PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Là con của quân nhân thời chiến, chúng tôi thay đổi chỗ ở tùy theo sự sắp xếp công vụ của ba. Cứ vài năm là lại thấy ba má thu xếp dọn nhà đi nơi khác, có thể nói như là dân du mục, không hề có cơ ngơi yên ổn. Hãy thử điểm lại những nơi chốn từ lúc sinh ra, này nhé: Lọt lòng ở Quảng Trị, 3 tuổi chưa biết chi hết thì ra Huế, mới chạy nhảy quanh nhà ông bà nội chưa nhớ được con đường từ nhà đến chợ thì lại trở về Quảng Trị. Lần này đi học chưa hết năm Mẫu giáo thì ba lại đổi đi Quy Nhơn, học đến lớp 3 thì lên Pleiku, lớp 5 ở Đà Lạt, lớp 6 về lại Pleiku đến năm 72 học dở dang lớp 10 thì vào Saigon học và ở luôn cho đến lúc phải xa quê hương. Tính ra những tháng ngày ở quê nhà thì Saigon là nơi ở lâu nhất nhưng không hiểu sao lại có ít ấn tượng nhất, trong khi ở Quảng Trị, Quy Nhơn hay Đà Lạt dù chỉ ở vài tháng hay một vài năm vẫn còn đọng lại  nhiều kỷ niệm lý thú của thời thơ ấu trong tôi. Đặc biệt nhất là Pleiku, một thành phố nhỏ đầy lính tráng, “đi dăm phút đã về chốn cũ” lại sương mù đất đỏ quanh năm, vậy mà kỷ niệm vẫn đậm nét cho đến bây giờ.

Tôi bắt đầu những năm trung học tại trường  Pleime, một trường nữ trung học công lập duy nhất trong tỉnh, được thành lập vào năm 1967 do tiền bán sách viết về chiến công Pleime của Trung Tướng Vĩnh Lộc tại thành phố này, chúng tôi  được xem như con cưng của ông Tướng tư lệnh vùng 2 chiến thuật. Bất cứ lúc nào trường cần chuyện gì thì ông đều cử người đến giúp, chẳng hạn như chở học sinh đến sân vận động tỉnh để dự lễ gì đó, hay trường cần  vật liệu xây cất cho lớp học, lối đi, cổng… hoặc vận động mạnh thường quân giúp cho phần thưởng cuối năm v.v... Trường rất nhỏ chỉ mở được từ lớp 6 cho đến lớp 9, mỗi cấp chỉ có hai lớp, một Anh văn và một Pháp văn dựa theo học sinh chọn môn sinh ngữ chính để chia lớp. Học sinh học đến lớp 10 thì phải chuyển qua trường trung học Pleiku là trường Nam công lập của tỉnh để học tiếp. Chỉ sau năm 1972  thì mới có thêm lớp 11 và 12 nhưng lớp 12 ban Toán vẫn phải qua trường Nam để học vì không đủ sĩ số để mở một lớp tại trường nữ Pleime. Thầy cô giáo đến dạy cũng thay đổi liên tục vì ngoài một số ít là thầy cô giáo chính ngạch, tốt nghiệp từ trường đại học Sư phạm Huế được bổ nhiệm về, còn thì hầu hết là các cô giáo do theo chồng (là quân nhân) đổi về, có bằng đại học từ các ngành khác nhưng vẫn nộp đơn xin dạy, rồi tùy theo công vụ của chồng lại đổi đi nơi khác, hoặc có một số thầy cô tuy tốt nghiệp đại học Sư phạm Saigon nhưng vì không phải con ông cháu cha hay vì phạm lỗi kỷ luật hay vì lý do riêng tư chi đó nên đành phải đổi về. (Tôi dùng chữ ‘đành” là vì chưa ai biết rõ về cuộc sống và con người Pleiku thế nào, chỉ biết là phải đổi về cao nguyện “đầy sương lam , gió chướng”, nơi “khỉ ho, cò gáy”, cho nên đa số đều e ngại khi về xứ này. Và khi mới về, nhìn cảnh hoang vu, đất đỏ, bụi bay, chắc câu hát”ở đấy buổi chiều quanh năm mù sương” được ngâm nga với nhiều gật gù đồng ý. Còn những cô bé học trò chắc không ít lần ngán ngẫm khi trời mưa, đôi guốc/ giầy nhỏ dính đầy đất sét, từng bước chân nặng nề cất bước, để rồi sau đó phải lấy dao mà cạy từng “tảng” đất sét dưới đế guốc hoặc giày ra, thêm tà áo dài trắng phải hì hục giặt tay để xóa mờ vết bùn đỏ dính vào, những kỷ niệm đáng nhớ, phải không các bạn thời đó!). Trường Pleime tuy nhỏ, thầy cô không ổn định, nhưng không phải vì thế mà cách dạy dỗ của thầy cô lơ là, dạy lấy có mà kỷ luật vô cùng, nhất là dạy dỗ rất chất lượng bởi khả năng đào tạo giáo viên của các trường sư phạm thời đó rất cao nên chúng tôi cũng được hưởng nhận những tinh hoa từ các vị ấy.

Thành phố, ngoài những người dân và quân nhân công chức  từ các nơi tụ về, còn có những người dân bản xứ, gọi là người Thượng sống từ các bản làng lân cận. Mỗi sáng, khi trời còn mù sương họ lại quẫy gùi đựng những nông phẩm trồng được trong làng  ra chợ hoặc những nhà trong thành phố để đổi những thứ cần thiết cho họ như gạo, muối, cuốc xẻng v.v… Họ chưa biết dùng tiền tệ để đổi chác nên chỉ biết một đổi một, bất kể giá trị không tương đương nhau. Đàn ông mặc khố và đàn bà mặc xà rông và để ngực trần, là hình ảnh quen thuộc với thành phố Pleiku thời thập niên 60. Mới đầu tới đây, tôi chẳng dám tiếp xúc với họ vì hình ảnh đen đủi và hoang sơ nhìn dễ sợ làm sao, tuy nhiên sau khi quen rồi thì đó là những người chất phác, thật thà nhờ chưa biết đến hay chưa lệ thuộc với nền văn minh đô thị.

Vì bước vào trung học, lứa tuổi mới lớn đã biết chút mơ mộng, cộng thêm khung cảnh thiên nhiên đẹp hùng vĩ và hoang sơ bao quanh, nên các cô gái “em Pleiku má đỏ môi hồng” như sáng lên trong nắng trong gió.  Hãy tưởng tượng hình ảnh các nữ sinh, áo dài trắng thướt tha đi bộ dưới hàng cây dọc đường Trịnh Minh Thế, một con đường dài và đẹp nhất tỉnh thì mới cảm nhận được thế nào là cái lãng mạn, dễ thương và thơ mộng của câu hát” một sáng tan chuông, tà áo trắng ngập đường” hay “em tan trường về, anh theo Ngọ về”. Trước cổng trường vào giờ tan học thì những anh lính chiến với bộ đồng phục của các binh chủng đứng ngoài hay ngồi trong xe chờ đợi những tà áo trắng tung bay điệu đàng bước ra khỏi cổng. Thời đó hình như mấy anh không quân sáng giá lắm, đã đánh dạt ra các anh ở quân chủng khác để “hớp hồn” các cô. Còn nam sinh những trường Nam Trung học, Minh Đức, Bồ Đề, Nông Lâm Súc thì hiếm hoi lắm  mới có thể chen chân vào để làm mềm lòng người đẹp.

Vì chưa bao giờ biết đến mùi “cúp cua” hay nói thơ mộng là “không sách vở cầm tay” thế cho nên những thắng cảnh, những nơi mà giới trẻ thường đến đã không có bước chân tôi. Chỉ thỉnh thoảng đi cùng ba má đến viếng cảnh Biển Hồ, cùng gia đình tổ chức picnic nơi biệt điện hay thả diều nơi sân vận động hoặc cùng đám bạn lần vô các bản Thượng để mua mía, bắp, khoai hay những món đồ thổ sản của họ, có khi cùng các em lang thang trên đồi thông gần nhà, lượm những quả thông rơi trên cỏ, hít mùi thơm của lá để mơ màng, hoặc thành triết gia ngẫm nghĩ có nên “kiếp sau xin chớ làm người/ làm cây thông đứng giữa trời mà reo” hay không. Rồi những lần cắm trại là những lần vô cùng thích thú khi được vui đùa cùng đám bạn, hòa mình với thiên nhiên… thế nhưng cứ đến chiều tối thì ba lại đem xe đến đón về nhà ngủ, bởi thế cho đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc nuối thời tuổi thơ của mình không được hưởng trọn vẹn những buổi lửa trại, nơi mà  chúng tôi - những đứa học trò vẫn hồn nhiên trong thời chiến - được hít thở không khí trong lành của đất trời qua mùi củi thông, qua mùi bắp luộc, khoai nướng để hưởng nhận cái ấm cúng của tình bạn, tình thầy trò và nhất là để cùng bạn bè dệt những mơ mộng tuổi nhỏ.

Tuy không được “lùng sục” như các bạn khác mà chỉ là “dạo cảnh xem hoa” xứ sương mù đất đỏ này, nhưng không hiểu sao Pleiku vẫn là nơi chốn để tôi nhớ đến với cảm giác thân thương lúc rời xa. Nhớ có năm, nhà trường tổ chức cắm trại ở một nơi gần bản Thượng, không hiểu mấy đứa bạn làm thế nào mà lén chặt mấy cây mía của họ đem về lều chia nhau ăn, ai ngờ họ đến trường làm khó, đòi trường bồi thường những mất mát. Cô Hiệu trưởng phải thương lượng qua người thông dịch để trả tiền cho họ. Sau đó đám học trò rỉ tai nhau lo sợ bị “thư”, làm những thủ phạm xanh mặt, mếu máo (thời đó, từ “thư” rất phổ biến qua những câu chuyện liên quan đến người Thượng, nhiều người đồn rằng“thư” là hình thức trả thù của người Thượng, họ có ma lực để có thể bỏ vào bụng người bị hại bất cứ thứ gì mà không cần mổ bụng, người bị ”thư” có thể sẽ đau bụng liên tục, có thể ói ra chùm tóc, nắm đinh v.v… mặc dầu bác sĩ khám sẽ không thấy gì, chỉ khi nào họ cho thuốc hay bùa để giải thì mới khỏe lại được). Dù là tin đồn và chắc hẳn chưa có ai nhìn thấy nhưng  một số người vẫn tin vào chuyện này nên sợ làm mất lòng và giữ khoảng cách với người Thượng lắm. Trường chúng tôi cũng có một số bạn người Thượng theo học, ít bạn bè giao tiếp dù họ rất hiền lành, lại chịu khó chăm chỉ học tập.  

Nhớ năm tôi học lớp 10, cả nhóm bạn rủ nhau ngày mồng ba Tết đi các nhà để chúc Tết lẫn nhau. Đó là lúc chúng tôi có thể yểu điệu với những chiếc áo dài màu rực rỡ, cảm thấy mình như lớn hẳn lên, đã biết chững chạc chào hỏi chúc Tết ba má và gia đình bạn, sau đó là xin phép đi dạo phố. Tung tăng trên phố với những tà áo dài bay trong nắng, đã biết e thẹn tránh những ánh mắt chiêm ngưỡng, tuổi hồng của chúng tôi như đang kết hoa với nhiều mộng đẹp. Tiếc thay, chỉ một năm duy nhất cùng với bạn bè vui chơi sau những ngày tháng học tập,  mùa hè năm đó (1972), bạn bè chia xa nhau do tình hình chiến cuộc. Nhìn học bạ để xin chuyển trường về Sài gòn, hàng chữ đỏ ghi dọc bên khoảng trống cột điểm của kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt của cô Hiệu Trưởng “vì chiến cuộc, trường chúng tôi không thể tổ chức kỳ thi “ mà lòng hụt hẫng, se thắt. Như cây non bị bứng ra khỏi đất, tôi vào Saigon với nỗi buồn lẫn bâng khuâng vì nỗi nhớ trường nhớ bạn, nhớ những con đường cùng bạn đi học hay rong chơi,  nhớ căn nhà rộng với những trò chơi cùng lũ em. Dù chưa có một cuộc tình để có thể day dứt khi chia xa, nhưng những kỷ niệm đẹp của thời đi học ở vùng cao nguyên đã đeo đẳng tôi mãi... Nói như thế để thấy rằng tình thầy trò, tình bạn bè, lối xóm cùng khung cảnh ở Pleiku thân thiết, gợi nhớ biết chừng nào!

Hơn 30 năm sau, mới có dịp về thăm lại nơi cũ, mọi thứ đều đổi thay và lạ lẫm. Con đường Trịnh Minh Thế đã đổi tên, trường Pleime thành trường tiểu học, phố xá rộng lớn, khang trang hơn, căn nhà tôi ở trong những ngày tháng thơ ấu cũ đã thành hai  công sở cao to… một chút ngậm ngùi, chao đảo của “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. May thay tình bạn vẫn tràn đầy, cái tíu tít, cái vồn vã, cái chân tình của mỗi lần gặp mặt; những thăm hỏi, những chia sẻ vui buồn mỗi khi liên lạc qua điện thoại, qua email đã vun bồi, nối chặt thêm tình cảm đám bạn chúng tôi, nên Pleiku vẫn đong đầy nỗi nhớ trong tôi dù đã xa rời nhiều năm, một thành phố mà tôi tin là những ai từng đặt chân đến sẽ không dễ nào quên!

 

Hồ Diệu Thảo