Ngày 30-4 lại đáo hạn năm 2020!
Thấm thoát đến nay đã tròn 45 năm của một đời người!
Biến cố 30-4-1975 xảy ra khi hầu hết người lính VNCH đang thời thanh xuân. Thấm thoát đến nay đã tròn 45 năm. Người lính năm xưa nay đã già; vào những ngày trời mây u ám, lại thêm nạn dịch COVID-19 hoành hành nên cảm thấy cô đơn tưởng chừng "ngộp thở", thì chớ vội nghĩ rằng mình bị... mắc dịch! Dù sao chúng ta vẫn may mắn hơn những người hiện sống trong bốn bức tường khu dưỡng lão, hay kẹt cứng trong chuyến hải hành trời biển mênh mông.
Hôm nay Houston trời mưa dầm suốt ngày. Mặc dù tai nghễnh ngãng nhưng tôi vẫn nghe được tiếng mưa tí tách tạt vào khung kính cửa sổ phòng học. Nhìn ra hồ sen sau nhà làm tôi nhớ đến ao sen đầm súng ở quê khi xưa lúc trời mưa, có con cò trắng lêu khêu dò dẫm từng bước in rõ trên nền trời màu tro xám, như bà mẹ quê không quản nhọc nhằn lặn lội nuôi con. Khúc phim ngày xưa thân ái hiện về có lớp lang, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, làng xóm, và chiến hữu đã hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước; có hình ảnh người tài xế vận tải của đơn vị đã bỏ mình trong chuyến công tác tiếp tế một quận lỵ nhỏ ở miền Trung, mà tôi là người nhận xác anh cũng vào buổi sáng ảm đạm như hôm nay.
Bao nhiêu biến đổi trong đời đưa đến vận nước nguy ngập như con bệnh đang hấp hối; và 30-4 là tiếng sét kết liễu một chế độ. Hình ảnh cuối cùng ngày 30-4 còn như in trong đầu: buổi họp cuối cùng với vị Tướng công thần Nguyễn Khoa Nam; đường phố đầy ắp người đi lên kẻ trở ngược; người vợ lính chờ chồng ngoài ngõ; đứa trẻ khóc trông mẹ đi chợ chưa về... Trách nhiệm, bổn phận, gia đình, đồng đội, quần chúng là những cơn gió lốc khai mào trận đại-hồng-thủy mà mỗi chúng ta đã trải qua. Đến nay âm hưởng vẫn còn dù biến cố đã sang trang. Là những nạn nhân trong cuộc chiến mấy ai tránh khỏi vết thương vì chiến cuộc; mà thời gian chỉ có thể làm mờ tỳ vết đã hằn sâu trên da thịt, nhưng không thể tẩy xóa đau thương đóng băng trong lòng.
Bốn-Mươi-Lăm năm qua sau khi cuộc sống ly hương được ổn định, cứ vào ngày này tháng này, người Việt tỵ nạn CS khắp thế giới tổ chức Ngày Quốc Hận để đừng quên căn cước tỵ nạn đau buồn. Riêng năm nay, sẽ không có buổi lễ rình rang như mọi năm vì tình trạng Đại Dịch COVID hoành hành khắp thế giới, nhất là tại Hoa Kỳ đang trong thời cao điểm. Người lính sẽ không có dịp gặp nhau để ôn lại kỷ niệm ngoài trận tiền, trong lao tù, lúc bôn ba hải ngoại và những thăng trầm đời lính. Dù vậy, trong lòng mỗi chúng ta đều khêu nén hương để tưởng niệm thân quyến, bè bạn, chiến hữu đã hy sinh trong cuộc chiến... Vậy mà, có sự hy sinh cao như núi rộng như biển thường bị quên lãng cũng như chiếc bóng bên mình mấy khi được nhắc đến. Đó là hình ảnh Cái Cò của người vợ lính ngày sau cuộc chiến 30-4 vừa làm mẹ vừa làm cha thay chồng đang bị đày đọa trong lao tù CS.
Vậy hãy hứa là đừng quên sự hy sinh của Cái Cò trong ngày 30-4 năm nay!
Không có sự hy sinh nào hơn hay kém, lớn hay nhỏ. Cái Cò chính là chiếc bóng âm thầm song hành cùng người lính trong cuộc chiến; và giờ đây là cây gậy để tựa, là ngọn đuốc đêm đêm giúp người-lính-già-xa-quê-hương khỏi bị vấp ngã. Lúc quốc biến, người vợ lính tảo tần buôn thúng bán bưng, chắt chiu để nuôi con nên người khôn lớn, lặn lội qua vùng đèo heo hút gió, sơn lam chướng khí, nuôi chồng trong lao tù để mong còn sống chờ ngày đoàn tụ. Trong khi bên kia đại dương nơi xứ lạ quê người Cái Cò cũng vất vả không kém, dành dụm từng đồng cắc để sanh tồn nơi vùng đất mới; mượn quê người làm quê hương mình để mong có ngày trở về quê cha đất tổ.
Người đàn bà trong xã hội vốn dĩ bị thiệt thòi, nhưng họ âm thầm câm nín. Đức tính cần cù, chịu đựng là thứ ánh sáng kỳ diệu của người đàn bà Việt Nam. Và, bằng ngòi bút sống động Nguyệt Ánh đã kể lại nỗi thống khổ của người vợ lính VNCH trong bài "Cái Cò" sau đây,
"Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non
Thương em dạ sắc lòng son
Một thân đơn chiếc, nuôi con thay chồng
Bàn tay ai tốt vàng ròng
Bàn tay em nứt, máu hồng tuôn rơi
Nhìn nhau muốn nói vạn lời
Mà tim se thắt rối bời tâm can
Cái cò ngày nay, không còn gánh gạo
Gạo đã thành, một quá khứ xa xôi
Cái cò ngày nay, xuống biển tìm mồi
Ngô sắn khoai sùng, ăn cầm chừng nước mắt tuôn rơi"
"Cái cò lặn lội bờ ao
Bán giọt máu đào, nuôi dưỡng đàn con
Thương em lội suối trèo non
Vùng Kinh Tế Mới, nuôi con thay chồng
Biển dâu đã hóa ruộng đồng
Nhà tan nước mất, vợ chồng chia ly
Chồng đi cải tạo không về
Vợ đi tay cuốc, tay cày đất hoang
Cái cò ngày nay, mơ tìm chén gạo
Giọt máu đào dành để bán nuôi con
Cái cò ngày nay, gối mỏi chân mòn
Vai gánh vai gồng, đi thăm chồng cách núi ngăn non"
"Cái cò lặn lội bờ đê
Đói khổ trăm bề, nước mắt đầy vơi
Thương em tuổi mới đôi mươi
Vì cơn quốc biến, hoa trôi hương tàn
Chiều trên quốc lộ kinh hoàng
Chồng em tuẫn tiết, máu tràn như sông
Chồng em chiến sĩ anh hùng
Vì dân chiến đấu, thác cùng muôn dân
Cái cò ngày nay, đã thành góa phụ
Tay dắt mẹ chồng, tay dắt đàn con
Muốn về làng quê, quê cũng không còn
Giặc bắt lên rừng, đi vào vùng chướng khí Lam Sơn"
"Cái cò lặn lội bờ mương
Vét cống đào đường, gió rét lạnh căm
Chồng em giặc bắt biệt tăm
Tù Nam Tù Bắc, biết thăm nơi nào
Một đêm gió lộng mưa gào
Được tin anh đã đi vào thiên thu
Chồng em chết giữa ngục tù
Khổ sai đói rét, Cộng thù giết anh
Cái cò một thân, lên vùng đất lạ
Đến trại tù, tóc quấn vành tang
Đếm từng mồ hoang, máu lệ hai hàng
Đau xót cho chồng, không mộ phần, không khói, không nhang."
Hãy ngược dòng thời gian, xưa kia Con Cò là chân dung bà Mẹ Việt Nam!
Thuở ấy, người nông dân rất gần gũi với Con Cò. Hình ảnh người nông dân dắt trâu kéo cày theo sau là đàn cò bay lượn trên thửa ruộng "thẳng cánh cò bay", trong khung cảnh thanh bình lòng người phơi phới. Dáng cò mảnh khảnh, bộ lông trắng muốt ta chợt liên tưởng đến dáng vẻ người mẹ, người vợ. Hình ảnh Con Cò trắng trên bờ ruộng vào lúc trời mây u ám nói lên đức tính chịu thương chịu khó, chăm chỉ, cần cù của người phụ nữ Việt Nam:
Giờ đây, dưới cung điệu của Nguyệt Ánh, "Cái Cò" chẳng những thoát ngoài khuôn thước của bức tranh thủy mạc, mà còn là chi tiết lịch sử mà người vợ lính miền Nam Việt Nam trong thời ly loạn đã gánh chịu. Mấy ai đánh giá sự hy sinh của con người bằng đơn vị đo lường, vì tự nó vô giá: cao hơn Thái Sơn, rộng hơn Nam Hải. Nếu ta chiêm ngưỡng nét oai nghi của đại bàng, dũng mãnh của chúa sơn lâm, uy vũ của kình ngư; thì hãy đừng quên hình ảnh dịu hiền như từ mẫu, tận tụy như dã tràng và đẹp như thiên thần của Cái Cò, đã và đang là chiếc bóng bên chồng khi khốn cùng hay lúc tuổi già bóng xế.
30-4 năm nay đánh dấu 45 năm Quốc Hận, ngoài nén hương lòng tưởng niệm Quân Dân Cán Chính đã hy sinh trong cuộc chiến hay đã bỏ mình trên đường tìm Tự do; xin hãy đừng quên "Cái Cò" đã đóng góp vào kho tàng văn học, quân sử và lịch sử Việt Nam Cộng Hòa thân yêu... mà lâu nay bị quên lãng.
Phạm Văn Hòa
(Viết theo cảm xúc ca khúc "Cái Cò" của Nguyệt Ánh - vào lúc COVID-19, 2020)