Photo: https://www.in.pampers.com/
Mới tắm xong, trên đường đi về nhà, thấy dáng te tái bước thấp bước cao của chị Ngao (chị vốn bị thọt chân) hớt ha hớt hải đi về phía tôi, nói không kịp thở:
- Nãy giờ em đi tắm, hèn chi chị tìm không ra. Nè, con Phương đau bụng đẻ dữ dội, mấy người mới đưa nó lên bệnh viện đó, em đi với chị ra đó ngay!
Trước khi kể tiếp, tôi xin mở ngoặc nói về cái tên “Ngao” của chị… Ngao. Nhóm chúng tôi gồm bốn đứa con gái còn trẻ, hay đùa phá, nên thấy trong trại hễ ai có đặc điểm gì vui vui… khác người là chúng tôi đặt ngay “biệt danh” . Chị Ngao, có cái tên khai sanh rất đẹp là Hương Giang, nhưng chồng của chị có khuôn mặt to bè, lại đeo cái kiếng đen suốt ngày, chưa kể cái miệng trễ méo xẹo y chang như nhân vật thầy bói Ngao trong tuồng cải lương “Ngao Sò Ốc Hến”, nên chúng tôi tặng ngay tên Ngao cho cặp vợ chồng này là “anh chị Ngao”. (Chị Ngao, dạ quên, chị Hương Giang, nếu chị đọc được bài này, xin chị thông cảm và bỏ qua cho chúng em vì đã gọi chị với cái tên khác, nhưng với tất cả sự thân mật, gần gũi, thương mến nhau, và cái tên đó đáng yêu lắm cơ!)
Trở lại cái chuyện chị Ngao báo tin con Phương đau bụng đẻ. Sở dĩ chị chạy đến kêu tôi, một phần vì tôi là hàng xóm cùng lô nhà. Phần khác, quan trọng hơn, là tôi quen với chàng bác sỹ người Việt làm trong bệnh viện, cho nên cứ có chuyện đau bụng nhức đầu, cảm cúm giữa đêm khuya là chị cứ réo tôi, để tôi cho thuốc (có sẵn trong nhà, do chàng bác sỹ… cung cấp), hoặc nếu cần thiết thì cùng tôi kéo nhau ra bệnh viện, nơi anh chàng bác sỹ ngủ ở đó mỗi đêm. Nhìn bộ mặt quan trọng của chị Ngao, tôi càng luống cuống:
- Chị chờ em vô nhà chải đầu nhe, mới tắm xong, ướt nhẹp hà…
Chị Ngao xua tay:
- Thôi khỏi, trại tỵ nạn ai cũng như ai mà, làm đẹp cho ai ngắm? Mình phải lên bệnh viện ngay coi nó có làm sao không chớ!
Tôi đành nghe lời, quăng vội mớ đồ dơ vào nhà, để nguyên si cái đầu bù tóc rối, chạy theo chị như bị ma đuổi. Tới nơi thì mấy chị hồi nãy (tạm gọi là mấy chị Tám) đưa Phương lên đây đã đứng sẵn ngoài cổng, báo tin:
- Bể nước ối rồi, mới được xe chở ra bệnh viện lớn ngoài trại.
Tôi hỏi, theo thói quen:
- Bác sỹ Đức đâu?
- Ra ngoải luôn rồi!
Cả đám nhìn nhau, rồi đi về nhà chị Ngao tán dóc trong khi chờ tin tức từ ngoải đưa về.
Chị Ngao chủ tọa, thở dài:
- Hổng biết con trai hay con gái đây? Hy vọng con Phương cố gắng mà rặn, chớ đừng để mổ, không tốt chút nào, hại sức khoẻ lắm…
Tôi phụ hoạ:
- Chiều nào hai vợ chồng nó cũng đi bộ mấy vòng quanh khu nhà, chắc không cần phải mổ đâu, nó dư sức mà.
Các chị Tám khác thay phiên nhau vào chuyện:
- Cầu mong cho ra con gái, và phải đẹp giống mẹ à nha, nước da trắng bóc, mũi cao, mắt nâu nâu hiền dịu…
- Ừa, nếu không giống mẹ mà giống… hải tặc thì tội nghiệp cho thằng Minh quá, tủi thân lắm á!
- Bà nói gì đâu không à! Khi chuyến tàu gặp hải tặc hãm hiếp, lúc lên trại gặp Cao Ủy có cho các bà các cô uống thuốc phá thai phòng hờ, nhưng vợ chồng thằng Minh con Phương khi biết nó có thai đã nhứt định giữ cái thai lại. Tụi nó nói làm như vậy ác nhơn ác đức lắm, cứu một mạng người còn hơn xây mười cái Chùa, đứa bé nào có tội tình gì!
- Đúng rồi, suốt thời gian mang thai, con Phương được thằng Minh cưng chiều chăm sóc như trứng mỏng, thiệt là có phước lắm mới có được thằng chồng hiền lành hiểu biết như vậy.
- Thì dù sao, thằng Minh cũng biết vợ nó đâu có lỗi gì. Lỗi là lỗi tày trời mấy thằng hải tặc Thái Lan kìa. Cái lũ khốn kiếp tàn ác, hổng có lương tâm…
Mỗi người vài câu, nắng chiều tắt hồi nào không hay, mà tin tức từ ngoải vẫn im re.
Chị Ngao lại tiếp tục đúc kết với vai trò chủ nhà và chủ tọa:
- Ta nói, mình sợ Cộng Sản mới đi vượt biên, ra biển thì lại sợ nạn hải tặc. Cái đám đó sao trời không tru đất không diệt chúng cho tan thây! Mà tàu nào chúng hiếp, rồi cho đi tiếp là còn may phước mấy đời đó nghen, chớ nhiều tàu bị chúng hiếp xong là bắn vỡ tàu, cho chìm hết xuống biển để phi tang, coi như tiêu đời mất mạng. Tao nghe tả mấy thằng hải tặc bặm trợn, cởi trần trùng trục, da đen bóng loáng, xâm xổ đầy mình… mà ớn da vịt da gà. Nói thiệt nha, tàu tao mà gặp chúng nó, thà tao nhảy xuống biển liều chết sướng hơn!
Thế là các chị Tám lại lao nhao, lên án hải tặc, càng lúc càng hăng, chỉ thiếu điều muốn đứng lên hô khẩu hiệu “Đả đảo hải tặc, đả đảo hải tặc!!!”
Hai ngày sau, tôi đang làm ở bưu điện, chị Ngao lấp ló ngoài cửa. Tôi biết chuyện gì nên xin phép bà boss người Úc cho về sớm, chạy ra gặp chị Ngao:
- Phương sao rồi chị? Trai hay gái?
Chị Ngao nở nụ cươi tươi rói:
- Con trai!! Tụi mình đến thăm nha.
- Để em ghé qua chợ mua cho nó hộp sữa đặc.
Chị kéo tay tôi đi một mạch:
- Quà cáp để nay mai đưa cũng được, giờ ghé qua coi mẹ tròn con vuông ra sao, coi cái thằng lủng đó như thế nào, tao nôn quá chừng…
Đến nơi, các chị Tám bữa trước đã có mặt đông đủ. Phương đang ẵm đứa bé, âu yếm nhìn nó dịu dàng, còn chồng Phương ngồi cạnh vợ, sờ nắn tay chân con với tất cả sự vụng về chân thành.
Tôi ghé xuống nhìn thằng bé, trời đất, nó không giống mẹ tí chút nào! Ngược lại, nước da nó màu nâu đen sậm, nhưng đậm đà, khoẻ mạnh và đôi mắt đen láy to tròn với hàng mi dài. Chắc mới bú no nên mặt nó tươi cười rạng rỡ. Chị Ngao tiến tới mở lời:
- Cho tao ẵm nó miếng coi!
Rồi đón lấy thằng bé, hun chụt chụt vào đôi má bầu bĩnh của nó và nựng:
- Tổ cha mày chứ, thấy ghét quá à.
Mấy bà Tám kia cũng xúm lại, cưng nựng mỗi người mỗi kiểu:
- Ui chu choa, cái môi cong cong kìa, cha mày!
- Trời ơi, cái mắt ướt rượt kìa, thằng cha mày!!
- Mèn ơi… Miệng cười này mai mốt con gái xếp hàng dài dài à nha…
Tôi bước ra cửa, vì biết không giành nổi với mấy bà đang chết mê chết mệt thằng bé con và thầm mỉm cười.
Mới hôm kia, bà nào cũng hăng máu đả đảo hải tặc rất quyết liệt, tưởng như không có gì cản nổi, mà bữa nay ôm cưng thằng… con hải tặc quên trời đất, mà câu nào cũng có chữ “cha mày, cha mày” thiệt là âu yếm, đáng yêu làm sao!
Kim Loan