PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Thế là, chỉ 50 tiếng đồng hồ, “tiếng hát” đó, rồi “tiếng súng” này, theo nhau, lần lượt lên trời!
 
“Tiếng hát” là Danh Ca chi bảo Thái Thanh, “Tiếng súng” là Thiếu Tướng hùng anh Lê Minh Đảo. Danh Ca mất lúc 11h50 ngày 17/3/2020 ở Orange County, thọ 86 tuổi. Thiếu Tướng ra đi trưa 13h45 hôm 19/03/2020 ở Connecticut, thọ 87 tuổi.
 

thaithanhve

Nói đến tiếng hát Thái Thanh thì có lẽ không có gì để thêm! Bởi tiếng hát đó là một phần thân thể chúng ta: những người yêu nhạc trưởng thành trước 75. Nó là con tim, là trí nhớ, là lệ ứa, là tai nghiêng. Chúng ta nghe Thái Thanh cả khi cô không cất tiếng!

Đó là một chiều tối, đi làm về, vội vã thay đồ, chạy lên ngôi chùa gần nhà, cúng Giao Thừa, chợt vẳng bên tai “đầu mùa Xuân cùng em đi lễ”. Đó là một khuya mùa Hạ, ôm đàn rải từng nốt nhạc vườn trăng, lại nghe thoang thoảng “đêm thơm như một giòng sữa”, hay … “hay chỉ là giấc mơ thôi / nghe tình đang chết trong tôi”, v.v… những âm vang mời gọi người, đưa tôi “lên xe / về miền quá khứ”!

Không phải ai cũng mê tiếng hát Thái Thanh. Có người bảo tiếng hát Thái Thanh là tiếng hát đại chúng. Tôi không nghĩ thế. Người thưởng ngoạn cô, đa số, có một trình độ “chừng mực” nào đó, và, phần đông là người di cư.

Thập niên 70, ở một số tỉnh miền Tây (mà tôi biết), người nghe Thái Thanh không nhiều, mà họ nghe Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Nhật Trường, Duy Khánh, Chế Linh, Elvis Phương, Sĩ Phú, v.v… Ít cả Kim Tước, Châu Hà, Duy Trác, Nhật Bằng, Anh Ngọc, v.v… Ở Sài Gòn, bạn bè chúng tôi, thỉnh thoảng nghe Thái Thanh, còn đa số là những tiếng hát cùng thế hệ: những Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu, Julie, Thái Hiền, những Sĩ Phú, Duy Quang, Jo Marcel, Nhật Trường, v.v… Nghe nhạc “trẻ” và chơi “nhạc trẻ” (nhạc ngoại quốc / nhạc ngoại quốc lời Việt)!

Nhưng không “mê“ Thái Thanh không có nghĩa là không nghe cô hát, mà, không nghe thì thôi, nghe rồi thì nhớ mãi. Bài ca nào Thái Thanh hát, tuy không “cầu chứng tại tòa”, nhưng coi như nó thuộc về cô. Nó là của cô. Những tiếng hát thượng thặng khác (Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú…) có ghé qua chơi, cũng không làm người ta quên cô. Từ “Về Miền Trung”, “Đêm Màu Hồng”, “10 Bài Đạo Ca”, “Đôi Mắt Người Sơn Tây” v.v…, những ca khúc “anh viết, em ca” ấy, cho đến “Hòn Vọng Phu” (Lê Thương), “Về Đây Nghe Em” (Trần Quang Lộc), “Chiều Nay Không Có Em” (Nguyễn Minh Khôi), “Tuổi 13” (Ngô Thụy Miên)… và, nhất là, Dòng Sông Xanh (lời Việt: Phạm Duy). Tôi có nói quá không? Nếu có thì chắc cũng không ai trách. Bởi Thái Thanh là tiếng hát “đệ nhất”, là tiếng ca “minh chủ”, có “bốc” cũng thêm thừa!

Trong những người mê Thái Thanh có hai anh em bà con: Mai Thảo và Hoàng Hải Thủy. Chuyện ông Thảo và Thái Thanh thì ai cũng biết. Chuyện ông Thủy mê Thái Thanh thì, dầu ông bảo là “tôi chỉ mê tiếng hát thôi”, nhưng qua những bài thơ ông viết tặng cô thì ai cũng thấy là ông không chỉ mê tiếng hát.

Ông Thủy nhớ lại lần đầu ông gặp Thái Thanh là năm 1952: năm ông 19, cô 18. Chàng thanh niên Hà Đông mày mò đi kiếm một chân phóng viên, vô tình gặp được nàng ca sĩ Hà Nội, trên chiếc xe điện… Chợ Lớn – Sài Gòn. Và ông thú nhận: Phóng sự “Yêu nhau bằng mồm” của ông (1970) chả có nghĩa lý gì so với những ca khúc Thái Thanh hát, “thời gian đã hai mươi năm trôi qua. Tôi thấy Nữ ca sĩ Thái Thanh, với tiếng hát không có dĩ vãng của nàng, đã làm cho đời tôi đẹp hơn, phong phú hơn là tôi với những truyện ngắn, truyện dài của tôi làm cho đời nàng thêm đẹp…”.

Chưa hết, Hoàng… Dược Sư còn hạ bút tự phê: “Tôi quen mở máy nhạc khi ngồi viết, vừa viết vừa nghe nhạc. Nhưng khi tiếng hát Thái Thanh cất lên, tôi phải ngừng viết để nghe. Tôi vẫn nghĩ khi Thái Thanh hát mà tôi làm bất cứ việc gì là tôi có lỗi”. “ Mê” Thái Thanh kiểu đó (thấy “có lỗi”) thì chắc chỉ có mình ông!

Tôi có một cô bạn hát hay lắm. Nghe cô “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” thì chỉ muốn từ quan ngay. Thường, bạn bè hát cho nhau nghe nhưng có hôm, trong một nhà hàng, cô được khán giả ái mộ mời lên sân khấu. Khi nghe cô giới thiệu “Thanh Ý xin hát ca khúc…” thì tôi hơi ngạc nhiên. Hát xong, về bàn, tôi hỏi nhỏ cô:

– Ủa, đổi tên hồi nào sao không thấy xôi chè gì hết vậy?

– Đâu có, mình lấy tên Thanh Ý khi trình diễn, lâu rồi.

– Thanh Ý là hát… “y như thánh”?

– Mais non, cái ông này! Thanh Ý là ghép tên hai tiếng hát thần tượng của mình: Thái Thanh – Ý Lan.

– Thế à. Vậy sao không lấy Thái… Lan cho dễ nhớ hơn?

– !!!

Không chỉ hát hay, Thái Thanh còn là một nghệ sĩ có tư cách. Tháng 12/2002, trả lời một câu hỏi của đạo diễn Đỗ Tiến Đức (và người bạn học cũ Nguyễn Đắc Điều):

Hỏi: Việt Cộng nó có đến mời chị hát không?

Thái Thanh: Có. Họ có mời vào đoàn hát này đoàn hát nọ nhưng tôi từ chối. Mà phải từ chối khéo chứ lôi thôi là nó đưa mình vào tù ngay. Tôi nói với họ rằng tôi chưa thể đi hát lúc này vì các con tôi chúng nó đã di tản nên tôi nhớ con lắm.

Nguyễn Đắc Điều: Vậy mà nó để yên cho chị?

Thái Thanh: Thì à… tôi không biết cái kiểu để yên và không để yên của người Cộng Sản như thế nào nhưng mà tôi chỉ biết tôi ở nhà của mẹ tôi ở tầng lầu trên cùng bỗng tự dưng không có nước máy lên nữa. Tôi đi hỏi thì họ trả lời là: “Nước yếu”. Tôi nói: “Tại sao thời không có Cộng Sản thì nước lại mạnh?”. Nói thì nói chứ từ đó là tôi phải đi xách nước lên hai ba lầu rã cả cánh tay đấy. Lúc đó tôi cũng năm mươi tuổi rồi chứ trẻ gì đâu. Nói là xách dưới nhà nhưng thật ra là xách nước từ bên kia đường, rồi leo bao nhiêu là bậc thang nên đổ toẹt hết cả. Lúc bấy giờ tôi buồn lắm. Tôi tự an ủi mình rằng mình buồn khổ là vì mình không có nước.”

Câu hỏi “Tại sao thời không có Cộng Sản thì nước lại mạnh?” là một câu nghe đã cái lỗ tai, xứng đáng được “mấy tràng pháo tay”!

Như người đàn ông rất là “ưu ái” cô, nhà văn Mai Thảo, Thái Thanh cũng có thái độ quyết liệt với cái gọi là văn nghệ CS:

“…Tôi hỏi: Xin trở lại chuyện cũ, chị nghĩ thế nào về nền âm nhạc của cộng sản?

Thái Thanh: Tôi không để ý đến âm nhạc, và ngay cả ca sĩ của họ là vì tôi không thích cộng sản nên tôi không thèm ngó tới cái âm nhạc của họ, không thích ca sĩ, không thích sách báo, bài viết, văn thơ của cộng sản. Như anh đã biết đấy, cái gì cũng viết về đảng về Bác, chưa đọc đã biết, chưa nghe đã biết, thì đọc thì nghe làm quái gì.”

Vâng, cô nói đúng lắm, thưa cô. Ngữ đó, đọc với nghe “làm quái gì”. Vùa bực mình, vừa phí thì giờ vô ích!

Trong câu chuyện với ông Đức, ông Điều, cô Thái Thanh cho biết: đời cô, cô yêu nhất là âm nhạc, sau đó là “cuộc sống tu hành” (chữ của cô). Và cô thêm: “…Thành ra, khi tôi giác ngộ điều đó, tôi hay ngồi trước tượng Phật, và tôi cầu xin. Nhưng tôi không cầu xin cho riêng tôi đâu. Tôi không cầu xin cái gì cho tôi cả. Tôi cầu xin cho tất cả chúng sinh được mọi điều may mắn, được hưởng thanh bình, nhất là không có chiến tranh, không có cảnh chém giết nhau”.

Ở hải ngoại, tôi chỉ một lần xem cô Thái hát. Đó là mùa thu năm 92, 93 gì đó, khi cô cùng hai bố con Phạm Duy, Duy Quang lưu diễn ở Tây Âu, ghé Pháp, hát trong một nhà hàng ở quận 13, Paris. Cô hát trước mấy bài (của các nhạc sĩ họ Phạm: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Phạm Trọng Cầu / Em Ra Đi Mùa Thu), sau đó là qua nhạc yêu cầu, dĩ nhiên là có “Dòng Sông Xanh”.

Với tôi hôm đó, cô Thái hát không được như xưa, điều không có gì đáng ngạc nhiên ở cái tiếng hát 60 ngoài này cộng thêm “10 năm hình khổ” với CS. Nhưng, vẫn còn đó cái mượt mà, thánh thót, vẫn ngần ấy luyến láy, vẫn ngần ấy cảm xúc và, cái đáng nói nhất, là cô để cả tâm hồn mình vào mỗi câu hát, mỗi chuỗi ngân. Phải yêu mến và trân trọng âm nhạc biết chừng nào mới làm được như thế. Vinh hạnh thay cho những người có sáng tác được Thái Thanh trình diễn!

Nhiều người đã xưng tụng Thái Thanh.

Mai Thảo: tiếng hát vượt thời gian. Nguyễn Đình Toàn: tiếng ca không tuổi. Hoàng Hải Thủy: tiếng hát không dĩ vãng. Khánh Ly: diva duy nhất. Thụy Khuê: tiếng hát lên trời. v.v… Với tôi, Thái Thanh là “tiếng hát trời cho”.

Cho cô. Cho người. Cho đời.

Trong khi cô bé 16 tròn trăng Băng Thanh “lên sân khấu” lần đầu bên cạnh các anh chị ở khu chiến Thanh Hóa thì, ở Sài Gòn, cậu Lê Minh Đảo, 17 tuổi, học sinh Petrus Ký, đang chuẩn bị thi lấy bằng Tú Tài bán phần.

le minh daocontre

Tay bút, tay đàn. Để kiếm thêm chi phí phụ gia đình, ông Đảo gia nhập ban nhạc Lê Thương (?), anh thủ cây Banjo, Guitare giao cho ông Minh đờn (Trung Tướng Nguyễn Văn Minh), người trở thành sếp anh, năm 1972 (Tư Lệnh Vùng 3). Em kế ông Đảo, ông Lê Hằng Minh, cũng là một Guitariste (Classique) nổi tiếng (La Cumparsita).

Đỗ Tú Tài toàn phần năm 1952, năm 1953, theo lệnh Tổng Động Viên, ông Đảo tình nguyện vào Võ Bị Đà Lạt. Ra trường năm 54, khóa 10 Trần Bình Trọng của ông có 3 ông lên Tướng (Tư Lệnh Sư Đoàn): Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai (gốc Dù) Sư Đoàn 3; Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt (gốc Thủy Quân Lục Chiến) Sư Đoàn 2, và ông, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Sư Đoàn 18.

Tôi đọc đâu đó, nghe kể lại, có người (?) trước đây (trước 75?) gọi Tướng Đảo là Tướng “văn phòng” do các chức vụ ông đảm nhiệm trong quá khứ: trong 10 năm (62 – 72), thì đã 9 năm ông Đảo làm Tỉnh Trưởng: từ Long An, qua Chương Thiện, đến Định Tường.

Nhưng , cái người “phát ngôn bừa bãi” đó là một người thiếu suy nghĩ (hay do ganh tỵ làm mờ… óc?). Bởi vì, ngay từ Đệ Nhất Cộng Hòa, chức vụ Tỉnh Trưởng còn kiêm nhiệm chức vụ Tiểu Khu Trưởng mà cấp bậc Trung Tá / Đại Tá, trực tiếp chỉ huy một quân số tương đương với 1, 2 Trung Đoàn (tùy theo diện tích Tỉnh) tuy trang bị không bằng các Sư Đoàn (3 Trung Đoàn) chủ lực. Có nghĩa là ông Tỉnh Trưởng Lê Minh Đảo không chỉ có ngồi Bureau ký giấy không thôi! Mà ông cũng cầm quân “xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài an).

Bằng chứng là trước khi ông Đảo về, Sư Đoàn 18 – đứa em út trong 11 Sư Đoàn chủ lực VNCH (thành lập năm 1965), chỉ được tuyên đương công trạng 1 lần (hành quân Cambodge). Trong 3 năm 72 – 74, Sư Đoàn 18 được tuyên dương trước quân đội 3 lần, quân kỳ Sư Đoàn được gắn thêm 3 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu và chiến sĩ Sư Đoàn được mang dây biểu chương màu Quân Công Bội Tinh. Riêng Tướng Đảo được ân thưởng 48 huy chương, trong đó có Bảo Quốc Quân Chương Đệ Ngũ, Đệ Tứ và Đệ Tam Đẳng (Chiến Sử QLVNCH, trang 195, Phạm Phong Dinh, theo Cassette tướng Đảo gởi cho tác giả).

Đấy, văn (phòng) Tướng hay chiến Tướng?

Không có danh từ nào khác hơn là “chiến thắng” của Sư Đoàn 18 ở Xuân Lộc, để nói về cuộc đọ sức giữa quân đoàn 4 Cộng Quân của tướng Hoàng Cầm (3 “sư” 6, 7, 341), tăng cường thêm “sư” 325.

Cộng Sản định chơi mửng cũ “lấy thịt đè người” 4 đánh 1. Nhưng Bắc quân lầm! Lần này không có “di tản” cũng chẳng “tái phối trí” nên Tướng Đảo đã có thời giờ dàn quân, chuẩn bị đón “răng đen”. Thêm tinh thần chiến đấu của toàn thể quân nhân đều lên cao, quyết tâm rửa mặt cho Quân Lực VNCH.

Và cuộc rửa mặt, bằng… máu địch quân, với sự hỗ trợ của Lữ Đoàn 1 Dù và Không Quân Biên Hòa, đã được hoàn tất. Sau 12 ngày tấn công không có… nổi, các “sư” trưởng 6, 7, 341, 325 đã theo “sư” trụ trì mới Trần Văn Trà , thay “sư” cụ Cầm (Cầm ôm… cầm đi chỗ khác chơi), đổi hướng tấn công, đánh Biên Hòa. Để bảo vệ Biên Hòa, tướng Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, ra lệnh Sư Đoàn 18 và các đơn vị bạn lui quân về đấy.

Theo ước tính “khiêm nhường” của Tướng Đảo, có khoảng 8.000 bộ đội “sinh Bắc tử Xuân (Lộc)”. Tội ác này là của ai, nếu không là của cái nhúm người đang ngồi trong Bắc Bộ Phủ ngoài kia, phì phèo thuốc ngoại, bốc hốt bia ôm, chỉ tay xua quân vào chỗ chết?

Cần nói thêm là tuy nắm những chức vụ quan trọng trong quân đội nhưng gia đình ông Đảo không có chuyện “một người làm quan cả họ… lính kiểng”. Ông có 4 người em: 2 tử trận (Lê Hằng Minh, Lê Quang Thạch), 2 phục vụ cho quân đội và Tổng Liên Đoàn Lao Công VNCH (Đại Úy TQLC Lê Hằng Nghi và Chánh Văn Phòng của ông Trần Quốc Bửu: Lê Nguyên Ánh).

Trung Tá Lê Hằng Minh, cha đẻ tên gọi “Trâu Điên” của Tiểu Đoàn 2, Tiểu Đoàn ngoại hạng của Thủy Quân Lục Chiến, gồm những Tiểu Đoàn Trưởng ngoại hạng: Lê Hằng Minh, Ngô Văn Định, Nguyễn Xuân Phúc (Robert Lửa), Trần Văn Hợp… Ông Minh tử trận năm 66. Ông Định (đồng khóa 4 với tướng Trưởng) là con “voi già” của Sư Đoàn, Lữ Đoàn Trưởng của nhiều Lữ Đoàn. Ông Phúc, người nổi tiếng nhất binh chủng, tử trận cuối tháng 3/75 và ông Hợp, chết trong trại tù CS năm 1977.

Tuy không “vị quốc vong thân” như hai em nhưng không phải là tổ quốc không ghi ơn ông Đảo. Nội chuyện bảo vệ an ninh cho đồng bào dưới quyền trách nhiệm của mình trong 9 năm Tỉnh Trưởng, cũng đã đủ rồi, nói chi đến chiến thắng Xuân Lộc do ông chỉ huy; một chiến thắng đã đánh tan cái nhận định “Quân Lực VNCH không chịu chiến đấu” do bọn ký giả thiên tả, bất lương rêu rao.

“Cổ lai chinh chiến Đảo nhân hồi”. Sau trên 17 năm tù tội, ông Đảo là một trong 4 vị Tướng ra tù trễ nhất: 5/5/1992.

Tháng 4/1993, ông cùng gia đình sang Mỹ theo diện HO. Ở tuổi 60 (1933 – 1993), nghe nói, ông làm lại cuộc đời bằng một chân quản lý… nhà hàng. Và ông vẫn tiếp tục tham gia công cuộc đấu tranh chống Cộng Sản nơi xứ người, sau các hội đoàn, những cuộc diễn thuyết, hội thảo khắp thế giới. Ông là tấm gương sáng để những người khác noi theo.

Tin ông qua đời làm tôi nhớ đến hai câu thơ của Văn Thiên Tường “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.

Vâng, ai mà không có lúc phải “lên đường”. Nhưng, “để lại lòng son rọi sử xanh” như tướng Đảo, hỏi có bao người? Cô B. Phượng, ái nữ ông Tướng kể “Hôm 18 tụi em vào thăm, biết mình sắp “đi” , ông nói “Ba chuẩn bị đi hành quân”. Với người lính già Lê Minh Đảo, một ngày Quân Đội là một đời Quân Đội!

Cô Thái Thanh và Thiếu tướng Đảo không là “mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” mà trái lại, ra đi ở tuổi 86, 87 là khá thọ. Biết như thế nhưng buồn thì vẫn cứ buồn. Bởi vì cô Thái và tướng Đảo là hiện thân của Việt Nam Cộng Hòa. Cái quê hương mến yêu ấy ngày càng thu hẹp lại, theo với những người “đi xa”.

Như 45 năm trước, cũng tháng 3 này, lãnh thổ Cộng Hòa chúng ta ngày càng thu ngắn lại.

Tiếng Ca, Tiếng Súng Lên Trời
(Kính dâng hương hồn cô Thái Thanh và Thiếu Tướng Lê Minh Đảo)


Tiếng ca, tiếng súng lên trời
Chim Thanh bặt tiếng giữa đời Đảo điên!
Tiếng nào cuối đáy con tim
Mang theo quá khứ bình yên trở về?

Hết rồi tiếng hát say mê,
Hết rồi tiếng súng, rừng che xác thù
Hai hàng nến thắp âm u
Mưa giăng Xuân Lộc, sương mù Sông Xanh!

Bên kia cửa Tử là Sinh
“Thôi thì thôi nhé”, thôi đành vẫy tay!
Tàu xa, ga khóc nơi này
Cuối “con đường đó” cờ bay đón người.


23/3/2020
BP