Hôm nay gần lễ Memorial Day, ngồi tìm lại hình ảnh và những kỷ niệm đi qua trong đời mình trong thời kỳ quân ngũ. Những đứa bạn cùng trường cùng ngành ai còn ai mất để ngậm ngùi cho thân phận những người quân nhân VNCH. Không có quân đội nào trên thế giới bỗng dưng tan rã như QLVNCH. Tôi bắt gặp bài viết cũ viết về ngày này xin trích phần mở đầu như sau:
"Thấm thoát ngày Memorial Day đến kỳ đáo hạn, như con tàu kéo theo các toa xe lửa cứ đúng thời khắc biểu là đến sân ga. Vào ngày này ở Hoa Kỳ, các chiến sĩ vị quốc vong thân đều được vinh danh, không phân biệt Bắc quân hay Nam quân, không phân biệt họ đã hy sinh ở đâu, tham dự thế chiến đệ nhất, đệ nhị, chiến tranh Cao Ly, Việt Nam hay Trung đông. Nhìn người mà đau xót ngậm ngùi cho mình, Người Chiến Sĩ VNCH! Những người chiến sĩ già nay sống cuộc đời ẩn dật. Những người chiến sĩ tàn phế đã để phần thân thể trên quê hương, ngày ngày nhìn vết hằn trên thân thể như kỷ niệm đau buồn. Những người sống nơi quê nhà thay vì được vinh danh vì sự hy sinh cho tổ quốc tồn vong, cho tự do, nhân quyền, bình đẳng thì bị bạc đãi chỉ vì không cùng ý thức hệ.
Năm nay, tại Hoa Kỳ các quân nhân VNCH mượn lễ của người để tưởng nhớ đến đồng đội của mình, đã cùng chánh quyền và các đoàn thể cựu chiến binh Hoa Kỳ, vinh danh những người đã nằm xuống cho Tự Do trong cuộc chiến VN."
Trên TV các buổi lễ Chiến Sĩ Trận Vong tổ chức khắp nơi được trình chiếu. Những người lính già trong các trận chiến trong lịch sử còn sống sót được mời trong hàng ghế danh dự, xen lẫn hình ảnh những người lính trẻ oai hùng. Hình ảnh đẹp vô cùng, họ chiến đấu cho Tự do, chẳng những cho quốc gia mình mà cho thế giới và nhân loại.
Cứ mỗi năm, đêm trước ngày Memorial Day tôi hay trằn trọc. Đêm qua cũng vậy. Những bước chân lặng lẽ cho tôi cảm giác căn nhà sao quá thênh thang. Đã bao nhiêu đêm dò bước trong căn nhà này mà sao đêm nay tôi có cảm tưởng trống vắng đến lạ lùng. Tại sao? Tôi không có lời giải thích. Hình ảnh gặp lại các bạn cùng khóa cách nay ít hôm trong buổi cơm chiều, rồi buổi cơm trưa hôm sau được vợ chồng người bạn nấu món ăn tôi thích. Thấm thoát một năm rồi. Thời gian qua thật mau. Anh em ngồi nói chuyện "kinh nghiệm" về bệnh hoạn. Bởi vậy câu chào hỏi "Mày khỏe không", rất thông dụng và mang thật nhiều ý nghĩa. Tình bạn ấm nồng, vào tuổi này càng thấy quý hơn. Tình bạn không tự dưng có, được tích lũy theo thời gian, lấp đầy bằng cuộc sống thăng trầm. Thật đẹp nhưng mong manh. Đẹp vì không có gì thay thế được và mong manh vì tuổi đời và bệnh hoạn. Hương vị món ăn tôi ưa thích Mắm-và-Rau, được bạn nấu cho ăn hôm nay, gợi nhớ xưa kia trong vũng đầm lầy lội, khi mưa lất phất tôi hái từng cọng bông súng để làm thơm hương vị đặc biệt món ăn thuần túy quê nhà. Hình ảnh bạn bè hôm nay trong buổi cơm trưa xứ người, với nét chấm phá hình ảnh gia đình tôi khi xưa quây quần bên nồi cơm nóng với món ăn thuần túy này, cùng những cọng súng tươi mát căng cứng khi bên ngoài mưa rơi lất phất. Quá khứ và hiện tại. Quê ta và quê người, cho tôi cảm giác tình bạn, tình gia đình, tình quê hương thật nhẹ nhàng trong bức tranh thủy mạc đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm nhưng muộn màng đêm qua.
Đang nghĩ lẩn thẩn. Tiếng điện thoại:
- Hòa! Mầy đang làm gì?
- Đang thất nghiệp. Mầy có biết hôm nay là ngày Memorial Day không? Tôi hỏi lại
- Có! Nhưng chuyện khác còn quan trọng hơn. Thằng K. đang nằm ICU không biết chừng nào nó đi luôn!
Thằng bạn nói và giải thích không để tôi hỏi tiếp.
***
Và một giờ sau chúng tôi đến bệnh viện. Sau vài từng lầu lên xuống vì K. đã chuyển phòng mấy lần trong chỉ vài ngày. Cuối cùng chúng tôi đến phòng 301 đối diện với khu trực y tá trong bệnh viện. Căn phòng tối, tôi phải định thần mới nhận ra cô phụ ý tá đang ngồi sau laptop theo dõi tình trạng con bệnh nằm trên giường. Con bệnh này là bạn của chúng tôi, làm việc cùng ngành, gặp nhau nhiều lần trong các chuyến công tác xa. Gần đây, vào dịp đầu năm chúng tôi mừng tân niên đạm bạc bằng tô phở và ly cà phê. Anh nằm đó, im lìm như đang say ngủ. Hai tay băng trắng như võ sĩ quyền anh sắp ra trận đấu. Chân mang vớ bệnh viện màu xanh lá cây. Chiếc áo bệnh nhân vải bông màu xanh nhạt và bông tròn màu cà phê. Chiếc tã che phần dưới thân anh như chiếc khố. Thì ra khi con người đến lúc nào đó trở về chu thời ấu thơ, cũng mang găng tay và mang tã để tránh tình trạng xảy ra ngoài ý muốn. Chỉ khác cái anh nằm trên chiếc giường nhà thương thay vì chiếc nôi như thời còn bé. Đầu giường dây nhợ tứ tung nối anh vào các bình treo tòng teng nhỏ từng giọt buồn nhàm chán. Người bệnh này là bạn tôi đó sao? Nhìn không ra, nếu tôi không đọc tên ở bảng ngoài phòng thì sẽ không nghĩ đó là anh! Thân hình căng đầy nước. Tay bầm tím.Mặt sậm màu. Cựa quậy thật khó khăn. Anh một mình nằm đây bao lâu rồi. Nhà anh có ai biết không? Tội tự hỏi. Được biết ngoài nhóm bè bạn ít oi đếm trên đầu ngón tay, anh còn đứa con trai khá trọng tuổi nhưng trí khôn của đứa trẻ mươi tuổi. Vợ anh mất cách nay khoảng mười năm. Sau đó con anh khi thì ở với anh, khi thì vào dưỡng trí viện. Tôi đến thăm anh tại căn chung cư chính phủ cách nay mấy năm, vỏn vẹn cái TV, chiếc giường nhỏ, bàn ăn và hai chiếc ghế chẳng mấy khi được ai ngồi. Lúc đó anh còn khá khỏe. Anh cười đón chúng tôi nơi cửa. Tôi thương anh vô cùng nhìn cuộc sống của anh, giản dị và đạm bạc. Tôi trao anh cuốn sách của tôi và mấy tờ báo anh ưa thích. Đôi mắt cam phận sáng lên niềm vui. Anh cho biết đây là gạch nối của anh với thế giới bên ngoài. Chẳng bao lâu, anh vào nursing home, chia phòng với người bạn do nhà thương chọn. Hai người, hai quốc gia, hai cuộc sống, hai gia đình, hai xã hội, hai đẳng cấp nhưng gặp nhau trong căn phòng nhỏ nursing home. Anh cho biết người bạn cùng phòng anh tối ngày như mơ ngủ, da đen lại càng sậm hơn trong bóng tối đêm đêm. Anh chỉ trên đầu giường vài ba cuốn sách và mấy tờ báo tôi hay mang cho anh. Thỉnh thoảng chúng tôi đến rước anh ra ngoài để anh được phút giây thoải mái trò chuyện. Kể lại kỷ niệm xưa, mắt anh sáng lên, nói huyên thuyên hết chuyện này đến chuyện khác tưởng chừng không dứt... đến khi chia tay vì đến giờ trở về nhà dưỡng lão, mắt đượm buồn. Anh quay mặt, như muốn trốn chạy, dù bước chân nặng nề. Thế rồi thời gian, tình trạng anh ngày càng tệ, sức khỏe như xe đổ dốc. Mới tháng trước anh phải đi lọc máu tuần ba lần. Rồi hôn mê. Rồi nhập viện khẩn cấp và giờ anh nằm đây như thân cây chuối nong nước.
Nghe loáng thoáng tiếng chúng tôi. Anh chậm chạp mở mắt.
- Chúng tao vào thăm mầy, biết ai đây không K.?
- Biết chớ sao không: Thằng M., và thằng Hòa! Đúng không?
Anh gặng hỏi lại. Ngạc nhiên vì tiếng nói rất có thần không như thân xác của anh.
Tôi gật đầu, hỏi lại:
- Mầy thấy trong người thế nào? Chừng nào đi uống cà phê và ăn phở được?
Tôi lúc nào cũng gọi bạn bè bằng mầy, dù anh lớn hơn tôi những năm, sáu tuổi. Anh ngần ngừ:
- Tao cho tụi mầy biết sau.
Anh nhìn tôi một hồi lâu. Nhìn trống không. Như nói một mình:
- Thằng Hòa, sanh năm .., tuổi .., số nó sướng. Tao nhớ, hôm Tết nó dúi vào tay tao sáu chục hay trăm bạc.
Trời đất! Tôi ngạc nhiên vô cùng vì trí nhớ minh mẫn. Anh càng làm tôi ngạc nhiên hơn khi cùng thằng M. nói chuyện lăng nhăng của hai đứa ngày xưa. Tôi đưa mắt nhìn M., có ý nghi ngờ. M. gật đầu ngầm bảo cho tôi những gì anh nói là đúng. Rồi anh trầm ngâm chỉ mấy bình thuốc và bình thức ăn truyền vào người anh, lẩm bẩm những gì không đâu vào đâu. Trong phút chốc anh rơi vào thế giới khác. M. nhìn tôi lắc đầu. Anh đã sống với kỷ niệm có lớp có lang, rành rọt như điểm từng trang sách. Nhưng anh lạc bước với hiện tại, và tương lai như chiếc xuồng con giữa đại dương vô định. Bởi càng ngày tôi càng thấm thía hai chữ định mệnh khi gian nan đời mình đã trải, và chuyện đời bắt gặp ngày ngày.
Anh giờ đổi thế, hai chân vắt chữ ngũ trên giường. Tôi nghĩ anh thích thú điều gì nên hỏi:
- Tao thấy mầy thảnh thơi thiệt. Chân nhịp "song lang". Sexy nữa! Phơi cái "yếm đào", khoe của với cả cô y tá!
Anh cười có vẻ đắc ý. Tôi tiếp:
- Mà mầy có xuống vài câu vọng cổ được không mà nằm nhịp song-lang?
Anh gật đầu, ngạc nhiên M. và tôi:
"Ô kìa ai như cô Thắm
Con bác Năm ở xa mới về
Dáng người xinh sao xinh quá
Trông ngẩn ngơ đám trai làng ta
Mới ngày nào quay giây nhảy tiền
Mới ngày nào tung tăng khắp miền
Mà giờ đây cô Thắm xinh như nàng tiên..."
Anh hát "Cô Thắm Về Làng" rành rọt không sai sót. Nhìn cô y tá, mặt anh rạng rỡ. Tôi rơm rớm nước mắt. Thằng M. vội quay mặt. Làm sao bắt tay anh được, tôi xoa đầu anh lần nữa. Anh cười thoải mái. Cuộc viếng thăm tuy không lâu dài, nhưng không quá ngắn. Chúng tôi từ biệt anh khi y tá đến lúc khám.
Bên ngoài nắng xế trưa. M. và tôi nhìn nhau như thầm nói không biết còn gặp lại anh lần nữa. Trên đường lái xe về, dòng xe lũ lượt trên xa lộ. Cuộc sống vô tình như dòng nước qua cầu. Thế sự vẫn dửng dưng. Đâu đó các thành phố trên lãnh thổ Hoa Kỳ, các buổi lễ Memorial để tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong, vừa mới bắt đầu, đang diễn tiến hay đã chấm dứt tùy theo múi giờ. Những chiến sĩ Hoa Kỳ được người dân nhắc nhở và tưởng nhớ công ơn hy sinh cho Tổ quốc, cho Tự Do Nhân Quyền. Dù còn hay mất phần da thịt, nhưng huyền thoại người chiến sĩ lưu mãi cho hậu thế. Còn anh, tôi, và người bạn chúng ta đang nằm trong bốn bức tường bệnh viện, tranh sống với căn bệnh ngặt nghèo với sức tàn lực tận trong cô đơn. Có ai biết chăng, thân thể nong nước của người bạn chúng ta, thân thể đang di động của chúng ta, nặng nề trên đôi vai nặng gánh thời gian này đã một thời tung hoành trên phần đất quê hương... nhưng nay bị quên lãng trong phần đất này hay khắp cùng năm châu, kể cả quê nhà, nơi mà họ đã từng được ngưỡng mộ là những đứa con yêu của Tổ quốc!!!
Bao nhiêu dấu chấm than (!) cho đủ để diễn tả tâm tình của những chiến sĩ VNCH. Ngày Memorial Day mà chúng ta bị quên lãng nơi quê người. Trong khi nơi quê nhà, tập quyền của những người không cùng ý thức hệ cố tình làm vẫn đục, hoen ố sự hy sinh của chúng ta hầu đầu độc thế hệ trẻ. Bài học còn đó, nóng hổi, bốc khói mỗi năm khi ngày tháng này đáo hạn, không đủ để đày đọa hay sao mà... lại còn phân hoá những người cùng chiến tuyến, thay vì đoàn kết để làm gương sáng cho thế hệ mai hậu, để ngày Memorial Day thêm nhiều ý nghĩa trong tình yêu thương đồng đội.
Phạm Văn Hòa