Mẹ đứng yên nhìn mặt hồ mênh mông trong nắng sớm, để cho lòng lắng đọng thêm hơn. Chuyện hôm qua, mẹ còn như tê dại, khi bước ra đi không hẹn một ngày về, thấy nhói đau khi nhớ về ngôi nhà cũ, có thằng cháu nhỏ với dâu, con.
Tháng Bảy mùa nầy hoa lá rất xinh tươi, làm mẹ nhớ những mùa hè của những năm tháng trước. Mẹ thương mùa hạ vì mùa con nghỉ học và thường hay tiếp mẹ trồng rau. Hoa vườn nhà mình, con thường hay quên tưới, chỉ tưới nhà bên vì... vướng nụ cười. Chậu mồng tơi nhà mình không có, nhưng có cái chậu… lòng của cô nhỏ nhà bên. Cô nhỏ nhà bên ra vào chưa ngơ ngẩn, nhưng mẹ của con đã ngẩn ngơ nhìn mơ ước một nàng dâu.
Ngày con chuyển trường, mẹ cũng dọn theo. Nơi xứ lạ mẹ con không rời bước, mẹ không ngại cứ vài năm thay đổi, lại phải bắt đầu bằng những công việc đầu tiên.
Ngày dọn nhà, cô nhỏ bên kia, đôi mắt đỏ nhìn theo… mẹ khóc! Con lặng yên, nhìn thẳng, lái xe nhanh.
Và cứ thế thời gian đi không đợi, mỗi ngày qua con rực rỡ thêm hơn. Cô nhỏ nhà bên khi xưa, con quên rồi, mẹ vẫn nhớ, nên hân hoan con trao tặng trái tim, cho cô bạn học ra trường cùng con vài năm trước. Rồi sự nghiệp lên cao, con trao nhẫn cưới, để tới một ngày mẹ được ẵm cháu đích tôn. Ôm được thằng cháu nội đầu lòng, mẹ khóc… thật ngon. Nội cưng lắm đôi bàn tay nhỏ xíu, gót chân hồng, bụ bẫm làm sao! Guơng mặt sáng, đôi mắt to tròn long lanh ánh ngọc, tóc nó lưa thưa chỉ có một chùm thôi, nhưng đó là tuyệt phẩm được ơn trên ban tặng, nên cả nhà rộn rã nhận niềm vui.
Mấy năm đầu, mẹ còn lo tiếp giúp, thay tã, đút cơm, tắm rửa, gội đầu… nhưng mấy năm sau, bịnh nào mẹ cũng có, cao máu, tiểu đường, sạn thận, đau khớp xương. Chỉ một thứ thôi đã làm người ta mệt mỏi, mà mẹ của con lại gom hết vô mình, nên lắm lúc nằm cả ngày không dậy nổi, thuốc để đầu giường mẹ cũng hay quên, mà thỉnh thoảng mẹ còn… quên luôn thằng cháu nhỏ, ngồi buồn hiu chờ nội dậy cùng chơi. Cũng có những hôm mẹ không thèm ăn uống, làm cho con rất đỗi lo âu. Đồ ngon mỗi ngày các con thay đổi món, vậy mà mẹ nhai hoài nuốt không vô, thế nhưng nếu cho mẹ ăn cơm với miếng chao, trái chuối, mẹ sẽ ăn rất ngon và ăn được hoài không cần đổi món. Nhiều lúc hai vợ chồng con nhìn mẹ, nhìn hũ chao, trái chuối, rồi nhìn nhau lắc đầu ngao ngán, không hiểu sao mẹ lại như thế nầy? Làm như thể tụi con bạc đãi!
Khi hai vợ chồng con đi làm hết, bà cháu ở nhà hủ hỉ có nhau, nó ngoan lắm nhưng hay phá phách, hết chạy lăng xăng rồi lại leo trèo, nhưng thích nhứt là chơi trò trốn kiếm, nội đi tìm nó thích chí cười vang. Nội chân yếu, rượt đâu lại thằng cháu, trốn hết phòng nầy lại trốn đến phòng kia, nó luôn kiên tâm chờ nội tìm cho bằng được, rồi vỗ tay khen bà nội… giỏi ghê!
Và cứ thế bà cháu ngày nào cũng chơi trò trốn kiếm, cho tới một ngày đột nhiên nó có… ý lạ, không trốn trong phòng trên, lại trốn dưới tầng hầm, trong kẹt nhỏ của căn phòng lò sưởi.
Như thường lệ, nội kiếm kiếm, tìm tìm, không biết nữa, đi đâu rồi thằng cháu? Hoảng quá nội ngồi nội khóc. Kêu vợ con về, nó cũng hốt hoảng lo âu. Kiếm hết khắp phòng không ra thằng nhỏ. Chạy xuống tầng hầm mới thấy nó ngủ ngon, nằm quẹo cổ trong thế ngồi co rút. Có lẽ mệt mỏi ngồi chờ nội kiếm quá lâu, nên nó buồn, rồi ngủ luôn một giấc. Mẹ nó ẵm con trên tay mà mặt mày tái mét. Khi nó trách hờn, mẹ cũng thấy đúng thôi. Nên đâu có giận, lời dâu vừa mới nói, tự trách thân già sao chậm chạm, hay quên.
Cũng ráng lắm con ơi mẹ nào muốn, quên trước quên sau, mãi cũng buồn. Nhưng cái già, cái yếu, làm sao sửa? Mà để tự nhiên, thì dễ phiền lòng. Sau ngày đó vợ con sợ quá, canh cánh bên lòng, bếp lửa sợ mẹ quên. Ngọn lửa hồng đâu chỉ để nấu canh, mà còn có thể làm tan hoang cuộc sống. Càng suy nghĩ, vợ con càng sợ, đem thằng con gởi thẳng Daycare, vừa tốn tiền lại vừa tốn thời gian, mà nội nó thì ngồi không nhớ cháu.
Tại trời chuyển lạnh hay tại nội già hay bịnh, mà ho hen lại cứ tới từng cơn. Chờ cả ngày con, cháu mới về nhà, vừa mới được ôm thằng cháu vào lòng, chưa kịp hôn nó thì cơn ho đã tới, sặc sụa liên hồi, ôm mặt mà ho. Khi cơn ho rũ rượi đã qua, thì cũng vừa kịp lúc mẹ nhận ra mình quá… gớm! Nước mắt ràn rụa hòa cùng nước mũi, nước miếng văng tung dính cả vào tay. Trước mặt dâu, con, sao thấy quá ê chề! Hình ảnh bà nội mà… ghê như thế, thì con, cháu, nào dù có thương, nhưng cũng biết sợ. Lập tức tụi con ôm ngay thằng con nhỏ, chạy vội ra khỏi phòng để mẹ tiếp tục ho. Mẹ vừa thương con, thương cháu, cũng lại vừa rầu rĩ, vì mỗi lần ho là mẹ đã... sản xuất ra biết bao triệu vi trùng, bay lượn vòng quanh trong căn nhà đóng kín. Nên mẹ có cảm giác như không khí trong nhà ngột ngạt làm sao! Và cứ thế mẹ của con vẫn không ngừng được, những cơn ho nối tiếp những cơn ho, dù thuốc nào bác sĩ cho toa, con cũng đã mua và mẹ đã y lời uống hết. Đối ngược lại là tụi con đang lo rầu thấy rõ, cơm nước xong là co rúm vào phòng, đóng chặt cửa như đang lo bảo vệ thằng con, sợ “bầy” vi trùng.... rượt đuổi tới nơi. Thương đứt ruột, mẹ quay đi lau nước mắt, cái cảnh nầy sao phải kéo dài? Vì già nua là bạn đồng hành với bịnh tật, mà bịnh tật là ổ chứa của vi trùng. Ba thứ nầy khó thể tách rời nhau như định luật không bao giờ thay đổi. Sống cái kiểu nầy sao không giống… sống. Ngày lo âu, đêm cũng lo âu. Mẹ đã không có tài sản gì để lại, thì để làm chi những thứ phiền!?
Ai cũng vậy, sống chung là cùng nhau góp sức, chứ ngồi không sao thấy quá ngại ngùng. Nhìn thằng con lớn ôm hôn thằng cháu nhỏ, mẹ ấm lòng quên ngày tháng qua mau. Mẹ vẫn ngồi đó như gốc cây chờ mục, chờ đến một ngày được làm... phân bón cho cây. Nhưng hiện tại, sao thấy mình vô dụng, ngồi nhìn quanh, thấy ngày cũng như đêm. Công việc duy nhứt trong nhà mà mẹ làm rất tốt, là lắng nghe bước chân khi con về, hay tiếng cười đùa của thằng cháu nhỏ. Chỉ bấy nhiêu “công sức” đó thôi mẹ làm được trong ngày, thì lấy gì làm bằng chứng thương yêu? Dẫu biết rằng những năm tháng cũ, mẹ đã một đời tần tảo nuôi con, nhưng đó là chuyện của một thời quá khứ, cha mẹ nào cũng vất vả vì con, chứ có phải riêng đâu một mình mẹ, lội tuyết mà đi giữa xứ người.
Bù lại đời tị nạn với những năm tháng dài gian khổ, con của mẹ giờ đã trưởng thành, có địa vị cao trong công việc đang làm, có gia đình hạnh phúc bên vợ đẹp, con ngoan. Đó là do ơn phước nhiều đời để lại, con phải biết nâng niu, biết giữ gìn!
Mẹ hiểu lắm làm thân trai rất khó, ngang dọc ngoài đời, nhưng về nhà rất khổ, khi gia đình giờ đã ngả rẽ hai phe. Phe vợ con yêu, phe mẹ già ưu uẩn, mà phe nào cũng là phe của đời con. Người đàn ông nào cũng có hai người… đàn bà bên cạnh, mà mẹ theo con chỉ có nửa đường. Nửa đường còn lại con cần người chung bước, lèo lái gia đình, gánh vác con thơ. Chu kỳ cuộc sống cứ luân phiên thay đổi. Gánh nặng gia đình, giờ đã tới phiên con. Mẹ thương con bao nhiêu, thì con cũng sẽ, mấy mươi lần hơn thương lo cho đàn con nhỏ, mà tất cả chúng ta, kể cả con và mẹ cũng đã và đang, tiếp tục làm.
Vợ của con cũng không phải là vô lý, khi lấy chồng, ai cũng muốn sống riêng tư. Hai vợ chồng trẻ có bà già… chính giữa, thì làm sao có trọn niềm vui. Mẹ hiểu ý, nên thường hay lảng tránh, cơm nước xong, mẹ lẳng lặng vào phòng. Mẹ biết con xốn xang khi nhìn mẹ, lủi thủi một mình, chơi với bóng đêm. Dẫu con biết đó không phải là cách tốt, nhưng cũng không biết có cách nào khác tốt hơn!
Con không có cách, nhưng mẹ của con có cách. Mẹ già rồi, không cần nhiều thứ lắm, dù ở đâu cũng sẽ giống nhau thôi. Ngày 24 tiếng đồng hồ, mẹ của con có đủ. Có cả ánh sáng ban ngày và nước mắt ban đêm. Mẹ sẽ một mình dọn về thành phố nhỏ, nơi khi xưa mẹ con mình định cư khi mới đến, để sống lặng yên cho đến cuối đời nầy. Cho dù mẹ ở nơi đâu, thì mùa hè cũng có lá, có hoa, có mây, có gió, có luôn những đêm dài. Mùa đông thì mẹ ngắm tuyết rơi, ngắm thêm nỗi nhớ, ngắm luôn tuổi già.
Nhớ khi xưa đọc sách rồi mơ mộng, tưởng chốn thần tiên mới có đất lành. Canada không phải là tiên cảnh, mà lại là một chốn bình yên, bao bọc mọi người từ lúc mới sinh ra, cho tới lúc già, đau, rồi chết. Tuổi trẻ được lo cho đi học, đói cho ăn, buồn khổ có người khuyên, bác sĩ gia đình là bạn hiền khi bịnh, bác sĩ chuyên khoa đâu đó xa gần, sẽ sẵn sàng khi người người cần đến, nên mẹ không lo gì khi tuổi già chồng chất, thân mẹ có một mình, mà bác sĩ ở khắp nơi. Ghi lại đây vài lời cho con đừng lo lắng. Mẹ đã về quê, ở chơi lâu bên đó, con yên tâm, rồi mẹ sẽ về quay về.
Đêm cuối cùng trong ngôi nhà đầy ấp những thương yêu. Đêm đau đớn trong lòng, đêm tan nát trong tim. Ôm hai chiếc áo của con và của thằng cháu nhỏ vào lòng mẹ khóc lặng im, mẹ đã quyết lòng buông đi tất cả, chỉ giữ lại hai chiếc áo nầy bên cạnh, để ấm lòng chờ đến một ngày... đi.
Đã biết trước, rồi cũng sẽ có một ngày… đi, sao mẹ không đi ngay bây giờ cho… đẹp! Đẹp không gian và đẹp cả thời gian, tròn chữ hiếu cho con và tròn lòng thương yêu của mẹ. Rời xa con, từng tế bào mẹ khóc, nhưng nếu được tiếp tay con, để cứu nguy con tàu hạnh phúc, thì xá gì một chuyến đi xa. Mẹ biết lắm thuyền gia đình con đã… khẳm, thì chờ làm chi cho tới lúc nó chìm!
Hai thế hệ, có hai đời sống khác, tám tiếng đồng hồ trong sở đâu phải dễ qua mau, thời điện toán việc làm đâu có dễ, mệt mỏi về nhà các con cần một chút riêng tư, cần thoáng mát với nụ cười con trẻ, mà mẹ già như gốc cây khô, nằm không đúng chỗ giữa vườn hoa tươi mát, chỉ là để chờ ngày tan rã bón cho hoa. Dẫu biết rằng cây mục tốt cho hoa, nhưng khi chưa đến lúc, thì cây khô làm hoa… xấu. Mà mẹ đâu muốn các con là ông cắt cỏ, quá bực mình vì… đụng phải gốc cây khô. Nhưng nếu ông cắt cỏ cứ mặc kệ, để cây khô nằm yên đó, thì theo bốn mùa hoa tàn, rồi hoa nở, nhưng con, cháu của mẹ, chỉ có một mùa tuổi trẻ, thì hoang phí làm chi những tiếng cười!
Đừng buồn nhé con, khi nghỉ hè về không gặp mẹ, bởi gì gốc cây khô phải tìm đến chốn rừng sâu, vì nơi đó là nơi duy nhứt, mở rộng lòng để chứa những tàn cây. Thời gian ở rừng là thời gian vô tận, nên không cần hối thúc để… ươm phân. Bởi… đi chậm hay nhanh, rừng sâu vẫn đợi, nên mẹ thong dong đem đến chút thân già, chờ rữa mục góp phần cho hoa lá.
Nếu mai sau bỗng nhiên trước sân nhà có cây hoa lạ, thì con ơi! Mẹ đã quay về.
Nguyễn Sỹ Thùy Ngân