PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Hãy giữ chân Thầy với mùa Thu!

Quá nửa đêm, nơi xứ người khi bên ngoài mùa Thu lá đổ, trong này im lặng và cô đơn. Nghe flash music từ một trang web quen thuộc, nghe đọc truyện mở đầu, nhạc đệm, đọc những bài thơ và hình ảnh một người THẦY để nói tâm trạng của người học trò muôn đời nhớ công ơn người khai sáng trí tuệ. Tóc thầy trắng lòa xòa, bụi phấn bảng bay bay theo gió. Tiếng thầy đều đều chừng mực giảng bài. Mái đầu học trò chăm chú, nghiền ngẫm, không xao động, cố nhập tâm lời Thầy, như sợ sẽ tan như bụi phấn bay đi theo gió. Cuộc sống người Thầy, đâu cũng vậy, đạm bạc, hy sinh, nghịch lý với kiến thức uyên thâm của Thầy chứa đầy trong khối óc. Có lẽ Thầy sanh ra đời là để tạo dựng thế hệ tương lai, bởi nếu không có Thầy nguồn tài nguyên này sẽ bị cạn khô. Nhờ Thầy mà thế giới thăng hoa. Nhờ Thầy mà nền văn minh của nhân loại được tồn tại và phát triển. Nhờ Thầy mà con người tự hào hơn muôn loài. Nói mãi hoài cũng không thể xưng tụng công ơn và sự nghiệp của Thầy để lại cho mai hậu. Hình ảnh thầy trò ôm nhau, mừng trò đỗ đạt thành công, hay san sẻ nước mắt khi buồn phiền, đau khổ đến với trò. Tình nghĩa thầy trò làm sao ca tụng hết. Sự liên quan Thầy Trò như định đề ắt có và đủ áp dụng cho con người. Xưa nay Quân Sư Phụ là đạo lý của người Việt chúng ta dạy dỗ con cái tuân phục. Tôi đã từng chứng kiến "tre già khóc măng" khi người Thầy già nua tóc nhuộm bụi phấn bảng trắng phau, khóc đứa học trò ngày xưa trở về trong hòm gỗ! Sự thành công của người thầy được đánh giá qua sự thành công của học trò của mình. Hình ảnh thầy trò hội ngộ sao bao nhiêu năm xa cách. Trò giờ thành danh, thành công, thành tài, thành thân, hay mai một, thầy không phân biệt ai, vì tất cả là trò của thầy, nay thầy đã già, vẫn vậy thanh bạch. Hai mái đầu khác màu kề nhau to nhỏ kể lại chuyện xưa vì nay tai Thầy đã lảng, còn hình ảnh nào đẹp hơn. Bây giờ, những ai còn có người để gọi Thầy là quý, để viếng thăm là điều ân sủng. Hãy mong tuổi Thầy dừng lại vĩnh viễn ở mùa Thu để trò được đến với Thầy mãi mãi, dù lá Thu có thay màu mấy độ. Thầy ơi, hãy đừng lìa cành như chiếc lá treo lủng lẳng trên cành kia lúc cuối Đông. . .

Thu vào đêm trước Ngày Lễ Tạ Ơn

Tôi vừa tiễn người bạn rời nhà để đi dự lễ Tạ Ơn của gia đình. Không khí bên ngoài lành lạnh. Cái lạnh dễ yêu của mùa Thu. Khác với cái nóng rát da của mùa Hè vừa qua, và khác với cái lạnh cắt da của mùa Đông sắp đến. Tôi yêu mùa Thu là như vậy, có lá vàng bay bay, hơi Thu lành lạnh, không còn gì thi vị bằng. Cây cối quanh, ngoại trừ thông và cây oak, thảy đều đổi thay màu lá. Thiên nhiên như cô gái khoác chiếc áo đủ màu để làm đẹp cuộc đời. Căn nhà đối diện giăng đèn để mừng Giáng sinh dù còn những hơn tháng nữa. Tối nay đây, căn nhà này sẽ rực rỡ hoa đèn. Mùa Giáng sinh và Thanksgiving cho ta cái tươi mát của một mùa đánh thức lòng từ tâm bao dung của mọi người. Nên vào mùa này ở các ngã tư có nhiều khuôn mặt hành khất mới xuất hiện, hay các cơ quan từ thiện quyên tiền để giúp những người kém may mắn.

Còn tôi,

Thấm thoát bao nhiêu ngày Lễ Tạ Ơn qua đi trong đời, kể từ khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Ban đầu thì còn lạ lùng bỡ ngỡ vì tập tục xa lạ. Rồi quen dần và nay thì đón nhận ngày lễ này hàng năm tự nhiên như đón Tết Ta, Tết Tây, Giáng Sinh. Lúc đầu, vì với đời sống mới, nên chưa có thời giờ tìm hiểu. Nhưng sau này mới phát giác ngày nhập khóa và ra trường Võ Bị Đà Lạt của tôi gần trùng với ngày Lễ Tạ Ơn, mà trước đây không để ý: Đó là ngày 23 tháng 11.

Ngày Lễ Tạ Ơn, đối với người dân Hoa Kỳ là để nhớ vụ mùa thành đạt, sau khi dừng chân du mục tại vùng đất mới, đất đai phì nhiêu, nông dân được mùa. Và sau đó, người dân Hoa Kỳ tổ chức ngày kỷ niệm Tạ Ơn đã tìm được "Thiên Đàng" nơi vùng đất hứa.

Còn tôi làm sao quên được ngày này 50 năm trước. Mốc thời gian này đã thay đổi đời mình từ một đứa con trai nhút nhát miền lục tỉnh thành một người lính biết thương đồng đội, yêu quê hương, hy sinh cho chính nghĩa Tự Do. Và cũng ngày này 37 năm trước, là ngày Thanksgiving đầu tiên của tôi nơi vùng đất mới, trong hoàn cảnh tận cùng của người dân Việt không Cộng Sản. Tôi tìm lại được ánh sáng nơi cuối đường hầm, dù tôi đã tiêu pha gần hết nửa đời người, dù phải cực khổ nhưng vẫn còn may mắn hơn bè bạn, đồng đội bị giam cầm nơi sơn lam chướng khí, rừng thiêng nước độc. Cuộc chiến tàn, nhưng để lại trên quê hương tôi những vết tích tan hoang, tàn phế.

50 năm qua đi thật nhanh cho cuộc đời binh nghiệp bị gãy đổ!

Hôm nay, tại nhà tôi những đứa bạn cùng khóa đã tề tựu để tưởng nhớ ngày này. Anh em, nay già nua chậm chạp. Hình ảnh thời trai trẻ đã bị thời gian, đã bị chiến tranh làm biến dạng. Một số bạn vì hoàn cảnh, vì sức khỏe không đến tham dự được ngày kỷ niệm này, tiếc thay, họ đã đánh mất cơ hội chỉ có một lần trong đời. Chia tay nhau, khi dư âm ngày lễ Tạ ơn còn vang vang, khi tiết Thu lành lạnh, nhìn dáng bạn bè ra về, bóng đổ dài khi chiều Thu xuống dần. Các bạn tôi nay như chiếc lá mùa Thu còn sót trên cây cổ thụ đong đưa trước gió. . .

 

Màu Thu Trong Mắt Em

Nhớ lại khi mới sang Hoa Kỳ, tôi ở vùng núi của tiểu bang Virginia, gần Skyline drive. Căn nhà cây cũ kỹ, hai tầng do nhà thờ mướn, nhưng có sân sau thật rộng và thơ mộng, plum mọc đây đó trong sân, nho leo đầy hàng rào chung quanh. Cây cối khá um tùm. Một hôm sáng dậy nghe tiết trời lành lạnh, nhìn vườn sau phủ đầy lá vàng, nâu, tím như tấm thảm trời vừa trải cho qua đêm. Tuyệt đẹp! Tôi hưởng mùa Thu đầu tiên nơi xứ người. Vốn yêu mùa Thu từ lâu, không hẳn vì tôi sanh vào mùa Thu, nhưng yêu cái lãng mạn mà không có mùa nào trong năm cho tôi cái cảm giác lâng lâng thơ thới như mùa Thu. Khi mùa Thu đến, từng bước chân Thu nhẹ nhàng theo từng chiếc lá Thu rơi. Từng tiếng Thu thánh thót nương theo gió. Hơi Thu lành lạnh gõ cửa báo mùa Thu đang có mặt. Nắng Thu nhảy múa trên từng chiếc lá vàng, theo nốt nhạc tích tắc thời gian chuyển sắc lá thành bức tranh tuyệt tác. Và. . . giấc mơ Thu có nàng con gái làm lòng thi nhân rộn ràng say đắm. Trong lung linh nắng ấm tôi cảm như được khoác chiếc áo len dạo quanh với nàng Thu. Rồi một hôm màu Thu đã làm xao động lòng tôi,

Nầy! Cô gái nhỏ mắt hồ Thu
Dáng kiều lơi lả bóng trăng Thu
Thu phong thoáng nhẹ ru tà áo
Dấu hài xao động lá vàng Thu. . .
Tôi yêu màu thu trong mắt nai
Tha thướt hồ trăng soi bóng ai
E ấp mây trời giăng hờ hững
Lưng trời, đáy nước chuốc men say. . . !
Vì em, nên tôi tập làm thơ
Ru em vào mộng, dệt thành mơ
Thổn thức bao đêm chờ ngày sáng
Thoáng bước em sang, bỗng ngu ngơ. . .
Nắng hong vàng lá, lá thu bay
Cô bé ngày nào má hây hây
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Còn đâu. . . màu thu trong mắt ai!!!
 
Tôi Vẫn Yêu Màu Thu Trong Mắt Em. . .

Mùa Thu của TUI

(Chữ TUI nghe hay hay làm sao, nên khi nhà tôi còn sống, hay TUI TUI BÀ BÀ. Có đứa bạn nghe được còn vặn họng hỏi tôi là mày bắt đầu "tui tui bà bà" từ hồi nào. Nó nói: "Tao với bả anh anh em em ngọt xớt". Anh này xạo lắm, rõ ràng trước mặt thì vậy, chớ vừa nói chuyện với tôi là nó kêu bà xã nó là "BẢ", thì cũng họ hàng với BÀ chớ gì!)

Giờ nhà tôi đã không còn nữa. Khi gia đình đến xứ này, dù đã nửa đời người nhưng sức khỏe còn khang kiện. Tôi nhớ lúc đó ngoài việc đi làm, đi học, còn phải giữ con, sáng sáng tôi phải ru đứa con trai út chưa đầy một tuổi, mùa Thu lá đổ bên ngoài, tôi có thể nghe tiếng lá rơi nhẹ sau vườn. Còn giờ đây, bao nhiêu mùa Thu qua đi, bây giờ tôi không còn phải làm gì, nhiều lúc con cái đến thăm, chúng mở cửa vào nhà, ngồi nhìn tôi một đổi mà tôi nào hay biết. Tai nghễnh ngãng đến như vậy, mà nhiều thứ khác trong cơ thể cũng không hơn gì! Mùa Thu đẹp bao nhiêu, thì mùa Thu cũng như cái biểu thước đo sự thoái hóa của cơ thể mình. Thực ra nỗi buồn vui của chúng ta không phải vì mùa Thu đến hay đi, không phải vì Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhưng hạnh phúc là biết vui với cái mình có, vui với những gì trời đất ban cho, biết nhảy múa trong bão tố, chớ không chờ cho cơn mưa dứt hạt.

Bên ngoài trời gió lộng, cây cành ngả nghiêng. Đèn đường như nhảy múa trên xác lá Thu lao xao bên lối đi. Trong này tôi nghe tiếng thở của chính mình và tiếng keyboard tách tách gõ từng chữ ghi lại cảm nghĩ như sợ bị gió Thu làm tan loãng trong không gian.

 

Phạm Văn Hòa