Barbara- tên của con chó là tôi, xin lỗi quí vị loài người có đọc, xin đừng cho tôi là láo xược, sao dám đứng ngang hàng cùng quí vị để nói lên tâm sự một loài… chó, khi mà quí vẫn xem thường: đồ chó, đồ chó má… Dạ xin thông cảm giùm tôi, dù có miệng mà không thể thốt nên lời, nên tôi nhờ người chủ nuôi tôi nói giùm, chứ riêng tôi ngoài những tiếng sủa gâu gâu, có lúc thì để thông báo cho chủ nhà biết có khách đến, hay sủa để dọa mấy tên ăn trộm đang lẩn quẩn trước nhà, hay nửa khuya có con mèo chạy ngang qua ngõ, sủa hù để nó đừng vào nhà chủ mà.. ỉa bậy vậy thôi, vì từ xưa tới giờ, chó với mèo vẫn là hai kẻ thù không thể nào ở chung một chỗ....
Con chó tôi có miệng mà không thể nói nên lời. Theo thuyết luân hồi nhân quả của nhà Phật, có lẽ kiếp trước con chó là tôi đã là một người nói nhiều lắm lắm, nói nhiều mà toàn những chuyện bậy bạ, tào lao của những người thuộc loại… nhiều chuyện, thậm chí nói những chuyện hại người khác, nên kiếp này Trời đày đầu thai làm kiếp chó, để không thể nào nói lên được những điều mình muốn nói, mà chỉ nghe thôi..
Tôi sinh ra đời trên xứ Mỹ, xứ sở văn minh, chó được xếp hạng trước đàn ông, chỉ sau con nít và đàn bà. Tôi nghe quí ông than phiền như thế.
Gia đình chủ của Mẹ tôi là một người Mỹ có nước da trắng. Chắc chắn bà cũng là một người tị nạn?, nhưng đã nhiều đời rồi. Nếu là người Mỹ bản xứ phải là người da đỏ và ở các bộ tộc ở miền Trung Tây nước Mỹ.
Ngày xưa, khi người da trắng mới đến ở xứ sở này, họ cũng cực khổ lắm, đói ăn thiếu mặc, chết rất nhiều. Sau đó nhờ có người bản xứ dạy cho cách trồng trọt, săn bắn, nhất là gà Tây, và họ dần dần thích hợp với đời sống mới, nên thời gian sau đó mới có ngày “Thanksgiving” để người Mỹ trắng tạ ơn (chắc chắn là người da đỏ bản xứ không muốn, nghe đâu gần đây họ muốn xin chính phủ… hủy ngày này?). Nhưng trong những phim cao bồi “miền viễn Tây” họ chiếu trên màn ảnh đó, ôi chao thấy cảnh người da trắng bị người dân bản xứ da đỏ chận đường bắn giết, rồi họ giết lại, hai bên cứ thế mà giết và giết, cuối cùng thì người da trắng sáng dạ, văn minh hơn, họ khai phá và phát triển thành một xứ sở hùng mạnh nhất thế giới. Tôi may mắn sinh ra lúc nước Mỹ đã quá sang giàu.
Chủ tôi là một gia đình Mỹ trắng đã lớn tuổi khi tôi ra đời. Tôi có gia phả. Dòng họ Laprado của cha tôi ở nhà phía bên kia đường. Cha mẹ tôi là bạn cùng xóm, biết nhau. Nên khi mới sinh ra, tất cả bốn anh chị em tôi đều được đem đến Bác sĩ thú y giám định, xem có bịnh hoạn gì không? và vì tới 4 con chó đực lẫn cái, chủ nhà nuôi không xuể, nên đăng lời rao trước cửa nhà: cho chó con, lúc chúng tôi vừa tròn một tháng tuổì nhưng chưa có tên riêng..
Chiều đó, có người thanh niên đến gõ cửa, khi chúng tôi vẫn còn đang rúc vào vú mẹ.
Người thanh niên cũng có nước da màu trắng, mắt xanh, mũi cao, hỏi xin chó con theo tờ rao trước cửa nhà.
Chủ nhà tôi hỏi dăm ba câu để tìm hiều người định đem chúng tôi đi. Anh tuổi ngoài hai lăm, có nhà riêng sau khi đi tham chiến trở về từ nước I-Raq. Anh đã làm thông dịch viên tiếng I-Raq. Bà chủ nhà tôi khen anh giỏi, đã chịu học nói tiếng nước người. Anh cười – nói anh có khiếu về ngôn ngữ, nên khi vào lính, họ cho anh đi học hai năm, ban đầu anh định học tiếng Tàu, nhưng sau thấy chiến trường I-Raq cần, nên họ chuyển anh qua. Bây giờ sau những năm đi chiến đấu, anh trở về và xin đi học lại.
Và tôi là con.. chó con được anh chọn để đem đi ra khỏi nhà, dù tôi là con chó nhỏ nhất. Lý do để anh chọn vì tôi có hai con mắt khác màu nhau: một màu đen và một màu đỏ. Chủ nhà của tôi cho ngay, vì có lẽ họ nghĩ trong cơ thể tôi có điều gì bất thường chăng, sợ sau này tôi có thể bị đui, mù chẳng hạn, lại tốn tiền bác sĩ, mà bác sĩ thú y khi đã chữa trị sẽ tính tiền… không rẻ .
Thế là tôi xa mẹ tôi từ đó. Khi đó tôi chỉ biết kêu ẳng ẳng, nhưng lại ngoan ngoãn nằm vào lòng bàn tay anh. Anh ôm tôi sờ nắn, hun hít, xoa bộ lông tơ mềm mại và sáng màu mỡ gà của tôi.
Nhà anh mới mẻ, rộng rãi, tôi tự do chạy tới chạy lui chơi mà không sợ đổ bể đồ đạc, vì nhà anh còn trống trơn. Anh bỏ tôi ở nhà với một lô đồ chơi, xương để gặm, bình nước uống và một đống thức ăn cho chó con, nên tôi tha hồ bỏ vào bụng. Tôi mê chơi, mê ăn uống mà quên dần nỗi nhớ mẹ, nhớ các anh chị em.
Bạn học anh tới nhà chơi, trong đó có một chị thích quá và xin anh cho mượn tôi vài bữa.
Thế là tôi lại ra đi, trước khi đi tôi đã được anh đặt cho một cái tên, như đầu tiên tôi đã tâm sự. Cái tên này được lấy từ tên của bà vợ ông Tổng Thống thứ 41 cuả nước Mỹ trước đó. Trời! xứ Mỹ này hay thật, tên người, tên chó gì cũng giống nhau sao? Ai muốn đặt gì thì đặt. Tôi nghe họ bàn cãi với nhau về nhiều cái tên trước đó, cuối cùng họ chọn Barbara vì họ mến bà ấy. Quái lạ thật, cái xứ gì mà con cái đặt trùng với tên cha mẹ hoặc ông bà, mà người được lấy tên lại vô cùng hãnh diện. Chẳng khác với xứ Việt Nam của người chủ sau này, tôi nghe họ nói cái tên của người lớn nhiều khi phải kiêng cữ không được gọi, nhất là cái thời phong kiến gì đó, thí sinh đi thi mà lỡ viết nhầm tên ông Vua, bà Chúa, thậm chí một người họ hàng xa thật xa của vua, cũng bị coi là phạm húy, bị đánh rớt ở kỳ thi đó. Kỳ thật.
Cứ như tôi đang làm một chuyến phiêu du từ nhà này sang nhà khác lúc mới tròn hai tháng tuổi. Nhà chủ mới của tôi là một người VN tị nạn Cộng sản. Họ nói chuyện với nhau như thế. Gia đình họ ít người, không như gia đình của anh chủ nhà đã đến xin tôi. Trời! ai dám nói người Mỹ ở nước Mỹ không bị đói chứ?
Hôm anh làm chuyến du lịch đưa tôi đến nhà người bạn, cũng xa lắm. Họ ngồi hỏi han tâm sự. Anh Mỹ chủ nhà tôi khai ráo trọi. Hiện anh đang học thêm về văn hoá phương Đông, mà trong đó đạo Phật được anh nghiên cứu kỹ. Vì qua thời gian, anh nghiệm rằng mỗi con người đều có kiếp luân hồi. Anh bảo cha mẹ anh ly dị từ khi anh còn rất bé, Mẹ anh nuôi giữ ba người con vì ba anh đi lấy người vợ trẻ khác rồi. Mẹ anh thì không làm một nghề nào cho ra hồn để nuôi con, nên bà cứ chất ba đứa con lên chiếc Trailer kéo theo xe mà chạy lòng vòng tìm job. Nhiều bữa bà đi đâu tối mịt mới về, mấy anh em anh đói rã ruột, nhưng đâu có gì để ăn chỉ biết ngủ đói. Có hôm trời mưa, mẹ anh đậu cái trailer ở một đám đất trống tối thùi lùi, không có điện nước gì hết, nhưng nhờ vậy mấy chị em của anh mới được dịp tắm mưa. Cuộc sống của mấy mẹ con anh cứ lang bạt từ tiểu bang này mấy tháng lại sang tiểu bang khác, nên mấy anh chị em chẳng được học hành gì nhiều. Muốn về nhà ông bà ngoại thì xa quá chẳng biết đường đi. Anh cứ ngồi kể mà bà chủ nhà mới của tôi lau nước mắt hoài. Rồi sau đó, tôi nghe họ nói đưa anh vào Chùa VN cho anh biết về đạo Phật, mua nhiều sách nói về Đức Phật bằng tiếng Mỹ tặng cho anh. Con người có tâm tu tỉnh chắc kiếp sau sẽ được sinh ra trong gia đình hạnh phúc hơn.
Tôi ở nhà mới, vừa lạ chỗ, lại có nhiều người hơn chỗ cũ chỉ có mình anh chủ, nên tôi sợ, cũng chẳng dám đi lung tung. Tôi cũng buồn lại lo nữa, vì không biết gia đình chủ mới sẽ đối xử với tôi thế nào. Nỗi buồn lo cứ đeo đẳng, nên nhiều lúc tôi muốn đi tiểu mà chẳng dám kêu. Có hôm họ đi đâu hết, bỏ một mình tôi ở trong nhà, kẹt quá tôi đi tè tại chỗ.
Tôi cứ sợ bị đánh đập la rầy, nhưng may quá, khi họ về nhà thấy cả vũng nước, mấy người hè nhau đi lau chùi thật sạch, mà tôi chẳng bị gì. Thế là tôi nghĩ tôi sẽ may mắn khi ở lại đây.
Và tôi dần dần lớn lên trong gia đình chủ mới.
Ông bà và hai chị rất thương tôi, họ lo lắng săn sóc cho tôi như lo cho một đứa bé. Nhiều bữa bà chủ nấu thức ăn cho tôi, tôi thích lắm. Nhưng nghe họ bảo phải cho tôi ăn thức ăn của… chó để khỏi bị rụng lông. Tôi cũng làm khổ bà, khi tôi vào tuổi dậy thì, như những phận đàn bà con gái, dù sao tôi vẫn là một động vật có vú, những lúc ấy, tôi thấy ông bà chủ tôi cứ đi lau chùi nhà, mà tôi xót lắm, nhưng họ cũng chẳng than phiền làm tôi cảm động vô cùng.
Đến khi tôi vừa trổ mã, vừa vào tuổi lớn thì đã bị bắt trở về và anh chủ Mỹ đem tôi đi triệt sản. Tôi buồn lắm nhưng đâu biết làm sao.
Số tôi may mắn! Vì ở nhà anh chũ Mỹ, tuy có rộng rãi, nhưng một hình một bóng tôi cảm thấy cô đơn. Dù có bữa anh cũng có dắt tôi ra đường, nhưng đâu phải bữa nào cũng được đi. Thế là một hôm, tôi lẻn chui hàng rào đi ra khỏi nhà, may ra tìm thấy điều gì mới lạ hay có thêm bạn mới. Lần đầu tiên tôi đi ra đường mà không người hướng dẫn. Trời ơi, xe cộ đông quá xá, đường ngang ngõ dọc đầy dẫy tôi biết đi đâu. Lúc này tôi mới hoảng sợ thì đã muộn rồi. Muốn đi trở về thì không biết lối. Tôi đang lơ ngơ lớ ngớ đứng bên đường, bỗng có chiếc xe hơi dừng lại, họ bồng tôi lên xe.
Tôi có la ẳng ẳng, nhưng hai người họ đã lái xe chạy tiếp. Thì ra họ sợ con chó tôi băng qua đường, bị xe cán chết, họ thương tình bồng tôi về để đem trả cho chủ tôi.
Nhờ có số điện thoại của chủ tôi trên dây đeo cổ, họ gọi điện thoại và tìm đến nhà trả lại con chó. Họ đòi tiền chuộc tôi. Tôi cũng có giá đó chứ!
Nhưng số tôi không có duyên với người chủ Mỹ, đâu được mấy tháng thì anh có ý định trở lại chiến trường I-Raq, vì người ta rất cần những người thông dịch viên như anh.
Thế là một lần nữa tôi phải ra đi, nhưng đi đâu? Ban đầu anh định bỏ tôi trở lại chỗ nhà nuôi chó, may ra có người nào đến xin đem về nuôi. Tôi thấy anh cứ đến vuốt ve tôi, nâng niu tôi như không muốn nói lời từ giã. Cuối cùng anh đã có quyết định đem cho tôi về nhà cô bạn gái có thời nuôi tôi. Nhưng hai thành phố cách xa nhau hằng mấy tiếng đồng hồ lái xe, vậy mà anh cũng đem tôi đến đó. Xui quá, cả nhà họ đi vắng, anh phải chở tôi đi lang thang trong thành phố lạ, cuối cùng anh chở tôi đến một chỗ lạ lắm, có một bức tượng thật cao, trắng toát nhưng trông khuôn mặt rất hiền lành. Thế là anh và tôi cứ ngồi yên dưới ngôi tượng đó, thỉnh thoảng thấy có vài người đến đốt một cây nho nhỏ có mùi thơm, rồi họ khom người xuống lên mấy lần. Sau này, ở với người chủ Việt Nam, họ đã đưa tôi trở lại nơi đó một vài lần, tên gọi chùa Việt Nam, và tượng kia là tượng Phật bà Quan Âm, và những người đến thắp nhang khấn lạy.
Anh chủ Mỹ của tôi buồn rầu từ giã ra về, sau khi đem tôi đến và nói với người chủ mới Việt Nam: con Barbara từ nay đã thuộc về ông bà!
Tôi nhìn anh leo lên xe mà lòng cũng buồn lắm, không biết bao giờ có thể gặp lại anh hay là vĩnh viễn? nhưng chỉ có thể sủa gâu gâu rồi nín lặng.
Thế là từ đó tôi đã là… con cái trong nhà người Việt Nam, và tôi đã nghe thông suốt tiếng Việt trong ngần ấy tháng năm dài.
Làm con chó như tôi kể ra cũng không đến nỗi tệ. Từ ngày về ở luôn nhà chủ Việt Nam, tôi cũng được cưng chiều như một đứa trẻ. Thật ra nhiều lúc bà cũng có than phiền, phải chi đừng… có tôi trong nhà, thì bà khỏi phải lo lắng, đi đâu khỏi phải lật đật chạy về để cho tôi ăn, đi ra ngoài giải quyết nhu cầu. Tôi càng ngày càng lớn và xinh hơn, cũng biết nghe lời để “biểu diễn” một vài trò cho bạn bè ông bà xem, người đến chơi ai cũng muốn vuốt ve và khen tôi hiền hậu, ngoan ngoãn, dễ thương. Có bữa tôi nghe người bạn của chủ nói rằng, nếu ở trên đất nước Việt Nam xa lắc đó, tôi mà lỡ dại đi ra khỏi nhà, sẽ bị bắt ngay và đưa lên bàn làm… thịt. Và họ còn nói người VN có câu “sống trên đời không ăn cái dồi chó, chết xuống âm phủ không có mà ăn”. Trời đất, mấy người “ác” như thế thì xuống âm phủ chứ làm sao lên được thiên đàng? Tôi nghe mà giật nẩy mình và cũng nảy sinh thắc mắc, tại sao người ta phải ăn thịt chúng tôi nhỉ? Chúng tôi là “bạn tốt” của người mà, loài chó chúng tôi nổi danh là loài có nghĩa, dù cho bị đánh đập, đuổi xua, nhưng vẫn thủy chung với chủ. Có nhiều con chó sống suốt đời với một gia đình, đến khi người chủ chết, con chó sẽ ra nằm giữ mộ đến khi kiệt sức rồi qua đời luôn. Và ở thành phố này đây, mỗi khi có nạn tai, người ta vẫn cố cứu cho được những chú chó, cô mèo. Ngay cả khi bị thiên tai bão lụt, có nhiều người được cứu, họ đã nằng nặc đòi cứu giùm con chó thân yêu của họ, nếu không họ chẳng chịu rời nhà. Nhiều bữa được bà chủ chở đi trên xe, tôi cũng thấy có “nghĩa địa” chó chứ đâu có ai bỏ vào bụng họ làm gì.
Thú vị nhất là những lúc tôi được đi du lịch. Từ khi chị lớn nhận nhiệm sở tại căn cứ Hải Quân ở Pascagoula thuộc tiểu bang Mississippi, tôi cũng được ngồi trên xe đến đó vài lần. Đường xa đi hơn nửa ngày mới đến, nhưng tôi chẳng thấy mệt gì, vì mỗi lần ngừng xe, ông bà chủ vẫn cho tôi xuống xe chạy nhảy, người Mỹ thấy tôi chẳng có ngại, lại còn vuốt đầu khen tôi đẹp.
Cái thành phố nhỏ xíu, nhưng những chiếc tàu chiến thì vĩ đại. Ở đó họ có cái xưởng đóng tàu chiến, nên có nhiều người ra vô căn cứ. Tôi cũng được chở ngang dòm ngó. Thành phố bốn bề thấy nước và nước, nhiều bữa đi trên con xa lộ mà chẳng thấy bóng chiếc xe thứ hai, chủ tôi cười thích thú, vì thành phố yên tĩnh đến lạ lùng. Xa lộ mang số 90 mà nhìn trước sau không có một chiếc xe nào xuôi ngược, muốn chạy xe nghênh ngang giữa đường cũng chẳng phiền hà ai. Nhưng tôi lại nghe họ nói chuyện với nhau khi xe chạy ngang cây cầu bắt ngang sông: Singing river- dòng sông Hát!
Chị chủ tôi bảo rằng có sự trùng hợp ngẫu nhiên thích thú về tên của con sông. Trên quê hương xa lắc xa lơ của họ, trong dòng lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc thời Đông Hán, đã có hai vị nữ lưu anh hùng mang họ Trưng, đã lãnh đạo toàn quân dân đứng lên đánh đuổi được giặc chạy thục mạng trở về phương Bắc, người chị lên ngôi vua, làm vua nước họ được ba năm. Nhưng khi bị tên Tô Định đem quân xâm lược trở lại, hai bà cùng quân dân chống cự mãnh liệt, nhưng cuối cùng vì sức yếu thế cô phải nhảy xuống dòng sông Hát tự vẫn, quyết không để bị giặc bắt.
Và ở đây, dòng sông Hát cũng là đoạn cuối đời của một bộ tộc người da đỏ, muốn liều mình chết để khỏi rơi vào tay của bộ tộc thù. Chuyện tình thương tâm do cô Công Chúa Anola của bộ tộc Biloxi yêu người Tộc trưởng Altama của bộ tộc Pascagoula, nhưng cô không thể nào toại nguyện vì Tộc trưởng-cha cô bắt ép cô gả cho người khác. Vì tình yêu, cô đã cãi lời cha, liều mình chạy đến nhờ ngươi yêu che chở, những người Pascagoula hiền lành dễ mến rất thương cô. Trước sức tấn công dũng mãnh để đòi lại cô công chúa của bộ tộc Biloxi, người tộc Pascagoula thấy mình không thể nào chống lại nổi, toàn bộ tộc không kể con trẻ, đàn bà, đã nắm tay nhau từ từ bước xuống dòng sông, vừa đi vừa Hát khúc hát bi ai, đến khi nào không còn có thể hát được nữa. Họ đi vào cõi chết khi màn đêm buông xuống để bảo vệ mối tình của Tộc trưởng. Mãi về sau, người ta vẫn còn nghe những tiếng u-u vọng về như những tiếng hát từ cõi âm. Dòng sông Hát có tên từ đó.
Tôi cũng còn được đi chơi mấy nơi nữa, mỗi khi ông bà chủ nhà tôi đi thăm các chị. Có lần tôi được về thủ phủ để đi xem pháo bông nhân ngày lễ Độc Lập. Người ta đâu có phân biệt người và chó. Đồng loại của tôi cũng được dắt đi đầy đường, con người rất “quan tâm” đến chúng tôi, nên cứ một khoảng đường trên bờ sông đẹp đó, họ để sẵn những cái “túi” để chủ nào làm “vệ sinh” sạch sẽ đường đi khi chó của mình cần giải quyết. Chúng tôi gặp nhau cũng có gâu gâu chào hỏi. Nhiều cô, nhiều anh chó đẹp quá chừng chừng, có lẽ được nuôi trong những nhà giàu có, được cắt xén lông thật đẹp. Chó được đi thi tuyển để lãnh giải mà.
Dù làm thân chó, nhưng con chó ở xứ Mỹ thật sung sướng, không cần biết nhà giàu hay nghèo, vẫn được săn sóc thật kỹ càng, có thức ăn riêng và ngủ có… nệm ấm, phải đi chích ngừa hằng kỳ, được bảo vệ kỹ hơn con người ở trên đất nước Việt Nam xa lắc xa lơ kia, chủ nhà tôi bảo thế. Dù hằng đêm, bà chủ vẫn vuốt đầu tôi và đọc kinh cầu nguyện cho kiếp sau tôi được đầu thai lại kiếp người. Tuy làm kiếp chó mà được sống trên một đất nước tự do, được nuôi nấng kỹ, bảo vệ tối đa, kẻ hành hạ chó vẫn bị đi tù, có lẽ còn hơn làm người mà bị hành hạ, bị coi rẻ hơn con chó. Kiếp sau, nếu có được đầu thai sống lại, chắc phải xin Thượng Đế cho tôi suy nghĩ kỹ càng, thà làm con chó mà được đầy đủ mọi quyền lợi, còn hơn làm kiếp người mà khổ sở trăm điều từ tinh thần đến vật chất, như phần đông những con người đang sống trên đất nước mang tên Việt Nam kia…..