Để trò mang khoai tây bên mình, thầy giáo dạy một bài học lớn thay đổi cuộc đời các em
Một ngày, thầy giáo quyết định dạy học cho lũ trẻ thông qua việc chơi trò chơi. Thầy giáo yêu cầu mỗi bạn trong lớp mang một túi nhựa nhỏ trong đó đựng vài củ khoai tây. Mỗi củ khoai tây ấy sẽ ghi tên người mà các em ghét lên đó. Vì vậy số khoai tây mà mỗi bạn nhỏ có sẽ phụ thuộc vào việc bạn ấy ghét bao nhiêu bạn trong lớp.
Đến ngày phải nộp túi khoai tây tại lớp, có một số bạn mang đến 2 củ khoai tây, một số bạn mang 3 củ, một số bạn khác mang những 5 củ khoai tây.
Sau đó thầy giáo yêu cầu mỗi bạn phải luôn mang theo túi khoai tây bên mình, cho dù đi bất cứ đâu, ngủ hay làm việc trong suốt một tuần tiếp theo.
Những ngày sau đó, bọn trẻ bắt đầu than phiền về cái mùi khó chịu của khoai tây đang bắt đầu phân hủy. Hơn nữa, những bạn có 5 củ khoai tây còn cảm thấy nặng nhọc, vất vả.
Sự phiền phức khi phải mang vác chiếc túi nhựa chứa những củ khoai tây khiến bọn trẻ cảm nhận rõ ràng gánh nặng mà chúng đang phải chịu. Chúng còn phải luôn để tâm đến chiếc túi, nghĩ đến nó và nhiều khi phải đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào.
Sau một tuần, lũ trẻ như trút được gánh nặng vì cuối cùng trò chơi này đã đến lúc kết thúc.
Thầy giáo hỏi: “Các con cảm thấy thế nào khi phải mang bên mình những củ khoai tây này trong suốt một tuần”?
Bọn trẻ thể hiện sự bối rối, chúng bắt đầu phàn nàn về những khó khăn mà chúng đã gặp khi phải mang những củ khoai tây vừa nặng vừa có mùi khó chịu đến mọi nơi chúng đến.
Thầy giáo mỉm cười nhìn đám học trò ngây thơ đang đua nhau kể chuyện về những rắc rối trong suốt một tuần qua. Câu chuyện của lũ trẻ dường như không có hồi kết cho tới khi thầy giáo bắt đầu giải thích cho chúng ẩn ý đằng sau trò chơi này.
Thầy nói rằng:
“Đây chính là tình huống khi các con mang theo mình cảm xúc căm ghét ai đó. Mùi hôi, mùi khó chịu của sự căm ghét sẽ làm ô nhiễm trái tim của các con, và các con phải mang theo cái mùi hôi này đến bất cứ nơi nào các con đến.
Nếu các con không thể chịu nổi cái mùi hôi của các củ khoai tây đang bị phân hủy này trong một tuần, thì các con hãy thử tưởng tượng xem mình sẽ như thế nào nếu luôn phải mang mùi hôi của sự căm ghét, hận thù trong trái tim trong suốt cuộc đời”?
Chúng ta sẽ như thế nào nếu cứ mang theo sự căm ghét và hận thù suốt một đời?
Mỗi người trong cuộc đời có học thức, nhận thức và sự tu dưỡng khác nhau. Vì vậy, quan điểm sống và cách nhìn nhận, đánh giá của mỗi người với cùng một sự việc là khác nhau. Tuy rằng sự khác biệt đó không thể hiện ra ai đúng ai sai, nhưng chúng lại dẫn đến những xung đột và hiểu lầm, từ đó sinh ra tâm oán giận, trách móc và không thể tha thứ cho người khác.
Nhiều người cho rằng tha thứ là việc khó làm trên đời, nhất là với những chuyện không vừa lòng, những người không vừa mắt. Nhưng học cách tha thứ, bao dung liệu có thực sự khó khăn đến vậy?
Cuộc sống của chúng ta cũng giống như bầu trời, không thể vĩnh viễn quang đãng và trong sáng, cũng có những khi mưa bão vần vũ, mây đen ngợp trời. Mối quan hệ giữa con người cũng vậy, không phải lúc nào cũng ở trong trạng thái hài hòa, vừa lòng, ai với ai cũng tốt. Sẽ có lúc cãi vã, xung đột lẫn nhau.
Tuy nhiên, trước mỗi mâu thuẫn gặp phải, nếu có thể bình tâm “lùi một bước”, chúng ta sẽ nhận ra rằng mọi mâu thuẫn phát sinh đều bởi tâm ta chưa đủ khoan dung. Đôi khi chỉ là một sự việc khiến chúng ta không hài lòng, tiếp theo đó là sự tức giận, oán trách và cuối cùng là hận thù không thể buông bỏ.
Quả thực, khi đang ở trong mê mờ của tâm oán giận, của tranh đấu để được lợi cho bản thân, ta sẽ mãi mãi không thể biết được sức mạnh to lớn của tha thứ và từ bi. Ta cho rằng tha thứ và từ bi là hành động cao thượng mà ta dành cho người khác, là cách ta ban ơn cho họ. Tuy nhiên, khi tha thứ cho người khác chính là chúng ta đang cởi trói cho bản thân mình. Tha thứ cho những sai lầm của người khác là chúng ta đang ươm trồng trên mảnh đất tâm hồn mình những hạt giống thiện lương, là đang dần dần khai sáng miền tịnh độ trong tâm mình.
Nếu trong tâm ta đầy Thiện, biết Nhẫn khi nghe người khác nói lời khó nghe về mình, lấy Chân thành đối đãi với người đối xử không tốt với mình thì oán hận sẽ không còn, bởi vì trong tâm ta đã đủ đầy khoan dung
Nếu trong tâm chúng ta tồn giữ Chân – Thiện – Nhẫn tâm chúng ta sẽ luôn bình an.
Phật gia có giảng duyên phận. Có thể gặp gỡ, có thể nên duyên vợ chồng, có thể làm bạn bè, người thân đều không phải một sự may mắn hay ngẫu nhiên. Bởi lẽ đó, mọi mối quan hệ trong đời đều vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Bởi vậy, còn điều gì mà chúng ta còn không thể bao dung và tha thứ cho nhau!
Sưu tầm