Vì phải dạy cho học sinh môn tiếng Việt ở xứ người về các tôn giáo, nhờ thế mới có dịp đọc để giảng cho các em một cách đơn giản về “tham, sân, si”. Lại xem cuốn DVD Paris By Night, nghe ông MC “phân bua” về việc đòi chia của cải sau khi ly hôn/ chia tay. Ông bảo “bởi vì chúng tôi tức” làm cả rạp cười ồ. Biết là ông nửa đùa nửa thiệt, nhưng ngẫm nghĩ lại quả thật là con người có ai mà không tránh khỏi “tham, sân, si”.
Xin được phép lan man về “tam độc” này qua cái nhìn vô cùng hạn hẹp của tôi và cũng chỉ khoanh tròn trong phạm vi “tình cảm” giữa hai người mà thôi.
Bắt đầu với cánh đàn ông, “tham lam” là chuyện thường tình, bởi thời xưa đã cho phép các ông “năm thê, bảy thiếp” rồi mà. Đã thế, với bản tính thương người như thể thương thân, “ai thương tui thì tui thương lại” thì không lạ gì cảnh “chán cơm, thèm phở” để rồi những hệ lụy có khi kéo dài đến cả đời sau… Hưởng thụ nhiều như thế, nhưng khi bị chia tài sản mà theo công đạo để nói là dù gì thì cũng “của chồng, công vợ” vậy mà vẫn hậm hực, la toáng lên, rồi kiện lên kiện xuống, để cho mấy ông thầy kiện là “ngư ông đắc lợi” nhiều nhất. Nếu bình tâm suy nghĩ thì thử hỏi, có phải ông cũng có phần nào yêu thương, cũng một thời công nhận “em là bóng mát đời anh”, hoặc đã được ru ngủ vì thích uống mật ngọt, nước đường v.v.. vậy thì còn ấm ức chi? Giờ đây, đường tan, mật chảy lại muốn “ôm trọn gói”, xóa sổ công sức của người vợ, không phải tham thì là chi đây? Không ăn thì đạp đổ cho bỏ ghét, bởi thế từ tham đã chuyển dần sang sân!
Sân là một đức tính vô cùng “dễ thương, đáng nể” của cánh đàn ông. Khi còn hòa hiệp bên nhau, biết bao lần bà bị bạt tai, bị chửi rủa, bị làm bia cho mấy ông luyện võ… chỉ vì lỡ cằn nhằn đôi chút do cặp mắt ông ưa nhìn sai hướng (đi với vợ mà cứ nhìn cô nhà nghèo thiếu vải đi bên đường), vì chén anh chén em, vì đi sớm về khuya, vì.. ối chao biết bao là cái “vì” mà các ông chống chế không ổn, nên dùng “sân” để… dứt điểm! Bởi thế, nhờ sân mà các ông mới phát huy được cái gọi là phái mạnh để rồi có cảnh quá nóng giận mà phải ân hận không nguôi… Còn nếu như đường tình đôi ta phải chia xa đôi ngã thì eo ôi… hoặc là đưa nhau ra tòa, nhờ mấy thầy giỏi cãi tận mạng đem chiến thắng về ta, còn nếu “biết dùng lời rất khó” thì… một phát súng, một liều thuốc tiễn em đi… gọn bâng, đỡ tốn thì giờ và tiền bạc! Sân thế này thì không còn gì ngu si cho bằng!
Si cũng có mức độ nặng nhẹ, “si khờ” nhẹ nhàng thì mấy cô chắc hẳn đều đã từng có kinh nghiệm:“si mê vốn sẵn tính chàng”! Ngay từ khi còn ôm bầu sữa mẹ, chẳng phải là “chàng” đã lim dim, mê say tận hưởng giòng sữa ngọt ngào ấm áp của mẹ rồi sao? Niềm si mê này không thể hiểu lầm là ngu si được vì “bé” tinh khôn dàn trời! Khi lớn lên một tí, mới cắp sách đến trường là đã biết trồng cây si trước cổng trường, rồi bạo gan hơn, tiến thêm một bước nữa, là trồng ngay trước nhà nàng, mặc kệ cây roi của bố nàng đang lăm le quất đuổi… Cái si này nếu định nghĩa là ngu thì oan cho các ông quá, chỉ là thời kỳ “trăng sáng vườn chè”, lăm le bước vào tuổi trưởng thành. Nhưng khi mức độ si gia tăng, có thể nói là lúc mà “nhớ em ra ngẩn vào ngơ”, nhớ quay quắt điên cuồng và đang cần được “neo mình nơi bến đậu bình yên” mà bị cản trở, bất thành vì một lý do nào đó thì sẽ biến thành ngu si. Mức ngu này càng đậm đặc, trở nên tối tăm hơn thì chắc không cần phải bàn thêm - vì lúc này đầu óc suy nghĩ đã bảo hòa, “bức xúc” dồn dập, phiền toái đưa đến, tác hại thì vô biên: đạo đức, nhân cách từ từ rách toạc hoặc thậm chí là xóa sổ…. thế là… đời tàn trong ngõ hẹp!
Tham, Sân, Si… ba đức tính độc này được phát triển từng thời và phát huy thành nhiều cách với cánh đàn ông và thường khi đụng chuyện thì sẽ “tức nước, vỡ bờ” ngay, vì vậy. Xin các ông hãy nhớ câu này:
để kềm tính tham lam, dằn cơn nóng giận, xa rời khối u mê. Chấp nhận câu trả lời logic như trên thì sẽ học được chữ nhẫn để tránh khỏi việc dẫn đến ngu si mà thiệt thân.
Phần mấy ông đại khái là thế, còn mấy bà thì sao?
Các bà có cái nhìn thu hẹp hơn, nên cái tham của bà chỉ quanh quẩn cho bản thân mình là chính. Cũng vì tham “lựa chồng ở chốn ba quân”, nên phận má hồng mới bị… “lừa”! Không phải sao, cứ nhìn chàng oai phong giữa chốn ba quân, nói năng lịch sự và bắt chước ca sĩ Bằng Kiều lim dim mắt ngân nga “trong đôi mắt anh, em là tất cả” thì nàng vốn dĩ ưa nghe bằng tai, đành nhẹ nhàng đầu hàng vô điều kiện. Có biết đâu, chàng lim dim thế chỉ vì không dám nhìn vào mắt nàng, anh cũng biết thẹn cho bản thân mình nói lời không thật chứ bộ. Nhẹ dạ, cả tin như thế thì làm sao mà không “bừng con mắt dậy, thấy mình trắng tay” phải không các bà! Khi đó, chỉ còn biết sân lên cho hả tức!
Bởi thế sân của mấy bà chỉ là chuyện nhỏ: tức, giận, ghét… bất quá chỉ la hét, cào cấu chứ phái yếu mà làm được gì cho đáng mặt nữ lưu trong chuyện này. Với tâm lành như thế thì chẳng làm sao đành đoạn (hay không dám) sân với chồng, thôi thì, đành sân với…. người ngoài, gọi là giận cá chém thớt cho nhẹ lòng! Tam tòng, tứ đức thời Khổng tử coi vậy mà cũng còn dính chặt chưa buông cho các bà thời nay! Tuy nhiên, lạ một điều là với chàng thì có vẻ e dè, thế nhưng với người ngoài thì quá thẳng tay. Chắc không ít người còn nhớ vụ tạt acid cô vũ nữ thời thập niên 60 mà báo chí đã rùm beng, xã hội đã lên án, nhưng chuyện xảy ra thì đã xảy ra rồi, có ân hận thì cũng chẳng sửa đổi được, để phải sẩy đàn tan nghé… rốt cuộc tất cả có được những gì hay chỉ là những ân hận chồng chất, những vỡ tan đau khổ, những đau đớn kéo dài, ai vui đây? Chỉ vì không kềm chế được cái sân mà đã đưa tới cái ngu si đến không còn mức cứu vãn.
Bởi thế khi mà mấy bà đã si thì ôi thôi còn gì để ngôn nữa đây? Nhẹ thì tự hại mình, biết bao người tự tử vì tình mà thống kê cho biết tỷ lệ là nữ nhiều hơn nam. Điều này càng chứng tỏ rằng vì mang danh phái yếu nên tim cũng rất yếu xìu, khó chịu đựng được cảnh hất hủi, ruồng bỏ. Chỉ vì mất anh là coi như mất tất cả nên chẳng suy nghĩ chi đến tính mạng, đến công lao cha mẹ nuôi dưỡng… dễ dàng từ giã cõi đời chỉ vì một người dưng khác họ!
Sinh lão bệnh tử đã có, sao sinh thêm sầu hận bi thương chi cho rắc rối cuộc đời hở ông trời?
Nghĩ cho cùng, tình cảm là một thứ tình thiêng liêng, cao quý mà Thượng đế dành cho con người nhưng sao gây nhiều hệ lụy và hình như cánh đàn bà luôn chịu nhiều thua thiệt đến thế? Dù có “chảnh” đến đâu mà một khi đã “I do” đồng ý nhận “nhẫn cỏ” thì coi như “cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra”. Cánh đàn ông bắt đầu đảo ngược ván cờ, trở lại thế thượng phong rồi đó! Dù có mang tiếng sở khanh, lừa gạt tình cảm… đến đâu thì cũng còn được người đời che chở, phê phán cởi mở hơn hoặc còn “ai biểu đâm đầu vào chi!” và “anh” lại tung tăng thả lưới tìm “mồi” tiếp, chứ đàn bà mà lợi dụng mỹ nhân kế rồi cao bay xa chạy, đố tránh khỏi cảnh chê bai dè bỉu của miệng đời thế gian và làm sao không khỏi ê chề với chính bản thân mỗi khi tự vấn lòng?
Đó là những cặp đôi chính thức, còn những cặp “già nhân nghĩa, non vợ chồng” vì lý do nào đó đến với nhau thì phải chăng chẳng hề có chút tình yêu thương gắn bó, mà chỉ là những dục vọng của con người, những lợi dụng trao đổi nên “tham, sân, si” còn rõ nét hơn?
Vẫn biết cuộc đời là vô thường và “nhân chi sơ tính bổn thiện”, sao không dùng tình người, dùng tấm lòng để đối với nhau cho đẹp? Sao phải hơn thua thiệt hơn? Sao phải thủ đoạn lừa lọc trong tình cảm? Để rồi khi nằm dưới ba tấc đất thì còn lại được những gì, có chăng là một nấm mồ với một nhúm đất bụi, một nắm xương khô? Những tổn thương trao cho nhau rồi cũng xóa mờ vì vết thương nào mà có thể không lành lại dù là vẫn còn vết sẹo? Nhưng chân tình sẽ vĩnh cửu với thời gian, sẽ lưu lại cho con cháu một ký ức đẹp và trên tất cả, là hài lòng, không thẹn với chính bản thân mình!
Bạn ơi, nếu chỉ cần nghĩ đến người một chút, chỉ cần cho trái tim rung cảm vài giây và hãy tự vấn lương tâm của chính mình trước khi hành xử, thì lòng chắc hẳn sẽ sâu lắng, sẽ nhẹ nhàng hơn và khi ấy niềm mong ước cuộc đời hướng đến chân, thiện, mỹ, tin rằng không phải là điều khó khăn để thực hiện! Tình cảm yêu thương phải nên chân thật, phải cho ra mà không mong nhận lại thì mới thấy được hạnh phúc ngay trên cõi đời này! Nói thì dễ, nhưng thực hiện thì…
Xin chúc cho tất cả mọi người luôn vui tươi và hài lòng khi thấy rằng “hạnh phúc là điều có thực” đang nằm trong tầm tay mình!
Hồ Diệu Thảo