Tên tôi là Francis Tolliver, tôi sống ở Liverpool. Hai năm trước, chiến tranh chờ đợi tôi khi tôi vừa rời ghế trường học, ở Bỉ, ở Flandres, ở Đức Quốc, ở đây. Tôi chiến đấu cho quốc vương và đất mẹ mà tôi yêu tha thiết.
Bây giờ đang là mùa Giáng Sinh và thời tiết đông giá đang hoành hành một cách dữ dội nơi các chiến hào. Những cánh đồng băng tuyết ở Pháp thật yên ắng, không nghe thấy một bài hát Giáng Sinh nào vang lên trong không gian..
Và những gia đình thân yêu của chúng tôi, bên Anh Quốc xa xôi, đang vinh danh các con em của họ, những dũng tướng tràn đầy nhiệt huyết, đang ở rất xa quê hương của họ.
Tôi đang nằm cạnh anh bạn trên nền đất sỏi lạnh giá, bỗng dưng từ bên kia chiến tuyến một âm thanh thật đặc biệt vọng lại.
Tôi bảo "Anh em ơi, hãy lắng nghe này", thế là các anh lính nghễnh tai ra nghe.
Một tiếng hát với âm sắc thật trong trẻo vang lên một giai điệu tiếng Đức.
Ôi này, anh ta hát hay tuyệt", anh bạn tôi nói.
Rồi dần dần từng giọng hát bằng tiếng Đức hòa nhập vào đội hợp xướng. Đại bác giờ đã im tiếng, và những đám mây khí độc đã tan ra thật xa một khi Giáng Sinh đang cho chúng tôi vài khoảnh khắc ngơi nghỉ khi còn đang ở giữa cuộc chiến. Khi họ đã hát xong bài hát, và sau một lúc tỉnh tâm, vài anh bạn ở Kent (Đông Nam nước Anh) xướng lên bài "God rest Ye, merry gentlemen" Hồng Ân Thiên Chúa (Nỗi Lòng Mục Tử). Kế đó, vài người hát Stille Nacht. Tôi giải thích: Đó là bài "Đêm Thánh Vô Cùng".
Và rồi bài hát được cất lên bằng hai ngôn ngữ, cùng một bài hát bao trùm cả bầu trời quanh đó.
"Có ai đang đi về phía chúng ta kià", anh lính gác la lên.
Tất cả mọi người đều nhìn về phía một bóng đen cao ngồng vừa xuất hiện ra bên cạnh họ.
Trên tay anh ta ngọn cờ trắng phất phơ theo gió, như một ánh sao đêm Giáng Sinh, sáng rực trên cánh đồng trong khi anh đang tiến bước một cách hùng dũng, trên người không hề mang vũ khí, và rồi bóng đêm thật dày đặc lại bao trùm quanh anh ta...
Thế rồi, từng người một, từ cả hai bên chiến tuyến, chúng tôi tiến về phía vùng đai trắng, không ai mang súng ống, không lưỡi lê, và chúng tôi bắt đầu siết chặt tay nhau.
Tất cả chúng tôi chia nhau phần rượu mạnh đã được cất giấu bấy lâu, chúng tôi chúc mừng nhau, rồi dưới ngọn đèn vàng mờ nhạt, chúng tôi chơi một trận túc cầu, và đã làm cho đối phương bao phen phải vất vả.
Chúng tôi chia nhau những phong sô cô la, thuốc lá, rồi những đứa con và những người cha trao đổi cho nhau từng bức hình gia đình thương yêu từ nơi xa xăm mịt mù kia...
Cậu bé Sanders thì chơi đàn phong cầm, còn phía bên kia thì họ chơi đàn vĩ cầm, ôi một đám bạn thật kỳ ngộ và huyền hoặc làm sao, thật là khó tin!
Thế rồi ánh mặt trời đã lên, chiếu sáng cả khu chiến hào và thêm một lần nữa, nước Pháp lại trở lại là nước Pháp.
Sau những lời chia tay thật não nề, tất cả chúng tôi chuẩn bị để chiến sự lại tiếp diễn, nhưng rồi, một câu hỏi đã ám ảnh tất cả những thành viên đã hiện diện trong cái đêm tuyệt vời thật khó tin ấy cứ luẩn quẩn trong trí chúng tôi: Có người thân nào của tất cả những người ấy đã nằm trong tầm ngắm của chúng tôi từ bấy lâu nay không?
Lúc đó lễ Giáng Sinh đã về trên các chiến hào, ở đó mọi vật đã bị bao trùm bởi đợt rét căm quá tàn bạo, nhưng những cánh đồng của Pháp đã được sưởi ấm bởi khúc hát của đội hợp xướng, vì bao nhiêu bức tường được dựng lên giữa hai phe chúng tôi để buộc chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ ở chiến trường ấy đã bị rạn nứt luôn mãi rồi.
Tên tôi là Francis Tolliver, tôi sống ở Liverpool, và nếu tôi cần phải nhớ một bài học, đó là những người đã ra lệnh cho chúng tôi phải bắn giết lẫn nhau họ sẽ không thuộc nhóm người bị giết hoặc bị thương và rằng ở trên mỗi đầu súng, chúng tôi đều như nhau."
***
Theo những nhân chứng của thời ấy, hình như là đám lính Đức đã là những người tiên phong để thực hiện tình huynh đệ ấy.
Rồi tùy theo sự khôn ngoan hoặc vô nghĩa của các quan lại trong quân đội, vài cuộc nổi dậy đã bị dập tắt ngay trong trứng nước; dù sao, cuộc ngưng chiến đã được kéo dài cho đến đầu tháng Giêng năm 1914.
John McCutcheon- Nữ Lan dịch
*Mời xem phim, thật cảm động, và đầy tình người.
Cuộc Ngưng Bắn đêm Giáng Sinh
Khi họ nói Không Với Chiến Tranh -David G. Stratman - Nữ Lan dịch
22/6/2012-
Đó là vào ngày 25 tháng 12, năm 1914, chỉ mới 5 tháng kể từ khi bắt đầu Thế Chiến thứ I. Lính Đức, Anh và Pháp đã thật chán chường và mệt mỏi với những cuộc bắn giết vô nghĩa, đã bất tuân thượng cấp của họ và đã thành huynh đệ với "Kẻ thù" trong suốt hai phần ba của Mặt Trận phía Tây (một trọng tội với bản án tử hình vào thời chiến). Những đội quân Đức giương cây thông Giáng Sinh lên trên các chiến hào với biểu ngữ "Chúc Mừng Giáng Sinh".
"Bạn không bắn, chúng tôi cũng không bắn". Hàng ngàn dòng quân lính lũ lượt băng qua một vùng đai trắng với toàn thân người thối rữa rải cùng khắp. Họ ca những bài hát mừng Giáng Sinh, trao đổi hình ảnh của gia đình thân thương ở quê nhà, chia nhau phần lương thực, chơi túc cầu với nhau, hoặc ngay cả quay thịt. Binh lính ôm hôn những người mà trước đây vài giờ họ đã nhắm bắn.
Bộ Tư Lệnh Tối Cao của cả hai phe đều cảm thấy ghê sợ. Đây là thảm họa đang hình thành: binh lính tuyên bố tình huynh đệ với nhau và từ chối đi chiến đấu. Tướng lãnh của cả hai phe tuyên bố việc hòa giải tự phát sinh là mưu phản và bị đưa ra Tòa Án Quân Sự. Vào tháng 3 năm 1915 phong trào huynh đệ chi binh đã bị triệt hạ và máy chém đã được đưa vào sử dụng. Đến thời điểm ngưng chiến vào năm 1918, mười lăm triệu nạn nhân đã bị hành hình.
Rất ít người nghe nói đến câu chuyện về Cuộc Ngưng Bắn đêm Giáng Sinh.
Vào ngày Giáng Sinh năm 1988, một câu chuyện của Boston Globe kể rằng một xướng ngôn viên đài phát thanh FM địa phương đã cho phát rất nhiều lần bài "Giáng Sinh ở Chiến Hào", một ballad (bài dân ca hoặc về truyền thống dân tộc) và họ đã rất sửng sốt về hậu quả của việc này. Bài hát đã trở nên bài được yêu cầu nhiều nhất trong suốt kỳ nghỉ lễ ở Boston trên rất nhiều trạm phát thanh FM.
Và người xướng ngôn viên nói thêm "Tôi càng kinh ngạc hơn khi thấy không phải số lần bài hát được yêu cầu mà chính là phản ứng sau đó của những thính giả trước đây chưa bao giờ được nghe bài hát đó: "Họ gọi cho tôi với tâm trạng rất xúc động, đôi khi nghẹn ngào và bật khóc, nói rằng "Ôi Trời, tôi vừa được nghe những lời gì vậy?"
Quý vị thật dễ dàng đoán được vì sao những thính giả đó phải bật khóc chứ? Câu chuyện về Cuộc Ngưng Bắn đêm Giáng Sinh đi ngược lại với phần lớn tất cả những gì chúng ta được nghe về loài người.
Câu chuyện ấy đã cho chúng ta một ý niệm về thế giới theo ước mong của chúng ta, và nói lên rằng "Việc này đã thật sự xảy ra một lần rồi".
Điều này nhắc chúng ta nhớ về những cảm nghĩ mà ta đã giấu kín, vượt ra ngoài tầm của các câu chuyện trên truyền hình và báo chí, và cho ta biết cuộc sống con người thật tầm thường và thấp kém như thế nào. Sự kiện này giống như ta được nghe rằng những ước mơ sâu kín nhất của ta thật sự là có thật: Thế giới thật ra có thể khác đi.
Trích dẫn từ "Chúng ta Có Thể Thay Đổi Thể Giới", David G. Stratman: Ý Nghĩa Thật của Cuộc Sống Hằng Ngày (New Democracy Books, 1991)
Nữ Lan dịch