.
Với nỗi lòng của người xa xứ, muốn ghi lại những suy nghĩ, những niềm vui nỗi nhớ, những kỷ niệm quê nhà, tôi chập chững tập viết qua sự khuyến khích và giúp đỡ đầu tiên của cô bạn dạy văn NTĐ, cứ viết được bài nào là gởi email nhờ bạn sửa đổi, trau chuốt lời văn và chính bạn đã gởi bài đi hộ cho trang Liên Trường Pleiku. Cứ thế rồi từ từ gặp được cơ duyên quen biết thêm bạn mới ở trang Tống Phước Hiệp (TPH), để rồi ngày lại ngày, viết cũng dần quen tay...
Thấm thoát mà đã hơn 3 năm “gõ phím” viết bài. Nhìn lại đoạn đường ngắn ngủi vừa qua, một chút vui vui, điểm thêm tí buồn man mác. Không lạ gì với những nỗi vui buồn đó vì những bài viết của tôi được viết ra, thường là bắt nguồn từ đời sống của mình, từ những suy nghĩ bất chợt, từ một hình ảnh thân quen, từ một ngày để nhớ... nên vì thế đa phần là sự thật, mà đời sống thường ngày thì phải có buồn vui nên thêm thắt, hư cấu đôi chút cho nhẹ nhàng, cho khác lạ một tí mà thôi…
Nhớ lại lần đầu gặp được bạn bè thời trung học Pleime sau hơn 30 năm xa cách, niềm vui hạnh ngộ khiến tôi có một ý nghĩ - phải nói là gan cùng mình - ghi lại chuyến đi nhiều kỷ niệm đó. Cô bạn thân là cô giáo dạy văn đã hết lời thúc giục tôi cứ ghi lại rồi bạn sẽ sửa cho. Viết rồi gởi cho bạn mà ngượng với chính mình, cũng may lúc ấy trang web Liên trường Pleiku mới thành lập, bài vở chưa nhiều, lại thêm web master là bạn của ông anh, nên khi bạn gởi giùm bài thì được đăng ngay. Phải thành thật mà nói, thì dù bài được đăng nhưng không hề dám đọc lại hay vui mừng hãnh diện chi cả vì biết khả năng viết kém cỏi của mình. Chỉ có điều nhờ vào sự khuyến khích, gợi ý của bạn, tôi lại “điếc không sợ súng” và "múa rìu qua mắt thợ", cứ mỗi ngày khi rảnh rỗi là ngồi vào máy, gõ bài gửi đi. Chắc hẳn cô bạn này không ít lần tự trách sao mình ‘lỡ dại” khuyến khích làm chi, để phải lắc đầu ngán ngẫm khi tốn công sức và thì giờ sửa bài cho, phải không bạn hiền?
Bởi thế, không hề có ý trở thành người viết chuyên nghiệp - hay nói cho lớn lao, văn chương hơn là - thành một nhà văn, vì đó không phải là hoài bão, mục tiêu mà tôi hướng đến, bởi “biết người, biết ta”, vả lại để thành danh như thế, ắt hẳn trước hết phải có sở trường viết lách, kế đến phải có một kiến thức sâu sắc về lịch sử, xã hội và văn học… mà những điều này tôi chỉ đạt con số âm! Vậy mà có những người - trước kia tạm gọi là bạn - đã không hề hiểu và có ý nghĩ sai lầm về tôi. Xin thưa, oan vô cùng… vì cho đến giờ này, mỗi khi viết xong tôi vẫn gởi cho các bạn thân thiết xem trước để góp ý, để sửa đổi… và chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bước chân vào văn đàn, bút nhóm chi đâu – dù chỉ là tại địa phương đang cư ngụ. Bài tôi viết chỉ là một cách để tập làm văn, để luyện thêm tiếng Việt. Vả lại, cơm áo gạo tiền chi, tiếng tăm chi khi mà khả năng của tôi như ếch ngồi đáy giếng, như hạt cát trong sa mạc hay đúng hơn là rất ấu trĩ trong lời văn, ngữ pháp… chỉ đơn giản là muốn trải nỗi lòng, suy nghĩ, ý tưởng ra cho người quen biết hiểu chút ít về mình, về sinh hoạt quanh tôi và cũng là để giảm stress từ công việc hằng ngày, cho trí óc làm việc nhằm giảm nguy cơ bệnh dementia mà thôi, vì tôi e rằng mình dễ bị “dính” bệnh này khi bây giờ đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm trí nhớ!
Cũng vì thế mà tôi không gởi bài đi khắp các trang web hay báo chí để tìm cách “tô đậm” mình, mà chỉ vui chơi với một trang web duy nhất là TPH hiện nay, được xem như là căn nhà thứ hai của tôi. Chúng tôi có thể trêu chọc, ghẹo phá hay tâm sự qua những trang viết, qua những comments để hiểu nhau hơn. Đây là một trang web phi chính trị, nghiêng về thơ văn học trò, bởi thế “văn tài” của tôi mới thỉnh thoảng được góp mặt và như thế cũng đủ vui lắm rồi!
Thật thế, vui là vì trang web TPH cho tôi cơ hội góp mặt trên trang nhà, gởi gắm được ít nhiều tâm tư, suy nghĩ của mình, rồi từ đó có được những người bạn rất tâm đắc, chỉ quen biết nhau nhờ viết qua lại trên sân trường TPH thuở nào, rồi tình thân ngày càng thắt chặt, vui cùng nhau hưởng mà buồn cùng gánh chia. Chúng tôi chọc phá để cười đùa, để quên đi những nhọc nhằn, lo toan đời thường, và những giọt nước mắt, những lời an ủi mỗi khi có chuyện… Đâu dễ gì kiếm được tình bạn như thế này với lứa tuổi gần đất xa trời và với cuộc đời nhiều toan tính thiệt hơn! Có lẽ các bạn cùng tần số đùa giỡn, “vui là chính” nên biết thông cảm và hiểu cho nhau chăng.
Thêm nữa, vui là vì nhờ qua những bài viết mà tôi đã nối được liên lạc với bạn bè, với người quen từ nơi xa xôi và trên tất cả, là gia đình tôi hiểu nhau hơn, các em biết thêm về khoảng đời sinh hoạt trước năm 1975, lúc các em còn quá nhỏ, những sinh hoạt mà các em tôi lý thú muốn tìm hiểu, muốn biết thêm. Các con tôi cũng luyện được kỹ năng đọc tiếng Việt khi tò mò muốn biết mẹ viết gì trong đó. Nói như thế, không phải vì bài viết của tôi đề cập đầy đủ những việc nêu trên, nhưng nhờ đọc bài mà các em có thể hỏi thêm chi tiết, các bạn hay người quen có thể nhắc thêm những kỷ niệm cùng nhau, các con có thể hỏi thêm ý nghĩa của từ được sử dụng. Đây quả là những lợi ích của việc giao tiếp xung quanh ta mà không hề ngờ tới.
Vui hơn nữa là tôi cũng có ”những fan hâm mộ”, đây là lời nói đùa của cô bạn ST mà thôi vì bạn “tặng” thêm lời giải thích cho rõ nghĩa “bài bà viết ra ít nhất cũng có tới hai người đọc, là tui và SH” và tôi cũng đã thêm vào “hỏng chừng số lượng người đọc là do hai bà chạy ra, chạy vô click cho có vẻ có nhiều độc giả, để an ủi khuyến khích tui, đúng không nè” Rồi cùng nhau cười xòa! Thật là những người bạn đúng nghĩa, nhân dịp này tôi cũng không quên cám ơn bạn NTĐ, dù ít trao đổi, chọc ghẹo, nhưng có thể tin là bài nào tôi viết ra, bạn cũng đều theo dõi và có những góp ý rất đáng quý. Cũng xin gởi lời cảm tạ một người đã từng khuyến khích và nâng đỡ bằng cách không ít lần giúp đọc và sửa đổi cho lời văn của bài tôi viết được trau chuốt, gọn gàng hơn (dù là hiện nay tôi cũng chẳng tiến xa chi trên con đường viết lách của mình). Gần đây có thêm cô bạn, được gọi là bà Cố, chuyên “moi móc” những lỗi chính tả, những từ sai ý để cười chọc ghẹo tôi, nhưng đó cũng là những giúp đỡ mà tôi “vô cùng ghét”, bởi thế nên lần nào bài viết xong, tôi cũng gởi cho “nạn nhân” để “hành hạ” cặp mắt chuyên nhìn con số phải chuyển qua nhìn chữ “bới lông tìm vết” hộ cho “hả dạ tui”!
Bên cạnh những niềm vui nhẹ nhàng đó, giúp tôi siêng năng tìm ý tưởng, lời văn để có dịp trang trải nỗi lòng mình thì cũng còn là động lực để giúp tôi nhìn thoáng hơn, gạt bỏ những nhỏ nhặt ganh ghét đời thường mà thỉnh thoảng mình vấp phải.
Có những bài gợi nhớ đến kỷ niệm xưa, nhớ lại người cha đã khuất bóng, nhớ lại cảnh đời tị nạn… mà tôi chưa đủ sức diễn tả được bằng chữ viết đã làm tôi có một chút xốn xang, buồn trong lòng - dù được bạn bè khuyến khích nhưng tự thâm tâm, cũng biết được giới hạn của mình - Những trăn trở, những tình cảnh thương tâm mình chứng kiến, nhìn thấy được tình đời đổi trắng thay đen trước mắt hay lòng người vị tha, nổi bật quanh mình mà không có khả năng ghi lại. Ngay cả được sinh hoạt trong thế giới học đường, một khung cảnh tương đối ổn định, an bình, nơi mà tích cực có nhiều mà tiêu cực cũng không ít, là nơi có biết bao cảnh đời: thành công có, thất bại có, éo le cũng lắm mà hân hoan cũng nhiều. Một xã hội thu nhỏ với lắm chuyện vui buồn, một kho đề tài để viết vậy mà tôi không thể thực hiện được. Tham lam quá hay đó chỉ là muốn chuyển tải, chia sẻ những gì mình thấy đến người khác mà khả năng mình hạn hẹp nên không vui?
Chỉ là một người bình thường, có yêu có ghét, có xấu có tốt, nhưng qua công việc tập viết văn này đã giúp tôi có một cái nhìn cởi mở hơn, thấy hạnh phúc với những gì hiện có, thấy tội nghiệp cho những ai vẫn quẩn quanh trong vòng tranh giành danh lợi, trong ganh ghét, tỵ hiềm. Viết để thấy rằng dù có những điều bất như ý trong cuộc sống, có những việc không tâm sự được với ai thì những căng thẳng này cũng giảm bớt khi tìm quên trong suy nghĩ được trang trải qua giòng chữ. Một cách giải trí lành mạnh, thanh thản không những không tốn tiền mà còn có ích cho sức khỏe, cho trí nhớ đã đến lúc về hưu của mình nữa!
Bạn không tin sao? Xin hãy thử ghi lại những suy nghĩ, những việc làm, những nhận xét mà mình từng trải qua để có một cảm giác lắng đọng và một cảm nhận hạnh phúc. Vì cho dù không được ai thông cảm, sẻ chia thì ít ra chính mình cũng giải tỏa bớt được phần nào những căng thẳng, bế tắc, những tiêu cực buông xuôi và biết đâu nhờ thế còn tìm ra được chân lý để đón nhận cuộc đời, vốn dĩ không bằng phẳng là mấy!
Hồ Diệu Thảo