trong lúc vô vọng. Tôi bần thần nghĩ đến đoạn đường mình đã đi qua, và cầu nguyện cho bạn tôi được may mắn hơn mình.

Nghĩ tình bạn đồng cảnh ngộ, tôi quyết định tây du sớm hơn dự định, sau khi liên lạc với hai người bạn ở Nam và Bắc Cali sẵn sàng “chứa" tôi trong chuyến đi này. Chuyến đi thầm lặng như cuộc sống riêng tư của tôi bấy lâu, chính mấy đứa con tôi đến giờ cũng không biết là ba chúng đã bỏ nhà đi hoang cả tuần lễ. Cây cảnh thì có hệ thống nước tưới. Thư từ thì có bưu điện lo. Con cá lia thia làm bạn bấy lâu, cũng nằm xuôi cò trước ngày tôi rời nhà, chắc nó cũng biết thân nên lặng lẽ ra đi.  Sáng tinh mơ, tôi pha cho mình ly cà phê đầu ngày, nhìn lại lần chót, mọi vật yên lặng như tờ. Vẫn sự tĩnh lặng mà tôi hằng trực diện đêm đêm. Tiếng khép cửa, tiếng khóa lách cách, cây cảnh còn yên ngủ, đám cỏ xanh mát nhờ nước tưới đêm qua. Tôi quẳng lên xe vỏn vẹn hai cái xách tay nhỏ. Tiếng máy xe nổ, tôi rời nhà khi thành phố còn yên ngủ. Bãi xe trong các siêu thị trống trơn. Các ngọn đèn đường xanh đỏ nhàm chán đánh đu theo cơn gió sớm. Tôi lái ra phi trường, gởi xe, để khi trở về không cần người đón. 

Chuyến đi bắt đầu!

Ngồi trong lòng phi cơ nhấc lên cao, lòng nhẹ nhõm, buồn buồn và thêm chút lo âu. Nhẹ nhõm vì đã làm được điều mình hứa. Buồn buồn vì quanh tôi dù đông người nhưng sao vẫn cảm thấy trống trơn. Còn lo âu vì cách nay không lâu chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airline bị ai đó bắn rơi ở cao độ bình phi tại vùng trời xa lạ. Cuộc sống và số mạng con người sao lại chấm dứt một cách tức tưởi như vậy! Họ đã nghĩ gì khi bịn rịn chia tay với người thân đưa tiễn, có biết đâu đây là lần vĩnh biệt. Họ đã làm gì trong khoảnh khắc trước khi tiếng nổ long trời cướp đi mạng sống. Họ có nghe, không đau đớn nhưng tê dại, trước khi thân thể hóa thành trăm mảnh! Họ là nạn nhân của tranh chấp, của chiến tranh, của hận thù. Đây là thảm trạng chúng ta biết được. Còn biết bao thảm trạng đã và đang xảy ra trên quả địa cầu. Bao nhiêu sanh linh của các bạn đồng khóa của các chiến sĩ dũng cảm hy sinh để chúng ta có cuộc sống hôm nay. Tâm trạng tôi bềnh bồng như đám mây lơ lửng dưới thân con tàu. Bên dưới, dãy đất với rừng cây xanh ngút mắt. Có những đường mòn màu xám ngoằn ngoèo nổi bật như huyết quản của núi rừng. Vùng đất này chỉ hơn 300 năm lập quốc mà như người mang đôi hia bảy dặm nhiệm mầu biến vùng đất hoang sơ thành giang sơn cẩm tú. 

Tiếng động cơ rống lên từng hồi, phi cơ chầm chậm, xuống dần cao độ.  Nhà cửa, phố xá, xe cộ thấp thoáng bên dưới.  Và chẳng mấy chốc con tàu rồ máy thắng bớt, chạm đất bốc khói tiếng khô khan. Tôi đặt chân lên phần đất viễn tây mà mấy trăm năm trước hoang sơ, nay nhà cửa san sát, xe cộ như con thoi. Vợ chồng Ông Tây Già và Bà Đầm đón tại phi trường Ontario, một phi trường nhỏ miền núi nằm về phía Đông thành phố Los Angeles. 

Suốt mấy ngày lưu lại đây, tôi thấy được tình gia đình bạn tôi ôi sao đầm ấm. Tôi san sẻ được phần nào, được ăn các buổi cơm chiều không phải xới ra tô. Cây cảnh quanh nhà được vun trồng chăm sóc chu đáo để tiêu khiển. Cuộc sống này, làm tôi nhớ những gì bị đánh mất. Tôi không trách cứ, không đổ lỗi cho số mạng nhưng câm nín chấp nhận như đã từng chịu đựng trong những năm tháng qua. Các bạn cùng khóa được tin tôi đến, hẹn nhau ra quán cà phê để ôn chuyện ngày xưa. Một ngày đầu qua mau, buổi chiều xuống dần đồi núi nhuộm ánh vàng hoàng hôn và từng nạm kim cương bừng sáng qua đồi núi chập chùng khi mặt trời dần khuất. 

Ngày hôm sau chúng tôi rời nhà sớm theo đường liên bang số 5 trực chỉ hướng Bắc để thăm cậu mợ Cẩn, nơi thành phố nhỏ Fresno gần biên giới. Trên đường đi khi trời còn đọng sương mai, mùi phân bón của những nhà máy sản xuất bốc lên nồng nặc, làm tôi nhớ mùi rạ pha mùi hăng nồng các chuồng trâu bò ở quê tôi. Từng đàn bò thong dong trên đồi cỏ màu vàng úa. Có lần, tôi mơ ước có một đàn bò nho nhỏ lúc tuổi về già, nhưng nay chỉ là ước mơ. Mặt trời lên vừa quá ngọn đồi thì chúng tôi cũng gần tới nhà cậu Cẩn. Cậu gọi điện thoại mấy lần chắc vì nôn nóng cũng như chúng tôi mong sớm đến nơi thăm cậu mợ.  Ông Hai, vợ cậu vẫn gọi cậu như vậy, đưa bà Hai từ sáng ra ngoài vườn ngồi chờ chúng tôi. Mảnh vườn bình yên của buổi sáng không gió. Chúng tôi mừng gặp lại nhau. Chị Cẩn ốm yếu ngồi xe lăn, nhưng trông khá hơn lần trước tôi ghé thăm cách nay gần một năm. "Ông Hai" hâm nóng tô cháo trắng để "Bà Hai" ăn với cá kho mà vợ chồng người bạn mang đến. Chị vui nói chuyện nhiều. Cẩn nhìn tôi nháy mắt.  Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt mọi người, nhất là người đang tranh sống từng phút. Cậu Cẩn đưa tôi ra ngoài rào để cắt mớ nho chín cây lủng lẳng. Mùi rượu của nho chín úa. Tôi lẽo đẽo bưng rổ theo sau.  Cậu vừa cắt nho, vừa nói chuyện huyên thiên. Mảnh vườn này là thú vui của anh, trồng đủ thứ, cây ăn trái, rau và các thứ cây cảnh. Anh trồng cả chục chậu ớt chỉ để biếu bè bạn. Thấm thoát trời đã chiều.  Đúng năm giờ chúng tôi tạm biệt "Ông Bà Hai" và hẹn trên đường về sẽ ghé thăm. 

San José,

Nhờ cái may chậu ớt của cậu Cẩn tặng người khóa đàn em mà chúng tôi có dịp gặp các anh em cùng trường, tham dự buổi tiệc kéo dài đến 10 giờ đêm. Chúng tôi cáo từ để ngày hôm sau còn đi sớm thăm viếng mấy người quen, bà con và đi thăm Lâu Đài Tình Ái - Castello di Amorosa - Chateau de L'amour ở Napa valley. Đây là thắng cảnh, là nơi sản xuất rượu chát nổi tiếng ở Cali mà tôi có dịp thăm viếng.  Xe cộ theo con đường làng nườm nượp đến đây để thử rượu. Các cánh đồng nho san sát ven đường, trên sườn đồi, dưới thung lũng, đâu đâu cũng trồng nho. Những công nhân người Mễ đi từng hàng trong vườn nho để làm đất, và hái nho. Những người công dân láng giềng phương Nam của Hoa Kỳ đến đây dù bất hợp pháp, nhưng nếu không có họ thì lấy ai làm cho bánh xe nông nghiệp xứ này chạy đều.  Các nhà lập pháp Hoa Kỳ nhất là những tiểu bang giáp giới Mễ phải đánh đu trên sợi dây luật pháp sao cho khỏi phật lòng những người chủ đồn điền, trang trại giàu sụ này.    

Chúng tôi đến Castello di Amorosa vào khoảng 3 giờ chiều, sau khi ăn trưa tại quán ăn Thái trong thị trấn nhỏ gần đó.  Castello di Amorosa mở cửa cho công chúng thăm viếng vào năm 2007, nằm sâu trong thung lũng phía bắc Sacramento.  Đây là gia đình, thế hệ bốn đời, của người làm rượu nho nổi tiếng đến lập nghiệp lâu đời tại vùng San Francisco.  Vì đến đây khá trễ, và hẹn ăn chiều tại San José nên chúng tôi không có thời giờ nhiều để dạo quanh lâu đài.  Biết chừng nào tôi có dịp trở lại đây, cũng như những vùng đất tôi từng đặt chân đến mà vẫn chưa có cơ hội trở lại. 

Buổi ăn chiều tại San José, chúng tôi gặp hầu như đủ mặt các cậu mợ cùng khóa tại đây. Sau đó ghé quán chè, ngồi bên vỉa hè, gió mơn man, nhiệt độ mát lạnh như ĐàLạt. Không khí thật dễ chịu. Được ngồi cùng bè bạn ôn lại chuyện xưa, bình yên trong buổi hoàng hôn như vầy thật không còn gì êm ái, thơ mộng và lý tưởng bằng. Chúng tôi chia tay khi thành phố lên đèn. Luyến tiếc một ngày trôi qua. Mai này tôi phải rời xa các bạn biết chừng nào tái ngộ. 

Ngày thứ năm của chuyến đi này chúng tôi xuôi trở về Nam Cali, ghé qua chào tạm biệt "Ông Bà Hai Fresno" như đã hứa. Tôi mang theo mấy cây ổi, không biết có sống được ở vùng đất Houston không đây? Ba năm, năm năm sau ổi sẽ có trái, hy vọng tôi có dịp để nếm hương vị của cây ổi xá-ly, như khi xưa trồng ở mảnh vườn nhỏ bên nhà Việt Nam. Chiều hôm nay chúng tôi gặp anh em ở Nam Cali ăn chiều với các món mắm, bún mắm, lẩu mắm.  Nói chuyện bao nhiêu cũng không đủ, nên chúng tôi còn hẹn hôm sau uống cà phê sáng bắt đầu từ 11 giờ và chia tay... lúc 4 giờ chiều! Lâu thiệt! Nhưng chưa nói hết, câu chuyện giữa chúng tôi vẫn còn dang dở!

Hôm tôi khăn gói trở về lại Houston. Thời gian qua mau, bảy ngày trời bỏ nhà đi hoang mà vẫn chưa đủ. Chia tay ÔTG và Bà Đầm ở phi trường lòng bịn rịn. Trên đường về tôi không còn ám ảnh bởi chuyến bay MH17 mà trong đầu chất chứa hình ảnh bè bạn cùng tình cảm mà tôi nhận được trong những ngày qua. Chiếc xe nằm xả hơi mấy ngày ở phi trường thong thả lăn bánh trở về con đường thân quen, tìm về mái nhà thân yêu, bình yên. Tiếng khóa mở cửa, mùi dìu dịu thân quen trong nhà. Tôi tìm lại vùng an toàn. Bỏ mớ hành lý, đốt cây nhang cắm trên bàn thờ. Những bức hình nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Bóc vội bảy tờ lịch, ngày tháng vẫn lặng lờ trôi đến vô tình. Cái hồ cá nhỏ đèn sáng óng ánh, bọt nước sụt sùi nhưng trống trơn.

-  Alô! Cậu Cẩn đó hả?

-  Ủa! Mày gọi tao hay gọi lộn ai?

Tôi biết bị cậu Cẩn trả đũa, nhưng chỉ nói suông:

-   Gọi báo cho mày tao đã về đến Houston, bình yên. Tao cũng đã gọi báo cậu Mười,  ÔTG và Bà Đầm. Tao cám ơn mày cho mấy cây ổi. Gởi lời chúc bà xã mày mau lành bệnh.     

Cuộc điện đàm ngắn gọn chấm dứt chuyến đi. Cuộc vui nào cũng có hồi kết thúc. Chuyến đi bắt đầu và chấm dứt thật âm thầm, nhẹ nhàng như cảm tình tôi nhận được của từng người. Mỗi người có những kỷ niệm riêng tư với tôi và những giòng chữ này ghi lại sợ khi quên lãng. Hình ảnh các bạn ngày xưa và giờ đây thật nhiều thay đổi từ vóc dáng, mái tóc, lời nói... nhưng bên dưới lớp vỏ nhuốm màu thời gian, tình bạn luôn còn thắm thiết. Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn và chúc lành cùng sức khỏe để mong có ngày anh em gặp lại. 

Houston,

Đường xa vạn dặm ghé thăm nhau
Thời gian bay nhuộm trắng mái đầu
Tuổi đá rong rêu, chồn chân mỏi
Chia tay vẫy biệt nhói tim đau

Thằng Mõ

 

Phạm Văn Hòa
Ghi lại chuyến đi Cali tháng 8, 2014