PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

lkj

Cuốn lịch đến những ngày cuối năm lép xẹp.  Ngày tháng rơi rụng như lá mùa thu báo hiệu mùa Giáng Sinh và New Year ngấm nghé ngoài cửa.  Trên cành, lá thu lơ thơ còn sót run rẩy vì gió Đông.  Dưới đất làn cỏ mượt mà mùa Hè ngày nào, đổi màu vàng úa bao phủ phấn tuyết trắng xóa.  Bốn mùa đến đi thật nhẹ nhàng.  Thiên nhiên nhiệm mầu, biến thiên vạn vật theo chu kỳ tái tạo.  Rừng kia trụi lá, nhưng rồi búp non sẽ đơm, hoa sẽ nở, hương sẽ thơm ngát, chim én và vạn vật sẽ hồi sinh đón mùa Xuân mới.  Vạn vật sẽ tái sinh... còn con người thì sao?   Hãy nghe cụ Nguyễn Công Trứ ví von:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

An 85-foot, 13-ton Norway spruce, which will serve as Rockefeller Center's Christmas tree this year, is prepared to be cut down Wednesday morning Nov. 5, 2014 in Bloomsburg, Pa. ahead of the 155-mile journey to midtown Manhattan. The tree will be illuminated for the first time on Dec. 3 in a ceremony that's been held since 1933. The tree came from the home of Dan Sigafoos and Rachel Drosdick-Sigafoos. (AP Photo/Michael Rubinkam)

Thật vậy, làm cây thông mà sướng!  Mùa nào cũng xanh tốt trong khi đông đến rừng cây trụi lá.  Màu xanh của thông nổi bật cho ta cảm giác tươi mát.  Chính vì vậy Giáng Sinh và cây thông không thể thiếu một trong những ngày cuối năm.  Tại Hoa Kỳ hai cây thông được mọi người biết đến nhất đó là "National Christmas Tree ở Washington DC, tượng trưng cho uy quyền về chính trị""Cây thông ở Rockefeller Plaza New York trượng trưng cho sức mạnh kinh tế".  Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên, nhưng là thông điệp cho biết Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới có sức mạnh vô song về chính trị và kinh tế.  Được biết cây thông ở Rockefeller NY năm nay loại Norway Spruce, 90 tuổi, cao 86ft, mang về từ vùng quê Bloomsburg, PA. Cũng tại Rockefeller Center hơn bảy chục năm trước, cây Giáng Sinh đầu tiên được nhóm công nhân xây cất trưng bày vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 1933, và truyền thống này được duy trì đến ngày nay.  Hàng trăm ngàn ngọn đèn thắp sáng từ ngày 3 tháng 12 đến ngày 6 tháng giêng năm sau.              

Mừng Giáng Sinh, tiệc tùng được tổ chức khắp nơi, từ tư gia đến các cơ sở khai thác thương mại, phản ảnh các giai tầng trong xã hội:  giàu, nghèo, học làm trưởng giả, vân vân.  Đa số vui chơi, thụ hưởng sau một năm làm việc cực nhọc, và chuẩn bị đón năm mới.  Tuy vậy một số ít cho đây là thời điểm thích hợp nhất để tìm bình yên thư thái, ngồi nhà đếm thời gian qua quả Apple ở New York lắc lư vào lúc giao thừa.    

Mùa này, các cơ quan từ thiện và những người có lòng từ tâm giúp người kém may mắn hay hoạn nạn.  Những mẩu tin ngắn sau đây, được phổ biến trên phương tiện truyền thông:

          Tại thành phố nhỏ Preston bên Anh, người ăn xin vô gia cư đã vốc hết số tiền $4.60 được bố thí cả ngày, để giúp một nữ sinh viên an toàn trả tiền taxi về nhà sau một đêm vui chơi với bạn, bị mất hết tiền bạc và không cách chi liên lạc về nhà.  

          Tại một thành phố nhỏ Brendon ở MO Hoa Kỳ, vợ chồng một thực khách thường xuyên của tiệm ăn, đã tặng quà Giáng Sinh cho người chiêu đãi viên lớn tuổi của nhà hàng này chiếc xe để làm phương tiện di chuyển, thay chiếc xe hiện bà đang đi trông tồi tệ như từ nghĩa địa xe hơi.

          Bà mẹ ở Alabama đánh cắp 5 trứng gà ở tiệm Dollars Store bị bắt.  Người cảnh sát giàu lòng nhân ái thay vì lập biên bản, đã mua tặng bà vỉ trứng vì biết hoàn cảnh gia đình túng thiếu, con không có gì ăn lót dạ. Trong túi bà chỉ có $1.20 không đủ để mua vỉ trứng là ly do bà đánh cắp trứng.

Đó là chuyện ngày nay, nhưng nếu không kể truyện ngày xưa là điều thiếu sót.  Người viết xin kể lại, không phải dịch, những câu chuyện của văn hào O. Henry và Hans Christian Andersen.  Hai câu chuyện sau đây đã được kể bao nhiều lần, dịch ra bao nhiêu thứ tiếng, quảng bá khắp cùng thế giới, như kinh tụng để nhân loại đừng quên bên ngoài sự hào nhoáng óng ánh hoa đăng của cây Giáng Sinh, các món quà, các lọ nước hoa đắt giá, là thực trạng xã hội với hy vọng, ước vọng, kỳ vọng hay thất vọng của cuộc sống phức tạp con người.  Xin lược thuật như sau:

1. The Gift of the Magi – O. Henry

(Món Quà Của Magi - Tựa truyện của chuyện tình đẹp mượn từ huyền thoại về món quà của người tên Magi, mang vàng, nhũ hương và mộc dược để mừng Chúa Giêsu giáng sinh).

 

1

Một trong những truyện được nhiều người biết đó là "The Gift Of Magi" (Món quà của Magi) của văn hào O . Henry.  Kể rằng cặp vợ chồng trẻ nghèo muốn tặng món quà Giáng Sinh mà người yêu hằng mơ ước.  Nàng đã cắt mái tóc thật đẹp vào những giờ cuối của buổi chiều trước đêm Giáng Sinh, để mua sợi dây đeo đồng hồ quả lắc bằng bạc tặng chồng vì anh không đủ tiền mua.  Đi làm về, người chồng vô cùng ngạc nhiên khi nhìn mái tóc ngắn ngủn của vợ.  Còn đâu mái tóc mà anh thường vuốt trong những khi âu yếm!  Anh càng buồn hơn vì đã bán đồng hồ quả lắc gia bảo, để mua chiếc lược trâm đồi mồi mà nàng trầm trồ mỗi khi đi qua tủ trưng bày.  Tiếc thay, Giáng Sinh này nàng không có tóc để chải lược, và chàng không còn đồng hồ quả lắc để đeo sợi dây mà nàng đánh đổi bằng mái tóc mượt mà yêu quý.  Tình yêu đẹp quá!  Món quà Giáng Sinh vô giá!   

2. The Little Match Girl – Hans Christian Anderson

(Cô Bé Bán Diêm Quẹt)

2

         Truyện viết về cô bé bán diêm quẹt trong đêm Giáng Sinh.  Cô bé đi cả ngày không bán được que diêm nào và sợ trở về nhà bị quở mắng.  Đêm xuống dần, đôi chân cô bé lạnh cóng vì đôi giày quá khổ cô mang đã mất trong tuyết lạnh vì chân tê cóng không còn cảm giác.  Cô bé lê bước đến bực thềm bên ngoài căn nhà sáng choang hoa đèn.  Thức ăn bày la liệt thơm ngát và con gà tây thật hấp dẫn còn nguyên trên bàn.  Cô quẹt diêm để tìm chút lửa ấm.  Cô tiếp tục quẹt diêm hơ tay chân để cảm thấy ấm áp hơn. Mắt mờ dần vì đói.  Que diêm tiếp tục được quẹt.  Ánh sáng lóe.  Cô bé thấy con gà tây tuột xuống khỏi bàn đi đến chỗ cô ngồi và biến mất khi que diêm tắt.  Cô bé quẹt que diêm kế tiếp, thấy mình ngồi bên cây Giáng Sinh tuyệt vời nhất, đèn nhấp nhánh tận thiên đàng, rồi một ngôi sao băng tạo thành vệt sáng.  Cô bé thốt lên "Một người vừa mất".  Cô lại nghĩ đến bà của cô, vì bà là người thương cô nhất nhưng đã qua đời.  Trong ánh sáng của que diêm, cô bé thấy bà ẩn hiện, gương mặt nhân từ dang tay truyền cô hơi ấm.  Cô bé tiếp tục đánh diêm vì sợ khi ánh sáng tắt bà sẽ không còn bên cô.  Các que diêm còn sót lóe sáng đem cho cô hạnh phúc mà từ lâu bị mất.  Và que diêm cuối cùng được lóe, ánh sáng chan hòa cũng là lúc bà dắt tay cô, bay cao, cao mãi theo ánh sáng hoa đăng về nơi không lạnh, không đói, không ưu phiền.  Cô bé đã về với Chúa. 

Có độc giả sẽ nói, chuyện về Giáng Sinh sao buồn quá!  Đúng vậy, nhưng sẽ lưu lại trong tim người đọc thật lâu vì truyện gõ đúng ngõ vào tim.  Câu chuyện trên đây được viết cách nay hơn trăm năm, kể lại bao nhiêu lần, mà vẫn còn tác động lòng từ tâm con người nhất là vào mùa lễ Giáng Sinh.  Thế mới biết nét đẹp sẽ vĩnh cửu.  Lời hay ý đẹp sẽ trường tồn, sẽ không bao giờ già và không bao giờ chết!  

Trời vừa chạng vạng,

Đèn Giáng Sinh nhấp nhánh ở căn nhà đối diện.  Bên ngoài tiếng lao xao, cả gia đình người hàng xóm đổ xô ra ngoài ngắm nhìn đèn đủ màu, nhất là nhánh ngoài ngõ.  Mọi người chuyện trò vui vẻ, họ nói không cùng thứ tiếng, nhưng tôi biết mọi người đang nô nức đợi chờ Giáng Sinh.  Bên này, bên trong khung cửa tôi ngầm chia sẻ hạnh phúc với người bạn láng giềng, ngẫm sự đời qua các câu truyện được viết hàng trăm năm, những câu chuyện sống mới vừa xảy ra trong mùa Giáng Sinh năm nay, và nghĩ về thân phận mình.    

Lâu lắm, kể từ khi tôi biết thế nào là Giáng Sinh, dạo đó cậu bé nhà quê nhìn những căn nhà Tây trong tỉnh rình rang ăn mừng, cứ ngỡ họ không phải dân tôi.  Rồi, những mùa Giáng Sinh và Tết Tây kế tiếp khi người con trai biết yêu, tham dự bal de famille, chập chững làm quen với cuộc sống mới ở Sàigòn, hay những lần về phép trước khi trở về đơn vị.  Rồi chiến tranh lan tràn nơi tiền đồn đơn vị, hay ứng trực bên đồi thông ở trường Võ Bị với hỏa châu thay hoa đăng chờ giặc.

Kỷ niệm năm xưa không hề già, còn tôi hôm nay như cây cổ thụ sần sùi trụi lá. 

Và hôm nay gần ngày Giáng Sinh, sau khi nhà bị trộm tôi mới hiểu được lòng các con mình hơn.  Mấy đứa con trai mà tôi nghĩ là chúng quên người cha luống tuổi, nhưng sau khuôn mặt thầm lặng đó là đại dương yêu thương mà các con dành cho tôi.  Chúng đã bao lần muốn tôi dọn về ở chung, nhưng tôi từ chối vì không muốn rời căn nhà mà mẹ chúng đã chọn. 

Tôi muốn cám ơn dân tộc Hoa Kỳ đã cưu mang và cho gia đình tôi cơ hội tạo dựng lại những gì đã mất tại quê hương mình trong canh bạc chiến tranh.  Và trong mùa Giáng Sinh cách nay gần bốn mươi năm, tôi làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng khi tuổi đời vơi đi hết nửa, ở vùng đất hứa tôi nhận làm quê hương thứ hai.  Lòng nhân ái của dân tộc Hoa Kỳ làm sao quên được.  Cũng hôm nhà bị trộm, tôi học thêm bài học nhân ái của người tính tiền ở tiệm Hamburger đã biếu tôi gói French fries.  Vì sau một ngày nhiều biến động, tôi vội vàng không mang tiền đủ để mua bánh Hamburger và gói French fries.  Dưới mắt cô, tôi là ông già đáng được giúp đỡ.  Làm sao quên tôi quên được ánh mắt cô bán hàng khi trao bọc bánh "có gói khoai tây chiên nhỏ vừa mới chiên nóng hổi ông thích".  Nhận bọc bánh trên tay, tôi liên tưởng "Gói Khoai Tây Chiên Nhỏ" này và chuyện "Ổ Bánh Mì Không" mà người chủ quán từ chối bán cho ông già người Việt cùng màu da, mà tôi có dịp chứng kiến và kể lại cách nay khá lâu.  Có gì nghèn nghẹn nơi cổ.

***

Trời chưa sáng hẳn.  Bên ngoài vẫn còn mưa.  Cơn mưa dai dẳng từ khi tôi vào giường lúc nửa đêm.  Tiếng gió xì xào, tiếng giọt mưa nhịp đều đánh thức cho tôi cảm giác nhẹ nhàng thư thái.  Rời phòng học, lái xe lang thang trên đường để cảm nhận mát lạnh trong những ngày chớm Đông.  Đèn đường soi rõ từng sợi mưa giăng như tơ, mong manh đong đưa theo gió.  Các lều bán pháo cho ngày Tết Tây đã được mọc lên từ lúc nào, hay chỉ mới đêm qua.  Rồi đây từ Đông sang Tây, theo từng múi giờ, nhân dân địa cầu sẽ đón mừng năm mới trong bầu không khí tưng bừng. Và xóm tôi xác pháo sẽ ngập lối đi như những năm trước đây, mà tôi như còn ngửi mùi khen khét khi viết những dòng chữ này.

Tiếng garage lạnh lùng mở. 

Tôi trở về nhà lúc nào không hay. 

Cảm giác lâng lâng của buổi sáng gần cuối năm.

Bên ngoài vẫn còn mưa. 

Đồng hồ chỉ 8:02 phút sáng mà trời còn tối thui.

Pha ly cà phê đầu ngày.  Ngồi nhìn từng giọt cà phê tí tách như giọt mưa ngoài hiên.  Mùi cà phê thơm phức.  Hai tay ôm lấy tách cà phê nóng bốc khói để cảm nhận hơi ấm truyền qua tim, hương thơm bốc lên óc, vị ngọt đắng qua đầu môi...  và nhớ những kỷ niệm đẹp của ly cà phê đầu ngày mà tôi được hưởng trong đời.

Bài ca "Đêm Thánh Vô Cùng", trong CD quà Giáng Sinh, tự động trỗi lên đánh thức tôi lúc 8 giờ, nhưng tôi đã thức từ lâu.  Tiếng nhạc êm ái nhẹ nhàng tan loãng trong không gian...

 

Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Ðất với trời se chữ Ðồng
Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền...

 

Phạm Văn Hòa, 2014