Tôi nhấp nhổm trên băng ghế phòng chờ lên máy bay, chung quanh nhiều hành khách cũng đang dật dờ mỏi mệt, ngồi ngả nghiêng xiêu vẹo, lim dim mơ màng. Chuyến bay trễ quá lâu, thỉnh thoảng nghe tiếng loa thông báo mọi người vui mừng lắng nghe, tưởng được gọi xếp hàng trình vé lên tàu, ai ngờ lại nghe báo trễ thêm tiếng nữa, bốn lần loa báo là trễ bốn tiếng. Mệt nhoài!...
Chuyến này tôi được hân hạnh mời dự buổi tiệc ra mắt Tân Ban Đại Diện VBHN vùng Nam Hoa Kỳ ở Houston. Tôi háo hức mua vé máy bay từ sớm cho… rẻ. Khổ thay, khi nhờ người bạn lên online canh vé sale thì bạn lại mua vé của hãng hàng không giá “bèo” nên mới thành cớ sự. Nhưng may tôi có cái phone để chơi game, cũng quên đi thời gian chờ đợi buồn chán. Tôi vốn tính cẩn thận, mỗi lần “được” báo trễ giờ tôi lại thấy có bổn phận báo lại người đi đón, quên rằng thời đại điện tử, bên kia vợ anh Yên Sơn nhận việc đón khách cũng theo dõi lịch trình chuyến bay trên Internet, cập nhập từng phút, dù điều cẩn thận bắt buộc đó chắc cũng làm cô sốt ruột, nhưng cô Bích kiên nhẫn nghe “thông báo”, không cảm thấy phiền.
Chuyến bay trễ bốn tiếng làm vỡ kế hoạch của chúng tôi. Bên Houston anh Phạm T Như và anh Túy Hà đã có sẵn chương trình văn nghệ, chỉ đợi bạn văn đáp xuống tham gia. Bao nhiêu kế hoạch vui vẻ chờ đợi mà tôi phải ngồi nhấp nhỏm ở đây, thiệt rầu hết sức!
Thế nên về đến nơi đã muộn sau nửa ngày “sương gió”, khách phương xa đành ngậm ngùi… đi ngủ!
Tôi được thu xếp ngụ tại nhà anh trưởng ban tổ chức tiệc trong những ngày ở Houston. Nhà anh Yên rộng lớn, sân trước vườn sau là cả một công trình nghệ thuật, mỗi cụm cây vạt cỏ mang sắc thái riêng nhưng hài hòa trong tổng thể, hoang mộng nên thơ như khu vườn cổ tích thu nhỏ. Thế nên, tôi nghĩ, anh chẳng cần tìm một nàng thơ… ảo cho thi hứng riêng mình chi cho phiền, theo cách các thi sĩ của chúng ta vẫn dùng. Chỉ với khung trời cảnh vật ấy, đủ để những dòng thơ của anh mượt mà lai láng!...
Buổi sáng ngồi nhìn ra khu vườn nhỏ/ nắng hạ vàng hanh trải khắp cỏ hoa…(trích trong tập Tưởng Tiếc)
Sau một đêm ngủ thẳng giấc với chăn êm nệm ấm, hơn bảy giờ sáng tôi mới lò dò xuống nhà dưới. Chẳng biết cô Bích dậy từ bao giờ, trên bàn đã có sẵn Café, hoa trái, một khay bánh Paté Cheau nóng hổi đang lấy từ lò nướng ra, thơm ngon, ròn rụm. Cô thật đảm đang, dễ mến và hiếu khách. Chúng tôi chuyện trò ăn uống vui vẻ trước khi kéo nhau đi.
Hôm nay trời chớm thu. Gió may se lạnh mang theo vài hạt mưa mỏng lất phất tơ giăng, làm một cuộc tiễn đưa cơn nắng hạ cháy bỏng da người. Cỏ hoa tươi hơn, gió đưa lá vàng lơi lả vũ khúc mùa thu. Từ nhà anh chị Yên xuống phố trung tâm đi khoảng một tiếng. Đi giữa mấy vạt rừng nhỏ hai bên đường còn đượm nét hoang sơ, chen lẫn màu xanh lá cây là mấy tán trúc đào hồng thắm, hoa dại mộc mạc, dã quỳ vàng ngát. Cho ta cái ảo giác chuyến xe đưa ta đến miền thần thoại cô liêu, trước khi trở về thực tại… Xuống xa lộ nối những làn xe vun vút, biểu tượng nền giao thông tốt nhất thế giới của nước Mỹ.
Anh Yên đã hẹn anh Túy đến cơ sở anh Khải, anh Tông (PTN) để gặp gỡ anh em tôi tại đây. Anh Túy Hà tân chủ tịch VBNHK nhiệm kỳ mới. Chúng tôi, những người bạn văn nghệ biết nhau từ lâu nhưng hôm nay mới có dịp “kiến kỳ hình”. Các anh Khải, Tông là nghệ sĩ có khác, ngoài những thiết bị cần thiết cho ngành nghề sản xuất chiếm gần hết diện tích rộng lớn của xưởng, vẫn có chỗ để các anh cất giữ vật dụng nghệ thuật, là những phông hình, hoa lá bốn mùa, đặc biệt biểu tượng mùa xuân với hương vị tết cổ truyền như mai đào, câu đối, cùng nhạc cụ. Các anh có thể dựng sân khấu bất cứ lúc nào cho buổi văn nghệ ngẫu hứng…
Ngoài sân, hoa giấy nở rộ một vòm tím ngát. Cây phượng vĩ được nâng niu trong chậu, chưa có hoa, chỉ thấy lá thôi cũng đủ gợi tôi bao kỷ niệm góc sân trường mùa hạ ngày xưa!...
Anh Khải còn bận việc riêng và nhiều việc cho ngày mai, ngày Đại Hội chính, không thể cùng chúng tôi rong ruổi thù tạc suốt hôm nay. Trước khi kéo nhau đi anh Tông cắt một bao rau húng quế, bụi rau to lùm như bụi sim trên đồi. Anh đem bao rau này làm “tặng phẩm” cho ông chủ tiệm phở Thy, bởi anh biết chúng tôi sẽ… ngồi đồng rất lâu ở tiệm để chuyện trò, trong khi mỗi người chỉ có thể nạp một tô phở không hơn, thiệt thòi cho chủ tiệm… Đã vậy còn được ông tiếp vài ấm trà thơm nóng cho thấm giọng mà nói chuyện.
Ngồi đồng tiệm phở lâu cũng ngại, anh Tông về sửa soạn ướp thịt nướng cho bữa tiệc văn nghệ chiều nay. Anh Túy thấy còn sớm đưa tôi đi thăm thú chợ Hồng Kông, ngôi chợ rất lớn mà người Việt ở Houston đã “chiếm” làm của riêng như Phúc Lộc Thọ bên Cali. Nhưng mục đích chính thăm chợ là để ghé chào “ra mắt” cô nàng nhà thơ Song Thy, nàng có gian hàng bán sách, băng dĩa nhạc, phim, rất lớn trong chợ. Và chất thi phú trong huyết quản nàng nhiều hơn chất kinh doanh, nên lắm khi nàng ngẩn người tìm vần bên chiếc máy tính tiền, đến nỗi khách phải kêu lên, cô ơi cho tôi trả tiền xong rồi hãy… làm thơ!
Chiều, mọi người hội tụ lại nhà Dzũng Đỗ, chủ nhà in Mr. Print, một thân hữu nhóm VB, cũng là “sư đệ” anh Túy. Bạn hữu đã tới đông. Ngoài vợ chồng nhà thơ Yên Sơn đi cùng, tôi thấy có giáo sư nhà văn Đặng Phùng Quân, người mà tất cả các anh cung kính gọi là thầy. Nhà văn Nguyễn Đức Nhơn chủ nhiệm tạp chí văn học nghệ thuật Trầm Hương. Nhà thơ nhạc sĩ Dương T Trúc đến từ Kansas. Nhà thơ Mây Ngàn. Nhà thơ Vĩnh Tuấn. Nhà thơ họa Như Phong… Được diện kiến nhiều ngôi… nhà đồ sộ như vậy, lều tranh tôi hơi run.
Cây Guitar chuyền tay nhau, anh Dương T Trúc đang ngồi lờ đờ có lẽ còn mệt bởi đường dài ngàn dặm, thấy cây đàn bèn tỉnh táo ngay. Anh ôm đàn hát những bài ca do anh phổ từ thơ bạn hữu. Bài Khung Trời Lộng Gió (Vũ Hối). Thu Về (Vĩnh Tuấn). Mây Trôi Mênh Mông (Yên Sơn). Hoa Tím Mộng Mơ (Song thy). Thu Đông. Mưa Nắng Thất Thường (Túy Hà). Bến Đợi (Nguyễn Đức Nhơn)…
Và bài Vĩnh Long Dấu Yêu. Nhạc và lời do anh sáng tác, viết riêng tặng một người bạn tâm giao. Khi anh hát lên những giai điệu thiết tha, cùng với giọng trầm ấm khiến mọi người dừng cuộc trò chuyện lắng nghe.
Như Phong ngâm bài Tráng Sĩ của nhà thơ Nguyễn Đức Nhơn. Lời thơ hùng tráng cùng âm vang diễn đạt lúc mạnh mẽ lúc êm đềm của Như Phong khiến tôi có cảm giác đang nghe hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương.
Nhà thơ Yên Sơn, Vĩnh Tuấn, cũng tham gia văn nghệ bằng giọng ngâm truyền cảm với ngón đàn réo rắt. Nhìn mọi người ôm đàn tự đệm theo lời hát giọng ngâm của mình, tôi khâm phục quá đỗi. Chẳng lẽ môi trường, sinh thái đất Houston đã tạo ra được những làn hơi tuyệt diệu thế sao? Vậy có lẽ tôi phải nhanh chóng di cư sang đây, bởi rất yêu văn nghệ và ước mong có được làn hơi phong phú như mọi người.
Anh Tông bận rộn bên lò nướng cùng với thau thịt ướp. Tài thi phú của anh mọi người từng ngưỡng mộ, dịp này anh muốn trổ tài cho khách phương xa biết anh cũng văn võ…à quên …văn cook song toàn như ai. Anh gắp vào dĩa tôi một dẻ sườn thơm phức, kèm câu thuyết minh, có người ở Georgia nhờ anh take care em, anh trả lời hắn, không đến phần tui lo đâu bạn ơi, nhưng anh vẫn phải làm tròn lời ủy thác…
Tôi không biết anh đã nhận lời “ủy thác” của ai, đành cười trừ.
Lát sau Bạch Hạc đến, cây đàn chuyền sang tay cô. Nàng chim trắng này quả là nghệ sĩ đa tài, tôi nghe danh cô đã lâu hôm nay mới được thưởng thức tài nghệ. Ngoài tân nhạc, cô hát được tất cả giai điệu ba miền Nam Trung Bắc, từ ca trù, ả đào, ngâm thơ đến những điệu lý câu hò cổ nhạc cải lương. Thanh âm nhẹ nhàng trong suốt như pha lê phát ra từ đôi môi nhỏ xinh hòa với ngón đàn điêu luyện, khiến ngẩn ngơ lòng. Sau khi đáp ứng mọi yêu cầu thể loại của khách thưởng ngoạn, cuối cùng Bạch Hạc hát bài ca do cô phổ nhạc từ chính thơ của mình, bài Tiền Kiếp:
Tiền kiếp em là chim/ kiếp này thôi không tìm/ để bao nhiêu nỗi nhớ/ chất lại thành ước mơ...
Tiền kiếp em là sông/ đưa bao thuyền xuôi dòng/ riêng mình không bến đỗ/ cuộc đời là hư vô.
Lời thơ khúc nhạc rót vào lòng người cảm giác buồn mênh mang, khơi gợi tiềm thức những mơ hồ bí ẩn kiếp đời. Khúc hát như tiếng thở than trách phận, nghe sao buồn da diết!
Tôi ngưỡng mộ những người bạn văn thi sĩ ở đây quá! Họ có thể diễn đạt những tâm tình cảm xúc riêng mình bằng lời ca tiếng đàn, biết mấy tri âm. Điều tâm đắc đó, tôi không làm được!
Tiệc đang vui anh Tông muốn về trước, có lẽ anh còn nhiều việc chuẩn bị cho ngày mai chưa xong. Muốn giữ anh ở thêm, tôi trêu, anh nhận lời người nào đó take care em sao không ở lại lo cho trót? Anh gãi đầu cười xòa. Anh Túy ghé tai tôi nói đùa, ở đây đang yên ổn, em đừng làm cho tụi anh xào xáo. Trời!… đang không bị anh gán cho tội danh quá lớn. Hãi thật!
Anh Túy vui vẻ, có tính hài hước, anh nói nhiều câu rất tự nhiên nhưng khiến ta cười quặn ruột. Bởi thế suốt buổi họp mặt, miệng tôi luôn ngoác đến tận mang tai, quên cả nỗi sợ thêm nếp nhăn do nguyên lý tự nhiên co kéo trên da mặt…
Mười một giờ đêm, cuộc vui chưa có dấu hiệu tàn. Tuy vậy chúng tôi cũng phải đứng lên cáo từ vì đường về quá xa, vả lại anh Yên là trưởng ban tổ chức đại tiệc ngày mai, không nên để mất phong độ chỉ vì thiếu ngủ, cô Bích cũng đã mệt mỏi! Trong nhà, vợ chồng chàng Dzũng loay hoay điều chỉnh dàn máy karaoke cho tiết mục mới. Nàng Tiên này cũng thật phóng khoáng, đúng là “hồng nhan tri kỷ” của Dzũng, bởi ít có người vợ nào vui vẻ “hầu hạ” những cuộc vui với bạn hữu dường như bất tận của chồng.
Chủ Nhật 14/9/2014, ngày quan trọng. Là mục đích chính trong chuyến đi này. Tôi phải mặc áo dài trang trọng cho xứng tầm Đại Hội.
Bước xuống nhà dưới đã thấy trên bàn ăn dĩa xôi đậu đen bốc khói, dừa sợi trắng nõn rắc trên mặt, cùng những hạt vừng vàng óng. Ôi chà... Tiếc thật! Phải chi không vướng chiếc áo dài thắt đáy lưng… ếch này thì tôi sẽ ngồi xuống “làm” một chén to, bởi rất “hảo” xôi đậu. Cô Bích có lẽ đã dậy thật sớm chuẩn bị bữa điểm tâm chu đáo, trong khi chưa hẳn anh Yên và cô có nhu cầu, cô vất vả vì khách mà tôi không hưởng ứng vì sợ mất eo, làm phí công cô. Thật áy náy vô cùng!
Chúng tôi đến nhà hàng Kim Sơn từ rất sớm, đã thấy mọi người trong ban tổ chức tất bật trang trí sân khấu cùng bao việc khác như treo cờ, treo banner, cùng điều chỉnh âm thanh… Nhà văn Lê T Hoài Niệm phó chủ tịch ngoại vụ VBNHK, khệ nệ xách bình lớn bình nhỏ cùng những bó hồng to để mấy vị phu nhân hội viên trổ tài cắm hoa nghệ thuật, còn cô điều động việc khác. Anh Khải áo sơ mi trắng tinh đẩy hai chậu cây dừa kiểng đặt trước sân khấu. Mọi người tất tả bận rộn vậy, vì chủ nhà hàng không cho sửa soạn trước giờ đặt tiệc quá sớm. Cũng may người mình có tập quán xài giờ… dây thun, nên mọi việc được hoàn tất chỉnh chu trước khi quan khách đến đông đủ.
Sau nghi thức chào cờ VNCH cùng phút giây mặc niệm những vị anh hùng dựng nước và giữ nước, anh hùng tử sĩ đã hy sinh cho chính nghĩa tự do. Nhà thơ Yên Sơn trưởng ban tổ chức đọc diễn văn khai mạc chào mừng quan khách, giới thiệu thành phần tân Ban Đại Diện VBNHK nhiệm kỳ mới…
Cựu chủ tịch VB Nguyễn Mạnh An Dân phát biểu vài lời cùng cử tọa, ủy thác trách vụ nối tiếp việc duy trì văn học, giữ gìn chữ nghĩa, cho tân chủ tịch và hội viên VB. Nhà thơ Túy Hà tiếp nhận bàn giao, những lời phát biểu của anh vững chắc, hùng hồn như lời tuyên thệ với sứ mạng mới nhiều cam go thử thách. Sau đó đại diện ban tổ chức là ông Dương Phước Luyến, nhà biên khảo mỹ thuật, họa sĩ, hội viên VBNHK lên trao quà tri ân đến cựu chủ tịchNguyễn Mạnh An Dân. Là bức thư pháp do ông đề tặng câu thơ cùng tất cả chữ ký hội viên VBNHK…
Nhà văn giáo sư Nguyễn Văn Trường (Cựu tổng trường Văn Hóa Giáo Dục) lên diễn đàn có vài lời nhắn nhủ đến tân BĐD…
Đại Hội hân hạnh được đón tiếp những vị khách quí đến tham dự: Bác sĩ nhạc sĩ Trần Văn Thuần. Tiến sĩ nhà văn Trần Hồng Văn. Giáo sư nhà văn Đặng Phùng Quân. Nhà văn Huỳnh Quang Thế (cựu chủ tịch VB). Nhà thơ giáo sư Thái Bạch Vân. Nhà văn Phạm Ngũ Yên (cựu chủ tịch VB)…vv… Và gần như hầu hết các nhà văn nhà thơ tên tuổi tại Houston cũng như phương xa, cùng thân hữu đến chung vui chúc mừng. Có đại diện và phóng viên ghi hình của gần như tất cả truyền thông báo chí tại Texas. Được dịp gặp những nhà văn thành danh tôi hằng ngưỡng mộ ở đây, tôi muốn đi chào tất cả các vị, nhưng ngặt mấy anh trong ban tổ chức quá bận rộn không “dắt” đi được… Chao ôi là tiếc!
Làm MC giới thiệu chương trình có nhà văn Thu Nga & Như Ly. Nhà văn Thu Nga cũng là giám đốc đài SBTN tại TX, cô từ Dallas lặn lội đến mang theo cả phóng viên. Và người bạn văn khác cùng tôi được vinh dự mời phỏng vấn…
Mở đầu chương trình văn nghệ là màn múa, nhóm Phù Sa phụ trách, với hoạt cảnh về tình mẹ có ý nghĩa, do mấy bé nghệ sĩ nhí biểu diễn bằng những động tác rất dễ thương.
Dịp này tôi được nghe lại tiếng hát của nhà thơ Dương T Trúc. Thưởng thức giọng ngâm mượt mà của Bạch Hạc. Giọng hùng tráng của Như Phong. Ngạc nhiên hơn, tôi lặng im nghe giọng ca cao vút, thánh thót của phu nhân nhà thơ Vĩnh Tuấn. Hội trường gần ba trăm người đắm hồn trong không gian thi ca. Ban tổ chức Đại Hội lần này không phải mời ca sĩ chuyên nghiệp cho phần ca nhạc, chỉ toàn chất giọng của cây nhà lá vườn, nhưng chẳng hề kém cạnh ca sĩ nổi tiếng của TT Thúy Nga, kể cả giọng nữ lẫn giọng nam…
Mọi người hân hoan vui vẻ, từ quan khách đến ban tổ chức. Tiệc ra mắt tân BĐDVBNHK thành công mỹ mãn, cho bõ những ngày qua tất bật lo toan của nhiều người.
Anh Tông đem cho tôi bức thư pháp do Như Phong phóng bút với hai câu thơ anh đề tặng.
Sau khi thu dọn quyết toán xong với nhà hàng, chúng tôi kéo rốc về nhà Vĩnh Tuấn… nhậu tiếp, vì ai nấy bận rộn chương trình, lo tiếp khách nên chưa ăn uống gì, nhìn anh Túy ốm nhom như cây củi đước.
Lát sau Bạch Hạc đến đem theo khay bánh ướt, chả Huế. Tôi ăn tiệc vẫn còn no, lại cần để bụng tối nay đi Buffet do Song Thy mời, nàng “quảng cáo” đến Houston mà chưa ăn Buffet Kim Sơn thì coi như đi… chưa đến, thế nhưng khi ăn thử miếng bánh ướt mềm mượt do chính tay Bạch Hạc làm, tôi không cầm lòng được nữa, làm một bụng no căng!...
Bạch Hạc ôm đàn hát. Đến nơi đây nhà thơ Dương T Trúc không hát, anh ngồi trầm ngâm hồi lâu rồi đề nghị với chưởng môn văn nhân Túy Hà, tôi muốn giới thiệu một người gia nhập VB, có hai lý do để chấp thuận người này, một là bà viết văn lẫn cả làm thơ, hai là chồng bà rất thích… nhậu.
Chủ tịch Túy Hà dễ dãi gật đầu cái rụp, như thể VB nồng nhiệt đón nhận văn tài vô điều kiện, ok, vậy thì cho… chồng gia nhập trước, còn bà… xét sau. Cả bàn cười ồ.
Bạch Hạc bấm đàn một lúc than đau tay. Anh Khải đỡ lấy, ngón tay anh thuần thục lướt trên phím và anh cất giọng hát. Tôi lại thêm một phen kinh ngạc, từ lúc gặp anh khải thấy anh trầm lặng ít nói, bẽn lẽn như con gái mới về nhà chồng, tưởng thi sĩ Khải Đào chỉ biết làm thơ thôi, đâu ngờ nhiều tài nghệ vậy... Anh Khải nhìn thư sinh nho nhã, à không, phải nói ông đồ nho nhã mới đúng, nhưng tên anh nếu không bỏ dấu như tiếng Mỹ, thì sẽ trở thành lệnh truyền sấm sét của Bao Công, tiếng thét Khai Đao xử tử tội nhân. Ớn quá!
Anh Túy phải đưa nhà biên khảo Huỳnh Quang Thế về trước, vì bác già yếu đi tiệc từ sớm giờ đã mỏi mệt. Bồi hồi chia tay anh tại đây, sáng mai tôi trở về Atlanta chắc anh không thể tiễn. Rồi tạm biệt cả vợ chồng Dzũng Tiên nữa. Cuộc chia tay nào cũng nhiều lưu luyến, tôi nhớ mãi nhiều câu pha trò rất tếu của anh Túy, gây nên không khí sôi động vui vẻ cho những cuộc hội ngộ. Và cả Tiên, cô nàng phóng khoáng dễ thương.
Bảy giờ tối, “gánh” chúng tôi đến điểm hẹn Buffet Kim Sơn “phó ước” cùng Song Thy. Mọi người ngụ tại đây không lạ gì món ngon nhà hàng này nên “bé Lành” không cần giới thiệu, nàng chỉ nồng nhiệt “quảng cáo” với khách phương xa là anh Dương T Trúc và tôi. Song Thy nhiệt tình đem thức ăn lại tận bàn mời. Những món ăn rất quen thuộc của người Việt nhưng qua tài nghệ đầu bếp nhà hàng, món nào cũng trở nên đặc biệt hấp dẫn với hương vị riêng. Thôi thì đủ khẩu vị ba miền Nam Trung Bắc cùng hải sản, phải chi bụng đói tôi có thể thưởng thức hết các món ở đây mỗi thứ một chút, tiếc quá. Thật phụ lòng cô nàng thi sĩ của chúng ta!
Ra khỏi nhà hàng còn rất sớm Song Thy không cam tâm, muốn tận dụng giờ phút khách phương xa còn ở lại nơi này nên rủ mọi đi nghe ca nhạc ở Houston by night… Lại “rụng” bớt anh chị nhà thơ Phạm Tương Như, anh đưa chị về vì không thể bền sức theo chúng tôi. Thế nên diễn ra cuộc chia tay tiếp nối! …
Tới Houston by night, một lần nữa tôi lại được nghe tiếng hát pha lê của Bạch Hạc khi tình cờ gặp nàng ở đây, tiếng hát trong suốt tan hòa cùng không gian tình tứ vũ trường. Lại được nghe tiếng hát cao vút giọng kim của phu nhân Vĩnh Tuấn. Và tiếng hát nhà thơ nhạc sĩ Dương T Trúc. Tối nay anh hát bài Anh Còn Nợ Em. Món nợ cả vốn lẫn lời này có lẽ anh trả hoài không hết nên xem chừng ấm ức lắm, chắc vì thế anh tìm cách đi đường vòng tránh mặt chủ nợ chút chăng? Đi vòng thế nào lại thành ra đi… lạc!
Tiệc vui nào rồi cũng tàn. Tôi quyến luyến chia tay vợ chồng nhà thơ Vĩnh Tuấn, nhà thơ Khải Đào và nàng Song Thy. Tôi và Song Thy ôm nhau mãi không muốn rời, chúng tôi mến mộ nhau vì mối thiện cảm bất ngờ.
Trên đường về cô Bích cầm lái. Đàn ông ở đây khỏe thật! Đi tiệc tùng vui chơi tha hồ thù tạc với bạn bè, đường về đã có những “bà đô thị” take care. Ở đây nhiều bà vợ giỏi giang không thua gì đức ông chồng thời công nghiệp, lại công dung ngôn hạnh nề nếp hệt thuở xưa phong kiến. Thế mà chả hiểu sao có nhiều ông giở chứng, đổi thay bạc bẽo, về VN rước cô tre trẻ sang, vợ nhí chẳng biết gì ngoài việc nhõng nhẽo vòi vĩnh. Thiệt không hiểu nổi!
Bích dễ mến, hiếu khách nên chịu khó cùng chồng đưa khách phương xa là tôi rong ruổi suốt ngày tới tận khuya, mỏi mệt, trong khi sáng mai cô phải dậy trước sáu giờ đi làm. Những người bạn Houston này quá nhiệt tình khiến lòng tôi ái ngại!
Ngày vui qua nhanh. Nhớ cách đây mấy tuần tôi còn nôn nả mong mau tới ngày “phó hội”, ngày ấy đã vụt qua và giờ đây tôi thu xếp “hồi hương”, hành trang theo về là cõi lòng nhiều luyến tiếc khôn nguôi.
Đêm qua tôi đã từ biệt Bích, chúng tôi ôm nhau thật lâu trong bồi hồi quyến luyến, rồi hẹn, rồi hò, ngày tháng tới mong thêm nhiều lần hội ngộ. Bích vốn ít nói, chỉ thể hiện tình cảm qua hành động.
Trước khi chở ra phi trường, anh Yên còn đưa một người bạn nữa và tôi đi lang thang qua vài con đường ven rừng, ngắm cảnh bình minh bên hồ, nghe chim reo gió hát, chụp vài tấm hình lưu dấu kỷ niệm. Cảnh vật êm đềm nhưng lòng tôi dậy sóng, lưu luyến quá nơi đây! Trên đường Bích gọi phone từ biệt thêm, anh Túy cũng vậy, anh tỏ lòng áy náy không thể “tiễn người đi”, dù giọng nói khào khào nhuốm bịnh. Tình cảm bạn văn thật ấm áp. Vui, nhưng chợt buồn!... Đất lành mà người không thể “đậu” như chim.
Check in xong anh Yên đưa tôi đến tận cửa an ninh. Tiễn người trăm dặm cũng phải trở về! Tôi ngoái lại vẫy tay…
Chuyến đi này để lại lòng tôi bao kỷ niệm vui khó quên, thật chẳng uổng công lặn lội. Duy chỉ có một điều nuối tiếc, tôi không được gặp cô em thương mến bấy lâu, kết nghĩa bởi cơ duyên. Cô nàng ở tận Plano, bận bịu mẹ già con thơ không thể thu xếp thời gian đến cùng tôi gặp gỡ. Thật đáng tiếc!
Bên ngoài cửa sổ máy bay, trời trong xanh thật gần. Tôi muốn được như áng mây phiêu lãng ngoài kia, ung dung tự tại.