PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Tôi  sinh ra đời trong một gia đình quyền quý cao sang, ông nội là Thượng Thư dưới thời Nguyễn, ba tôi làm Tri phủ ở Huế, bên ngoại cũng làm quan lớn, nhưng trớ trêu thay là chỉ ở trên sân khấu mà thôi. Thời đó với quan niệm “xướng ca vô loài” nên tình yêu giữa nhà quan quyền với thường dân ca hát thì không thể nào kết quả có hậu được. Bởi thế bi kịch của chuyện tình ba mẹ tôi đã kéo tôi vào vòng dây nghiệt ngã mà đến nay, nằm ngẫm nghĩ  lại, đôi mắt lại ứa lệ. Lúc ấy phải chăng trần nhà là người bạn tốt nhất để chia sẻ với tôi mỗi khi bế tắc?

Với gia thế chênh lệch, không môn đăng hộ đối đã không làm tan rã được một mối tình khá là thi vị. Ba tôi làm Tri phủ nên có dịp đi dự nhiều buổi trình diễn nghệ thuật dân gian, và người con gái đóng những vai lãng mạn, thướt tha trên sân khấu đã chiếm dần trái tim của chàng Tri phủ trẻ tuổi, để rồi tôi đã ra đời giữa sự chứng kiến đầy nước mắt mừng vui lẫn tủi hờn của mẹ và ông ngoại, bởi bên nội dứt khoát từ chối đứa cháu- dù là đích tôn- này.

Mẹ sống thật buồn tủi chen lẫn với nghèo khổ cùng ông ngoại và đứa con còn thơ dại vì gia đình chỉ sống nhờ vào những buổi diễn hát, dựa vào thời tiết bốn mùa. Mùa đông xứ Huế vô cùng khắc nghiệt thì cả nhà chỉ còn biết húp cháo, ba tôi bị cấm đoán không thể tới lui thăm viếng được (hay đó chỉ là cái cớ để tìm vui nơi khác?)… Bẵng đi một năm trong túng thiếu, bỗng dưng bà nội- một phụ nữ xinh đẹp nhưng hiền lành, nhân hậu- đã đến nhà thuyết phục và hứa hẹn với ông ngoại để xin cho mẹ và tôi trở về nhà chồng. Còn mong chờ nào hơn, biết bao mừng vui, hạnh phúc đưa mẹ con chúng tôi bước vào gia đình bên nội… Nhưng không lâu, với những lễ nghi phong cách, với những khó khăn ràng buộc, với những luật lệ, quy tắc của một gia đình quyền cao chức trọng đã làm khó người con gái dân dã chỉ quen với đàn ca hát xướng… vả lại tình cảm của người đàn ông có chức có quyền thời xưa cũng không còn mặn mà cho lắm với người vợ trẻ… mẹ tôi không kham nổi, đành phải bế con trốn về với ba mình dù chỉ ở được đủ năm bên gia đình chồng, để sẵn sàng trở lại sống cuộc đời khổ cực, thiếu thốn mọi thứ như xưa…. Rồi vài năm sau đó, mẹ cũng đi lấy chồng, bỏ lại đứa con côi cút sống với tình thương yêu của ông ngoại mà thôi! Cuộc sống hai ông cháu khi no khi đói nhưng tôi vẫn được sống hồn nhiên với tuổi thơ, với học đường bởi ông tôi lúc nào cũng cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ và yêu thương để tôi không cảm thấy thiếu thốn tình cảm và bàn tay chăm sóc của cha mẹ.

Tôi vẫn còn nhớ những năm 7, 8 tuổi… khi ông không có cơ hội trình diễn để kiếm tiền mưu sinh, nhà lại không còn thức ăn, hai ông cháu phải đi cầm những món đồ trong nhà, có khi cầm cả mão mũ giáp hia để trình diễn trên sân khấu nữa… Dù là những thứ này nhà cầm đồ sẽ không có lợi lộc chi vì nếu ông không chuộc lại thì có ai muốn mua những thứ này đâu, chỉ vì tình hàng xóm láng giềng quen biết, và cũng biết ông ngoại rất khả tín và khí khái nên họ luôn nhận cầm. Nhớ có lần ông sai tôi đem đi bộ quần áo, dặn đi vào tiệm cầm đồ, cầm với giá $20, còn ông đứng núp ở gốc cây xa xa (người Huế dù giàu hay nghèo cũng luôn giữ thể diện), người chủ cầm đồ ra giá $15 thôi, thế là tôi lon ton chạy ra “ôn ơi, họ chỉ trả $15”. Ông ngẫm nghĩ một lúc rồi khoát tay “Ừ, cũng được, mi giao cho họ đi” mà nét mặt buồn rười rượi vì biết là với số tiền đó thì sẽ không giải quyết được khó khăn, chật vật của đời sống lâu dài. Hoặc có hôm, không còn tiền mua thịt, cá, ông bảo tôi chạy qua lò mổ heo ở gần nhà, xin họ nước luộc thịt heo (khi họ cạo rửa lông heo, rồi đổ bỏ nước đó) để có chút mùi thịt rồi cắt dăm ba cọng rau lang trồng ở sau nhà, bỏ lên bếp nấu canh để có chút canh cho cháu húp kèm với cơm… Dù sống nghèo khổ nhưng tình cảm ông cháu rất đậm đà, vui tươi bởi bên ông chỉ có tôi (bà ngoại đã mất từ sớm), bao nhiêu tình thương đều trút hết vào thằng cháu, nên ông vẫn cố gắng lo cho tôi được cắp sách đến trường, còn tôi thì cũng chỉ có ông và cũng biết sự cưng chiều thương yêu và hy sinh của ông dành cho mình nên không bao giờ thấy buồn khổ, không bao giờ đòi hỏi ăn ngon, mặc đẹp và cũng chưa bao giờ thắc mắc đến sự vắng mặt của mẹ cha, tối đến vẫn nằm cạnh ông ngủ thật vô tư, an lành.

Đến năm 9 tuổi, không hiểu sao bà nội lại tìm đến và xin đón tôi về nuôi và hứa cho phép ông ngoại mỗi tuần được ghé nhà thăm cháu. Vì tương lai của cháu, ông ngoại ngậm ngùi chia tay. Ông ôm chặt tôi vào lòng dặn dò ”con về với nội, cố gắng học hành cho giỏi nghe con, ông không đủ khả năng để lo cho con học lên cao nên ông biết con sẽ tiến rất xa nếu được sống với nội, ông sẽ thăm con hằng tuần nghe” Bịn rịn mãi mới rời khỏi nhau…. Từ đó tôi trở thành cậu ấm nhà quan, ăn uống đầy đủ cao lương mỹ vị nhưng nước mắt lại tuôn rơi mỗi khi nhớ ngoại với những món ăn đạm bạc hằng ngày…

Ba tôi vẫn là người xa lạ, bởi ông đã lập gia đình với người khác, dọn vào Sàigòn và không hề nhìn mặt hay nói với tôi một câu nào khi còn ở chung nhà (Có lẽ không muốn nhìn mặt đứa con không hề mong mỏi ra đời hay không muốn xào xáo với người vợ mới). Tình thương của bà nội dành cho tôi cũng tràn đầy không kém ông ngoại, tôi yên tâm học hành với tình thương của cả hai ông bà nội ngoại….

Nhưng chỉ trong hai năm, có lẽ sợ tôi nhớ ông ngoại sẽ ảnh hưởng đến việc học (vì cứ cuối tuần là tôi lại ngưng mọi chuyện để ra vô trông ngóng ông ngoại), bà lẳng lặng  gởi tôi đến nhà của một cô (em kế của ba) ở Ban Mê Thuột để tách xa sự liên lạc với ông ngoại và vài tháng sau lại đổi chỗ để đưa tôi vào Sàigòn  tiếp tục việc học.

Một điều thật trớ trêu, nhà mà tôi trọ học là nhà người cô ruột- mà tôi xem như là mẹ và đã gọi cô như thế cho đến bây giờ- lại sát vách với nhà ba tôi, thế nhưng mỗi lần qua lại ông chưa bao giờ nhìn tôi hay nói với tôi một lời nào. Mỗi khi Tết đến, chúng tôi qua nhà chúc Tết thì ông cũng trao phong bao lì xì cho tôi như những đứa em con cô tôi, không có gì đặc biệt hơn và cũng không hề nói lời nào. Lúc đó tôi cũng hiểu biết ít nhiều, trong lòng thỉnh thoảng cũng gợn lên niềm trách móc, tủi thân nhưng biết tâm sự cùng ai bây giờ, nên chỉ biết chọn trần nhà làm người bạn thân, thì thầm những suy nghĩ của mình, rồi gạt nước mắt tiếp tục cuộc sống của một đứa con không cha, không mẹ.

Đến năm học lớp 11, bà nội cho phép tôi về thăm lại ông ngoại. Bà nói ”giờ con đã lớn khôn, biết được điều gì nên làm, nên bà cho con gặp ngoại và để tự con quyết định sống với ai” Mừng mừng tủi tủi, hai ông cháu lại ôm nhau khóc. Sau bao năm chia cắt, mất liên lạc, tôi mới biết là khi tôi ra đi, ông lên xuống nhà năn nỉ bà nội cho biết chỗ ở của tôi để thăm cháu, bà có cho địa chỉ nhà cô tôi ở Ban Mê Thuột nhưng lúc đó tôi đã vào Sài gòn rồi. Ông bảo lần đó ông đã phải đi cầm bộ đồ lành lặn nhất của ông để có tiền mua vé xe đi thăm cháu nhưng đến nơi thì không gặp tôi, ông đành lủi thủi trở về, rồi với cuộc sống khó khăn, không đủ tiền cho việc ăn uống thì làm gì có tiền để mua vé vào Sàigòn thăm tôi, hơn nữa ông nghĩ rằng cuộc sống của tôi đang sung sướng, có cơ hội học hành thì cũng yên tâm mà xa tôi, vì e ngại lại quấy rầy việc học của tôi. Chỉ ở chơi với ông vài hôm, tôi lại từ giã ông để trở về Sàigòn tiếp tục con đường học vấn với hy vọng thành tài nhanh chóng để về với ông…

Thế nhưng vừa học xong Đại Học thì ông tôi mất khi tôi chưa có dịp trả ơn nuôi dưỡng, nước mắt tôi rơi nhòe trước mộ ông! Đêm đêm, tôi lại trân mắt nhìn trần nhà… lòng đau như cắt. Chỉ có trần nhà mới biết được những suy nghĩ, những tâm tình của tôi.

Đời tôi chỉ có 3 người thương yêu tôi như máu thịt đó là ông ngoại, bà nội và cô, vậy mà lần lượt họ từ giã tôi ra đi chỉ cách nhau vài năm. Ngày cô tôi cầm tay trối trăn: ”đây là những gì bà nội khi mất đã trao lại cho cô, cô chưa hề đụng đến!” Nước mắt tôi tuôn tràn… cầm bọc vàng nặng trĩu trong tay, tôi nhớ lại ngay những ngày trong trại cải tạo, khi cô và đứa em họ lên thăm tiếp tế thức ăn, có một con gà luộc và túi thịt xá xíu cùng một thố cơm trắng, tôi mời cô và em, thì cô khoát tay: “con cần hơn, giữ lấy mà ăn, ở nhà muốn ăn khi nào chẳng có” vậy mà khi tôi mời thêm một lần nữa thì không khách sáo chi, đứa em họ vô tư lùa nhanh chén cơm với vẻ ngon lành và thèm thuồng trong khi cô xoay lưng chùi nước mắt là tôi đã biết cả nhà đã nhịn ăn để sắm sửa đem đến cho tôi. Vậy mà tiền bạc bà nội cho tôi vẫn không hề suy suyễn! Cô ơi, giờ đây cô đã ra đi vĩnh viễn nhưng những ân tình này, làm sao con có thể quên được!

Trong khi với ba tôi, không có một ấn tượng hay tình cảm cha con, chỉ một lần duy nhất, khi ra ngỏ hẻm chạm mặt nhau, ba nói nhỏ: ”liệu tìm cách mà đi, ở ni không ổn mô!” sau khi tôi được trở về nhà sau hơn sáu năm đi học tập cải tạo. Và một lần khác, khi tôi đã vượt biên qua Úc mà vợ tôi còn kẹt lại quê nhà, nhận được video quay đứa con gái đầu lòng của tôi đầy tháng ở gia đình bà cô, thì thấy được hình ảnh ông đã ngại ngùng xin cô và vợ tôi cho ông ẵm đứa cháu nội gái. Chỉ có thế và đến bây giờ khi đã trở thành ông ngoại, tôi mới mơ hồ cảm nhận có điều gì khó xử với ông chứ không phải ông là người vô tình. Tuy nhiên, điều khó nói đó đã theo ông đi xuống tuyền đài mà có lẽ vĩnh viễn tôi không bao giờ được biết.

Giờ đây, sống hạnh phúc nơi xứ người và đã trở thành ông ngoại của hai đứa cháu ngoan ngoãn, xinh đẹp. Ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình cũng có hậu, gặp nhiều may mắn và không có gì phải ân hận đã phải ra đời trong hoàn cảnh éo le này. Nếu như không có ông ngoại cưu mang, dạy dỗ, nếu như bà nội không tranh đấu để đưa tôi về nuôi dưỡng, chở che và cô tôi không thương yêu dứa cháu côi cút bằng tấm lòng của người mẹ, thì giờ này không biết cuộc đời của một đứa trẻ ngoại hôn này sẽ đi về đâu? Thêm vào đó, người bạn thân thiết nhất từ thuở thiếu thời là cái trần nhà luôn luôn lắng nghe, luôn bên cạnh mỗi khi tôi cần, là nơi giải tỏa những ẩn ức mà không nói được với ai đã làm tôi nhẹ lòng vào những đêm cô đơn, buồn thảm.

Xin cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những người đã đồng hành với tôi trong suốt thời gian 70 năm qua, chắc hẳn ông bà và cô đã không đến nỗi thất vọng về đứa cháu với những thành quả đạt được trong đời hôm nay, cho dù số mạng không được trọn vẹn với tình cha nghĩa mẹ, nhưng lại vô cùng may mắn và hạnh phúc có được tình thương yêu đầy ắp của ông bà và cô, vậy thì có chi phải phàn nàn, than trách, phải không người bạn trần nhà thân yêu của tôi?

(Do cơ duyên, người viết được nghe câu chuyện thật ly kỳ như tiểu thuyết và lời anh đề nghị tựa đề “ceiling, my best friend” khi biết tôi có ý viết lại câu chuyện. Xin cảm ơn anh Đ đã tin tưởng mà chia sẻ tâm sự riêng tư này và hy vọng là đã không kể sai hay bỏ sót chi tiết nào, tiếc là với khả năng hạn hẹp, em đã không diễn tả lại được những giọt nước mắt lăn dài của anh trong ngày hôm ấy!)

 

Hồ Diệu Thảo