Tốt nghiệp trường Hành Chánh, hắn về Thừa Thiên, được tỉnh đưa về làm việc tại các quận thôn quê, lòng vòng hết quận nầy đến quận khác. Quận cuối cùng trước khi hắn lên cao nguyên là Nam Hòa, một quận, địa giới rất rộng, bao gồm một phần dãy Trường Sơn mà dân số chỉ độ sáu nghìn. Quận lỵ là chợ Tuần, quận đường là ngôi nhà nhỏ. Ngoài tay Quận Trưởng trên Chi Khu thỉnh thoảng ghé vào, còn lại chỉ có hắn và vài ba nhân viên, mấy cái bàn ghế, một máy đánh chữ… chẳng khác gì một trụ sở ấp.
Quận Nam Hòa cách Huế dăm bảy cây số, quận nghèo không có công xa. Tỉnh cấp cho hắn một chiếc xe gắn máy Honda. Quận Nam Hòa và một phần quận Hương Thủy tập trung hầu hết lăng tẩm, chùa chiền của Huế, cảnh trí u tịch, nên thơ. Lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, lăng Thiệu Trị, chùa Từ Hiếu. Về mùa hè, các cô cậu sinh viên, học sinh tụ tập, sinh hoạt, vui chơi nơi các lăng tẩm, chùa chiền. Đẹp nhất, nên thơ nhất là rừng thông đồi Thiên An.
Những buổi sáng cuối tuần hắn thường chạy xe lên các nơi đó, một mình lang thang ngắm cảnh, đến trưa, ghé một quán ăn bên đường cho bữa ăn đơn sơ rồi về Huế xem phim, mua sách báo. Thế rồi, một hôm, hắn lên chùa Từ Hiếu, dựng xe, ngồi khuất sau một gốc cổ thụ, nhìn vơ vẩn cảnh vật chung quanh. Tính hắn thích tĩnh mịch nên với buổi sáng êm ả, vắng vẻ như thế, hắn có thể ngồi hàng giờ, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng chuông chùa vang vọng, ngân nga để mặc cho tâm trí chìm đắm trong hạnh phúc của hư vô. Trong lúc đang mơ màng thì hắn nghe tiếng xôn xao của những cô gái
“Xe của ai mà bỏ ri hè?”
Tiếng một cô khác “Ai mà bỏ, người ta đi chùa lạy Phật”
“Tụi mình trong nớ ra, thấy ai lạ mô?”
“Hay là của các thầy để quên ngoài ni. Để tao dẫn ra sau chùa” Biết các cô lầm nên hắn vội đứng dậy, kêu lên
“Thưa các chị, xe của em!”
Các cô giật mình sợ hãi, nhưng khi thấy hắn, mặt mũi hiền lành ra người có học nên các cô yên tâm
“Eng ni (anh nầy) làm chi ngồi đây, rình ăn trộm chuông chùa phải không?”
“Dạ không, em ngồi chơi”
“Chơi với ai?”
“Dạ. Em chơi một mình”
Tuy cách đối đáp của hắn không được lương thiện, nhưng các cô ỷ đông nên bạo dạn. Các cô nhìn hắn, xì xầm điều gì có vẻ quan trọng, ngạc nhiên lắm:
“Tao nhớ có thấy hắn ở mô đó?!”
“Tao cũng thấy quen quen”
Con gái thường e lệ, rụt rè nhưng khi đi chơi chung với nhau, họ trở nên bạo dạn, gặp con trai đi một mình thì xúm nhau ăn hiếp, chọc ghẹo để vui cười với nhau. Một cô, như là đầu đàn, đứng chống nạnh, làm oai với hắn:
“Eng tên chi?”
Hắn làm bộ sợ hãi “Dạ. Em tên Phó Nam Hòa”
“Eng ở mô tới đây?”
“Dạ. Em từ trong Nam ra đây”
“Nghe giọng nói thì biết rồi. Nhưng tôi muốn biết rõ, eng sinh ra từ nơi mô? Khôn phải nơi eng làm việc. Có hiểu khôn?”
Hắn nhe răng cười:
“Em trả lời, nhưng chị đừng đánh em”
“Chưa đánh mô. Nói đi!”
Hắn làm bộ gãi đầu “Dạ. Thật khó nói tên nơi em được sinh ra! Em được sinh ra từ cùng một chỗ với chị đó!”
Các cô ngớ ra rồi bỗng đỏ mặt, đập vai nhau cười rũ rượi. Một cô, trông có duyên, đôi má đỏ hồng vì cười nhiều quá, nói với cô đầu đàn.
“Đáng đời mi chưa, Tiểu Thu? Nghe giọng miền Nam, mi tưởng dễ ăn hiếp. Lù khù vác lu mà chạy đó mi nà!”
“Ơ! Cái con Khánh Trang ni! Chưa chi mà đã binh người ta! Mi ưng eng thì ta gả eng cho mi đó. Mi muốn hỏi chi thì hỏi đi, nhưng coi chừng. Miệng lưỡi eng ta không vừa đâu”
Cô Khánh Trang, trông hiền lành nhưng cũng làm bộ dữ dằn, hỏi hắn:
“Vợ con để mô mà đi một mình?”
Cô lúc nãy lại lên tiếng:
“Con ni vô duyên, tự nhiên hỏi vợ con người ta”
“Lại mi nữa! Tao hỏi cho mi đó mi nà. Nè, tôi cho eng biết, có vợ con rồi thì về ru con, đừng đi ve gái mà chết nghe eng! Ủa. Ngó chi tui mà mặt mũi khờ đặc ra rứa hè?”
“Dạ, Mới thấy chị mà em đã mất hồn, mất vía. Chị đẹp thất kinh luôn!”
Cô cười, đôi mắt đen sáng lên, cảm động và hãnh diện, nhưng rồi làm nghiêm:
“Tôi hỏi răng eng không trả lời? Vợ con mô?”
“Dạ. Vợ ở đây”
“Eng nói răng? Vợ eng có mặt trong tụi tui hả?”
“Dạ. Đúng rồi. Vợ em là cô đẹp nhất trong các chị ở đây”
“Tụi ni đứa mô cũng đẹp. Eng chỉ coi. Đứa mô là vợ eng?”
Cô Khánh Trang quay hỏi các bạn:
“Đứa mô là vợ eng ni thì ra mà dắt về. Lấy dây mà cột vô chân giường, đừng thả rong mà có ngày mất chồng”
Các cô đồng loạt giơ tay “Chồng của tui!”
Cô hỏi hắn:
“Răng (sao) eng nhiều vợ quá vậy? Mấy ông vua chết sớm vì nhiều vợ quá đó eng nà!”
“Em chỉ có một vợ thôi. Các chị ưng em mà giơ tay lên chứ em chỉ có một vợ thôi”
“Vợ eng là đứa mô? Chỉ coi!”
Các cô cười ngặt nghẽo, chỉ tay vào ngực mình, gật gật đầu “Em nè!”
Hắn cũng giả bộ nhìn từng cô để tìm vợ rồi bất ngờ chỉ vào cô Khánh Trang:
“Dạ. Vợ em đây!”
Cô Khánh Trang “A” lên rồi bước lùi:
“Ba mạ ơi! Mới gặp lần đầu bữa ni mà eng tỏ tình bất tử rứa hè?”
Hắn trả lời kiểu tiểu thuyết ba xu:
“Dạ. Gặp em từ muôn kiếp trước”
Các cô lại cười nói xôn xao, phá tan cảnh nghiêm trang, tĩnh mịch nơi cửa thiền. Cô đầu đàn, Tiểu Thu, hỏi:
“Eng có đi học không? Mặt mũi sáng sủa, đẹp trai mà ve gái kiểu rẻ tiền như rứa?”
“Dạ. Em có đi học. Thưa mấy chị”
“Học trường mô?”
“Dạ. Trường Hậu Bổ”
“Trường chi mà lạ rứa?”
“Mấy chị không biết trường đó đâu. Nhưng em nghỉ học rồi. Em làm công chức sống qua ngày”
“Công chức là chức gì?”
“Chức đồng Tri Huyện”
“Chức chi mà lạ rứa?”
“Là phụ tá cho quan Tri Huyện. Bây giờ gọi là ông Phó Quận”
Cô ta gật gù:
“Làm chi cũng được, miễn có tiền nuôi vợ con là tụi nầy gả Khánh Trang cho eng”
Rồi cô hỏi cô Khánh Trang:
“Khánh Trang. Mi có ưng eng ni không mi? Không ưng thì nhường eng cho tao”
“Răng mi biết tao không ưng mà giành chồng của tao?”
Các cô vỗ tay kêu lên:
“Làng trên xóm dưới ơi. Ra mà coi! Vợ lớn, vợ bé đánh nhau giành chồng nì!”
Đúng là một buổi sáng vui chơi ngoài trời lành mạnh, tươi trẻ, đầy tiếng cười. Cô Tiểu Thu nói với hắn:
“Cám ơn eng đã đóng với tụi nầy một vở kịch vui. Kịch đã hạ màn rồi. Eng có thể đi chỗ khác cho tụi nầy được tự nhiên”
Hắn ngồi lên xe:
“Dạ, cám ơn mấy chị, cám ơn em Khánh Trang. Tuần sau mấy chị có đến đây không? Cho em gặp. Được không?”
“Chưa biết đi chỗ mô. Muốn gặp Khánh Trang thì nói, chơ gặp tụi ni mần chi. Lần sau, đến đây tụi ni tổ chức lễ cưới cho hai ôn mụ (ông bà), là cô dâu Khánh Trang và chú rể eng Phó si tình”.
Thời còn đi học, hắn cũng có bạn gái, cũng rủ nhau đi coi hát, ăn quà rong, vui đùa, chọc ghẹo nhau nhưng rồi quên đi. Không hiểu sao, khi gặp cô Khánh Trang hắn đâm nhớ cô ta đến ngẩn ngơ. Cô hồn nhiên, vô tư mà làm vẻ người lớn nên trông rất dễ thương. Khi cô cười, phô hàm răng trắng đều, môi hồng, đôi mắt đen nhánh, thông minh, nhìn hắn thân ái, dịu dàng. Hắn cảm nhận được tình cảm cô dành cho hắn.
Một buổi sáng Thứ Bảy, hắn dậy sớm, chạy xe vô chùa Từ Hiếu, không thấy ai, qua lăng Tự Đức cũng không! Hắn chạy vòng lên đồi Thiên An thì thấy các cô đang đuổi nhau, tiếng cười nói, náo nhiệt cả một góc rừng. Thấy hắn lò dò đến, các cô ngưng cười, tò mò đứng nhìn. Cô đầu đàn, Tiểu Thu, chặn hắn lại:
“Eng kia, đi mô rứa? Chỗ con gái, đến mần chi?”
“Bữa trước, chị có hứa cho em gặp Khánh Trang”
Cô kêu lên:
“Khánh Trang mô rồi. Ra mà gặp cái eng bị mi bắt mất hồn, mất vía đây nì”
Các cô đẩy Khánh Trang ra đứng trước hắn. Cô đứng yên nhìn hắn, không cười. Mái tóc đen, dài, rũ xuống đồi ngực nhỏ. Quần jean, áo trắng ôm lấy thân hình thon gọn, hài hòa, tinh khiết. Các bạn cô im lặng, như nín thở vì ngạc nhiên. Lần đầu trong đời, các cô được thấy đôi mắt si mê đến ngây dại cuả một anh con trai đang chiêm ngưỡng cô bạn Khánh Trang của họ.
Cô Tiểu Thu lên tiếng:
“Tụi ni làm mai cho hai ôn, mụ (ông, bà). Ôn, mụ nói đi! Anh yêu em, em yêu anh. Chú rể tương lai nói trước”
Hắn nói:
“Cả tuần nay anh mất ngủ”
Cô hỏi:
“Răng rứa? (vì sao?)”
“Nhớ em Khánh Trang”
“Mất ngủ mấy ngày thì chết?”
“Mất ngủ sinh bịnh mới chết”
Cô mím môi, nhìn hắn, mặt lạnh tanh:
“Em biết. Đó là bịnh tương tư. Khi mô anh chết, cho em biết. Em đến khóc đưa tiễn anh ra nghĩa trang buồn”
Cả bọn chưng hửng! Một cô kêu lên:
“Khánh Trang! Răng mi tàn nhẫn với người ta rứa mi?”
Không nói một lời, hắn quay lưng, xuống đồi. Có tiếng kêu “Anh Trương Chi ơi là anh Trương Chi!””
Hắn tự ái. Giận các cô, giận lây qua Khánh Trang, tuy biết rằng các cô tưởng hắn cũng là sinh viên với nhau vì hắn mới ra trường, tuổi chưa đến ba mươi, nên chọc ghẹo cho vui. Thực ra là lỗi của hắn. Làm công chức mà ăn mặc xuề xòa, đi lang thang, lại tán tỉnh các cô gái, chẳng ra “thể thống chính quyền” gì cả! Hắn cứ tưởng mình còn tự do như thời sinh viên mà không biết rằng, khi đã là công bộc của dân, thay mặt cho chính quyền, dù trong quản hạt nhỏ, cũng phải chững chạc, nghiêm trang, người dân sẽ nhìn hắn để đánh giá chính quyền. Từ đó, hắn mới để ý đến trang phục, tư cách của mình. Áo quần bỏ giặt ủi, thẳng nếp. Thái độ, cách giao tiếp như người lớn. Hắn không lang thang ngắm cảnh ở các nơi vắng vẻ vào ngày cuối tuần mà đi dạo phố, vào các tiệm sách, xem phim với các bạn.
Một buổi sáng Chủ Nhật, hắn cùng vài người bạn đứng trước rạp Tân Tân chờ xem phim. Hắn bỗng thấy từ cửa Thượng Tứ mấy cô gái, trong đó có cô Khánh Trang, đang đi đến. Vì giận họ, hắn làm như không thấy. Các cô cũng tỉnh bơ đi qua. Đi được một quãng ngắn, bỗng nhiên cô Khánh Trang đi chậm lại, cô quay nhìn hắn, đưa bàn tay lên, vẫy nhẹ rồi đi nhanh theo các bạn. Cơn giận bỗng tiêu tan. Hắn lại thấy cô Khánh Trang đẹp và hiền lành như trước kia. Hắn đoán chừng, phải có nguyên nguyên nhân nào đó khiến cô, trước đây, phải đối xử như vậy.
Một lần khác, vào buổi chiều, đang tìm một quyển sách trong nhà sách Ưng Hạ thì cô Khánh Trang vào, đứng bên cạnh. Hắn quay nhìn, cô cười, hắn cũng cười. Cô thì thầm
“Em xin lỗi nghe! Bữa đó…”
“Anh biết mà. Em đừng bận tâm. Cám ơn em. Em giả bộ ghét anh. Phải không?”
“Sợ tụi bạn. Tụi hắn tinh ma lắm. Nhất là con Tiểu Thu, hắn mà méc ba mạ em thì em chết”
“Bữa nào cho anh gặp, được không?”
“Sáng Thứ Bảy, anh lên dòng Thiên An sớm, chờ em phía sau nhà dòng, không ai thấy, nếu tụi em có đi chơi ở đó thì em sẽ đến với anh, nhưng chỉ vài phút thôi. Tụi hắn nghi ngờ thì nguy cho em”
“Anh chỉ cần thấy em, dù một giây, cũng mừng rồi”.
Nhờ sáng kiến đó, hễ bọn con gái đi chơi ngoài trời trên đồi Thiên An thì cô Khánh Trang đến với hắn, dù chỉ năm, mười phút. Hai người ngồi bên vách tường đan viện Thiên An, khuất sau những cây thông um tùm, ai có đi ngang cũng không thấy được. Cô thường ngồi tựa đầu vào vai hắn thì thầm:
“Em ước được ngồi mãi bên anh như ri, suốt đời”
Hắn nhìn cô, cười:
“Cứ ngồi mãi cho đến chết. Phải không?”
Cô lắc đầu:
“Chết răng được! (chết sao được) Em với anh thành tượng đá chứ! Tượng đá rêu phong nhưng không tan rã, không chia lìa. Cứ ngồi hoài như ri (như thế nầy)”
Hắn kéo cô sát vào lòng, hôn lên trán cô:
“Em dễ thương quá! Anh sẽ yêu thương, lo lắng cho em suốt đời. Anh có viết chút đỉnh. Anh sẽ viết về chuyện hai đứa mình, sau nầy về già, hai đứa đọc lại, có lẽ vui và cảm động lắm”
“Em cũng có làm thơ. Chẳng hay ho gì nên không đề tên thật”
“Nữ sĩ của anh bút hiệu gì?”
“Gì mà nữ sĩ! Tên Hoa Trang. Nhớ nghe! Chỉ riêng anh biết tên Hoa Trang thôi”
“Anh nhớ! Khi gặp riêng, anh gọi em là Hoa Trang. Hoa Trang của riêng anh”
Về sau, hình như các bạn biết chuyện hẹn hò của hai đứa nhưng làm lơ. Nhiều khi cô ngồi hàng giờ với hắn, cho đến trưa, nghe bạn kêu, cô mới vội chạy về.
Mùa hè đã đi qua, sinh viên, học sinh lại đến trường, không còn tụ tập đi chơi ngoài trời nữa. Hắn không còn được gặp cô Khánh Trang. Thế nên, mỗi cuối tuần hoặc buổi chiều, hắn lang thang trên các con đường Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, mong gặp được cô Khánh Trang cho đỡ nhớ. Thỉnh thoảng các cô, trong đó cô Khánh Trang, đi trên đường Trần Hưng Đạo, nhưng hai bên vẫn tảng lờ, như không thấy gì. Nhưng hắn biết và chờ đợi, cô Khánh Trang sẽ đi chậm lại, quay nhìn hắn và tặng hắn một nụ cười.
Kể ra như thế cũng đủ cho hắn vui hưởng cuộc đời, nhưng có một lần, gặp nhau, thay vì đi thẳng, các cô chận hắn giữa đường, cô Tiểu Thu nói:
“Chia buồn với anh nghe, Khánh Trang sắp lên xe hoa rồi. Đừng gặp Khánh Trang nữa nghe!”
“Thì trước giờ tôi cũng chỉ nhìn thôi!”
“Tụi ni không muốn làm khó, nhưng anh nói chuyện với Khánh Trang là tụi ni bị vạ lây”
Trong lúc đó, cô Khánh Trang xây lưng lại với hắn, yên lặng chờ các bạn rồi đi tiếp. Từ đó, hắn không còn thấy Khánh Trang đi ngoài phố với chúng bạn nữa. Các bạn cô cũng làm như không có hắn trên đời nầy.
Hắn thấy chán nản và buồn. Càng nhớ cô Khánh Trang hắn càng quyết định rời Huế vì mọi nơi, đường phố, lăng tẫm, chùa chiền… nơi nào cũng hiển hiện hình bóng Khánh Trang. Hắn làm đơn xin đổi lên Cao Nguyên làm việc.
Thừa Thiên, Huế năm nào cũng có bão lụt. Người ta thường nói “Ông tha nhưng Bà không tha, làm cho một trận Hăm Ba Tháng Mười” Nghĩa là phải chờ cho đến hết ngày Hăm Ba Tháng Mười âm lịch mới biết chắc năm đó hết bão lụt. Vì đôi khi ở Huế trời tạnh ráo, nhưng trên Trường Sơn mưa lớn, vậy là nước lũ tràn xuống. Phần thượng nguồn của sông Hương, sông Bồ, nước chảy giữa những vách đá dựng đứng nên dồn xuống đồng bằng rất nhanh và mãnh liệt. Ở thôn quê, nửa đêm nghe nước réo ngoài sông, giật mình mở cửa, nước đã vào đến nhà!
Năm đó bão lụt lớn, ngoài đường nhiều cây cổ thụ đổ ngổn ngang. Quận Nam Hòa, nơi hắn làm việc, thật là bi thảm. Nhà cửa bị gió giật, mái, vách bay tứ tán. Bà con bơ vơ, co ro trong mưa lạnh. Đa số đồng bào là người tị nạn Cộng Sản. Họ ở trong các mái tôn (tole) do chính phủ cấp, ngày ngày đi làm mướn hoặc khai khẩn các rẻo đất mà dân địa phương bỏ hoang để trồng khoai, sắn, bắp sống qua ngày. Trước kia họ cũng có ruộng vườn ở các thung lũng phì nhiêu trong dãy Trường Sơn nhưng bị Việt Cộng về bắt đi bộ đội, dân công, đóng thuế, ủng hộ đủ thứ, lại thêm súng đạn hai bên bắn nhau, chịu không thấu, họ chạy về vùng Quốc Gia để được bảo vệ, giúp đỡ. Họ sống thật nghèo khổ, thiếu thốn. Từ ngày về làm Phó Quận Nam Hòa, hắn thường đến các hội từ thiện để xin cứu trợ. Hội Thánh Tin Lành, cơ quan Caritas (Công Giáo), Hội Hồng Thập Tự Huế, Tổng Hội Sinh Viên Huế… thường đến các ấp phân phát thực phẩm, khám bệnh, phát thuốc, đắp đường, sửa nhà cho đồng bào. Ngay cả khi không có bão lụt, hắn vẫn đi vận động các hội đoàn đến các ấp chữa bịnh, tặng quà cho đồng bào nghèo.
Buổi chiều, sau một trận bão, đi làm về, hắn ghé hội Hồng Thập Tự. Anh Nghiên, Chủ Tịch hội đã chờ sẵn. Cả hai đồng ý sẽ đến các ấp bị nặng nhất trước tiên. Theo chương trình ngày mai, hội sẽ lên làng Đình Môn. Đây là nơi xa nhất, hẻo lánh nhất, nằm cạnh lăng Gia Long.
Sáng hôm đó, xe của hội Hồng Thập Tự đổ hội viên trước văn phòng quận, rồi đi đò máy ngược lên nguồn hữu sông Hương. Đến trưa thì mưa bắt đầu nặng hạt, nước dâng lên. Hắn vội thuê đò máy lên rước đoàn cứu trợ về, vì nếu còn nấn ná, nước chảy xiết, không có ghe đò nào dám lên đón cả. Vì xuôi giòng nên lúc về rất nhanh. Trời u ám, lất phất mưa và gió lạnh. Các hội viên co ro trong áo mưa, chỉ mong chóng về lại Huế nhưng xe của hội đã quay về rồi, đúng hẹn, chiều mới lên đón đoàn. Anh Nghiên, Trưởng Đoàn, đề nghị đi bộ lên lăng Khải Định tránh gió. Lăng xây tựa vào một ngọn đồi, kiến trúc toàn đá thanh và cẩm thạch, theo kiểu lai căng nửa Âu, nửa Á. Hắn ra chợ Tuần mua bánh mì và đường cho các bạn đỡ lòng. Một bạn khác lấy xe gắn máy của hắn chạy về Huế gọi xe lên đón đoàn. Tuổi trẻ thật hồn nhiên, các đoàn viên vừa ăn vừa ca hát. Hắn và anh Nghiên cùng một số khác ngồi ở góc lăng chuyện trò. Trong lúc các bạn đang ăn uống, cười đùa, hắn đứng lên xin được có mấy lời cùng đoàn cứu trợ.
“Nhân tiện đây tôi xin có mấy lời với anh Trưởng Đoàn và các anh chị hội viên hội Hồng Thập Tự Thừa Thiên, Huế. Trong thời gian qua hội đã dành nhiều ưu tiên cho quận Nam Hòa. Chính quyền cũng như đồng bào không bao giờ quên tấm lòng vàng của các bạn. Mong các bạn tiếp tục giúp đỡ đồng bào Nam Hòa. Ít lâu nữa, ông Phó Quận mới đến thay, tôi sẽ giới thiệu ông ta với các bạn”
Mọi người ngạc nhiên:
“Ủa, chớ eng đi mô?”
“Tôi xin lên Cao Nguyên. Ở hoài một chỗ cũng chán…”
“Có phải vì thất tình người đẹp nên bỏ Huế mà đi chớ chi?”
“Cứ coi như vậy, cho có vẻ lãng mạn. Người đẹp lên xe hoa rồi! Nhắc lại thêm buồn”
Có người hỏi:
“Người yêu là em nào? Cho biết tên được không?”
“Tôi cũng định hỏi xem có ai biết gì về cô ta không. Cô tên Khánh Trang”
“Ở đây cũng có Khánh Trang. Khánh Trang mô rồi? Đứng lên cho ông Phó coi có đúng là người đã bắt hồn, bắt vía ông ta không?”
Trong đám đông, một cô đứng lên. Hắn kinh ngạc khi thấy đó là cô Khánh Trang. Hóa ra những cô đi chơi trên đồi Thiên An đều có mặt trong đoàn cứu trợ. Hắn không biết cô Khánh Trang có mặt trong đoàn. Vì người nào cũng mặc áo mưa, trùm đầu, khó thấy rõ mặt, vả lại hắn chẳng quan tâm đến ai cả. Ngay buổi sáng, lúc đoàn cứu trợ đến quận, cô Khánh Trang đã thấy hắn, mừng rỡ nhưng không dám đến gặp, vì ba mạ cô đã cấm cô liên lạc với hắn. Khi cô Khánh Trang đứng lên, hắn sững sờ:
“Em ở đây mà anh tìm khắp nơi!”
Hai người đứng nhìn nhau. Các bạn im lặng, mắt không rời ánh mắt si dại của đôi tình nhân. Hắn bước tới, cô Khánh Trang đưa hai tay ra, chờ đợi. Hắn ôm cô vào lòng, nhắm mắt lại. Cô tựa đầu trên vai hắn. Cô khóc. Lúc đầu, cô mím môi tự kìm chế nhưng rồi cô khóc oà, khóc nức nở. Hắn vỗ nhẹ lưng cô, thì thầm:
“Cám ơn em. Em Hoa Trang của anh. Lâu quá, không gặp em. Anh nhớ em quá mà không biết tìm em ở đâu?”
Cô nghẹn ngào “Anh ở đây, thỉnh thoảng em còn hy vọng được nhìn thấy anh. Bây giờ, anh bỏ em, anh đi. Nhớ anh, em biết tìm anh ở đâu!”
Nhiều cô bạn ứa nước mắt khóc theo với cô. …
Bỗng có tiếng kêu:
“Xe lên đón đoàn đến rồi!”
Mọi người đứng lên, lặng lẽ đi ra cho đôi bạn được tự nhiên. Cô tựa đầu vào ngực hắn yên lặng. Hắn luồn hai bàn tay vào tóc cô, chải ra sau và hôn lên trán cô:
“Em lên xe. Các bạn đang chờ”
Cô lắc đầu:
“Em không đi đâu hết. Em muốn chết bên anh”
Hắn vỗ về:
“Đi với anh một quãng đường ngắn nữa. Giỏi anh thương!”
Cô ngoan ngoãn vịn vai hắn bước xuống tam cấp trước lăng đến chiếc xe bên vệ đường. Ngồi trên xe, cô vẫn khóc thút thít. Cô bạn ngồi bên cạnh, ôm vai cô mà không biết nói thế nào để an ủi cô. Cô đưa tay ra, hắn đứng dưới đường, cầm lấy tay cô. Người lái xe chờ đến khi họ buông tay ra mới cho xe chạy. Cô vẫy tay:
“Nhớ viết thư cho em. Nghe anh!”
Cả đoàn vẫy tay từ biệt hắn. Hắn cũng vẫy tay. Nước mắt ứa ra, hắn đứng nhìn cho đến khi xe khuất sau rặng cây phía xa.
Tối đó anh Nghiên, Trưởng Đoàn hội Hồng Thập Tự, đến rủ hắn đi uống cà phê. Anh nói là cả hội đều biết chuyện Khánh Trang và hắn. Nhưng ông bố Khánh Trang thì ngăn cấm. Ông bảo Khánh Trang còn vài năm nữa sẽ tốt nghiệp Bác Sĩ, phải lo học… Hình như ông nhắm được một chàng rể tương lai cũng là Bác Sĩ. Không hiểu ông ta cấm đoán cách nào mà Khánh Trang đến hội ngồi khóc và nói “Ba mạ hỏi, em nói thật, ba mạ giận, cấm em không được gặp anh ấy nữa!”
Hắn rời Huế, lên Cao Nguyên làm việc mà hồn vía để cả ở Huế. Nghe cô, bà nào nói giọng Huế là hắn nhớ Khánh Trang đến thẫn thờ. Nhưng hắn không liên lạc với các bạn ở Huế để biết tin tức về Khánh Trang. Mỗi người đã có một định mệnh khác. Sợi dây đã bị cắt đứt. Hắn vĩnh viễn mất Khánh Trang.
Rồi mất nước, năm 1975. Sau bảy năm tù Cộng Sản, hắn không về quê mà ở nhờ nhà một người bạn ở Sài Gòn. Hắn mướn một chiếc xích lô đạp kiếm sống. Có hôm hắn ngủ luôn trên xe. Một thân một mình, hắn sống thảnh thơi, vô tư. Thế rồi có vụ HO đi Mỹ, lúc đó hắn lại nghĩ đến Huế, đến Khánh Trang. Hắn phải về thăm Huế một chuyến.
Ngồi trên xe lửa gập ghềnh, huyên náo vì tiếng bánh sắt, tiếng người nói, hắn phân vân bây giờ Huế ra sao, cô Khánh Trang ra sao?
Đến Huế, hắn vào thành nội thăm người chủ nhà trọ trước đây. Hắn mượn chủ nhà chiếc xe đạp, sáng hôm sau hắn đạp lên vùng Nam Hòa thăm lại cảnh cũ. Lăng tẩm, chùa chiền vẫn thế, nhưng hắn thì đã khác xưa. Mất nước, hắn thấy mình không còn chút liên hệ gì đến nơi nầy nữa. Hắn lên đồi Vọng Cảnh nhìn về các thôn xóm của quận Nam Hòa, nơi hắn từng sống với đồng bào, những người dân nghèo khổ trong những ngày chiến tranh khói lửa, tang thương.
Hôm sau hắn dọ hỏi và được biết cô Khánh Trang có mở phòng mạch gần chợ An Cựu. Hắn quyết định đến thăm cô lần cuối.
Chiều hôm đó, phòng mạch của cô rất đông khách. Hắn ghi tên vào danh sách khách chờ “Phó Nam Hòa” và lấy một số thứ tự cầm trên tay. Trong lúc chờ đợi, hắn phân vân, lát nữa vô gặp cô Khánh Trang, hắn sẽ làm gì, nói gì? Nếu cô không nhận ra hắn, không nhớ chuyện cũ thì sao? Có lẽ hắn sẽ khai một bịnh vớ vẩn nào đó cho xong. Ngồi suy nghĩ miên man cho đến khi nghe gọi đến số của hắn, hắn đứng lên bước vào phòng mạch. Một người đàn bà mặc áo choàng trắng, đeo kiếng trắng, hắn đoán là Bác Sĩ, đang chăm chú viết tên bệnh nhân (tên hắn) vào một mảnh giấy nhỏ, có lẽ là toa thuốc sẽ cấp cho hắn. Hắn vẫn đứng nhưng không dám nhìn mặt cô ta. Hắn mất bình tĩnh mà không hiểu mình đang sợ điều gì?!
“Mời ông ngồi!” Hắn ngồi xuống ghế đối diện
“Ông đau răng đây? (Bịnh sao đây?)”
Hắn nhìn thoáng cô ta, cố nhớ lại hình ảnh cô sinh viên ngày xưa để so sánh với cô Bác Sĩ hiện tại
“Tôi chỉ cảm sơ sài”
Cô đo áp huyết rồi móc ống nghe vào tai:
“Ông xây lưng lại”
Hắn xoay người, hướng mặt vào vách, nhìn vơ vẩn mấy tấm hình chụp cảnh lăng tẩm treo trên vách
“Ông nói tiếng Nam, lại họ Phó? Họ nầy hiếm lắm. Ông ra Huế bao lâu rồi? Ông đi công tác?”
“Tôi vừa đến Huế hôm kia. Tôi có họ khác, tên khác, nhưng trước đây, người ta thường gọi tôi như thế. Trước Bảy Lăm, Thừa Thiên, Huế có nhiều người họ Phó. Mỗi quận có một người họ Phó. Phó quận Nhứt, Phó Quảng Điền, Phó Nam Hòa…” Hắn nói giọng đều đều trong khi cô bác sĩ đè cái ống nghe lên lưng hắn
“Ông hít mạnh vào… Thở ra từ từ… Không có gì đáng lo. Như vậy ở Huế có nhiều người họ Phó? Nhưng tôi chưa gặp hay biết ai có họ đó bao giờ”
“Sau Bảy Lăm, mấy họ đó bị tru di tam tộc rồi, Bác Sĩ”
“Ông nói chi lạ rứa! Có ai bị tru di gì đâu?”
“Tru di từ từ”
“Bây giờ ông quay lại, để tôi nghe ngực ông. Ông có bị ho, bị nóng lạnh, bị tức ngực, đau bụng hay mất ngủ gì không?”
Hắn xoay người lại, đối diện với cô Bác Sĩ:
“Mấy hôm nay tôi bị mất ngủ”
Hắn vẫn không dám nhìn thẳng cô Bác Sĩ, nhưng hình ảnh cô sinh viên ngày xưa như hiện rõ trên gương mặt cô ta. Đôi mắt vẫn sáng lên, thông minh và đằm thắm như trước kia, nhưng làn da hồng mịn trên gương mặt hình trái xoan đã được tô lên một lớp phấn hồng và cuối mắt, ở khóe miệng đã có những nếp nhăn. Ngực cô ta, dưới chiếc áo choàng trắng, hình như lớn hơn. Ngực cô Khánh Trang, lúc trước, nhỏ như trái cam, tròn và căng cứng, da trắng hồng, thơm mùi con gái thanh tân “Ông há miệng ra!”
Hắn há miệng. Cô Bác Sĩ nhìn hắn và bỗng nhiên cô buông ống nghe:
“Anh! Anh đến thăm em sao không báo trước? Em có bao giờ nhìn kỹ bệnh nhân của em đâu! Anh thay đổi nhiều quá! Anh chờ em một phút”
Cô ra ngoài phòng khách. Hắn nghe tiếng cô nhỏ nhẹ
“Tôi có người bịnh cần khám thật kỹ. Bác cảm phiền chờ hơi lâu một chút. Cám ơn nghe!”
Người hắn bỗng run lên. Câu nói dịu dàng từ ngoài phòng khách giúp hắn được nghe lại giọng nói của Khánh Trang ngày trước. Hắn nhắm mắt lại… Đúng là giọng nói của Khánh Trang. Hắn tưởng như nghe cả tiếng gió thổi qua rừng thông, vi vu trên đồi Thiên An, nghe cả tiếng xôn xao của các bạn cô cười nói dưới chân đồi.
Tiếng chân cô Bác Sĩ đi vào khiến hắn mở mắt ra. Cô ngồi đối diện với hắn, gỡ mắt kiếng đặt lên bàn và nhìn hắn mỉm cười. Nụ cười thân thiện, vui mừng. Hắn bỗng nhận ra là cô Bác Sĩ nầy và cô Khánh Trang của hắn là hai người khác nhau. Cũng gương mặt đó, nhưng không còn nét ngây thơ, trong sáng của ngày xưa mà thay bằng thái độ lạnh lùng, chững chạc của người từng trải. Hắn kinh ngạc và buồn rã rời. Khánh Trang của hắn không còn nữa!
“Bây giờ anh kể em nghe. Sau khi rời Huế, anh đi đâu? Em có nghe anh lên Cao Nguyên, rồi sao nữa? Ủa! Sao anh buồn quá vậy?”
“Xin lỗi Bác Sĩ. Tôi có người thân vừa mới mất. Bác Sĩ có cho phép tôi được khóc trong lúc nầy không?”
“Xin chia buồn với anh. Nhưng đời người, ai cũng phải đối diện với điều đó. Có lẽ đó là người thân nhất của anh?”
“Tôi chỉ có người thân duy nhất đó thôi. Người đó cũng thân với Bác Sĩ nữa”
“Ôi! Cũng quen thân với tôi nữa? Anh có thể cho tôi biết tên được không? Vì sao người đó chết?”
“Cô Hoa Trang. Đã chết rồi” Cô ngồi lặng người, nhìn hắn đăm đăm. Rồi cô thở dài, cô cầm lấy hai bàn tay hắn, thì thầm
“Đừng anh! Tội nghiệp em! Anh nỡ nào giết chết em. Giết chết Hoa Trang của anh?”
Cả hai yên lặng. Không gian yên tĩnh lạ thường. Hắn cúi nhìn bàn tay ấm và dịu dàng của cô. Từ đôi bàn tay, hắn như thấy rõ Khánh Trang ngày xưa. Khánh Trang trong trắng và quyến rũ đã từng khiến hắn ước ao được mãi mãi nâng niu, ấp ủ. Cô thì thầm:
“Em cám ơn anh vẫn còn nhớ đến Hoa Trang. Người đi xa bao giờ cũng mau quên hơn người ở lại. Thời thế đổi thay, ba me em mất rồi, bạn bè tan tác, chỉ mình em bơ vơ với những kỉ niệm cũ. Bao nhiêu năm rồi, em vẫn không quên được những ngày vô tư, đẹp đẽ của em với anh, với các bạn thân yêu. Nhiều khi cứ tưởng chuyện thời còn đi học chỉ là giấc mơ về một xứ thần tiên nào đó, vì hiện tại quá khắc nghiệt. Nước mất, nhà tan. Tan nát hết cả rồi! Em có về thành phố quê anh để tìm anh, nhưng chẳng ai biết. Em vẫn tự trách mình quá yếu đuối, để mất anh. Em hiểu được tình yêu nhưng không biết hạnh phúc là gì?”
Cô thở dài Rồi bỗng nhiên cô nhoẻn miệng cười, mắt sáng lên như vừa tìm thấy niềm vui:
“Chỉ có anh. Nếu anh và em là vợ chồng thì dù khổ cực, dù xa anh, em nhớ anh, lo sợ cho anh cũng là hạnh phúc của em. Anh cười lên với em đi! Mừng với em được gặp lại anh”
Hắn cười thiểu não “Tôi mừng cho Hoa Trang. Trong hoàn cảnh bi thảm của miền Nam mà cô được như thế nầy là may mắn lắm rồi”
“Khó khăn lắm mới mở được phòng mạch chui nầy đó anh”
“Tôi đến thăm Hoa Trang lần cuối, tháng sau tôi đi Mỹ”
“Anh đi với cả gia đình?”
“Tôi chỉ còn bà mẹ. Tôi đi với bà cụ”
“Hôm nào anh rời Huế?”
“Vài hôm nữa. Huế buồn quá. Cũng may, có cô Hoa Trang vừa tặng cho nụ cười cũng an ủi”
“Nếu anh ở lại lâu hơn thì cô Hoa Trang của anh sẽ tặng anh nhiều nụ cười nữa!”
Bỗng nhiên hắn nhận ra. Cô Hoa Trang ngày xưa của hắn đã chết thật rồi. Cô Hoa Trang nầy chỉ là người bạn. Tại sao hắn không vui? Hắn vừa có một cô bạn mới. Cô Khánh Trang như cũng vừa nhận ra điều đó. Bao nhiêu năm xa cách. Tình yêu sôi nổi của thời sinh viên đã lắng xuống, chỉ còn tình thân ái đằm thắm và tín cẩn nhau của hai người bạn thân. Cả hai nhìn nhau cùng cười, lòng thanh thản. Hắn ôm cô Khánh Trang, hôn lên trán cô.
Cô nói:
“Sáng mai, lúc tám giờ, em mời anh đi điểm tâm với em”
Hắn làm bộ e ngại:
“Ăn điểm tâm hay ăn đòn?”
Cô véo vai hắn:
“Không có đâu!”
Khi tiễn hắn ra, vì có bịnh nhân nên cô làm nghiêm:
“Sáng mai ông đến sớm, tôi mới có thì giờ khám kỹ hơn. Chào ông!”
Ra khỏi phòng mạch, đi được mấy bước, hắn bỗng khựng lại. Hóa ra hắn đã trắng tay. Quê hương, đất nước đã vào tay kẻ thù, sự nghiệp cũng không còn. Hắn ra Huế để tìm người yêu thì người yêu đã thành người bạn. Rồi đây, hắn sẽ lưu lạc đến một xứ sở xa lạ, nơi mà hắn chẳng thể hình dung được nó như thế nào? Nếu không mất nước, hắn không phải đi đâu cả.
Hắn đi ra phía bờ sông, tìm một thềm đá bên sông An Cựu, ngồi lặng nhìn giòng sông. Buổi chiều vắng vẻ, êm đềm. Hai bên bờ sông không một bóng người, chỉ có hàng cây đang nghiêng mình, soi bóng trên mặt nước. Hắn nghiệm ra, đời hắn và mối tình của hắn, cũng chỉ như giòng nước đang lặng lờ trôi, đã qua rồi thì không có cách nào trở lại được. Không còn gì. Hắn nhìn đăm đăm giòng sông và tưởng tượng. Nếu đi ngược lên thượng nguồn, sông An Cựu sẽ nhập vào sông Hương, đi qua những xóm làng yên tĩnh muôn đời. Kim Long, chùa Thiên Mụ, đồi Vọng Cảnh… rồi đến bến đò Tuần, đó là quận lỵ Nam Hòa, nơi trước đây hắn đã làm việc. Hắn nhớ đến những viên chức xã ấp thật thà, cần mẫn, nhớ đến đồng bào nghèo khổ vì chiến tranh. Hắn nhớ đến cô Khánh Trang xinh tươi, đôi mắt đằm thắm, dịu dàng nhìn hắn, làn môi thanh xuân hé nở nụ cười. Cả hai, tay trong tay, đứng giữa rừng thông bạt ngàn trên đồi Thiên An…
Khám bịnh nhân cuối cùng xong, bác sĩ Khánh Trang dẫn xe gắn máy ra, khóa cửa. Cô bỗng thấy một chiếc xe đạp dựng ở vách phòng mạch. Có thể của bịnh nhân để quên. Cô chợt mỉm cười
“Anh chàng nầy, cái gì cũng quên, chỉ nhớ mỗi một mình cô Hoa Trang! Buồn quá, ra bờ sông ngồi thở dài chứ gì?”
Cô lấy khóa còng, khóa hai xe vào nhau rồi đi bộ ra bờ sông. Cô đến sau lưng mà hắn không hay biết. Cô đứng chống nạnh, giả giọng miền Nam:
“Ê! Ông kia. Đừng thất tình mà nhảy xuống sông à nghe! Tui sẽ nhảy theo đó!…”
Phạm Thành Châu