Nhật ký phong thành (số 1): “Ai đang giỡn mặt nhân dân?”
Từ trưa ngày 8-7, dân chúng đột ngột túa ra đường nhiều hơn mọi ngày. Ai nấy chạy vội vàng đến các cửa hàng gần nhà, đến các nơi có bán thực phẩm dự trữ, nhằm kịp mua ít gì đó cho gia đình cầm cự trong 2 tuần lễ phong toả, theo lệnh từ chính quyền.
Nhưng mà biết có phải thật sự là 2 tuần không? Bởi cái đích đến ấy cũng chỉ là một cột mốc đáng mơ ước của người có quyền, còn thực tế trong câu chuyện covid-19 tự nhiên trời đất, thì khó ai mà biết được. Đứng ở một ngã tư nhìn dòng người, tự nhiên bỗng thấy thích chữ “túa” ghê gớm: một từ miền Nam mô tả rất đầy đủ, như kiểu một đám kiến đang yên lặng di chuyển đột nhiên bị chấn động, túa ra hoảng hốt và không phương hướng, chúng túa ra, và có đứa, sẽ mãi mãi không có cơ hội tìm về một đời sống thường nhật.
Tới tối, ai đó thảy lên mạng các bảng giá hàng hóa, thấy tăng vùn vụt mà hoảng. Tăng gấp hai, rồi gấp ba… nhìn thôi, cũng không còn sức đâu mà tính. Các siêu thị tư duy hợp tác xã thì ra thông cáo, nói bà con hãy yên tâm, vì hàng còn nhiều lắm, bán dư sức luôn. Chính quyền ở Sài Gòn thì ra chỉ thị trấn an rằng lương thực dự trữ có thể xài tới 6 tháng. Nhưng không nghe ai nói gì đến chuyện giá cả đang tăng, nhưng làm sao có tiền để mua. Anh Tấn Beo, một danh hài ở Việt Nam lên một status nhìn như dở khóc, dở cười, với hai câu “bầu ơi thương lấy bí cùng, mà tại sao bó rau muống bán 50.000 là sao vậy bà con?”
Sài Gòn lo sợ thiệt tình. Nhìn mặt ai nấy căng như dây đàn lên lố cung, là hiểu. Nhưng sợ dịch là một đằng, sợ đói là một nẻo, mà nẻo lớn lắm.
Sài Gòn nhìn hoa lệ vậy nhưng là thủ đô của cần lao. Hàng triệu con người khắp nơi trên đất nước đổ về đây với ước mơ, dùng sức mình để dựng nên đời mới. Nhưng đường đi chưa tới thì lúc nào cũng đầy nhọc nhằn. Cơm chạy từng bữa, tiền nhà thuê mới chợp mắt mấy lần đã thấy bóng bà chủ, ông chủ đứng trước cửa rồi. Đó là chưa nói, tiền học của con, tiền bệnh… mọi thứ vẫn đang gồng gánh bằng nụ cười và khát khao lương thiện để tồn tại.
Trên trang của giáo sư Hoàng Dũng, có bài ghi tựa rất hài hước “Giỡn mặt với nhân dân”. Ông phân tích về các ngài gọi là lãnh đạo của Việt Nam cứ tạt vào mặt nhau, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Chẳng hạn ông Trần Quang Lâm, Giám đốc sở Giao thông TP, khẳng định: “Dừng tất cả xe hai bánh shipper, xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống”. Còn cấp trên của ông Trần Quang Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban TP Dương Anh Đức, thì tuyên bố: “Giao hàng bằng xe ôm, xe công nghệ vẫn được hoạt động”.
Bình luận chuyện này, giáo sư Hoàng Dũng viết “Trong những ngày này, người dân đặc biệt lắng nghe phát biểu của các quan chức vì chủ trương của chính quyền chống dịch ra sao ảnh hưởng đến nồi cơm của họ, đến cuộc sống hàng ngày của họ. Nghe chính quyền nói như thế, thì người dân biết ứng xử thế nào trong những ngày phong tỏa?
Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như trên là do báo đưa tin sai? Hay do chính quyền lúng túng trong chủ trương chống dịch?
Vì nguyên nhân gì, thì họ (báo chí hay quan chức thành phố) đều “giỡn mặt với nhân dân”.
Vậy đó, ai có làm nghề chạy xe ôm, làm giao phát hàng (shipper) hay từng đi xe để nghe chuyện đời của họ, mới hiểu. Có thể là nữ, có thể là nam, những câu chuyện của họ, là những mảnh ghép không lành lặn. Những câu chuyện đời còn dở dang, những ước mơ bị cơm áo cấu níu đến mệt nhoài… nhưng họ tạo nên cả một vùng lấp lánh về Sài Gòn.
Những con người đó không có cơ hội như con cái quan chức, sinh ra đã định trước nước nào sẽ đến học Đại Học. Không may mắn được là thành phần thân cận quan lại hay bu bám kiếm lợi quanh hệ thống để chạm nhanh vào các hợp đồng, dự án chia chác lớn lao… nhưng họ nối nhau dựng nên một tinh thần truyền đời kiêu hãnh của một Sài Gòn cần lao và lương thiện.
Họ chỉ có một nỗi sợ duy nhất là không được làm việc bằng mồ hôi, trí lực của mình để kiếm sống, để chăm sóc cho gia đình của mình. Dù sức đó, trí lực đó bị đánh thuế tàn nhẫn đến 30%, chia cho nhà thầu xe công nghệ và cả chính quyền (dù đã có tính thu nhập thuế cá nhân hàng năm). Con số 30% đó, được tính vào từng cuốc xe, có khi một cuốc chỉ 15.000 hay 20.000 đồng.
Đã vậy, từ ngày 9-7, có lệnh ai chạy ra đường bị coi là “không có lý do chính đáng”, bị phạt đến 3 triệu đồng.
Thử hỏi, là một người lao động với cuộc sống đã chạm đáy xã hội như xe ôm hay shipper, cứ nhấp nhổm lo đói, hoang mang biết mấy khi thấy ông này ca vịt, ông kia hát gà. Nhưng phận dân đen biết tìm ai mà hỏi, biết vịn vào đâu mà đi, hay đường đi không tới? Như vậy, không giỡn mặt nhân dân là gì?
Nhưng giỡn lúc nào thì còn được, nhè ngay lúc con người khốn cùng, lo sợ mà giỡn mặt bất nhất như vậy, coi có xứng là đồng bào?
9/7/2021
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh
Nhật ký phong thành (số 2): Chuyện cách ly
(10-7-2021) Ngày thứ hai cấm cửa dân Sài gòn, xảy ra đầy những chuyện tréo ngoe. Sáng sớm, ngoài đường cũng như trên các trang mạng đầy những hình ảnh dân chúng đi lại, bị các thành phần dân quân tự vệ, cảnh sát, trật tự phường… chận lại, hỏi gắt về sự “chính đáng” và “thiết yếu” của quyền ra phố. Người hoa tay múa chân giải thích, người có đưa giấy tờ cũng không xong, và có người bị rơi vào hoàn cảnh bị phạt đủ thứ tiền, tịch thu cả xe đến méo miệng. Nhưng để đó, từ từ cho kỳ sau, vì nó cũng dài dòng, đáng để buồn và cười lắm. Tạm thời, cứ ghi lại chuyện cách ly, như lời hẹn đã.
Dân Sài Gòn bị đưa đi cách ly, chuyện không là mới, chỉ mới ở chỗ là nhiều điều trong khu cách ly đến giờ mới biết, gây bất ngờ không ít cho dân tình.
Hồi cuối tháng 5-2021, một người đi cách ly thoát ra, đưa lên mạng, cho coi tờ tính tiền 14 ngày cách ly, cộng các chi phí xét nghiệm đưa đón, là gần 6.500.000 VNĐ (khoảng 300 USD, gần bằng một tháng lương của người làm công nhật). Nhiều người giật mình, nói nếu cả gia đình 4 người đi cách ly, kiểu này thì tiêu, không biết có tiền đâu mà trả. Cũng có người nói cầu may, biết đâu là phiếu cách ly này là tính tiền cho người nước ngoài về, chứ không phải cho người Việt Nam.
Trong một tin nhắn khác, được tải lên các trang mạng, cho thấy những phần ăn 80.000VNĐ/ngày ở khu cách ly tại Củ Chi không thể nào nuốt nổi, bị bỏ và thùng rác. Những người trong nơi cách ly nói họ chỉ còn trông mong vào thức ăn gia đình gửi vào.
Một bạn tên H, cho biết bị cách ly đến ngày thứ 10 ở khu chung cư đang xây dang dở tại Thử Đức. Phòng của bạn chứa 3 người, nguyên khu đó chắc cũng 300-400 người. Bạn kể là người cùng phòng trọ nhiễm covid, nên bạn bị gom đi cách ly luôn. Sẳn đang ốm yếu và có lao phổi (tức có bệnh nền), bạn H. sốt nặng, khó thở và lo liên tục trong ngày đầu. Gọi bác sĩ theo số được cho, thì lúc bị ngắt máy, lúc bận máy, lúc reo không ai nghe. Nhắn tin cũng không trả lời.
Ngày hôm sau lại gọi, may mắn đầu dây bên kia có tiếng đáp. Khi nghe kể về tình trạng bệnh, sốt, bác sĩ trả lời đơn giản là “Ở đây chỉ là khu cách ly, nếu bị sốt hay gì thì kêu người nhà gửi thuốc vào uống. Lúc nào chuyển biến nặng thì gọi báo bác sĩ sẽ đưa đi, chứ không lên khám được”.
Bạn H. cho biết chị gái của bạn, bị cách ly gần đó thì được đối xử có vẻ tử tế hơn. Khi sốt quá, người ta có cho 2 viên thuốc cảm Panadol, rồi thôi.
Nghe mà bần thần. Hầu hết những người bị đưa đi cách ly ở Sài Gòn, bị coi là có nguy cơ lây nhiễm loại virus chết người, và có thể bị chết vì loại virus đó. Nhưng kiểu đưa đi cách ly trong những tháng gần đây, cho thấy giống như là gom dân bị nghi là lây nhiễm vào một chỗ, rồi phó mặc cho định mệnh sinh tồn Việt Nam. Quan trọng là giữ yên họ trong đó, không cho thoát ra. Bạn H. gửi một mặt cười vào tin nhắn, và nói đành “tự sinh, tự diệt” vậy.
Thật khó tin được với nhiều lời kể khác nhau, đang lan nhanh trên mạng xã hội, khi một phía là hình ảnh trên báo chí, rùng rùng nhân viên mặc đồ bảo hộ y tế, tay cầm đủ loại dụng cụ và hết sức tận tâm, chuyên nghiệp. Một phía khác thì nhếch nhác và ơ thờ. “Họ kêu sẽ tự hết, có đề kháng trong người”, bạn H. lại cười.
Bạn H. trải qua 10 ngày “tự sinh tự diệt” như vậy, sống lại và bắt đầu liên lạc khắp nơi để đối chiếu tình trạng của mình, rồi thấy ai cũng như mình nên ngậm ngùi im lặng. Chẳng phải chính phủ đang kêu gọi chung tay chống dịch sao? Im lặng chấp nhận giờ đây cũng là một loại chung tay vậy.
Trương mục của chị Hạnh Quỳnh Lê trên facebook, đưa lên video mô tả khu cách ly của chị tại trường Trung Học Cơ sở Phú Lợi, quận 8, Sài Gòn, cho thấy rác ngập ở nhiều góc, người cách ly nằm đất la liệt và không có gì ăn. “nhiều người sốt, có ca em bé sốt 40 độ mà gọi bác sĩ không ai đến”, chị Hạnh Quỳnh Lê nói trên trang của mình. Trong ngày 10-7, bản video này như nước tràn vào khắp cánh cửa nhà của người đang còn chưa bị đưa đi cách ly. Nhiều người coi hình ảnh – gọi là phương pháp cách ly – để mặc những người nhiễm covid nằm chỏng trơ ở mọi nơi, và phó mặc cho số mạng, ai nấy đều giật mình.
Trong những câu chuyện về dịch bệnh từ thời hàng ngàn năm trước, có nghe kể rằng thổ dân châu Mỹ, khi đối mặt với dịch bệnh, bắt gặp có người bị bệnh, họ lôi ra khỏi làng, và đưa đến một hẻo lánh, bỏ nằm đó. Nếu đủ sức vượt qua, người đó sẽ được trở về nhà theo thời gian một con trăng tròn, tháng sau đó. Còn không thì đành chịu chết, và bị lãng quên.
Nghe có giống như những trại cách ly hôm nay không?
À quên, ngay cả thời mông muội thổ dân ấy, cũng có điều giống hơn nữa. Là nếu tù trưởng hay chức sắc trong làng bị nhiễm bệnh, họ được đặc quyền không cần phải đi ra khỏi làng, mà mọi nguồn lực cúng bái tà ma, mọi thầy mo được triệu tập đến để mong chữa cho họ mau khỏi. Để lại làm người lãnh đạo.
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh
Nhật ký phong thành (số 3): Sài Gòn bao nhớ
Buối sáng thứ 3 của ngày Sài Gòn phong thành (11-7), nghe tin công an giao thông và công an chốt chặn thông báo ghi phiếu phạt những người đi đường không chứng minh được tính “chính đáng” và “cần thiết”, tổng số một ngày lên đến gần 900 triệu tiền phạt mà… ham. Trung bình một người bị phạt là 2 triệu (gần 100 đôla Mỹ). Người đi đường và nhân viên chính quyền cãi nhau ỏm tỏi được quay video, kể lại đầy trên các trang mạng xã hội. Có vẻ, khái niệm mơ hồ “chính đáng” và “cần thiết” ở trong điều luật, cũng làm nhức đầu không ít với giới thi hành nhiệm vụ.
Chuyện phong thành, không ai được gặp ai ở Sài Gòn, hoàn toàn khác hẳn với các quốc gia hay được nghe kể chuyện ở như Anh, Pháp, Mỹ, Úc… Ở mấy xứ đó, người ta chỉ cần ở yên trong nhà, chính phủ sẽ yểm trợ nhiều thứ, bao gồm luôn cả gửi tiền ăn, miễn phí tiền thuốc… Còn ở Sài Gòn nói riêng, Việt Nam nói chung, phong thành đem lại biết bao nỗi lo của dân thường. Đặc biệt còn là nỗi lo của những người làm thiện nguyện, của những tổ chức phi chính phủ đang giúp người nghèo chạy bữa ăn. Nỗi lo dễ thương đến mức “nếu không phát cơm được, những người đó sẽ sống sao?”. Những lời than thở như vậy xuất hiện khắp nơi, thậm chí họ gọi cả chủ tịch phường, chủ tịch quận để chất vấn như gây gổ.
Sợ từng phần cơm không đến được người nhận, mà lo vậy đó.
Chuyện ở quán cơm từ thiện Nụ Cười 1 (Trần Hưng Đạo, Q.5, Sài Gòn) là một ví dụ. Mấy anh em đây nghĩ rằng giãn cách thì giãn cách, nhưng chuyện phần ăn của người nghèo thì vẫn phải lo. Anh Tập Nguyễn, một trong những người tham gia công việc này, kể rằng tuy vẫn xắn tay áo làm, cứ phập phồng lo khó khăn sẽ sớm xảy ra. Nhưng rồi cứ nghĩ tới chuỗi ba quán cơm Nụ Cười như vậy, mỗi ngày chu cấp cho 1500-1800 người nghèo, nay đột ngột ngừng, họ sống sao?
Dân nghèo Sài Gòn có đủ dạng. Từ người lao động nghèo, đến người già, đau yếu không khả năng tự nuôi mình, đến người bệnh không có tiền đóng tiền cơm tháng ở bệnh viện… Không chỉ quán Nụ Cười, mà hàng hàng lớp lớp những nhóm, những quán, những người tự nguyện… vẫn chia sẻ miếng ăn hàng ngày với đời khốn khó. Không có ai thống kê, nhưng không biết bao nhiêu là con người Bắc-Trung-Nam vẫn âm thầm cùng tựa vào nhau để đi, trên đất Sài Gòn này. Có người sống đến hết đời vẫn khổ. Nhưng có người may mắn thoát lên, họ lại nối tiếp, trả ơn cho đời bằng chính khả năng của mình.
Có người bạn nhạc sĩ từ Hà Nội vào, hắn viết trên facebook kể rằng đường đi dạy về nhà, lúc nào cũng phải qua 2 cây cầu. Thoạt đầu hắn ngạc nhiên vì không hiểu sao luôn có nhiều người ngồi ở hai bên thành cầu từ chiều tối. Cho đến một ngày, hắn nhìn thấy lúc xẩm tối, những thanh niên, những nhóm xe chở thực phẩm ghé vào đưa cho từng người, thì sửng sốt. Hóa ra, đó là giao ước đô thị không lời: Người nghèo cứ ở những nơi dễ tìm nhất, họ sẽ được ai đó giúp thức ăn, nước uống. Thậm chí nửa đêm mưa đổ, vẫn có những nhóm thiện nguyện chia nhau chạy đi, phát quần áo cũ, áo mưa cá nhân và bánh mì. Bất kể là ai, dù đó là một người ăn mày, một người, lang thang bụi đời hay một gã xì ke ma túy nào đó, cũng được nhận khi cần. “Tôi là người sống ở Hà Nội, nhưng ít khi nào nhìn thấy điều cảm động như vậy. Tuyệt vời Sài Gòn ơi”, anh ta kể.
Quay lại chuyện quán cơm từ thiện Nụ Cười 1. Y như rằng, sáng sớm lúc 6g30, lúc anh khoe rằng mọi người đang chuẩn bị hàng trăm phần cơm, làm thịt kho tiêu thiệt ngon cho bà con, thì điện thoại từ Ủy ban Phường gọi tới, nói dẹp liền tay.
Ai nấy buông tay, bàng hoàng. Điều đầu tiên họ nghĩ tới, là chuyện thất hứa với hàng trăm con người không quen. Hàng trăm con người đó sẽ không biết bấu víu vào đâu hôm nay, ngày phong thành mọi nơi vắng ngắt.
Anh Tập kể, khi quán thông báo phải nghỉ bán-cho cơm, người tìm đến như không muốn tin, vẫn nấn ná đứng lại chờ. Không ai đành lòng nhìn cảnh ấy, quán đành phải kéo cửa xuống. Ấy vậy mà họ vẫn đứng ngoài nói vọng vào năn nỉ: “Tụi tui đâu có chen lấn, đâu có xúm lại đâu. Cho tụi tui lấy cơm đi!”
3 ngày đầu giãn cách ở Sài Gòn vậy đó. Lệnh trên ban xuống phong thành, thì cứ bắt buộc thi hành, không cần biết – hay không chịu tìm hiểu cặn kẽ – để tìm một giải pháp thích nghi cho một đô thị lớn, muôn mặt phức tạp nhất trên đất nước này. Nhiều nơi làm từ thiện phải vào hoạt động du kích: Đóng cửa làm việc, cho người lén lút đi phát, hoặc thông báo riêng cho những khách khó khăn quen thuộc, ghé qua, nhìn quanh, lấy phần rồi lẩn đi.
“Tại sao người có tiền xếp hàng mua thực phẩm ở siêu thị trong những ngày này được coi là “lý do chính đáng được ra đường” trong khi người nghèo cùng kiệt xếp hàng trật tự chờ những phần cơm từ thiện thì bị coi là nguy cơ lây lan dịch bệnh?”, anh Tập Nguyễn đặt câu hỏi.
Nhưng những người làm từ thiện như anh Tập Nguyễn không chịu bó tay, dễ dàng chấp nhận các chỉ thị lạnh lùng ấy. Những cuộc gọi, nhắn tin, vận động, thuyết phục… diễn ra liên tục. Cuối cùng thì tới chủ tịch Quận 5 cũng mềm lòng, cho phép tuần thứ hai giãn cách, quán Nụ Cười sẽ bắt đầu lại, nhưng chỉ cho mang cơm đến các khu cách ly.
Dù chỉ mới là giúp cho các khu cách ly thôi – cũng đã là một bước tiến đáng mừng nên họ đành chấp nhận trước cánh cửa hẹp đó. Ở Việt Nam, cứ cố, và có còn hơn không. Nhưng còn những người nghèo khác thì sao, những người cần miếng ăn ngoài khu cách ly? Tôi không thể kể ở đây được với các bạn. Vì chắc chắn những nơi như quán Nụ Cười sẽ không bỏ cuộc, dù có bị xem là hành động “bất hợp pháp” trong những ngày quay quắt tình đồng bào.
Cũng trong ngày 11/7, chuyện một anh làm truyền thông ở điểm từ thiện trong Sài Gòn, phát cơm từ thiện nhưng nhận xét khắc nghiệt quá, khiến dân chúng khắp nơi giận dữ. Anh này có giọng lạnh lùng phê phán cách ăn mặc của người đi nhận cơm, hoặc kết án là lợi dụng bữa cơm từ thiện, qua video, khiến nhiều người khó chịu. “Cho người ta cơm, mà nói trên đầu người ta thì còn ý nghĩa gì?”, một người lên Tiktok, làm hẳn một video dài để phản ứng. Một người khác thì nói trên facebook “Giọng này không là người Sài Gòn. Kiểu cho cũng không là Sài Gòn, vậy thì đừng làm ô danh tấm lòng Sài Gòn”.
Sài Gòn vậy đó, cho cũng phải nhẹ nhàng, vui vẻ. Có cho cũng mang theo tình thương chứ không là của mạt thí bỏ đi.
Dân chúng nói quá, đến mức chịu không nổi, đến chiều tối, anh ấy phải tự quay video xin lỗi mọi người. Diễn biến nhanh, bùng lên dữ dội, có kết quả trong chỉ có một ngày. Mau mắn y như cách người Sài Gòn vừa nghe lệnh phong tỏa, đã ngồi xuống bàn với nhau, ngày mai dù có “bất hợp pháp”, ta cũng sẽ phát cơm từ thiện như thế nào để đến được với người nghèo.
Ai đi xa Sài gòn rồi sẽ nhớ lắm, những câu chuyện như vậy. Nhớ ơi là nhớ. Nhớ những thứ vụn vặt không thành lời nhưng lại chính là linh hồn đô thị. Nhớ đến bật cười, mà có khi quay mặt vào, nước mắt lại chảy quanh.
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh
Nhật ký phong thành (số 4): Chuyện không cũ bao giờ
Sáng nay, người nhà mang về cho mình ly café đá. Nhìn mà sửng người không tin được. Bởi giờ này, Sài Gòn có ai mà dám lộ diện bán buôn gì được nữa đâu. Khắp nơi, xe công an, dân phòng cứ rà rà dòm ngó, thấy chỗ nào có dấu hiệu lén bán, là xông vào phạt tức thì, không nói nhiều.
Hóa ra, đuối quá, nhiều nơi vẫn tìm cách bán cho khách quen. Những cánh cửa bí mật quen thuộc của Sài Gòn lại khép mở. Người mua lén lén mang đi. Người bán hé cửa, thấy ai quen lại gần thì suỵt, hỏi có mua không. Kiểu y như hồi sau năm 1975, người đổi đôla hay bán vàng cũng thì thà thì thụt như vậy. Nhìn ly café mà thương. Kiếm được chút nào thì ráng, chứ không ai dám đợi, cũng không ai dám tin vào lời hứa sẽ có hỗ trợ của chính quyền.
Chỉ thị 16 của nhà nước nói vậy, mà không phải vậy. Bởi Nhà nước phong tỏa nhưng tự co giãn cho mình mà không co giãn cho người dân. Các khu họp chợ ngoài trời đều bị giăng dây, cấm bán. Nhưng các hệ thống siêu thị của nhà nước thì vẫn mở bán, độc quyền giá cả và hàng hóa vào lúc này. Nhà nước nói cấm tụ tập ở nơi khép kín vì dễ lây. Nhưng các siêu thị như vậy thì ngút người, nhưng đố ai dám hỏi ngược chính quyền cả.
Mình nhớ một cô bán hàng chợ rong, mọi thứ vẫn chất đầy lên một chiếc xe máy cũ. Nào là thịt heo, gà làm sẵn. Rồi rau quả… cô còn trẻ lắm và tháo vát. Ngày nào cũng chạy vào hẻm gần nhà để chờ mấy người quen ghé vào mua. Lúc rảnh rỗi, cô ngồi ngó lung, nét mặt ít niềm vui. Hỏi thăm qua mới biết, cô từ Thái Bình vào, nơi miền quê nghèo, người dân phải chịu nhiều loại thuế nhất của Việt Nam. Cô nói chỉ có đi xa như vầy, cô mới hy vọng kiếm sống và gửi tiền chút đỉnh về nhà.
Những ly café nhỏ, dễ giấu còn bán được, nhưng gánh hàng như cô gái đến từ Thái Bình thì chắc đành chịu chết, đành nằm nhà thở dài mong một lúc nào đó, chỉ thị này, chỉ thị nọ sẽ sớm qua. Nếu giờ này mà cô cố ra đường, cố chạy ít tiền để đóng tiền nhà hay gửi dăm ba trăm về quê, cô sẽ không bao giờ chứng mình được tính “cần thiết”, hay “chính đáng” mà nhà nước đề cập tới.
Người dân như cô gái bán hàng nếu tuân thủ chỉ thị 16, và mong được giúp đỡ trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng như nhà nước vừa loan, thì báo chí cho biết cứ làm đơn, sẽ được duyệt. Đơn gửi lên Ủy ban gần nhất sẽ được duyệt trong 7 đến 10 ngày. Nhưng kiểu như cô, thì có gửi cũng chưa chắc gì được duyệt. Năm 2020, không cần phải làm đơn như gói 62.000 tỷ đồng, nhưng khối người nghèo đã bị gạt ra vì “không đủ tiêu chuẩn”, cô nói mình không dám mơ, và không muốn gửi đơn, để rồi thất vọng. Con số bị gạt nhiều đến mức là 62.000 tỷ đồng, đến tháng 5-2021, chỉ phát được hơn 15.000 tỷ đồng thôi.
Chuyện không cũ bao giờ ở Việt Nam, đặc biệt với dân Sài Gòn, là những điều nghe nói – rồi không có, của người cầm quyền trong lúc ngặt nghèo. Mùa phong thành này, đó là chuyện cứ lặp đi lặp lại không thôi. Đó cũng là lý do người dân cứ đổ ra đường, mỗi người một lý do, chạy sống chạy chết cho mình, bất kể hàng trăm chốt gác, barie, kẽm gai đang phân chia Sài Gòn như vào một mùa chống bạo loạn, thậm chí không vượt qua được, có khi tốn tiền phạt bằng 1/5 tháng lương.
Anh bạn trẻ Nhật Huỳnh, một người quen trên facebook kể rằng sáng 12-7, anh đi trên vỉa hè, trước nhiều cửa nhà bị giăng dây, có nhà buông rèm một nửa, bên trong có người ngồi, thỉnh thoảng bước ra ngoài, ngó ngó.
– Mua gì anh ơi – một cô gái trẻ hỏi khi thấy anh Huỳnh vừa đi chậm vừa ngó dáo dác
– ở đây tụi em có vịt, gà, anh mua gì?
Huỳnh kể anh may mắn mua được con vịt với giá 75.000 / ký. Nói là may vì nãy giờ chạy trên dãy phố này, anh cũng thấy vài nhà bán như cô em này nhưng khi vô hỏi, thì họ lắc đầu nguầy nguậy. Huỳnh đem tâm sự này nói với cô gái trong lúc chờ lấy hàng, cô gái phì cười:
– Tại thấy anh lạ, họ tưởng anh là chỉ điểm đó. M* tụi nó! Người ta buôn bán đàng hoàng, tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch mà nó coi người ta như tội phạm, giả vờ cho người mặc thường phục lân la rồi xông vào bắt. Đã không giúp dân thì thôi chứ….
Anh Huỳnh viết trên facebook rằng thấy những lúc nguy cấp, dân thà tin vào chính mình dù bất chấp nguy hiểm chực chờ (có khi là vi phạm pháp luật) hơn là tin vào lời hứa của lãnh đạo, bởi không phải tự nhiên mà dân nhác trông thấy họ thì gọi bằng 2 từ gần gũi: “tụi nó”.
Trên trang nhà của nhà thơ Đỗ Trung Quân, có câu nói hài hước “Xin hãy để cụ Thiệu được siêu thoát!”, ai nấy coi đều cười. Bởi khắp nơi, dân chúng cứ nhắc lại câu tuyên bố bất hủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tại Việt Nam, tại Sài Gòn mùa phong tỏa này xảy ra vô số những chuyện không khó tin được, mà nhớ cụ.
Lớn nhất là vụ nhà cầm quyền ở Sài Gòn bữa trước nói như đinh đóng cột “không có chuyện phong tỏa Sài Gòn”. Truyền hình báo chí đưa rầm rộ, nói dữ dằn như thể ai bị bắt gặp là a lê, lên đồn công an liền. Đùng một cái, ngay bữa sau thì truyền thông nhà nước như đeo mặt nạ, nói tỉnh bơ, tuyên bố phong tỏa Sài Gòn.
Không có một lời xin lỗi nào, và cũng không có ai của phía chính quyền phải chịu trách nhiệm với dân chúng về sự bát nháo và nhếch nhác của cả một hệ thống chính trị.
Trên trang nhà của luật sư Lê Công Định, có ghi lại chuyện này, rằng “Năm 1985, lúc tôi 17 tuổi, báo đài liên tục đăng thông báo bác bỏ tin đồn đổi tiền. Đùng một cái tin đồn thành tin chính thức. 36 năm sau VTV và các báo vẫn làm y như vậy, qua nay cứ bác bỏ tin đồn cho đã rồi bây giờ thành… trật lất. Chơi kỳ dzậy mấy cha?”
Cụ Thiệu lại không thể sớm siêu thoát nữa rồi, như lời nhà thơ Đỗ Trung Quân nói.
Cứ vậy, mà biết bao nhiêu chuyện lại dội về với người dân Sài Gòn, những chuyện đã lâu lắm rồi, nhưng lại không cũ bao giờ. Các trang mạng xã hội, các trang blog… lại có dịp đào xới những điều rất quen và rất đau.
Chẳng hạn như sau 1975, thông báo tất cả các sĩ quan Úy, Tá của VNCH đi học tập 7 ngày, theo kênh Ủy ban Quân quản. 7 ngày ấy, cũng là một kiểu đổi tiền sinh mệnh. Có người đi đến 10 năm mới về, có người bỏ mạng ở rừng sâu núi thẳm. Không ai giải thích tại sao, và không ai biết thằng quỷ nào ra cái thông báo lừa gạt dữ thần vậy.
Nhớ đến 3 lần đổi tiền vào năm 1975, 1978 và 1985. Lần nào thông tin cũng bị rò rỉ ra ngoài ít nhiều, dân chúng lo âu thì báo chí, truyền hình nói đừng nghe những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận. Nhưng rồi chỉ ít ngày sau, việc đổi tiền đã xảy ra như ai cũng đã biết. Nhiều gia đình có người tự tử, nhiều người liều mình ra đi vì không sản nghiệp không còn gì.
Thật may mắn cho những người yên ổn ở bên ngoài Việt Nam. Họ sống với tương lai và thanh thản với những điều đã ngủ yên. Nhưng nếu sống ở Việt Nam, bạn cứ được khều nhắc lại, và luôn được sống lại với những câu chuyện không cũ bao giờ.
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh
Nhật ký phong thành (số 5): Anh không chết đâu em
Mấy ngày trước, trong các nhóm hay chăm sóc mấy ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, gửi cho nhau tin báo ông Yến mất rồi. Nếu là một ngày bình thường, mọi người sẽ rủ nhau ghé qua chào ông lần cuối. Nhưng giữa đại dịch thế này, lại còn khắp nơi bị chặn hỏi, xét giấy… thôi thì đành chắp tay nhớ về ông vậy.
Ông Yến là một người vô danh, ngay trong cuộc chiến Nam Bắc, ông đã vô danh. Sau năm 1975, ông lại càng vô danh hơn. Giống như kiểu một người có hình dạng nhưng cứ rồi trong suốt dần, đến khi hòa tan lẫn vào gió, vào nắng trên trần gian.
Lần ghé thăm ông ở Cần Giờ trước khi Sài Gòn có phong tỏa, nơi giáo xứ Dòng Chúa Cứu Thế có xây một khu nhà nuôi dưỡng những ông vất vưởng trên đường, mang về và chăm sóc, tôi chú ý đến một người đàn ông có nụ cười hiền và ít nói năng gì. Đón nhận quà xong, ông quay vào phòng, ngồi nhìn qua cửa sổ. Mắt xa xăm như xuyên qua ánh nắng chiều, suy nghĩ bọc trong tiếng nhạc cải lương nho nhỏ, ri rỉ. Ông là một trong rất nhiều người đàn ông không may, sau chiến cuộc vẫn còn phải chịu một cuộc chiến tinh thần từ nhà cầm quyền, coi các thương phế binh VNCH là những thừa thãi và bất lợi trên toàn cảnh chiến lợi phẩm cách mạng vô sản.
Có người nói ông Yến “đi” vậy cũng hay, vì vẫn êm ả hơn hàng ngàn các ông thương phế binh VNCH khác, đang thẫn thờ với tuổi già, và khốn khó vì đại dịch.
Chắc bạn sẽ hỏi tôi, đại dịch và phong tỏa ở Sài Gòn, có biết bao nhiêu là người già và nghèo khó, vậy sao cứ tách riêng số phận của các vị cao niên thương phế binh VNCH (TPB-VNCH) ra để làm gì? Đơn giản bởi, ngay trong ngày thường, TPB là những người luôn chịu sự đối đãi khắc nghiệt của mọi chính quyền địa phương. Mọi hình ảnh liên quan và cả sự trợ giúp với họ, bị coi là “nhạy cảm” theo ánh nhìn chính trị của chính quyền sau 1975.
Năm ngoái, nghe nói có ngân sách 62.000 tỷ đồng, rồi năm nay tiếp theo là 26.000 tỷ… mà chính quyền tuyên bố dành trọn cho những người khó khăn, neo đơn, những người không có khả năng mưu sinh qua mùa dịch này. Nhưng hầu như không có ai, là TPB mà có thể nhận được những phúc lợi đó. Mọi người phải làm đơn xin, và phải duyệt xem đúng thành phần nào đó, mới được nhận. Chuyện dân chúng vẫn cười ngả nghiêng, văng nước miếng, nói cùng nhau lên tivi lãnh tiền cứu trợ đã đành, nhưng ngay với các ông TPB, thì có đùa, câu chuyện đó cũng không thể cười được với phần mình.
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, là một trong những người âm thầm nhận giúp đỡ cho nhiều ông TPB. Lúc ít thì 20-30 người. Lúc nhiều thì lên đến 160-200 người. Đại dịch này thì Cha tối tăm mặt mày, chỉ lo phát gạo cho các ông thôi, cũng không xuể. Sau tháng 7-2019, khi chương trình có tên Tri Ân TPB-VNCH thường kỳ tại Nhà thờ Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, bị Cha Giám Tỉnh mới về dẹp bỏ, nhiều Linh Mục, nhóm, và dòng… đã chia nhau, gánh mỗi người một ít, cố không cho các ông bị hụt hẫng.
Nhưng không chỉ vậy, việc phát quà TPB-VNCH diễn ra từ giữa năm 2019 đến nay từ Sài Gòn đến các tỉnh, dù âm thầm nằm trong diện chơi “cút bắt” với các chính quyền địa phương, khiến mọi thứ thêm tan tác. Theo thống kê, hơn 6.000 người già và bệnh tật như vậy đã bị giải tán khỏi chương trình trợ giúp chính danh tại Nhà thờ Chúa Cứu Thế, Kỳ Đồng, và họ chỉ còn thấp thỏm chờ gọi tên từ các cú điện thoại không thể hẹn trước, của những nhóm lặng lẽ nối tiếp công việc này.
Vào ngày phong tỏa đại dịch, khi được hỏi rằng sao không tìm cách điền đơn giúp các ông, để đưa lên Ủy ban xin giúp đỡ, như nhà nước vẫn nói. Cha Vinh Sơn bật cười “Khó lắm, hầu như không có ai được. Nghe đâu có vài ông, con cái đứng ra xin chung cho gia đình thì may mắn được. Còn những ông TPB mà chúng tôi biết, là hoàn toàn không. Họ không thể xin vì không có hộ khẩu, không có giấy tờ đầy đủ lâu nay. Nhiều ông từ miền Trung, khó khăn quá nên chạy vào Sài Gòn để xin bán vé số, xin làm lặt vặt đổi bữa cơm, không có gì để chứng minh cả. Chính quyền địa phương thì tụi mình quá biết rồi đó. Làm một cái đơn thì bị hỏi, bắt khai báo lung tung rồi cũng chẳng làm được gì”.
Người không lanh lợi như ông Yến, lại càng chẳng xin được gì. Mấy Linh Mục đưa ông Yến về nhà chăm sóc, kể rằng ngày vác được ông về, chỉ nghĩ được là mong làm đám tang có nơi có chỗ cho ông. Ấy vậy mà khi được ăn uống đầy đủ, có người chung quanh trò chuyện, ông sống lại. Cô Phạm Thanh Nghiên, một tù nhân lương tâm sống ở Gò Vấp, kể rằng lúc đầu khi ở khu trọ Vườn rau Lộc Hưng, ông Yến trong tình trạng suy kiệt, chỉ còn da bọc xương. Không ai nghĩ rằng ông có thể cầm cự và sống được bao nhiêu ngày. Ông phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt hàng ngày như tắm gội, ăn uống, vệ sinh đều cần có người giúp đỡ, chăm sóc. Lạ thật, ông sống lại mà không ai tin nổi: như một cành khô gầy guộc, chỉ chờ để vứt, lại chầm chậm ra lá, đơm hoa.
Nói đến sự trợ giúp từ chính quyền, những người như ông Yến không dám mơ. “Cái vụ 62.000 tỷ đó, những người gọi là có tiêu chuẩn được nhận, thì phải làm giấy, phải chứng minh, khai lên khai xuống và chờ được duyệt. Nhưng những người què, mù, tật nguyền… như (ông Yến) vậy, họ đâu sao dễ dàng tới lui làm chuyện đó. Đó là chưa nói khi khai bệnh tật của mình là TPB-VNCH là kể như xong. Nên tôi biết là các ông không ai làm đơn xin gì cả”, Linh Mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành kể.
Gói hỗ trợ dân nghèo 62.000 tỷ từ chính quyền, cho đến tháng 5-2021, báo chí thống kê là chỉ phát được hơn 15.000 tỷ. Như vậy là có vô số người đã làm đơn, đã chờ và thất vọng. Không hiểu vì sao chính quyền không phát tiếp, mà lại tuyên bố hết hạn giải ngân, rồi đưa ra gói mới là 26.000 tỷ đồng. Mọi thứ phải làm đơn xin lại từ đầu.
Nghe nói, ông Yến được mặc chiếc áo sơ-mi trắng đẹp nhất của mình khi nhắm mắt. Tài sản ông quý báu của ông là chiếc máy nhỏ hay phát nhạc cải lương, và đôi khi là mấy bài Bolero, có cả bài Anh Không Chết Đâu Em.
Cuộc chiến của đời ông Yến vậy là kết thúc. Nhưng cuộc chiến sinh tồn vẫn còn đeo đẳng với hàng ngàn đồng đội của ông trong tháng ngày đại dịch – phong tỏa tối đen này. Không có chiến tranh, không có lý tưởng, chủ nghĩa, chắc ông sẽ là một trong những người nông dân hiền lành ở đâu đó tại miền Tây Việt Nam. Ngày tháng của ông sẽ chỉ là vườn tược và sông nước, hát cải lương và bài Anh Không Chết Đâu Em.
Thôi thì chào ông Yến vậy. Và chào những người như ông Yến, vốn vẫn còn phải đang vật lộn với các tầng nghịch cảnh đời mình, dù không biết ngày mai ra sao, nhưng họ vẫn đủ bền bỉ để mỉm cười, để hát cho hết bài ca của đời mình, ít nhất là qua đại dịch.
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh
Nhật ký phong thành (số 6): Vặt nữa đi em
Nửa đêm, tự nhiên nghe một cái tin nhắn từ đứa em, chỉ quen trên facebook thôi chứ cũng chưa chừng từng gặp mặt bao giờ. “Bên anh có ai cần ăn rau không anh, mai em chạy qua đưa”.
Trước đây mà có ai hỏi vậy, chắc chỉ là chuyện nói qua lại cho vui rồi thôi. Nhưng giữa bóng tối thăm thẳm và heo hút phố chợ, sao nghe như tiếng chuông dịu dàng mở đầu cho buổi cầu kinh sớm mai.
“Có được bao nhiêu vậy D.?”.
“Bao nhiêu cũng có, em ở nhà vườn ngay ngoại ô Sài Gòn mà, anh tính chia ra cho bao nhiêu người thì nhắn, mấy chục ký còn dư”.
Tôi thoáng nhẩm. Nhà anh T, chị L, chị N,… Trong đầu hiện ra luôn gương mặt của những con người đó, vui với món quà “cần thiết” và hết sức “chính đáng” lúc này. Tôi nhắn cho D. con số 30kg toàn là rau, cải… rồi theo đợi mật lệnh. Trưa hôm sau, điện thoại tôi nhá lên tin nhắn “Ra nhận đi, em thả ngay đầu hẻm”. Nhờ thêm một thằng bé nữa, chạy tới nơi thì thấy mấy bịch rau lớn bỏ chỏng trơ ở đó. Không thấy ai khác. “Đâu rồi D.?”, “Em chạy rồi anh, để không bị phạt thì xui. May mà có thủ thêm cái áo chạy xe ôm Grab”.
Rau để trong nhiều bịch nhựa lớn. Tôi và thằng bé thay nhau ra đầu hẻm, xách vào nhà đến 2-3 lượt mới hết. Đến lần thứ 3, nhiều gia đình hé cửa sổ, mở cửa bước ra nhìn với ánh mắt khó tả. Nó giống như kiểu sau năm 1975, bạn đi nhận hàng từ Mỹ gửi về, hàng xóm cứ nhìn theo, không lời, nhưng làm cho bất kỳ ai đang vui cũng có thể chựng lại, áy náy.
Khổ lắm, thời buổi mà báo Một Thế Giới đăng cả một bài chất vấn “100.000 đồng/kg hành lá, 400.000 đồng/kg ớt ở TP.HCM lúc dịch, Bộ Công thương nói gì?”, có thể thấy cuộc sống Sài gòn bây giờ là để chạy đua với nhau tìm thực phẩm vừa sức mua và sốt ruột con số tăng liên tục. Nhiều thứ đang tăng giá gấp 3 lần, nhưng cũng không dễ tìm.
Tôi gửi lời cám ơn đến đứa em facebook chưa từng nói chuyện ngoài đó, gửi theo ít nụ cười và niềm vui của bà con nhận được. D. nói hắn cũng mừng, nói cần gì thêm thì bàn với nhau, hắn sẽ cố mang qua. Người Sài Gòn với nhau như vậy, hàm ơn không thể tả được. Hàm ơn cái cảm giác mình sống, và hàm ơn vì thấy cuộc đời chung quanh mình, ai cũng được sống.
D. may mắn chạy về được nhà, không gặp trắc trở gì. Nếu như xui mà bị vịn lại, mất 2,3 triệu tiền phạt vì ra đường không “chính đáng” như chơi. Phạt là a lê, khỏi cãi, vì đi làm chuyện bao đồng, chứ có thiết thực gì cho mình đây mà chứng minh được?
Chỉ thị 16 của chính quyền HCM đưa ra, được đủ loại nhân viên công lực rầm rập chận xét, thẩm vấn tại chỗ và phạt rất ngặt, với tuyên bố đanh thép “không chính đáng”. Nhưng sao biết được thế nào là chính đáng trong thời buổi này? Đôi sinh viên ở nhà trọ không có đồ nấu nướng, chở nhau đi mua bánh mì về ăn, cũng bị phạt vì mua thực phẩm không chính đáng. Một phụ nữ đi rút tiền về mua đồ ăn, bị phạt vì công an khăng khăng “mua online được rồi, rút tiền là chuyện không chính đáng”. Trên mạng xã hội còn có chuyện công an tự cho mình quyền quay video, không xin phép một bé gái mang con mèo của mình đến chốt, khóc nức nở xin cho đưa đến thú y. Viên công an đưa lên mạng giễu cợt nước mắt bé gái này, nói bé không giải thích được tính “chính đáng” của sự việc. Con mèo nhỏ chết sau đó. Nhiều người vào chia buồn với bé gái đó, trong đó có câu: “Đành vậy. Ở một xứ sở mà người ta còn coi chó mèo là thức ăn khoái khẩu, thì kêu gọi tình thương là điều không thể.
Báo Thanh Niên có bài “Mang rau Đồng Nai lên TP.HCM bị CSGT phạt 2 triệu: Trên đây mắc, sao mua nổi”. Tuy không dám phản ứng với chỉ thị 16, nhưng hàm ý trong bài cũng khó chịu sự cường quyền và làm dụng phạt người, với hai chủ đề mơ hồ “cần thiết” và “chính đáng” đang được tuyên bố vung vít, thậm chí giảng bài như tuyên giáo ở những chỗ phạt người.
Một phụ nữ, có vẻ là chủ một công ty nào đó, đi xe hơi mua rau số lượng lớn từ Đồng Nai lên Sài Gòn để làm thực phẩm cho các nhân viên của mình. Dù trình ra được đủ loại giấy theo quy định nhưng vẫn bị phạt, vì công an coi nhu cầu ăn rau không là chuyện “chính đáng”. Báo Thanh Niên trích mấy câu nói của người phụ nữ này “Sao lại không cần thiết, rau đây mắc quá sao mua?… Người nhà tôi rất đông, nhân sự của tôi rất đông… Sao là không cần thiết, anh trả lời tôi đi”.
Có vô số những trường hợp như vậy, tương tự như với người phụ nữ ấy, đã không có ai trả lời cả. Theo báo chí nhà nước thống kê, trong 4 ngày “ra quân” phạt, chính quyền HCM đã lập biên bản với 2.052 trường hợp, tiền thu về gần 5 tỷ đồng.
Người dân Sài Gòn làm gì mà cần đi ra đường dữ vậy? Bị phạt tối tăm mặt mũi mà vẫn đi, bất chấp vòng vây mang tên chỉ thị 16. Nhiều nơi tại Phú Nhuận, Gò Vấp… đã xuất hiện chỗ bán giấy thông hành giả để qua chốt, với giá 80.000 đến 100.000 đồng/giấy. Có giấy ghi là đi làm ở công ty A, B… có giấy thì ghi là đi bệnh viện, chở hàng… Người dân làm mọi cách để đi qua, vượt thoát… mà không muốn trả lời gì về việc tại sao họ cần thiết đi đến vậy, thậm chí phải bỏ tiền ra để mua giấy giả.
Tôi cũng tự hỏi, và tin rằng, nếu không là chuyện sống còn, chuyện bữa cơm hàng ngày, cùng cực với lẽ riêng… không ai thích tự mình đứng ra thách thức chính quyền như vậy. Rõ là trong một mệnh lệnh khô khan ban ra kèm tiếng nhạc thúc quân sống sượng, cơ thể Sài Gòn cuộn quặn, đau trong những nỗi niềm của mình mà không có ai tự xưng là chính quyền nhân dân ở đủ gần, có thể cảm nhận được.
Đã đau yếu, lại còn phải chịu phạt. Sài Gòn tôi ơi. Những tờ biên lai phạt và làm đầy ngân khố quỹ phạt nhanh chóng đầy tính chủ trương ấy, như vặt đi không biết bao mầm sống của người dân, trong cơn khốn khó.
Bất ngờ, ngày 13/7, trên mạng chuyền cho nhau một văn bản bị lộ của Ủy ban phường 6, Quận Gò Vấp về chuyện ra lệnh kín cho mọi nhân viên mặc áo công lực phải ra sức, mỗi ca phải phạt cho được 20 người. Một ngày ở phường này, có 6 ca trực. Tức một ngày phải phạt cho được 120 người. Ai nấy sửng sốt. Hóa ra, có cả một chủ trương mang tính hệ thống “vặt” người dân cho đầy ngân sách của chính quyền. Dân tình chửi bới không ngớt lời, đến mức cuối ngày 13/7, Quận Gò Vấp phải nói qua loa cải chính, rút lại văn bản này. Mặc dù dân chúng tức giận, nhưng chủ tịch phường 6 chẳng bị khiển trách gì, ngoài chuyện rầy rà chút xíu để lộ vì nội dung cơ mật thôi.
Hết nói nổi, giữa đại dịch này, việc bòn cho được những đồng tiền xương máu của dân chúng, lại là chủ trương hành chính, nhân danh lệnh phong tỏa. Sao lại có kiểu người cầm quyền điên loạn trục lợi trên nhân dân mình theo kiểu lấy mỡ nó rán nó: Dùng số tiền phạt đó, có thể thay số ngân quỹ cần xuất ra bồi dưỡng cho các ca trực (lại còn thừa nữa chứ). Người dân nào kém may mắn sẽ chi trả tiền canh chốt, và chung tay chống dịch, làm giàu thêm ngân quỹ của cơ quan địa phương.
Hành động đó, thời vua Gia Long, gọi là nhũng lạm, có thể bị xử roi, bãi quan, tù hoặc đi đày biệt xứ.
Chỉ còn biết cầu nguyện cho những người đang băng mình trên đường, với những điều không thể nào sẻ chia được sự “cần thiết” của mình. Nhất là khi họ phải nhốt mình ở nhà, còn các loại hỗ trợ của chính quyền ở rất xa, còn rất lâu. Xin cầu nguyện cho những người như D. , đứa em nghĩa hiệp mãi mãi không bao giờ chứng minh được sự “chính đáng” của mình trên đường, sẽ bình an qua tháng ngày nhiễu nhương này.
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh
Nhật ký phong thành (số 7): Đời biết ai thương mình
Sáng 15-7, Sài Gòn tối đen từ rất sớm. Những cụm mây lớn trải dài khắp các quận huyện dự báo một ngày không nắng. Thành phố đã vắng người, nay lại trĩu nặng và mệt mỏi hơn. Rồi những cơn mưa đổ xuống, không quá lớn nhưng từng cơn, từng cơn nối nhau, đẫm cả một ngày dài. Vài gương mặt thấp thoáng qua cửa số nhìn xuống đường, im lặng. Thi thoảng ai đó vụt qua nhanh, không biết là để tránh cơn mưa, hay để mau đến nơi đã định mà không bị vướng chốt kiểm soát.
Có vẻ như không có gì đáng để lạc quan, vào một ngày mà tin tức về người nhiễm covid-19 mỗi lúc càng nhiều. Cuộc sống dân Sài Gòn bây giờ xoay quanh các trang mạng xã hội, tin tức và sự thật cứ dội lên đó, luôn khác biệt trong đời thường.
“Đọc tin đó chưa?”, “Hay gì chưa?”… những thông điệp như vậy chạy quanh ngày sống của dân Sài Gòn, hiện trên facebook, tiktok, youtube… Cũng may mà có em, đời còn dễ thương, nếu không chỉ xem trên báo chí hay truyền hình nhà nước, đôi khi người dân có thể tự làm thiệt hại tài sản của mình, vì mất kiên nhẫn hay nổi giận.
Có cái gì đó thật bất thường. Khi Bộ Y Tế cho biết chỉ mới có 32 ca tử vong vì covid-19 ở Sài Gòn, nhưng rồi ai đó trong hệ thống lãnh đạo ở Thành Hồ lại sẩy miệng, xác nhận thật ra đã có đến 130 người đã chết. Con số cách biệt lớn quá khiến ai nấy chết lặng. Không thể nói khác được. Chiều 15-7, Bộ Y Tế lập tức lên tiếng nhận lỗi, và nói có “độ trễ trong việc Bộ Y tế công bố số ca tử vong, và cả số ca dương tính, so với địa phương”.
Trên báo Vnexpress, lời giải thích của Bộ Y Tế được ghi lại, là “Việc thông báo từng ca bệnh Covid-19 cần quá trình hoàn thành mã số bệnh nhân, yếu tố dịch tễ, đối với ca tử vong thì cần đưa chính xác nguyên nhân tử vong”.
Thật ra người Sài Gòn cũng không ai quan tâm đến cái kiểu giải thích dông dài – mục đích để thuyết minh rằng lãnh đạo chẳng có ai sai lầm cả – để làm gì. Điều mà người ta nhận thấy, là có cái gì đó bất bình thường trong tin tức về covid-19 đang đưa đến cho người dân. Bạn nghĩ sao? Liệu có chuyện quan chức nào ở Thành Hồ lại dám quên và lỡ miệng nói ra con số thật như vậy? “Có thể giới quan chức ở Sài Gòn không muốn mình phải gánh trách nhiệm theo chỉ thị từ trung ương, nên tự mình xé rào tiết lộ”, một người đọc báo, nhắn bình luận cho tôi.
Ngày 15-7, Việt Nam có đến hơn 37.000 người nhiễm covid-19. Riêng Sài Gòn đến chiều tối đã có đến 1399 ca nhiễm mới. Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn ra tuyên bố khiến ai nấy phải ngẩn người suy nghĩ “Ca nhiễm covid-19 tăng nhanh, do chống dịch đi đúng hướng”. Là sao? Nhưng rồi cũng không ai còn thời gian để tranh cãi với ông Sơn, vì đáng lo hơn, tối khuya ngày 15, báo chí đưa tin ông phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói “nếu dịch còn tăng, khó có thể bỏ chỉ thị 16 ở HCM”.
À, vậy là phong tỏa có thể sẽ nối tiếp. Ôi…
Quả là một ngày u ám theo nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Bất chấp hôm nay, là ngày mà thông tin từ Trang Chính phủ reo lên rằng “HCM cam kết ngày 15-7 chi trả hỗ trợ cho 260.000 lao động tự do, hoàn thành hỗ trợ theo nghị quyết 68 trong tháng 7”.
Thật là ngày vui qua mau, chỉ đến chiều, lại rộ lên những câu chuyện, “tình thương” của chính phủ hình như lọt vào khoảng không, vào những điều chua chát muôn thuở, khiến người nghèo lại thay nhau gào lên tức giận trên các video.
Dân ở hẻm 197, Ấp 4, xã Phước Lộc, Nhà Bè, Thành Hồ gửi đi chứng cứ cả một khu dân cư bị giam hãm hơn 20 ngày vì cách ly chống dịch. Dân ở khu này, phần lớn là lao động tay chân, mỗi ngày chạy hơn chục cây số vào Sài Gòn làm đủ việc kiếm ăn. Từ lượm ve chai, móc cống, phụ hồ… có gì làm nấy, miễn có cơm sống qua ngày. Ai nấy vàng mắt chờ được giúp. Đùng một cái, nghe có hỗ trợ, họ đổ xô đi kiếm trưởng ấp, trưởng xã để hỏi. Đúng ngay lúc đó, họ bắt gặp danh sách “người nghèo” nào đó đã được lập từ trước, và trưởng ấp đang giấm giúi chia cho những người trong danh sách đó. Cả trăm con người khốn khó ở đó, ai cũng bị ra rìa, chỉ có 9-10 người được nhận trong lặng lẽ trơ trẽn. Đó là còn chưa nói, danh sách khó khăn được nhận, trưởng ấp bị bắt gặp đang phát cho chính vợ mình.
Dân bu vô hỏi, thì được giải thích là theo chỉ thị của thành phố, chỉ được phát có bao nhiêu đó thôi. Một bác gái ra trước ống kính, nói giọng Bắc như mới vào Nam “tôi đi mua ve chai đây này, hơn 60 tuổi rồi, mà chẳng nhận được gì. Còn vợ ông Trưởng ấp thì lại nhận đầu tiên”. Những người quanh video không thấy mặt thì thay nhau gào lên. Giọng một người đàn ông khàn đục vang lên, nghe quen thuộc “Đ.M, vậy mà nói giúp đỡ”.
Dân ở đây nói họ tự chạy miếng ăn trong những ngày cách ly, gọi xin, đón người làm từ thiện để nhận quà rồi chia nhau đồng đều. Không ai thấy hỗ trợ nào của nhà nước cả. Nhưng rồi đến khi nghe nói có tiền, chỉ có danh sách nào đó được nhận.
Chuyện của những người dân Nhà Bè không là một sự kiện hiếm hoi đâu. Từ chối trợ giúp ai đó, gần như là một thủ thuật nhuần nhuyễn của giới hành chính địa phương lên danh sách trợ giúp. Chỉ cần hoàn thành việc trao tiền cho một nhóm người nào đó, mang ý nghĩa biểu trưng, thế là sau đó địa phương có thể làm báo cáo là xác nhận đã hoàn thành kế hoạch trợ giúp dân nghèo. Số 9-10 người được nhận tiền ở Nhà Bè, được coi là tổng số khó khăn ghi nhận, và khi sau khi trao tiền, kể như xóa được mọi khó khăn – đã hoàn toàn xóa đói giảm nghèo. Còn cả trăm người khác, là vô nghĩa.
Có rất nhiều lý do khiến một người nghèo bị từ chối giúp đỡ tại Việt Nam. Đầu tiên, bạn sẽ bị hỏi đến căn cước, rồi hộ khẩu hoặc có đăng ký tạm trú tại địa phương. Bạn sẽ phải chứng minh rằng mình rất nghèo, giới thiệu công việc, giới thiệu thu nhập và cần cả người chứng cho lời khai của mình, và chứng minh rằng đang có khoảng thời gian đói khổ – tình trạng ấy, cũng phải có người xác nhận. Cuối cùng, bạn phải có phải có một lá đơn xin, và chờ xét duyệt 3-4 bên: công an, ủy ban, tổ trưởng, nơi làm việc… Cũng như những người ở Nhà Bè, mọi nỗ lực của bạn sẽ bị im lặng cho qua, hoặc may mắn hơn thì được trả lời vỏn vẹn “không đủ tiêu chuẩn”.
Bạn tôi ơi, người nghèo Việt Nam muôn hình vạn trạng. Có những người ăn mặc chào hàng rất tươm tất, khi chiều về thì cẩn thận thay ra, treo lên trong căn nhà trọ tồi tàn của mình để mai lại sắm vai. Có những người nghèo Việt Nam lam lũ, có thể nhìn là biết ngay. Nhưng trong đại dịch này, bìa của cuốn sách, không nói hết được nỗi niềm ẩn chứa trong nó. Khó mà lường hết được.
Ở khu Gò Vấp, sáng hôm qua, một gia đình có cửa hiệu buôn bán nhìn rất khang trang, nay phải đóng cửa, cô vợ mở cửa vừa bước ra, lập tức công an ập vào kết tội là nơi này âm mưu buôn bán trở lại, đòi phạt tiền. Người chồng chạy ra nhìn sững sờ, rồi quỳ sụp xuống lạy công an như tế sao “trời ơi, vợ tôi mở cửa bước ra, chứ có buôn bán gì, làm ơn thương tui đi, tui khổ quá mà”. Tiếng gào khóc nức nở của anh ta như xé toang màn sương mù khiến tay công an phải lùi lại, nhưng bắt lỗi khác “sao không đeo khẩu trang”…
Vậy đó, Sài Gòn hôm nay, Sài Gòn phải trải để biết đời, còn có ai còn thương mình?
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh
Nhật ký phong thành (số 8): Nhìn từ đáy
Mới sáng sớm, nghe lao xao, mở cửa bước ra nhìn đã thấy con hẻm cách chục thước bị giăng dây cách ly rồi. Đó là một cái ngõ nhỏ, dẫn vô mấy căn nhà toàn người ở trọ. Có vẻ như là dân ở tỉnh vào, thuê để đi làm. Họ ở gần, mà không bao giờ chạm mặt để trò chuyện được: Sáng tờ mờ họ đã đi, khuya mịt mới về. Người ở ngõ đó cũng không thấy chơi karaoke hay sinh hoạt giải trí gì. Dường như về đến nơi trọ, họ chỉ kịp ăn, ngủ vội để mai lại đi làm.
Đóng ngõ đó, không biết họ sống sao. Anh công an khu vực trẻ buổi tối ngồi gác ở trước dây cách ly một mình, có mắc một ngọn đèn nhỏ tù mù, nhìn buồn buồn như ngõ có đám tang.
Thấy tôi đi mua hàng về, anh chào. Sẵn tiện, tôi hỏi thăm là sao thấy anh chỉ có một mình vậy (ngày thường nhân viên trật tự, dân phòng… của vùng này cũng đông đúc lắm). Anh ngần ngừ rồi nói rằng ngoài các nhân viên ăn lương của chính phủ, ai nấy cũng cần chạy về nhà để lo cho gia đình lúc mù mịt này.
À. Có thể hiểu, khó khăn thật sự đang thúc mọi thành phần quay đầu, nhìn về gia đình của mình. Chỉ mới có một tuần đóng cửa, Sài Gòn đã có quá nhiều chuyện khốn khó hiện ra, ai cũng lo ngay ngáy. Việc siết chặt phong tỏa với các cuộc tuần tra, phạt… khiến các nơi vẫn đang nỗ lực chia sẻ phần ăn của người nghèo cũng không làm được nhiều như trước. Không ở Sài Gòn lúc này, không đứng dưới đáy của cuộc sống, khó có thể nhìn thấy sóng ngầm đang run rẩy mọi nền móng thiết chế.
Mấy người lo phần cơm từ thiện ở Phú Nhuận kể rằng họ mất một ngày không tiếp cận được khách quen của mình, hôm sau mang được cơm đến, có cụ run run bóc ăn ngay vì đói từ qua đến giờ. Người phát cơm cũng muốn khóc. Gánh nặng của lẽ yêu thương cuộc đời chưa bao giờ trĩu như vậy.
Sài Gòn lần đầu tiên chứng kiến những người gõ cửa xin giúp. Họ không xin tiền, chỉ xin gạo, xin nước mắm, xin ít quả cà… Một người họ Huỳnh viết trên trang fanpage Sài Gòn Chợ Lạc Xoong rằng anh bị gọi từ đêm trước để xin thức ăn, bồn chồn ngủ không được. Đến sáng chạy ra đưa thì thấy người già nhận và chắp tay lạy anh. Kể lại với giọng như muốn khóc, anh nói rằng cả đời họ Huỳnh của anh không dám nhận lạy của ai, nên đối diện với chuyện đó, đã hoảng kinh lạy trả. Sài Gòn đã run rẩy đến vậy trong hơi thở, đôi chân, tiếng gọi của kẻ khó. Ai nỡ lòng nào tự cho mình là kẻ đứng trên?
Bài viết của anh được share nhiều lắm. Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau thì anh cho ẩn đi. Mấy người quen đi tìm coi lại, không thấy, thở dài và nói rằng cũng dễ hiểu thôi. Bởi đông người vào bình luận xót ruột, nói nặng về chính quyền. Như tất cả mọi người đang làm từ thiện, đang gánh vác sứ mạng đồng bào ở Sài Gòn hay Việt Nam cũng vậy, phải biết chọn cách bày tỏ. Ngay cả nói về người nghèo, phải mô tả với giọng điệu lạc quan, không được quá cùng cực. Nếu không may bị rơi vào ánh nhìn như kiểu “mượn từ thiện để bôi xấu chế độ”, mọi công việc giúp người sớm muộn gì sẽ gặp khó.
Anh họ Huỳnh đó cũng kể một câu chuyện khác.
“Em ơi cho chị xin hai phần cơm với nha, ở nhà chị còn một đứa bạn. Mấy nay tụi chị không có gì ăn, đói lắm.”
“Dạ đây, chị lấy thêm đồ ăn nè để mai có mà ăn, mua hoặc nấu thêm cơm trắng thôi!”
“Cảm ơn em, cảm ơn em nhiều lắm nha!”
“Mà chị có đi làm không, cố lên nha chị, mùa này ai cũng khó khăn!”
“Đi làm không ai dám nhận em ơi, nên chị chỉ nhận đồ gia công về làm thôi à. Mà cũng bữa có bữa không, đói miết.”
“Ủa sao không ai nhận chị, em thấy đi bán hàng cũng đỡ lắm.”
“Tại hồi đó chị làm… gái. Sau này chị có bệnh nên không làm nữa, sợ lây cho người ta mang tội. Nghiệp mình gieo giờ mình lãnh em ơi, trách chị chứ không trách ai. Giờ đi khám sức khoẻ ra giấy tờ vậy rồi ai đâu dám nhận, nên thôi. Chị cũng không biết mình còn bao lâu, bây giờ chỉ ráng sống rồi đi chùa làm công quả. Cũng mong cuối đời nhẹ gánh, kiếp sau chuộc tội…”
Bạn họ Huỳnh kể, nhìn thấy nước mắt chị ứa ra. Trong khốn khó, có khi người ta không ngại mở lại vết thương của đời mình, và trong chân thành, con người đối diện nhau cũng cảm thấy như cùng chung một niềm đau vô danh hoàn hảo. Triệu con người mang triệu tâm trạng không lời đó, đang quay quắt trong ngày tháng này. Đất Sài Gòn vẫn im lặng ôm lấy họ bao lâu nay, nay kiệt sức mới đành để lộ diện vậy.
Mới quay qua quay lại. Anh H., một anh bạn luật sư gửi cho cái tin nhắn về chuyện “đã lâu lắm rồi, Sài Gòn mới nhìn thấy người đi xin gạo qua bữa”. Mà giật mình, lại là những bạn sinh viên trẻ ở tỉnh. Kẹt ở khu cách ly thành phố. Kẹt ở mùa giãn cách mà nhiều vùng chia cắt không giúp được, họ đành phải muối mặt xin chút gạo qua ngày.
Sao chính quyền không làm như ngày xưa nhỉ? Lúc ốm đau, khốn khó, các chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn mở kho thóc, phát chẩn cho khắp dân đen. Còn bây giờ, chỉ thấy phải làm đơn để đợi duyệt cho đúng thành phần, mở thêm cửa hàng bán cho dân, lại tăng giá điện, giá xăng…
Miếng ăn thôi mà. Một người làm dân phòng xênh xang đến chị gái lỡ đường, thậm chí đến một quan chức… Có phải cái đói luôn công bằng trong từng sự đay nghiến sao?
Năm Ất Hợi, đời Gia Long năm thứ 14 (1815), đã từng có bệnh dịch, ghi nhận thiệt hại có tới 206.835 người chết. Triều đình Huế đã xuất công quỹ 730.000 quan tiền để phát chẩn, mai táng.
Đại Nam Thực Lục ghi, Vua Gia Long ra dụ, rằng “Gần đây nghe có người đau ốm giữa đường, dân sở tại đã không nhận nuôi lại còn ruồng đuổi, chẳng chút lòng thương xót giúp nhau, phong tục ấy rất là bạc bẽo. Từ nay quân dân đi đường có người đau ốm thì chủ quản ở làng xóm đều phải tùy tiện bảo dưỡng, không được ruồng đuổi, mỗi ngày nuôi dưỡng bao nhiêu, nhà nước trả tiền, chết thì cấp tiền chôn cất, để cho kẻ còn người mất đều được nhờ ơn, không một ai phải bơ vơ thất sở. (Cấp tiền nuôi dân và quân mỗi ngày 30 đồng; cấp tiền chôn quân 3 quan, dân 1 quan)”.
Ngày xưa thì vậy. Giờ thì dân với dân, có lẽ nhanh gọn và không phiền hà phán xét gì nhau. Vậy lại nhanh hơn, và tình người hơn.
Đã là ngày 17-7 rồi. Hai ngày trước, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cam kết chi 26.000 tỷ cho người nghèo với phương thức nhanh, quả quyết táo bạo nhất, chưa từng có. Nhưng giờ thì lại không thấy dư âm gì của cuộc ra quân phát chẩn “táo bạo” ấy của chính quyền.
Cũng có thể ai đó, đã được nhận. Mừng cho họ. Nhưng còn nhiều lắm, nhiều gương mặt mệt ngoài, những đôi mắt buồn rầu chờ một tia sáng san sẻ lúc này. Sao nhà nước không dùng 26.000 tỷ đó để mua thực phẩm, hoặc đổi thành phiếu thực phẩm để phát từng nhà, từng người đang bị vây hãm khó khăn từ cuộc phong tỏa, để người không phải chắp tay lạy người, nhìn nhau, rưng rưng khắc khoải?
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh
Nhật ký phong thành (số 9): A lô bác sĩ ơi!
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh
Nhật ký phong thành (số 10): Chuyện mùa hè
Mùa hè năm nay ở Việt Nam có vẻ ít mưa. Trời hầm hập nóng từ trưa. Nóng đến chiều, thậm chí đến hết nắng mới có được chút không khí dịu mát. Nghĩ đến không biết bao nhiêu con người mặc những bộ PPE bảo hộ lúc làm việc chống dịch mà sợ. Chỉ nóng và mất nước thôi cũng đủ xỉu. Các bạn cứ tưởng tượng ở thời tiết nóng trung bình 35-38 độ C ở Sài Gòn, mà phải mặc suốt một cái áo mưa bịt kín như vậy suốt 8-10 tiếng, thì hiểu.
Bà cụ sống trong con hẻm bên cạnh, căn nhà nhỏ và thấp. Chiều nào cụ cũng bước ra đứng ở đầu hẻm đón gió. Ông dân phòng mặc bộ đồ màu cứt ngựa đi ngang, phất phất tay “Thôi vô nhà đi, đứng ngoài đây nguy hiểm lắm’. Bà cụ lắc đầu, nheo nheo mắt, “Đứng chút đã. Ở trong nhà ngộp cũng chết mà”.
Nóng nực quá, rồi chuyện dịch bệnh tràn vào các khu trại giam ở Chí Hòa, đã nên hồi ngày 6-7 đã xảy ra vụ hàng trăm tù nhân ở đó nổi loạn. Trong đêm đó, tiếng súng nổ liên hồi. Anh L., một người sống gần khu trại giam Chí Hòa kể là lần đầu tiên anh thấy tiếng reo hò của phạm nhân, tiếng súng, tiếng quát tháo của cán bộ trại… kéo dài, bày ra một khung cảnh chưa bao giờ có. “Lần đầu tiên mới thấy, đó, lâu nay, nhiều nhất là nghe còi hụ thôi, chứ lớn như vậy thì chưa bao giờ”, anh L. kể.
Báo chí cho biết có đến 81 phạm nhân, cán bộ trại, công nhân viên phục vụ trại… bị nhiễm covid-19. Nhưng đỉnh điểm là tối 6-7, tin về một thanh niên 26 tuổi bị giam ở đây đã chết, khi đang dương tính với covid-19 lan ra trong trại, khiến sự kích động làm bùng nổ sự kiện.
Dù đưa tin dè chừng và nhỏ giọt, nhưng rồi ai cũng biết là trại xa hơn như Bố Lá cũng đã có covid lây nhiễm trong đó. Còn xa hơn nữa thì không ai biết. Các trại giam bao giờ tin tức cũng kín như bưng.
Chiều 18-7, người dân Sài Gòn nhìn thấy hàng chục xe thùng, chuyển các phạm nhân ở Chí Hòa đến nơi khác. Nghe nói là đến trại giam ở Củ Chi, nơi cái nóng đến điên người.
Sài Gòn đã vậy, còn ở những nơi khác như Nghệ An, nơi có trại giam số 6 lừng danh khắc nghiệt, tù nhân sẽ trải qua những ngày nóng như tra tấn, cùng chuyện an toàn trước dịch bệnh như thế nào?
Chị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, người bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế, nói chị cũng nghĩ đến điều đó, nhưng cũng không biết có tin gì, cũng không biết làm sao. Trại giam lấy lý do là dịch bệnh, nên không gia đình tù nhân nào được đi thăm, mà chỉ gửi đồ qua bưu điện. “Mỗi tháng được 10 phút gọi điện thoại về, nói không được bao nhiêu thì hết giờ. Thăm hỏi, dặn dò… không sao đủ được. Mà hầu hết người nhà không ai dám hỏi những gì sâu hơn, vì bất cứ khi nào cũng có thể bị công an trực đang nghe, cúp máy ngang khi họ không đồng ý”, chị Kim Thanh nói.
Chắc cũng không nhiều người còn nhớ. Hồi tháng 7-2019, đã có một cuộc tuyệt thực của 4 người là Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Đào Quang Thực và Trần Phi Dũng, để phản đối việc trại giam đột nhiên cắt điện và tháo quạt trong phòng giam. Trời nóng hừng hực, chỉ ngừng quạt một chút thôi đã không thể chịu nổi, nhưng cán bộ trại vì lý do gì đó, lẳng lặng mang quạt đi, lấy cớ là hư.
Khi mọi người trong phòng đề nghị cùng chung tiền mua quạt mới, và thậm chí là trả tiền điện trong phòng, cán bộ cũng từ chối. Những người lớn tuổi và sức khỏe yếu như thầy Đào Quang Thực và ông Nguyễn Văn Túc thì gần như rũ liệt trước tình hình này. Chuyện xảy ra hồi tháng 7, đến tháng 12-2019, thầy Đào Quang Thực chết trong trại.
Chắc cũng phải nói thêm một chút, về cái nóng ở Nghệ An. Sài gòn có nóng, thì cũng chỉ là tắm hơi giải trí. Còn ở vùng đó, đặc biệt ở trại giam thì thật sự là lò nướng. Dân làm ruộng ở Nghệ An phải đi ra đồng từ 2-3g sáng để làm việc và đến 9g thì về nhà nghỉ, chứ không ai chịu nổi cái nóng.
Hoàng Đức Bình, người bị tù 14 năm về việc đưa tin dân Nghệ An đi kiện Formosa, kể chuyện anh ở trại tạm giam của công an ở đây, cho biết, thời tiết nóng đến mức tạt nước vào tường, nước như muốn sôi lên và bốc hơi ngay. Ban ngày trong trại nóng quá, phải tạt nước cho lấp xấp dưới nền nhà cho đỡ nóng. Đến tối thì trời lại lạnh, lau khô sàn, nằm được một chút thì ngấm lạnh cả người. Sống qua được vài tháng mùa nóng như vậy thì người khỏe cũng trở nên suy sụp.
Điều vừa cảm động, vừa nhói lòng, là những tù nhân như anh Trương Minh Đức, Hoàng Bình… khi gọi về thường nhắc gia đình phải giữ sức khỏe. Cuộc điện thoại mới nhất, anh Đức nhắc vợ mình nên đi xét nghiệm covid hay ghi danh xin chích sớm đi. Bởi chị Kim Thanh nằm trong độ tuổi mà Nhà nước đang kêu gọi phải chích sớm, đặc biệt chị lại bị bệnh phổi mãn tính nữa.
Nhưng đó cũng là một câu chuyện khác. Gia đình của các tù nhân lương tâm dường như nằm rất khuất trong ánh nhìn kiểm soát xã hội của chính quyền. Họ không được xem là những công dân bình thường. Con cái đi học, người nhà đi làm… luôn gặp trắc trở. Trong phong tỏa ở Sài Gòn, nhiều gia đình sống trong thành phố ngoài chuyện hoàn toàn không có ai được trợ giúp về thực phẩm, hỗ trợ tiền thất nghiệp, việc có mặt của họ trên cuộc đời cũng giống như không có thật. Chị Thanh nói muốn ghi danh đi chích, chị cũng không biết hỏi ở đâu, và làm sao được nhận. Thành phần “hay lên tiếng” như chị, đi chứng giấy tờ ngày thường còn gặp đủ chuyện khó, huống chi đến lúc này. Một người khác, xin giấu tên, thì nói rằng chỉ mong là khi nào có dịch vụ chích ngừa covid-19, thì họ sẽ dành dụm tiền để đi chích, chứ đợi đến nhà nước nhớ tới, gọi tên, thì quá xa vời.
Không giống như bà cụ ở hẻm gần nhà tôi, cứ bước ra đường để hóng gió chiều của mùa hè vắng, đầy nắng gắt. Nhiều gia đình của các tù nhân, luôn phải cố giữ mình, phải tránh né mọi thứ để không rơi vào chuyện bị buộc đi cách ly. Bởi cách ly trong khu tập trung, cũng rất vô chừng ngày tháng, có khi là 14 ngày, có khi là 21, ngày… có người cho biết họ bị cách ly 45 ngày vẫn chưa ra khỏi trại. Nếu chẳng may như vậy, họ không thể chuẩn bị đồ thăm nuôi tháng cho chồng, em, con… của mình, cũng có thể không may đón hụt cuộc gọi về của người trong trại.
Số tù nhân lương tâm bị kết án ngày càng nhiều. Gia đình của những tù gặp khó khăn, cũng ngày càng dài. Trước đây, có những người đại diện kêu gọi giúp đỡ cho họ, ở miền Nam thì có chị Dương Thị Tân, miền Bắc thì có chị Nguyễn Thúy Hạnh. Nhưng giờ chị Nguyễn Thúy Hạnh cũng đã bị bắt. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những người gây quỹ giúp, thì mới ngày 18-7, cũng phải tuyên bố ngừng vì nhận ra ông có thể rơi vào cái bẫy hèn hạ nào đó, trong việc nhận tiền giúp các tù nhân lương tâm.
Mùa hè năm nay thật khắc nghiệt. Dịch bệnh và phong tỏa đang làm kiệt sức quá nhiều người. Ai nấy mệt mỏi đến mức khi tôi nhắc về những người tù đang bị phong tỏa đời theo năm chịu án. Sự cảm thông hiện lên đôi mắt, hiện lên từ câu hỏi thăm. Nhưng chỉ có thể vậy thôi. Vì chẳng phải ngay cả chúng ta cũng đang quay quắt, đang không thể cựa quậy gì trong cuộc sống này sao?
Tuấn Khanh
Blog Tuấn Khanh