PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tinhaybayroi
 
Buổi chiều tôi đón chị ở phi trường. Chị đến thăm và sẽ ở chơi với gia đình tôi khoảng hai tuần lễ trong thời gian ba tháng chị viếng thăm xứ Mỹ. Chuyến bay đến đúng giờ, người xuống gần hết nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng chị đâu. Dõi mắt kiếm tìm, mắt tôi đụng tia nhìn từ đôi mắt một người đàn bà Á Đông đã đứng sẵn trong lối nhận hành lý. Chị vẫy tay, tôi ngờ ngợ, chị đó sao?
 
Tôi không ngờ chị đổi thay nhiều quá: người nhỏ đi, khuôn mặt túm rụm lại, mái tóc thì xơ xác. Tôi giật mình và xót xa cho sự xuống sắc diện nơi con người chị. Nhưng lối nói chuyện nhát gừng từ những ngày sau tháng tư năm đó vẫn còn đâu đây:
 
- Tới lâu chưa? Máy bay hạ cánh rất đúng giờ.
 
- Em sợ chị đi lạc, nên đến sớm mà vào trong đâu có được, cứ lẩn quẩn gần đây mà lại.. vuột mất chị.
 
- Theo người ta mà, tiếng tây tiếng u dốt, nhưng con mắt còn lanh, chị cười hì hì sau câu nói. Rồi tiếp:
 
- Thấy thay đổi nhiều quá, có giật mình không?
 
Tôi cười. Trời! chị đoán đúng quá, nhưng ngại nói ra.
 
Trên xe về nhà, chị nói ít, vẫn những câu không chủ từ gì cả

- Cảm ơn đã mua vé đón về đây chơi. Bạn bè như thế này quí hoá quá!
 
Tôi hỏi thăm về những ngày ở trên đất nước Mỹ vừa qua, khơi nguồn cảm hứng cho chị bắt đầu trải lòng ra một chút:
 
- Từ bữa qua đây ở với cậu Tính, cũng có đi thăm mấy nơi, mấy cuối tuần cậu ấy được nghỉ. Nhưng chị em lâu năm không gặp lại nên cũng thấy sao sao. Trời ơi xứ Mỹ văn minh quá, chỗ nào cũng sạch sẽ, đẹp đẽ, nhà nào cũng ngon lành, xe cộ sáng trưng mà chạy có đường có lối, không loạn cào cào như bên mình, nghĩ mà..
 
Chị bỏ lửng câu nói, tôi tiếp lời:
 
- Chị đã gặp lại người bạn năm xưa nào chưa?
 
Chị nín lặng một hồi, tôi biết đã khơi lại một niềm đau nào đó nên chị chưa muốn nói. Tôi lặng lẽ lái xe về nhà và chị đang dõi mắt nhìn quang cảnh hai bên đường đang bỏ lại vùn vụt phía sau, không biết chị có nhìn thấy gì hay đang tưởng tượng về một cuộc gặp gỡ, nếu có thể xảy ra trong một vài ngày tới, nơi thành phố tôi đang ở, mà chị sẽ là nhân vật chính..
 
Sau những ngày tháng Tư buồn. Không phải một mình chị buồn mà tất cả mọi người miền Nam lúc đó, nhưng mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhất là những người vợ Lính.
 
Khi tôi đang lúi húi nấu bữa cơm chiều với những hạt gạo mốc vừa mua được từ cửa hàng lương thực. Chị trở về thành phố và đến nhà tôi chơi, lại đòi ở lại ăn cơm chung. Tôi hơi ngại không muốn mời, vì biết chị không thể nào nuốt nổi những hạt cơm như thế. Nhưng chị cười:
 
- Bây giờ ai cũng giống nhau mà, phải cố gắng “khắc phục” thôi.
 
- Nhưng chị khác, chị có “tiếp tế lương thực” từ bên ngoài, của Anh.
 
- Ừ, thì cũng nhờ đó mà chị đỡ khổ. Em đã biết anh mà, anh thương và lo lắng cho chị đủ mọi thứ từ ngày anh chị kết hôn, bây giờ xa nhau anh càng lo lắng hơn nhiều. Chị nhớ thương anh quá mà chưa biết chừng nào gặp lại?
 
- Nhưng em vẫn thắc mắc tại sao ngày đó chị không đi với anh?
 
Tự nhiên chị bật khóc, ban đầu chị hơi sụt sịt, bỗng chị ôm mặt khóc oà làm tôi phát hoảng.
 
Một hồi lâu như vơi bớt niềm u uẩn, chị vừa nói trong nước mắt.
 
- Cũng tại chị một phần. Chị hối hận lắm lắm. Buổi sáng hôm đó anh đi vào đơn vị, nhưng đã dặn trước chị mọi điều với tình huống xấu nhất xảy ra, nhất lá mấy ngày qua nhiều chuyến máy bay di tản gia đình vợ con Lính đi quá nhiều. Anh cũng lo sợ lắm, có điều không thể đem chị theo vào phi trường được, nên cứ dặn hờ, nếu có gì bất trắc xảy ra, anh sẽ về đón chị, lỡ không được nữa, anh sẽ đón bằng trực thăng nơi điểm hẹn.
 
Trước khi đeo túi bay lên vai, ra xe rồi anh vẫn còn dặn đi dặn lại chị phải đến đúng giờ ở chỗ hẹn gần nhà đèn có bãi đất trống, lại không phải là địa điểm quan trọng nên mọi người ít chú ý, nơi trực thăng có thể đáp và bốc chị đi ngay. Nhưng chị cứ dùng dằng nửa ở nửa đi, cứ nghĩ đến Mẹ Cha đang từ ngoài kia chạy lánh nạn vào đây bỏ lại sao đành. Đến khi Má chị thúc hối đi nhanh lên gần tới giờ hẹn rồi, chị mới quyết định xách túi hành lý nho nhỏ nhờ thằng Tâm chở chạy, thì em ơi, đường sá nghẹt cứng rồi, em của chị lái chiếc Honda lách luồn rồi cũng đến nơi hẹn, nhưng đến để mà đứng chết trân, nhìn theo chiếc trực thăng cứ bay vòng vòng trên đầu mấy lần mà không thể nào đáp xuống, vì số lượng người đứng chen chúc dưới đất quá đông, ai cũng muốn mình có một chỗ trên chiếc tàu cứu mạng đó. Để rồi cuối cùng chiếc trực thăng với tiếng kêu xành xạch, xành xạch sà xuống thật thấp rồi nặng nề buồn bã nhấc mình lên như đang bịn rịn, luyến lưu không muốn rời xa, nhưng bắt buộc phải nói lời từ giã với đám người đang la hét, kêu khóc, buồn rầu thất vọng đứng chật nơi đám đất nhìn theo, không hy vọng có ngày gặp lại.
 
Hai chị em chị ra về mang cùng một tâm trạng buồn lo và sợ hãi. Vừa lo cho anh và sợ hãi ở chính bản thân mình. Và những ngày sau đó thì cuộc sống chị em mình cũng có phần giống nhau. Đều là những người đàn bà độc thân tại chỗ, đều vắng xa chồng, vừa bươn chải lo cho cuộc sống mới, có người phải lo nuôi con lẫn cha mẹ già, lại cứ phải dệt thêm bộ lông nhím bao quanh mình để tự vệ. Chồng em đi tù dù không biết ngày về nhưng biết phải đi, còn chồng chị đi đâu, về đâu, sống hay chết đều bặt vô âm tín. Mãi đến một hôm.
 
- Mừng quá trời chứ gì? Đoạn này em biết rõ, lúc Bác gái trong ấy về kể cho em nghe, khi chị được tin anh, chị mừng hét toáng lên thiếu điều bức tường nhà nứt ra luôn. Chị cười hì hì, có vẻ bẽn lẽn thố lộ:
 
- Cha mẹ sinh lại chị lần thứ hai mà!. Suốt một thời gian dài như chết đi giờ sống lại mà không mừng hả? Lại được anh tiếp tế cho chút đỉnh để sống còn sao không vui mừng hả em?
 
- Lêu lêu vừa khóc vừa cười ăn mười….
 
Chị đập vào lưng tôi một cách trìu mến, người bạn đã chia sẻ buồn vui với chị trong thời gian khốn khổ vừa qua.
 
Đầu những năm 80, phong trào vượt biên nở rộ, cùng lúc có những cuộc ra đi rất huy hoàng của những gia đình có người thân nước ngoài bảo lãnh. Chị về lại thành phố ở luôn, vẫn liên lạc với anh và cũng nôn nao chờ đợi được gọi đi phỏng vấn để đoàn tụ với chồng.
 
Niềm hân hoan luôn hiện trên nét mặt. Chị yêu đời, chị xinh xắn hơn, chịu khó sửa soạn quần áo với những xấp vải ngoại của anh gửi về, một ít phấn son chị có cũng đem khoe với tôi, thỉnh thoảng chị biếu tôi chai dầu xanh, món quà quí hiếm thời đó làm tôi cảm động vô cùng. Bạn bè, nhất là những người có chồng đi tù về, nghèo xơ nghèo xác, rất ao ước và thầm mơ được ở vào hoàn cảnh của chị.
 
Bẵng đi một thời gian, chị đến nhà tôi, ngồi thừ một đống, như kẻ mất hồn, cặp mắt nhìn lơ láo, thất thần. Tôi không biết chuyện gì xảy ra, ngỡ ba má chị có chuyện buồn, nhưng phân vân chưa dám hỏi, vì đâu có nghe họ bị bịnh đau gì…
 
- Bộ Hai bác bên nhà có việc…?
 
- Không sao!
 
- Hai bác bình yên, em mừng, ủa bộ chị có chuyện gì hả?
 
- Mất sạch! mất hết! Hết thật rồi!
 
Tôi hốt hoảng, cứ ngỡ ăn trộm vào nhà chị. Nhất là mấy thời gian sau này, trộm cắp nổi lên nhiều lắm, người ta nghèo đói quá mà, cái ăn vẫn làm cho con người tốt trở thành xấu như lật bàn tay sấp ngửa. Nhớ những ngày “quân giải phóng” mới vào thành phố, người nào bị bắt vì tội ăn cắp vặt thôi chứ đừng nói vào nhà ăn trộm, cứ bị đem ra “xử bắn” ngay ngoài bãi biển, mặc dù có vợ con, cha mẹ quì lạy van lơn xin xỏ, ngay cả những người bị mất cắp cũng nhủ lòng thương lạy lục xin tha, vậy mà xử bắn vẫn là việc “bộ đội” đã nhẫn tâm làm. Một phát súng nổ, một mạng người ngã gục trước mắt nhiều người, thân nhân cũng không được quyền khóc. Người ta sợ sệt một thời gian, nhưng khi đói thì đầu gối bò đi… ăn cắp tiếp tục. Và nhà chị, có người thân ở nước ngoài chắc là mục tiêu của bọn họ. Nhưng không..
 
- Đồ phản bội! Đồ ăn cướp!
 
Ngồi nghe chị chửi mà không hiểu đầu đuôi gì cả. Chị chửi ai? Ai ăn cướp? chắc chắn không phải mình. Cuối cùng chị bật khóc, chị khóc còn thảm thiết hơn lần chị hụt chuyến bay anh đón chị năm nào. Thì ra, người chồng yêu quí, chị nôn nao chờ giấy bảo lãnh để chồng vợ có nhau, đã có người đàn bà khác sống kề bên thế chỗ, và đó lá lý do anh không thể nào làm đơn bảo lãnh cho vợ. Đúng là đoạn cuối cuộc tình bi thảm. Tâm tính chị trở nên bất thường và nói chuyện nhát gừng từ dạo đó.
 
- Nhà đẹp! có bãi cỏ cũng đẹp!
 
- Đẹp thì có, nhưng cũng cực lắm chị ơi, phải tưới nước bón phân đều đều. Chị mà lỡ để cỏ cao một chút là có giấy cảnh cáo gửi tới nhà ngay.
 
- Chắc đây là lần đầu và cũng là lần cuối được gặp lại em út, bạn bè. Nhờ các em, chị được mở mắt và nhìn thấy quá nhiều cái hay cái đẹp, sự văn minh tiến bộ xứ người, có điều… phải chi..
 
Tôi nghe có tiếng thở dài sau câu nói, vội đánh trống lảng:
 
- Chị đến chơi cũng gần đúng vào dịp Tết ta của mình, nên em xin nghỉ phép nguyên hai tuần luôn, sẽ đưa chị đi nhiều nơi để xem cho biết, và hưởng một cái Tết xứ người, để xem chị có cảm tưởng như thế nào.
 
- Cảm ơn trước! tốt quá, ước gì…..

Một buổi tối, sau bữa cơm, chuyện vãn thế sự một hồi, tôi thấy chị cứ nhìn chiếc trực thăng đồ chơi (toy) mà chồng tôi để trên nóc tủ, chiếc máy bay vô hồn nhỏ xíu hình như đã đưa chị trở về một khoảng thời gian đẹp đẽ nào đó trong quá khứ, những kỷ niệm khó quên, nên chị đứng lên và ngần ngừ hỏi chồng tôi có thể cho chị được không? Chị mân mê món đồ vật vô tri rồi nói chuyện như đang nói với chính mình
 
- Tình ấy bay rồi! Tình ấy bay rồi! Hồi tưởng lại lúc được ngồi ké trên trực thăng do anh lái bay về nhà cha mẹ để ăn Tết. Hãnh diện, lo sợ và thích thú làm sao! Những giờ phút được đi trên mây cùng anh. Biết đến bao giờ…?
 
Dù không muốn khơi lại nỗi đau trong chị, nhưng tôi cũng muốn chị có quyết định cuối cùng trước khi về lại chốn xưa âm thầm lặng lẽ sống chờ ngày nín thở xuôi tay. Tôi mạnh dạn đưa ý kiến:
 
- Chị có muốn gặp người ta một lần không? Em sẽ cố gắng tìm cơ hội, nhưng hình như bà vợ sau này ghen nổi tiếng đó.
 
Nín lặng một hồi, bỗng chị bật cười, lúc đầu nho nhỏ, rồi cười khan làm tôi chưng hửng.
 
- Có thấy ai đi đánh ghen lầm chưa? muốn nghe kể không? Hình như chị cởi mở hơn trong lối nói chuyện so với ngày mới đến.
 
- Gì nữa đây, chị không đi đánh ghen thì thôi, làm sao thấy người khác? Tôi cũng vừa nói vừa cười.
 
- Chuyện trong khu cư xá Sĩ Quan KQ hồi nẳm ấy mà. Vui lắm, cũng tại cái tên và giọng nói ba miền.

Hình như quá khứ gợi lại trong chị nhiều kỷ niệm vui, tôi khều thêm tâm sự:
 
- Hấp dẫn à nha, chị chứng kiến chuyện đó hả?
 
- Hồi đó có giờ rảnh, chị hay vào khu cư xá thăm vài người bạn. Một bữa đang ngồi chơi, thì nghe bên ngoài rần rần, có nhiều tiếng nói cười xôn xao, giọng mấy ông thì ít mà mấy bà thì nhiều, hình như mấy căn cư xá phía bên kia đều mở cửa chạy qua. Bọn chị cũng ào ra, thì mới hay có một vụ suýt… uýnh ghen lầm người, mà những “hung thủ” là quí phu nhân của các ngài… Pilot, vừa trở về sau trận chiến… không đánh mà bỏ chạy.
 
- Cái gì đi đánh ghen mà lầm là sao?
 
- Bốn bà, mặc quần “ống pat” đủ màu, áo thun bó sát người, chân đi đôi dép “sa-pô”. Tất cả ngồi trên một chiếc xe Zeep do anh tài xế của ngài quan Tá nào đó làm việc bên Quân Tiếp Vụ lái đi… hành quân, mà “chỉ huy trưởng” là bà vợ của quan ngài từ trong Sài Gòn ra. Lý do: ông Tá tù ti tút tít với một nàng tên H nào đó. Nhưng khổ nỗi, vì bà nói giọng miền Nam, nên phát âm chữ H đầu thành chữ Q. Một pi-lot phu nhân lanh chanh, nghe ba chớp ba nháng, chỉ rõ trong khu cư xá gia binh bên trong cổng trại có người đàn bà tên đó. Thế là đoàn quân trực chỉ đi đến mục tiêu, quyết chí phen này tìm cho ra cái …“con khốn nạn giật chồng bà!” để tẩn cho một trận nên thân, cho bỏ cái tật giật chồng người.
 
Nhưng khi đến nơi gõ cửa với thái độ quyết chí “ăn tươi nuốt sống tình địch”, người nào cũng đứng chống nạnh xăn tay áo chờ đợi mần thịt con mồi, lành chớ ông Trung Úy KQ chủ căn nhà mở cửa thò đầu ra giới thiệu tên Q. đây, hỏi chuyện chi mà ồn ào thế, cùng lúc bà vợ ông ở dưới bếp cầm con dao đang xắt thịt lở dở nghe ồn ào đi lên. Bà Tá thủ lãnh tái mặt, vì người trước mặt hoàn toàn không giống tí nào với người trong ảnh mà bà có, mà trên tay lại còn cầm con dao cứ múa tới múa lui. Bà Tá hoảng kinh bỏ chạy thụt lùi ra phóng tuốt lên xe, mấy bà kia cũng lót tót chạy theo thiếu điều sút dép. Trong khi ông Tr/U Q. thì không biết gì cả, ngơ ngác hỏi với theo với giọng miền Bắc: Này chuyện chi thế? Chuyện chi thế nhỉ?
 
Trời ạ, cũng tại cái tên bắt đầu bằng phụ âm H. đẹp đẽ mà mấy bà cứ gọi…cu(Q) tuốt luốt nên mới ra nông nỗi.
 
Bốn bà vừa kể lại cho bọn chị nghe mà vừa cười sặc sụa làm mọi người cũng cười theo gần bể bụng. ..Một chuyện đánh ghen để đời trong khu cư xá hồi nẳm.
 
- Hồi đó ở cư xá coi bộ vui quá chị há?
 
- Thời buổi chiến tranh mà, có chồng Lính mà không có việc chi làm thì phải theo chồng mà sống, không nhiều tiền thì xin cư xá mà ở. Lính nào cũng lo nhưng lính Không Quân bọn chị càng lo bạo. Buổi sáng tiễn chồng đi ra xe, có người cũng đi làm việc, nhưng có nhiều bà chỉ ở nhà chờ chồng, hồi hộp và lo sợ, lo sợ nghe báo tin… tàu vừa bị bắn! Nhiều lúc rảnh rỗi quá hổng có chuyện chi làm, nên cũng xảy ra nhiều chuyện vui lắm, nhờ vậy mà những giờ phút chờ đợi qua mau. Dĩ nhiên cái gì rồi cũng qua, chỉ còn lại tình nghĩa sau bao năm tháng chất chồng, vậy mà…..
 
Nhìn chị ngồi nhớ lại chuyện xưa, tôi thật sự chạnh lòng. Tôi gợi ý muốn chị có một cuộc gặp gỡ với người đã bỏ quên tình nghĩa lại đằng sau. Dù gì anh ta cũng ở trong thành phố này, cũng rất ăn nên làm ra. Bà vợ làm chủ một tiệm cắt tóc, ông trông coi một tiệm bách hóa không nhỏ với mấy người phụ giúp. Nhưng chị cứ dùng dằng, giằng co, lo sợ đủ điều.
 
- Tới đây rồi Chị lại không muốn gặp nữa. Chị không muốn anh ấy nhìn thấy chị sa sút như thế này đâu, không muốn…..
 
- Tại chị sống với… Việt cộng mà, cuộc sống kham khổ thiếu trước hụt sau, cũng phải lao động quần quật mới có cái ăn, làm sao so sánh với mấy người ở xứ văn minh, giàu có, dù phải làm việc nhưng vẫn sung sướng gấp trăm lần!
 
- Nhưng rồi gặp để làm gì? Anh ấy đã chọn con đường cho riêng mình, sống yên ổn với vợ con. Với chị chỉ còn là quá khứ, chắc gì anh ấy đã nhớ vì từ lâu lắm đã im bặt mọi thư từ liên lạc rồi mà.
 
Ừ nhỉ! chắc gì anh ấy đã nhớ hoặc có khi không muốn nhớ?. Ở đây, ngoài chồng chị, tôi cũng còn biết mấy người cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ngày “tan hàng tháo chạy”, nhất định đòi leo xuống tàu trở về để gặp lại vợ con, sống chết có nhau. Nhưng rồi chỉ một thời gian sau, đã ôm tình yêu khác, mãi đến bây giờ, Vợ con sống chết ra sao không cần biết đến, vì người đàn bà sau cấm đoán, và ông thì… chiều vợ cho nhà yên cửa lặng, chỉ khi nào gặp bạn rồi uống rượu thật say mèm, mới gục đầu khóc và nhắc chuyện nhớ vợ thương con..
 
Với chị, trong nhiều thư viết cho tôi, vẫn ao ước có cơ hội gặp lại người chồng cũ một lần, để được gục đầu trên vai người mà… khóc cho vơi những nỗi niềm u uẩn chồng chất bấy lâu. Nhưng khi đến gần thì lại như quá xa xăm, ái ngại đủ điều, lo sợ vu vơ, mặc cảm ngay cả sắc diện của chính mình. Còn lo cho người ta gặp khó khăn trong cuộc sống nữa. Thật khó hiểu.
 
Ngày tôi đưa chị ra phi trường về lại nhà Tính, để trở về quê hương sống nốt những ngày buồn bã còn lại mà lòng vẫn thấy nao nao.
 
Nhìn dáng chị đơn độc nhỏ nhoi lủi thủi bước đi qua lằn ranh giới hạn người đưa tiễn, tự nhiên tôi bật khóc. Thương cho hoàn cảnh chị, hoàn cảnh nghiệt ngã của những người đàn bà sinh nhằm thời chinh chiến, đến khi không còn lửa đạn binh đao lại bị chồng bỏ rơi một cách tức tưởi, nhưng vẫn ôm ấp hình bóng người xưa mà không một lời trách móc. Văng vẳng bên tai tôi là những lời cam phận chịu đựng của chị trước đêm từ giã: “….Cuộc đời này vô thường em ạ, có đó rồi mất đó, mỗi người đều có một số phận. Thôi thì số phận của chị chỉ hưởng được có ngần ấy ngày hạnh phúc với chồng, nên chị trân quí nó cho đến ngày nhắm mắt. Chị đến được nơi này, một lần, gặp lại các em và những người bạn thân tình, nhìn và thấy được những điều hay, nét đẹp, sự văn minh…., chị cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, âu cũng có sự phò trợ của ơn trên. Kỷ niệm đẹp mấy rồi cũng chỉ là kỷ niệm, khơi lại làm gì khi vết thương liền mặt đã lâu. … Phải cố quên thôi, cứ coi như tình ấy đã bay rồi...
 
 
Lê Thị Hoài Niệm