PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
matuintt
 
Má tui hiền lành và cơ cực lắm. Mỗi khi nghĩ đến má, tui cứ hình dung má tui là một bà già trầu.
 
Cũng lạ. Tui bây giờ cũng đã 71 tuổi. Nhưng thú thiệt, đôi khi nhìn vào gương tui thấy tui cũng còn mướt lắm chứ bộ. Tui hổng có sửa đổi, bơm hút cái gì đâu nghen. Tui tự nhiên má sanh sao tui để vậy. Kể cả cái tên Thêm quê một cục khi vô quốc tịch tui cũng không đổi nữa là. Tui nói như vậy hổng phải tui khen tui đẹp. Tui xấu hoắc chứ có đẹp đẽ gì. Má tui và cả gia đình nội ngoại đều nói tui giống ba. Mèn ơi! giống má thì có nét chứ giống ba thì có gì sắc sảo đâu. Có chăng là vẻ đẹp của một người đàn ông không đẹp trai. Hi Hi.
Tui muốn nói là tui 71 tuổi rồi mà tui vẫn còn.. coi được. Nghĩa là chưa đến nỗi... nhìn thấy ớn. Ra đường thiên hạ chưa thấy lọm khọm để "Chào cụ". Nếu mà mặc áo dài vô thì ba vòng cũng còn rõ rệt. Dù vòng hai có phần hơi tăng trưởng hơn hồi xa xưa. Nói nào ngay nhan sắc dù đã tàn phai theo ngày tháng, nhưng ở cái xứ đầy đủ vật chất này phụ nữ thường trẻ lâu hơn. Các chị có đồng ý với tui không?
Má Tui Ăn Trầu
 
Má tui hồi đó cỡ tuổi tui là đã thành bà già trầu. Hổng phải, cỡ gần 60 bả đã ăn trầu ngoáy. Răng cỏ má tui như lược bị gãy răng, cái còn cái mất. Vì phải ngoáy nên bà có một cái giỏ trầu. Gia tài đó gồm cái ống ngoáy và chìa ngoáy trầu, cau tươi, bình vôi và cái hộp nhỏ đựng thuốc rê. Dưới chân bộ ván gõ còn có cái ống nhổ cổ trầu bằng đồng.
Thiệt tình tui thấy sao má tui ăn trầu ngon quá xá. Trầu cay, vôi nóng, cau chát thế mà ba thứ bỏ vào ống ngoáy, xoáy cho nát, nó ra cái màu đỏ lòm. Má từ từ lấy đầu ống ngoáy lùa cái chất đỏ lòm đó vào miệng rồi ngồm ngoàm nhai. Nước cổ trầu đỏ thấy ớn nhổ vào cái lon đồng một cái phẹt. Má tui bây giờ không còn xỉa thuốc vì răng đã đi chơi xa còn đâu mà xỉa.
Cô tui xỉa thuốc mới ghê. Một cục thuốc to kềnh cô bỏ vào giữa răng và môi trên. Nó độn môi cô lên một cục chù vù. Thỉnh thoảng cô lấy tay đẩy cục thuốc rê đi du lịch vòng quanh nướu. Hai ngón tay trỏ và tay cái nhuộm cổ trầu và thuốc lá có cái màu nâu nâu không bao giờ rửa sạch.
Mỗi khi má tui đang ăn trầu mà muốn nói là bà dùng lưỡi túm bã trầu vào một bên, nhổ nước cổ trầu ra rồi mới nói. Có nhìn mấy bà già ăn trầu nói chuyện với nhau mới vui. Cả cái miệng đầy nước bã trầu vừa tém vừa nói thấy mà thương. Thỉnh thoảng má kéo cái khăn vắt vai chùi quanh mép. Hoặc lấy ngón tay trỏ và tay cái tém cái miệng chùi nước bã trầu tràn ra ngoài rồi trét lên khăn.
Người ta nói vôi làm răng chắc không bị sâu. Thế nhưng sao răng má tui đi du lịch ngoài không gian quá sớm. Phải ăn trầu ngoáy ngay cái tuổi vẫn chưa gọi là già.
Hồi đó tui còn nhỏ, thấy bà nội, má tui, bà Bảy, bà Hai, Bà Ba ăn trầu sao mà ngon quá. Tui lấy nửa lá trầu quẹt tí vôi, một miếng cau tươi của nội, tui bỏ vô miệng để nhai. Ngon đâu không thấy tui thấy cay xè và nóng muốn giộp lưỡi. Tui nhả ra không kịp vậy mà tui cũng bị say trầu một trận. Mặt tui đỏ bừng, đầu choáng váng, xoay mòng mòng. Từ đó tui tởn không bao giờ dám mơ chuyện ăn trầu cho môi nó đỏ.
Có một dạo ba má tui gây lộn. Ba tui thách má tui bỏ trầu. Mặc dù ông ông đã chăm chút trồng cho má tui hai nọc trầu vàng thiệt to, rất xum xuê. Cũng như ông chừa nguyên một liếp vườn dưới chuyên trồng cau "Để cho má mày ăn".
 
Má tui nhìn ổng. Đôi mắt hình hai viên đạn lửa lên nòng. Bà nghiến răng. Chỉ còn vài cái làm mẫu mà thôi.
 
Bà dứt khoát:
 
- Ngày mai tui sẽ bỏ cho ông coi. Đừng thách tui.
Ô hô! Má tui đem bộ đồ nghề ống ngoáy, khay trầu dẹp vào góc tủ. Cái ống nhổ đổ sạch, chùi bóng nước đồng. Bà đoạn tuyệt với ông thần vôi mà không cần ra tòa. Bà không ngáp, không mệt vì cơn ghiền trầu kéo đến. Tui nói:
 
- Hay má nhai gum hoặc ngậm kẹo cho đỡ buồn miệng.
 
Má tui tỉnh bơ:
 
- Có chi mà buồn. Má không ăn là không ăn. Cho Ba mày biết má nói là má làm.
Thế là má tui bỏ trầu từ dạo ấy. Không biết ba tui giao ước gì với má tui. Ông thua trận có làm đúng như cam kết hay không. Chứ riêng tui phục lăn chiêng bà già trầu. Dám nói, dám làm. Má tui là số một.
Người ta nói "Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng."
 
Tui thấy má tui bỏ trầu cũng vậy, có mua được cái gì đâu. Chỉ được cái là sân nhà không có những đốm đỏ đỏ dơ òm. Bà nội tui thiếu người cùng ăn trầu với mình. Nhất là mấy bà hàng xóm tiếc hùi hụi.
 
Các bạn biết tại sao không?
Bởi má tui có tài trị bệnh đẹn cho con nít. Mấy đứa con nít làm biếng bú hay ăn. Lưỡi cứ lè lè ra là mấy bà má bồng qua nhà tui. Má tui lật sấp đứa nhỏ xuống. Bà nhổ một bãi cổ trầu lên trên lưng và lấy tay chà từng chặng. Bà chà một hồi, những lông tơ bị gom lại, bà nhổ mấy cái lông đó đi. Lạ kỳ là mấy đứa nhỏ ít khi khóc. Má tui nói "Nó đã ngứa mà khóc gì?". Sau khi nhổ hết lông đẹn thì mấy đứa nhỏ lại ăn ngon, bú giỏi.
Tui không hiểu lối trị bệnh bá đạo của má tui. Nhưng rất nhiều người rất tin tưởng và coi bả như bà thầy. Bà thầy này mà ở bên Mỹ thế nào cũng phải ra hầu tòa, bị phạt tiền trắng máu.
Má tui còn rất mát tay về mục xỏ lỗ tai cho con gái. Ngày xưa làm gì có thợ hoặc có đồ nghề xỏ lỗ tai như ngày nay. Má tui chỉ dùng một cây kim may và chỉ. Mấy bà hàng xóm hay bà con trong gia tộc có con gái thường đến nhà tui nhờ vả:
 
- Nhờ bác Sáu giúp giùm. Mai kia nó còn đeo bông để lấy chồng.
Nếu con bé hơi lớn mà sợ đau thì bà mẹ dụ dỗ:
 
- Con có muốn đeo tòn teng không? Nếu muốn thì ráng chịu đau một chút.
 
Má tui tốt bụng lắm. Ai nhờ gì là sốt sắng làm. Bả đang làm vườn ư? Dễ thôi, vô rửa tay rồi lau vô cái khăn trên đầu bất kể nó đã được đội mấy ngày. Bả sửa soạn đồ nghề. Mở hộp kim chỉ ra. Lấy chỉ mới xỏ vào kim rồi nhúng cả chỉ và kim vào rượu trắng. Bả kéo cái ghế ra sân ngồi để sáng nhìn cho rõ. Đứa bé sợ quá co rúm lại. Bà mẹ ôm con vào lòng, giữ chặt hai tay nó. Má tui giữ dái tai con bé rồi mân mê tìm trái tai, là điểm chính giữa. Bà nheo nheo đôi mắt và đâm một phát. Con bé ré lên một cái khóc um sùm. Bà cắt chỉ, thắt lại và qua tai bên kia hành sự tiếp.
Bà dặn về nhà chịu khó xoay qua xoay lại sợi chỉ cho nó mau lành. Nếu có rượu thì thấm vào để khỏi làm độc. Độ chưa tới nửa tháng là vết thương lành. Người nào có tiền thì mua bông tai đeo vô cho con. Người nghèo thì lấy cọng củ tỏi cắt cho vừa lỗ nhét vào. Cứ thế khi nào muốn đeo bông thì rút ra. Dễ ợt.
Tui và mấy đứa em bà con đều do một tay má tui xỏ lỗ tai. Sau này má tui đã già thị lực bà giảm nhiều mà cũng có người đem con đến nhờ vả. Nói ai đâu xa, con gái tui nè, cả hai đứa đều do ngoại xỏ lỗ tai. Bà đưa ra xa ngắm ngắm, mò mò rồi đâm cây kim một cái ngọt sớt. Bách phát bách trúng, mà có điều nó đi ngoài vòng an toàn, tức không vào ngay tâm điểm. Con bé tui lỗ tai xéo xẹo tức cười.
Có một lần con nhỏ em họ tui lấy chồng. Gần ngày đám hỏi mà nhìn lại lỗ tai chưa xỏ. Nó đạp xe đạp từ ngoài quận về nhà tui nhờ má tui xỏ lỗ tai để đeo bông cưới. Má tui già rồi, nó cũng lớn dái tai dày mo, má tui xỏ trần ai khoai củ. Sau một hồi hì hục trật vuột, nó cũng có chỗ để má chồng đeo đôi bông cưới ràng buộc một đời.
Tội nghiệp nó, chịu đau đớn xỏ lỗ tai để làm đám hỏi. Nó gặp ngay thằng chồng con cưng, hư hỏng bài bạc rượu chè. Cuộc đời nó bầm giập thảm thương.
 
Ai cũng viết về mẹ. Tui cũng viết một chút về má tui. Bả thiệt là nhà quê và có nhiều chiêu rất lạ. Tới đây, tui lại nhớ thêm một chiêu độc của má tui.
Số là anh tui có một người bạn thân. Má của anh này dữ tàn cơn gió lạnh. Bà mà nổi tam bành lên là bà chưởi có bài bản hẳn hoi. Bà tên là Bà Sinh và ông anh đó tên là Tống. Một lần ảnh bị nhặm. Mắt đầy ghèn mở không lên. Mấy ngày không bớt. Má tui kêu anh tui tới nhà anh Tống dẫn ảnh tới nhà cho má tui biểu. Anh Tống tới nhà, vừa cố nhướng hai mắt để nhìn và chào má tui. Má tui bước ra ngậm một bụm rượu trắng phun ngay vào đôi mắt anh ấy. Anh Tống rú lên la lớn lảo đảo. Má tui nói anh tui dìu anh Tống nằm xuống nghỉ ngơi. Cả nhà tui hết hồn. Anh Tống là con một, lỡ đôi mắt có bề nào bà Sinh sẽ cào nhà chúng tui chả chơi.
Vậy mà kỳ lạ hôm sau mắt anh ấy bớt dần. Má tui phun thêm hai lần nữa là ảnh lành hẳn. May là rượu này do chính nhà tui nấu, chứ như rượu pha thuốc rầy như ngày nay chắc là anh Tống hết thấy đường. Hú hồn.
 

Má Tui Làm Dâu

Má tui người Biên Hòa, là dân Nam kỳ chính hiệu. Má vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa kể về cuộc đời má. Phải thấy cái miệng nhỏ xíu của má nói chuyện mới thương. Đôi môi đỏ thắm (hổng lẽ tại màu cổ trầu) đều đặn chép lên chép xuống, nước cổ trầu rỉ rỉ bên mép. Tui cứ tưởng nó tràn ra ngoài, trong bụng cứ chờ chờ, hồi hộp. Mà thiệt giỏi nghe, má tui tém nó gọn bân. Không hề rớt ra miếng nào.

Má cúi xuống gầm ván lôi cái ổng nhổ ra, Nhổ một cái phẹt rồi rút cái khăn rằn vắt vai chùi mép miệng. Má cười cười kể chuyện ngày xưa.

- Hồi còn con gái má sợ làm dâu lắm. Má có con nhỏ bạn thân lấy chồng ngoài Trung. Chu mẹt ơi! Nó nói cực giàn trời mây con à. Má chồng nó khó lắm. Hàm răng khít rịt. Nó nói cái hàm răng ”Cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai”

- Là sao hả má?

- Thì ra.. thì là… khó dữ lắm. Tiền đong, gạo lường một hột hổng lọt chớ sao.

- Mà sao cắn tiền hổng bể hả má?

- Cái con này ngu. Là hà tiện, là keo kiệt, rít chịt đó biết hông?

Lại thêm một chữ lạ tui càng hổng hiểu. Nhưng tóm lại là khó lắm. Biết vậy là được rồi.

- Rồi sao nữa má.

Nó làm dâu khó quá, chịu không thấu nên bồng con trốn dzô Nam luôn chớ sao.

- Rồi bên chồng dì có tìm hông má.

– Ban đầu nó dìa, gia đình nó đâu có nhận. Lấy chồng là phải theo chồng. Lễ nghĩa là vậy. Nó khóc quá trời. Kể lể thảm thiết luôn nên má nó mới chứa. Sau chồng nó tìm tới, bắt con và bỏ nó luôn.

- Tội nghiệp quá má he.

- Ừa! Nó khuyên má là đừng có lấy chồng người nẫu. Khổ lắm.

- Rồi má có nghe lời dì ấy không?

Má tui thở dài, lại cúi xuống lấy ổng nhổ. Thêm một cái phẹt đỏ lòm vào đó. Má tém miệng – mà kỳ nghen, sao má má tui ăn trầu coi ngon quá vậy ta. Ngon hơn là ăn cá thịt hay món gì khác- Má nhìn xa xăm rồi nói tiếp.

Hồi đó má thấy ba mày từ Bình Định dzô Nam, tứ cố vô thân má mới ưng ổng. Ai dè! Má phải làm dâu cho tới tuổi này.

Má bước xuống ghế đi ra ngoài vườn. Nắng chiều soi cái bóng má tui xiêu xiêu. Nhìn dáng nhỏ nhắn, gầy gò của má. Tui thương má tui đứt ruột. 

Má tui thứ Sáu nên bà con, xóm giềng đều gọi má tui là Dì Sáu hay Bác Sáu. Chỉ trừ bên nội tui là gọi là Chị Hai vì ba tui thứ hai. Má lấy ba tui hồi nào tui hổng biết. Đương nhiên rồi, nếu tui biết là có chiện to vì tui tới thứ Chín, là đứa con gái độc nhất trong gia đình. Ba tui dân xứ Nẫu, (Bình Định) theo người dì trôi giạt vào miền Nam năm mới chừng 15 tuổi.  

Ba bỏ xứ ra đi vì quê quá nghèo. Mẹ già, em dại chạy không ra miếng ăn nên ông tìm cách vào Nam lập nghiệp. Ông thề trong lòng “chỉ trở về quê khi thật giàu.” Cũng câu thề này mà ba tui biền biệt xa quê một đi không trở lại.

Ông về xứ một lần duy nhất năm ông trên 80 và đó là lần cuối cùng để vĩnh biệt nơi chôn nhau cắt rún.

Tui không thể kể chuyện tình yêu lâm ly của hai đấng sinh thành vì tui không biết gì để nói. Hai ông bà giữ bí mật kín như bưng. Tui chưa bao giờ trong suốt cuộc đời thấy ba má tui nắm tay nhau âu yếm, hay hôn nhau một cái thắm thiết coi nó như thế nào. Mỗi khi đi đâu thì ba tui đi trước rồi má tui lẹt đẹt đi sau.

Ôi cái thời xưa sao mà tình chồng vợ xa cách ngàn trùng. Mịt mùng sông nước mà cũng sản xuất ra cả chục đứa con.

Tui chỉ nhớ năm đó má tui bỏ hai chị em tui ở nhà để ra Bình Định rước nội tui về chữa bệnh. 

Má nói:

- Hai đứa con giỏi, má cưng. Con Chín coi chừng em cho má. Má đi ra quê rước bà nội dzô. Út Mười giỏi, mai mốt bà nội dzô sẽ xước mía cho con ăn.

Thế là má đi cả mấy tuần. Hai chị em tui cứ chiều là ra gốc dừa ngồi chờ má. Em tui nhớ má quá không nói chuyện mà cũng không dám khóc. Nó làm thinh tới độ chỉ ra dấu và lôi tay tui chỉ chỉ. Ý nó nói sao má lâu quá không về.

Một hôm, xe Lam đậu trước cửa nhà. Má tui bước xuống, đỡ theo một bà già mặc toàn đồ đen. Một cái khăn chéo đen che nửa bên mắt trông rất dễ sợ. Em tui lao ra hét lên một tiếng “Má” như dùng hết sức lực tâm can của mình. Thì ra em tui không phải câm mà bị stress.

Bà nội tui vào nhà. Tui đứng ở góc cửa nhìn bà lom lom. Em tui quấn quít má một hồi rồi khoanh tay thưa bà nội mới tới. Bà nội tui ngồi xuống ghế, lột cái khăn ngoắc hai chị em tui:

- Lại đây ví nậu đi con.

Hai chị em tui mở to cặp mắt hoảng hốt. Hai chân ríu lại. Muốn khóc mà sợ ba tui. Nội tui da đen thui, hai hàm răng cũng đen thui. Một cục đỏ lòm bự bằng cái chén nước mắm tòng teng che khuất mắt bên phải của bà.

Hai chị em lí nhí trả lời rồi thụt lùi chạy tuốt ra sau nhà.

Bà nội tui bị mụt lẹo ở mắt và do trị không đúng cách nên mụt nó phát to tướng. Má tui rước bà vào Nam để đem bà đi bệnh viện ở Sài Gòn để cắt đi.

Nghe đâu bà nội tui là con cái nhà quan. Ông cố tui nhiều vợ như hầu hết mấy ông quan thời xưa. bà nội tui là dòng chính, các bà cô, ông chú dòng thứ rất đông. Bà nội lấy chồng rồi chồng chết nên lâm vào cảnh nghèo túng. Ba tui là con trai trưởng nên nhiệm vụ nặng nề, ông phải tha phương cầu thực gửi tiền về lo cho mẹ, cho em. Bà nội tui nhuộm răng từ thời con gái. Hai hàm răng đen khít rịt và đều rưng rức. Bà vốn ghiền trầu. Miếng này hết là tiếp theo miếng khác. Lại thêm xỉa thuốc theo thói quen. Bà chỉ lấy một chút thuốc rê  bỏ vào mép trên dưới môi. Dường như để cho mùi thuốc rê tan lẫn vào trầu tạo thêm vị đậm đà. 

Kể từ khi má tui rước bà nội tui về là bà bắt đầu những ngày làm dâu vất vả.

Đầu tiên là phải tập nghe những từ ngữ lạ miền Trung để hiểu bà nội tui muốn nói cái gì. Mấy anh em tui cũng vậy, có những tiếng rất lạ, ngữ âm nặng chình chịch khó nghe. Ban đầu anh em tui lén nhái rồi cười với nhau. Sau bị ba tui phát hiện. Kêu vô trừng mắt và phạt một bữa từ đó không đứa nào dám hó hé. Lâu dần nghe rồi quen. Đôi khi phải dùng những từ Nẫu cho bà nội tui dễ hiểu.

Tui nhớ có một lần bà nói tui đi lấy cái đòn. Tui chạy ra sau nhà xách cái đòn gánh đem vào. Bà la lên:

- Úy chu choa quơi! Reng mà mi đi lấy cái ni. Coái đòn lòa cái ni nì.

Thì ra là cái ghế đẩu má tôi dùng để ngồi xắt chuối hay làm việc dưới bếp.

Thằng em út tui rất thích ăn mía. Mỗi lần ăn má tôi phải róc ra rồi cắt từng khoanh nhỏ cho em. Để dụ em tui ở nhà, má nói sẽ rước bà nội vào xước mía cho em ăn. Chừng nội vô Nam, bà kêu em tui vô ăn mía. Bà đưa miếng mía bà vừa xước cho em. Em tui nhìn miếng mía, nhìn bà nội rồi thụt cà lui chạy mất. Bởi vì miếng mía dính bã trầu đỏ lòm, nội cười lòi hàm răng đen thui biểu ai không sợ.

Bà nội tui sau khi đi nhà thương lớn mỗ cái mụt cóc ở mắt về thì con mắt đó bị giựt teo lại trông càng thấy sợ hơn. Mắt bà nhìn yếu dần rồi không còn thấy rõ. Thế là ba tui phải dùng một sợi dây nối dài từ phòng nội lên phòng khách, ra phòng tắm và nhà vệ sinh. Nội tui cứ thế mà lần đi.

Má tui phục vụ mẹ chồng từng bữa ăn chính, ăn phụ, ăn trầu, xỉa thuốc. Ngoài ra phải thường xuyên nấu cơm khách khi họ hàng cô bác từ ngoài xứ vào, gia đình chú tui vô thăm. Má làm dâu trưởng nên mọi việc má phải đảm đang để vừa lòng gia tộc bên chồng.

Nhà tôi là nhà vườn, trồng sầu riêng ngon có tiếng. Mỗi mùa thương lái hay đến để thu mua. Thế mà nội tui lại kỵ mùi sầu riêng. Nội chê thúi. Cho nên mỗi khi sầu riêng rụng, ba tui phải đem vào giấu kín ở trong phòng đóng cửa lại không để mùi bay ra. Nội nói: 

- “Cái trái chi mô thúi dữ he, en nó ra reng mòa bầy choa khen ngon?“. Ông dượng tui cắt nghĩa

- ”Chị cứ cầm một miếng mít, chui vô cầu tiêu ngồi en là thành en sầu riêng”

Má Lớn

Khi ba tui lấy bà vợ thứ ba thì em út tui đã 5 hay 6 tuổi. Dì ba tui còn con gái đã bỏ nhà theo ba tui làm bé, mặc kệ ba dì đánh cho mấy trận rồi đuổi khỏi nhà. Khi dì có con đầu lòng, dì không biết làm sao nuôi và chăm con. Ba tui thuở giờ việc con cái, việc nhà là của đàn bà, không khi nào đụng tay. Má tui thì không bao giờ bước tới tổ ấm oan nghiệt của dì và ba. Thế nhưng mỗi lần con ấm đầu đau bệnh khóc cả đêm thì dì chỉ biết ngồi khóc. Thế là ba tui biểu: ”Bồng vô cho má lớn nó lo” Dì mừng rơn, bồng con về nhà giao cho má tui chăm sóc. Má tui ôm con của chồng không thể từ chối. Lòng nhân ái lấn át cái ghen, má thức đêm thức hôm thuốc men săn sóc tận tình. Khi hết bệnh dì cám ơn rồi bồng con về nhà. Mấy đứa sau thì dì có kinh nghiệm nuôi con hơn một chút, nhưng hễ bệnh là giao về cho má lớn. Chúng gọi má ruột bằng “Chị Hai” gọi má tui là “Má” Mỗi khi giận mẹ ruột, chúng ôm đồ về má lớn đòi ở luôn. Mà phải ba tui ít con cho cam, dì ba tui đẻ cho ông sòn sòn 5 đứa. Đến khi chúng đi học, dì bắt phải gọi lại là má chứ không chấp nhận hai chữ “Chị Hai” 

Thằng em tui, con bà thứ hai cũng vậy, nó đeo má tui lắm, cứ đòi ba cho nó về ở chung với tụi tui, mặc dù nhà dì Hai tui cưng nó như vàng, bởi dì chỉ có nó là con trai duy nhất.

Không hiểu sao, mấy dì ghẻ tui đều chết sớm trước má tui. Trách nhiệm má tui phải lo bảo bọc, chăm sóc, dựng vợ gả chồng cho con mình luôn cả con chồng. Hai dì ghẻ tui chết khi con cái chưa đứa nào nên gia thất. Ba má tui là người chủ hôn lo cho tất cả các con. Sui gia chỉ biết má tui chứ còn các dì tui đều khuất núi.

Những ngày má tui bị bệnh, mấy chị em tui thay phiên nhau lo cho má, tội nghiệp mấy đứa con dì hai, dì ba cứ sợ má lớn chết. Nó thật lòng thương má tui bằng tất cả tấm lòng.

Ngày má tui mất, không phải mười mấy anh em tui mất mẹ, chịu cảnh mồ côi, mà ba tui cũng bị hụt hẫng, xuống tinh thần rất nhiều. Có lẽ ông đã thấy trái tim và cả cuộc đời má tui hy sinh cho ông nhiều biết mấy.

…….

Hôm nay là ngày Mother’s Day. Các bạn tôi gửi cho nhau những bài viết về Mẹ. Tôi vào file và gặp bài viết này. 

Thật ra mẹ của tôi không có gì đặc biệt, nói cho đúng ra bà chỉ là một người đàn bà Nam Bộ bình thường. Một bà mẹ nhà quê đúng nghĩa. Tôi đã được má tôi sinh ra cũng tầm thường, ít học, nghèo và nhỏ nhoi như vậy.

Má đối với tôi là tất cả hỉ nộ ái ố tôi mang theo cuộc đời mình.

Tôi vui vì tôi được là con của má. Một người phụ nữ có trái tim thật nhân từ

Tôi giận má vì má quá hiền và sống đạm bạc dù gia đình khá giả thế nào, má tôi cũng đơn sơ như vậy. Má đã nhịn nhục, cam phận và giáo dục tôi phụ nữ phải là như thế. Phải noi gương má, giống như má.

Tôi yêu má tôi nhất trên đời. Trong trái tim tôi, trong cuộc đời tôi má tôi là tất cả.

Tôi ghét má ư? Tôi không biết, tôi chỉ thấy mình không thể nín nhịn mỗi khi giữa đêm tỉnh giấc thấy má khóc một mình. Má ôm lấy tôi và cấm không cho tôi nói với nội hay ba là má khóc. Tại sao má không la to lên, má không thể nổi giận. Má không lên tiếng ghen với ba, với các dì ghẻ. Má chỉ làm thinh và má sống như vậy đến cuối đời. Tôi thương má, nhưng tôi ghét những giọt nước mắt của má. Những giọt nước mắt âm thầm len chảy vào trái tim yếu đuối của một cô bé con mới lớn.

Ngày lễ Mẹ năm nay tôi đã bước qua tuổi 73. Má tôi ở tuổi này đã là một bà già lụ khụ, răng rụng, người gầy nhom vẫn cơm dâng nước rót cho chồng. Con thì đông mà mẹ già chiếc bóng. Mỗi đứa con đi tìm hạnh phúc riêng của mình. Khi mẹ bệnh mới thay nhau về chăm sóc. Má tôi không hề có một ngày Lễ Mẹ, má không hề được tặng một đóa hoa từ tay chồng hay con. Má hình như cũng quên mất mình sinh ngày nào, mình đám cưới ngày nào. Trong đầu má ghi nhớ là ngày giỗ ông bà nội chồng và nhà mình, ngày giỗ cha chồng, cha mẹ mình. Nếu hỏi tuổi các con, bà sẽ lần ngón tay tính nhẩm: Tý, Sửu, Dần, Mão… À Nó năm nay… tuổi. Tội nghiệp má tôi.

Má của con ơi! Dù má làm gì, ra sao, con cũng thấy má con của con rất đẹp rất hiền hòa, dễ thương. Trong trái tim con má hiện hữu hàng ngày, hàng giờ. Làm việc gì con cũng nghĩ về má và so sánh ngày xưa nếu gặp trường hợp này má sẽ làm sao? Con rất thèm được hôn má một lần nữa. Hôn trên đôi má thật mịn màng. Thèm được thò tay vào cái áo túi rộng thùng thình mò hai trái mướp khô cằn của má. Hít thật sâu mùi da thịt của má yêu thương. Mùi mồ hôi quen thuộc đã đổ ra hàng ngày để nuôi con khôn lớn, nên người.
Con ước ao, mai kia khi con qua đời. Con của con sẽ nhớ về con được một phần mười con nhớ về má như bây giờ là con đã toại nguyện trong lòng.
 
Hãy yên nghỉ đi, má thân yêu của con. Con của má cũng sẽ là một bà mẹ tốt. Con hứa với má như vậy.
Nguyễn Thị Thêm