Hai chữ thân thương nầy đã tốn bao nhiêu giấy mực để diễn tả, bao nhiêu văn từ để ca tụng, cũng không thể nói cho hết nghĩa. Bao nhiêu áng văn, thơ, nhạc ca ngợi người mẹ, nghe hoài vẫn chưa đủ,
Mẹ già như chuối ba hương
Như cơm nếp mật như đường mía lau,
Mẹ già như áng mây trôi
Như sương trên cỏ như lời hát ru . . .
(Hàn Sĩ Nguyên)
Ôi! Nghe ngọt ngào làm sao!!
Từ lâu, tôi muốn viết về Má tôi. Với ước nguyện đơn thuần là nói lên nỗi lòng của mình, diễn tả phần nào cảm quan của tôi vì nghĩ đến công ơn cha mẹ đã nuôi dưỡng mình nên người khôn lớn. Tôi càng bị thôi thúc nhiều hơn để viết về Má tôi, khi tôi đã giã từ tuổi thơ ngây và giờ đây là mẹ của hai đứa con. Tôi hiểu thấm thía sự ưu tư của người mẹ khi đứa con ấm đầu, sổ mũi. Tôi cảm nhận được tình thương dâng tràn khi ôm con vào lòng và tôi cảm thấy vui sướng khi đứa con ngoan ngoãn, khôn lớn theo từng năm tháng. Lòng mẹ thương con bao la! Tôi may mắn được thừa hưởng di sản tình thương yêu mà Ba Má tôi đã truyền cho tôi và các em tôi. Càng ngày, tôi muốn viết về Má tôi, như nhu cầu cần ăn uống, hít thở để sống, và tôi muốn viết lên nỗi lòng của mình cho các con của tôi đọc và hiểu được sự thâm thúy của tình mẹ thương con của Người Mẹ Việt Nam.
Nhiều lần tôi tâm sự với cô em họ:
- Chị muốn viết về Má chị, nhưng nghĩ mãi không biết viết gì! Có lẽ chị không có hiếu với Má chị, em ạ!
Cho . . . mãi đến tuần rồi, khi biết Má tôi bị cảm, tôi vội vã đưa hai con tôi về thăm Bà Ngoại, mặc dù Ba Má tôi bảo đừng lên vì đường xa và trời sắp tối, nhưng trong lòng tôi có điều gì thôi thúc và nóng ruột. Trên đường đi Ba điện thoại cho hay Má tôi đã ngủ, tôi trả lời:
- Con sắp đến nhà rồi, con sẽ ngồi chơi với Ba, chờ Má thức dậy sẽ cạo gió cho Má.
Khi ba mẹ con tôi đến, Má tôi cũng từ phòng ngủ bước ra. Tôi nhìn ánh mắt Bà như có gì không bình thường, nhưng tôi nghĩ có lẽ tôi lo lắng quá thôi. Sau khi ăn uống xong, tôi đỡ Má lên giường để cạo gió cho Bà. Khi nằm trên giường, tôi lại nhận ra có cái gì khác thường nơi Má. Tôi cảm thấy Bà nét khờ khạo như một em bé, như không còn sức lực và cần vòng tay che chở . . . . Đây không phải là hình ảnh người mẹ mà tôi biết. Tự nhiên, tôi muốn khóc và muốn ôm chặt Má tôi vào lòng và nói với Má là con thương Má nhiều lắm. Lòng xốn xang! Tại sao? Tại sao Má tôi ra nông nỗi này? Tôi phải làm gì bây giờ? Bao nhiêu câu hỏi dấy lên trong đầu. Nếu đến thăm bà sớm, may ra tôi nhận thấy sự bất thường này sớm hơn. Lạy Trời Má tôi chỉ cảm bệnh thường thôi vì tuổi già khi trở trời, trở gió. Trời đã khuya, tôi từ giã Ba Má tôi vì ngày mai hai con tôi còn phải đi học.
Trên đường về tôi nghĩ là từ nay tôi phải đến thăm hỏi Ba Má nhiều hơn. Vì gọi điện thoại thăm hỏi chưa đủ, vật chất mà chị em tôi lo cho Ba Má cũng vẫn chưa đủ. Một cử chỉ thân yêu, một vòng tay, một chút hơi ấm, ánh mắt trìu mến, những giây phút bên nhau . . . đó là những vị thần dược mà Ba Má tôi cần trong lúc tuổi về chiều. Biết bao người ở tuổi tôi không còn ba má, không có cái diễm phúc này, không còn người để sớm hôm phụng dưỡng. Còn tôi là người may mắn còn đủ cả song đường, thì tại sao tôi lại phí đi những giây phút nhiệm mầu để được cận kề Ba Má tôi. Chị em tôi phải tận hưởng những giây phút thiêng liêng "ngay hôm nay", bởi vì "ngày mai" có khi không còn cơ hội nữa.
Vừa về đến nhà, tôi điện thoại cho Ba để hỏi xem Má có gì khác hơn và có khỏe hơn không? Ba tôi trả lời với giọng lo lắng và sợ sệt:
- Từ khi con về, Má con hình như mất một phần trí nhớ, Má lại có những lời nói và cử chỉ khác thường nhiều hơn.
Sau phút bàng hoàng, tôi gọi cậu em Út, nhà gần đó, đưa má vào bệnh viện. Vì trong đầu tôi nghĩ Má bị đứt mạch máu não. Tôi thấp thỏm chờ đợi cậu Út báo tin. Một chút gì xót xa, một nỗi buồn man mác dâng lên. Tôi cảm thấy như nghẹt thở và cổ họng như khô quánh nghẹn ngào. Tự nhiên hai dòng nước mắt len lén chảy dài. Tôi ngồi phịch xuống ghế. Hai tay ôm đầu. Tôi cảm thấy như bất lực. Tôi phải làm gì đây? Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ưu tư, tình yêu thương bao la đã tích trữ trong Má, bao nhiêu và bao nhiêu thứ nữa vui buồn . . . chẳng lẽ phút chốc bị xoá hết trong đầu người Má thân yêu? Bao nhiêu biến cố dồn dập đến với tôi trong những năm tháng gần đây. Sao những nỗi bất hạnh cứ ập đến như thác lũ, như cơn sóng biển đua nhau xô vào bờ. Nhưng giờ đây, nỗi lo lớn nhất là nỗi lo mất mẹ, nỗi lo Má không nhận biết chúng tôi thì còn gì cho một kiếp sống con người. Sao Trời Phật bất công như vậy? Nỡ để khổ cho một người suốt đời luôn luôn lấy tình thương yêu đùm bọc gia đình, lấy tình thương yêu giúp đở kẻ tha nhân không hề quen biết? Tại sao và tại sao?
Bao nhiêu câu hỏi, mà không có câu trả lời!
Tôi quệt chùi nước mắt và loạng choạng đi đến bàn thờ Phật Bà đốt nén hương khấn nguyện, mong lời cầu xin được ơn trên nghe thấy mà phò hộ độ trì cho Má tôi được qua cơn bệnh ngặt nghèo. Tôi thắp nén nhang lên bàn thờ chồng tôi và cầu anh phò hộ cho Má, vì tôi biết lúc sanh tiền anh rất kính mến Má tôi. Khói hương nghi ngút. Những sợi khói nhẹ nhàng tỏa lên và tan loãng trong không gian. Tôi còn khấn nguyện nếu Trời Phật có lấy bớt tuổi thọ của tôi để cho người được tai qua nạn khỏi thì tôi cũng vui lòng. Vì tôi hiểu thấm thía câu "sinh ly tử biệt" từ khi chồng tôi qua đời. Đầu óc tôi quay cuồng bởi những ý nghĩ "Mất mẹ"!
- Mẹ! Có con đây Mẹ à! Ngoại chắc không sao đâu, mình chưa có tin gì của Cậu Út mà Mẹ!
Hai đứa con tôi từ phòng học chạy ra và nói với tôi như thế. Tôi vòng tay ôm hai con Huỳnh Thy và Tâm An vào lòng. Ba mẹ con ôm chầm, ngồi bệt xuống thảm trước bàn thờ và để những dòng nước mắt nóng hổi tuôn trào. Các con tôi nói đúng. Đến giờ này, tôi chưa có tin gì thêm và được biết Má đang ở phòng Emergency của nhà thương chờ khám nghiệm. Tôi ôm chặt hai đứa con hơn, như sợ hai đứa sẽ vuột khỏi tầm tay. Tình thương hai con lai láng. Hai đứa con mất cha lớn khôn hơn tôi tưởng. Từ ngày ba chúng mất đến nay đã hơn tám năm trời. Tám năm qua bao nỗi thăng trầm cho đời tôi. Hai đứa khi đó còn bé lắm. Giờ đây trước mắt tôi là hai cô gái biết thương yêu, biết lo lắng và biết san sẻ những nỗi vui buồn của tôi, biết lý luận và khuyên răn tôi trong lúc tinh thần tôi bấn loạn! Tôi nhìn hai đứa trìu mến. Vuốt tóc hai con và nhớ tới hình ảnh khi xưa Má tôi vuốt tóc tôi khi tôi còn bé. Bao nhiêu tình yêu thương, Má tôi đã gởi vào từng ngón tay khi các ngón tay cài trên mái tóc tôi và vuốt ve từng sợi tóc lẻ. Tâm trí đó, tình thương đó! Cầu Trời Phật đừng để vuột mất khỏi khối óc của người mẹ thân yêu.
Tôi tự trách mình là sao không đến thăm Má thường hơn. Vì từ ngày chồng tôi mất, tôi bỏ thật nhiều thời giờ để lo cho hai đứa con mất cha. Ngược lại, tại sao tôi lại thờ ơ như vậy với Má? Một mai mà Má mất đi hay tâm trí bà là một khoảng trống không thì cho dù tôi có làm gì đi nữa, thì cũng đã muộn màng rồi. Tôi thầm trách mình và ao ước các em tôi cũng vậy, nếu mỗi đứa em bớt chút yêu thương, bớt chút thời giờ lo cho chính mình mà chia xớt ít nhiều cho Ba Má thì chắc Má sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn. Biết đâu nhờ đó mà Má được thêm tuổi thọ, biết đâu nhờ vậy mà Má được đưa đến bệnh viện sớm hơn để Bà không lâm vào hoàn cảnh như hôm nay!!! Tôi nhớ đến mấy mươi năm trước khi Má tôi chắt chiu từng đồng cắc, từng chỉ vàng mà bà cắt củm giành dụm để lo cho ba đứa em tôi đi tìm tự do. Tôi làm sao quên hình ảnh Má tôi nhai từng còn thằn-lằn sống để nhổ thuốc cho em trai tôi vì bà nghe nói là trị được bệnh của nó. Má tôi còn đưa cả ngón tay để cho em tôi cắn máu chảy dầm dề, chỉ vì sợ em nó bệnh mà cắn đứt lưỡi khi bị cơn bệnh hoành hành. Nào ai có thấy cảnh đó mới hiểu thấm thía lòng mẹ thương con, hy sinh tất cả để bảo bọc núm ruột của mình. Má tôi là như vậy. Sự hy sinh của bà cho con cái như trời như biển. Và ngày nay khi chúng tôi thành đạt nơi xứ người, các em lo chu cấp cho Má đầy đủ; và tuy là những đứa con hiếu thảo . . . , nhưng tiền bạc, vật chất không thể bù đắp được những thiếu thốn, những nhu cầu về nội tâm mà chúng ta không hề hay biết! Tôi chỉ ước nguyện và nếu lời cầu xin của tôi được thỏa nguyện thì tôi cũng sẽ xuống tóc, như trước đây tôi đã xuống tóc cầu nguyện cho Ba tôi.
Thời gian trôi qua chầm chạp . . .
Tôi cố dỗ giấc ngủ, nhưng không thể nhắm mắt vì hình ảnh Má tôi vẫn in rõ trong trí. Tôi lâm râm khấn nguyện cầu xin có phép lạ đến với Má tôi , cố gắng xua đi những điều xấu, mong tìm chút hy vọng trong nỗi tuyệt vọng. Giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị, và khi thức giấc đầu óc tôi nặng nề, chân tay rũ liệt. Tôi như người bị bệnh, mệt mỏi thể xác lẫn tâm thần. Nhưng khi nghĩ đến Má tôi, tất cả dường như tan biến. Tôi điện thoại cho Cậu Út. Bên kia đầu dây, với giọng nói lo lắng, em tôi cho biết bệnh trạng của Má có phần nặng hơn. Vì theo lời bác sĩ cho biết vì đưa Má tôi vào bệnh trể hơn vài giờ nên không biết trí não của Má tôi có được hồi phục hay không! Lòng tôi tràn ngập nỗi hối hận và gào thét "con thương Má nhiều lắm Má ơi!". Tôi thất vọng hoàn toàn và nghĩ Phật Bà đã không nghe thấu lời khấn nguyện của tôi, bây giờ chị em chúng tôi có muốn làm gì . . . có muốn lo gì . . .cho Má . . . đều đã muộn màng rồi hay chăng!?
Sau đó tôi gọi cho các Cậu, Dì để báo tin, mong san sẻ tâm tình và nỗi lo lắng với người thân. Tôi điện thoại báo tin cho Dì Mười em của Má tôi. Hai Dì cháu khóc thật nhiều. Tôi điện thoại cho em thứ Tư của tôi hay, hiện đang đi ngoài tiểu bang. Cậu em lặng người lúc nghe tôi kể lại tất cả sự việc, và bảo tôi hãy bình tỉnh để còn lo những việc trước mắt, còn nước còn tát mà. . . .
Nhiệm mầu thay! Chiều hôm đó, tôi được tin Má tôi có phần hồi phục mặc dù khi nhớ khi không. Nhưng đây là dấu hiệu tốt. Tôi chấp tay khấn nguyện. Ngước mắt nhìn lên thinh không thì thầm lời cám ơn Trời Phật. Chiều hôm đó, tôi vào thay cho Cậu Út ở bệnh viện để chăm sóc Má tôi. Má tôi, đang trên đà hồi phục. Trí nhớ dần dà trở lại. Các người bà con, mấy người em Cậu Mợ, Dì Dượng . . . vào thăm. Má tôi biết hết và bắt đầu kể được chuyện ngày xưa. Dì Tám, Dì Huê ôm Má tôi, ba chị em khóc mùi mẫn như ngày xưa còn bé. Thế mới thấy tình yêu thương của gia đình chúng tôi lúc nào cũng đầy ắp, nồng nàn chỉ chờ dịp tuôn tràn.
Nhìn cảnh tượng Má tôi và Dì Tám, Dì Huê, tôi thật vui vì gia đình chúng tôi vẫn yêu thương gắn bó. Ngoại tôi nếu còn lẩn quất đâu đây, hẳn mĩm cười thỏa nguyện vì những đứa con của Ngoại vẫn còn nhớ lời Ngoại dạy dỗ.
Nhìn cảnh tượng Má tôi và hai Dì, mặt khác làm tôi thật buồn vì . . . một thế hệ nữa sắp qua đi. Hình ảnh thân thương này, tôi còn chứng kiến được bao lâu nữa? Đời người sao ngắn ngủi như giấc mơ chưa trọn!!! Tôi nghĩ đến những thế hệ tiếp nối, của tôi, của các con tôi, và sau đó . . . tất cả như những đợt sóng xô trên đại dương. Ngọn sóng mẹ tan tành, sanh ra những con sóng nhỏ lô xô tiếp nối, lớn dần rồi tan biến như kiếp sống con người.
Buổi chiều hôm đó, trên đường từ bệnh viện về. Tôi cảm thấy vui vô cùng như vừa vớ được cái phao khi lội qua sông đến hồi đuối sức. Tôi cảm thấy tươi mát sung sướng như vừa đầm mình trong cơn mưa hè. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc như vừa bắt gặp tình yêu nhiệm mầu. Tôi thầm cảm ơn Trời Phật. Tôi cảm ơn các em tôi cùng vợ, chồng đã thay phiên chăm sóc Má, và tôi mong chị em tôi còn tiếp tục chăm lo cho Ba Má tôi để đền đáp sự yêu thương mà Ba Má đã lo cho chúng tôi từ tấm bé. Ba Má tôi chắc sẽ vui và hạnh phúc hơn khi thấy các con, dâu, rể đã tận tụy chung lo cho Má tôi vì đó là biểu tượng cho tình yêu thương mà Ba Má hằng mong muốn.
Tôi cảm thấy ấm lòng và khẻ hát:
Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày . . .
Tôi nghĩ đến mấy đứa em tôi nhiều hơn, nghĩ đến mấy đứa con tôi nhiều hơn. Tôi muốn ôm tất cả lòng để nói lời yêu thương như tôi chưa từng nói. Ý nghĩa của sự "đùm bọc" mà tôi đã học từ thuở bé, hôm nay tôi thấy vô cùng thấm thía.
Mấy ngày Má tôi ở bệnh viện thấy như dài vô tận. Má tôi được chuyển phòng vì tình trạng gần như hoàn toàn bình phục và đợi chờ xuất viện. Má tôi thấy như tươi hơn, như đóa hoa đủ nước. Có lẽ Ba tôi là người vui và hạnh phúc nhất. Có phải vậy không Ba?! Tôi thấy Ba tôi vuốt tóc Má tôi thật âu yếm trong khi bà chưa nhận thức được rõ ràng. Tôi thấy Ba tôi thẩn thờ nôn nóng mỗi khi chờ kết quả thử nghiệm. Ánh mắt Ba tôi thay đổi theo từng kết quả thử nghiệm, như người thí sinh chờ đợi kết quả được tuyên bố sau mỗi kỳ thi. Tôi nhớ khi Má vừa nhập viện, Ba có tâm sự là mấy lúc gần đây Má đổi tánh, thích bông hoa cây kiểng hơn xưa và hay ra ngoài vườn hàng giờ. Mỗi lần như vậy Ba tỏ vẻ không hài lòng vì lo cho sức khỏe của Má khi ra ngoài trời nắng gió. Và nay thì Ba hứa là sẽ để Má được toại nguyện điều Má muốn khi bà bình phục trở về nhà. Tôi thương và tội nghiệp Ba tôi vô cùng, và có lẽ tôi là đứa con hiểu Ba tôi hơn ai hết . . . vì tôi thấm thía nỗi cô đơn khi một người phải ra đi, khi đôi chim lẻ bạn.
Hôm nay Má tôi được xuất viện. Tôi bương bả thu xếp mọi việc để kịp đón Má tôi về nhà. Đến nhà Ba Má, tôi thu dọn vài thứ cho tươm tất. Chùi rửa vài thứ cho sạch sẽ. Sắp xếp đâu đó cho ngăn nắp vì tôi biết tánh Má rất kỹ lưỡng. Căn nhà vẫn những đồ đạc đó, mà sao thấy như trống trơn thiếu vắng. Bên ngoài trời nắng ấm, nhưng tôi có cảm tưởng như lạnh lẽo. Cây cối chung quanh, vừa cuối Xuân mà sao tôi tưởng chừng như hoa chậm nở. Phải chăng vì thiếu vắng Má tôi?
Tiếng xe xịch đổ trước sân. Ba dìu Má tôi vào nhà. Hai ông bà chậm chạp bên nhau tưởng chừng như những bước chân hạnh phúc của thuở xa xưa. Còn hình ảnh nào đẹp hơn. Còn ánh sáng nào rạng rỡ hơn khi Má cười, tay rờ rẫm những món đồ đạc trong nhà mà Má từng có từ bao lâu nay. Cử chỉ âu yếm, ánh mắt trìu mến khi nhìn ngoại cảnh chung quanh như của người lữ hành lâu ngày trở về căn nhà năm xưa. Tôi thấy như căn nhà ấm cúng hơn, sáng lạn hơn. Tôi nghe như có tiếng ca êm ả từ trên trên thinh không. Và ngoài vườn như có tiếng chim hót líu lo. Ngoại cảnh như thay đổi tươi hơn, chỉ vì bóng dáng của Má. Tôi thấy lòng rộn lên, vì như có hoa đăng từ khi có bóng dáng Má tôi.
"Mẹ là dòng suối dịu hiền
Mẹ là bóng mát trên cao
Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ là ánh đuốc yêu thương . . ."
"Má tôi" là tất cả những gì cao cả nhất mà tạo hóa đã ban cho, là những gì tốt đẹp nhất mà người đời ca tụng. "Má tôi" là Mái Nhà để chúng con cùng núp bóng, khi mưa nắng và . . . là Nhúm Lửa yêu thương để chúng con san sẻ, khi đông hàn. Chúng con thương Má vô cùng Má ơi!
Song Thy
Mùa Xuân 2010