Chiều Thứ Sáu 10 tháng 1, 2020 được chọn là ngày họp mặt "Hương Xưa" của hội VĩnhLong-VĩnhBình-SaĐéc (VLVBSĐ) tại Houston. Đồng hương thân hữu tham dự thật đông dù thời tiết tiên đoán mưa giông sẽ viếng thành phố khoảng 11 giờ đêm. Bầu trời cả ngày nhuộm màu than nhạt.
Nhưng khi đến khu Kim Sơn Bellaire nhìn hàng cây dừa cao vút được kết giăng điện quanh thân cây sáng choang làm quên đi mưa bão. Bãi đậu xe chật ních. Khách tham dự "lên khuôn" thật đẹp; nhất là các tà áo dài phất phới đầy màu sắc như những cánh bướm đầu Xuân dù còn hơn hai tuần nữa mới đến Tết Nguyên Đán.
Bí quyết của hội VLVBSĐ là tổ chức sớm hơn bất cứ hội đoàn nào trong cộng đồng Houston để khỏi "đụng cẳng" và cũng để BTC và ACE trong hội được thảnh thơi hưởng Xuân. Tiệc VLVBSĐ cũng còn là tiếng pháo lệnh Giao Thừa để báo động cho người dân trong cộng đồng Houston.
Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh muôn loài chim hót vang mọi nơi...
Đẹp trong tiếng cười cho kiếp người tình thêm đắm đuối
Nằng xuân đem vui với đời...
(Đón Xuân - Phạm Đình Chương)
Và,
Xuân đã về, xuân đã về!
Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
Trên cánh đồng, chim hót mừng,
Đang thướt tha từng đàn tung bay vui say
Xuân đã về, xuân đã về!
Ngàn hoa hé môi cười vui đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về!
Ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân...
(Xuân Đã Về - Minh Kỳ)
Thật vậy, dù ở phương trời nào mùa Xuân cũng đem niềm vui rộn ràng đến người dân Việt. Tiệm tùng bày bán đủ loại bánh mứt, nhà nhà mai cúc được bày biện, người người lòng mở hội. Những ngày sắp tới các tiệc mừng Xuân được nhiều hội đoàn liên tiếp tổ chức cho đến... hết tháng Giêng là tháng ăn chơi và... tháng Hai cờ bạc tháng Ba rượu chè!
Bây giờ hãy tạm quên, ngày Tết xa xưa khi quê hương thanh bình vui chơi ba ngày Xuân trong tiếng pháo ròn rã. Từ thôn quê đến thành thị, người giàu có đến gia đình nghèo đều tạm quên "cơm áo gạo tiền" để vui Xuân.
Cũng hãy tạm quên, những ngày Tết nơi tiền đồn khi đất nước lâm cảnh chiến tranh nồi da xáo thịt, quân dân miền Nam phải canh giữ từng tấc đất quê hương không xao lãng từng giờ từng phút. Các chiến sĩ VNCH nhìn hỏa châu thay ngắm hoa đăng, nghe tiếng súng thay pháo Giao Thừa. Làm sao quên được, Tết Mậu Thân đã là vết nhơ của đối phương đã lợi dụng ngày truyền thống dân tộc, để lại vết thẹo hằn sâu trong lòng người Việt yêu chuộng tự do ở Miền Nam Việt Nam.
Hãy tạm quên những năm tháng đầu xa xứ, tìm không đâu ra các thứ đón Xuân. Buồn thay! Nêu không, pháo không, mà cũng Tết! Họa chăng năm ba gia đình họp mặt cúng bái để nhớ về quê hương thoáng đó mà đã như vuột mất trong cộng đồng thế giới.
Người Việt ly hương qua bao thăng trầm, như con diều chao đảo trước cơn gió cuốn, như dòng nước qua cầu không biết chảy về đâu. Nhưng rồi thời gian, tình quê hương, huyết thống giống nòi Bách Việt như thỏi nam châm thu hút những người con xa xứ. Từ đó, hội đoàn, cộng đồng người Việt được thành hình.
Và chiều nay, khi chiều Đông chầm chậm xuống. Dòng người nô nức đến Kim Sơn Bellaire cho kịp giờ khai mạc buổi tiệc Xuân "Hương Xưa" của hội VLVBSĐ, để nhớ về mùa Xuân của ngày nào với hương đồng cỏ nội nơi vùng đất trù phú miền Nam nước Việt. Ngay lối vào, cổng chào quan khách màu đỏ với "Cô hay Chú Chuột" mụ mẫm và hàng chữ "YEAR OF THE RAT 2020" trong khu Reception của nhà hàng Kim Sơn.
Hành lang trên lầu dẫn đến phòng tiệc được trang hoàng, hoa mai, hoa mai và... hoa mai, vàng rực như lời chúc may mắn đầu năm. Cổng chào là hàng chữ “Thảo Cầm Viên”, nằm giữa hai cây mai vàng rực rỡ và bên dưới là “Đại Hội Nhạc Trẻ”; dòng ký ức chợt sống lại trong tôi:
Sài Gòn một thuở "Hương xưa"
Quê tôi còn đó cảnh xưa đâu rồi!
Bốn tấm tranh: mai, lan, cúc, trúc tượng trưng cho tứ thời Xuân Hạ Thu Đông như nét đẹp đặc thù của các cô gái Bắc Trung Nam và cô nàng miền sơn cước! Quán "Cà phê Givral" thiệt đẹp, trên tường treo đầy đĩa nhạc của thời thập niên 70, trên bàn có cốc cà phê và bánh croissant, gợi nhớ thời lớp già chúng ta khi còn trẻ không mấy ai không ghé qua cà phê Givral trên đường Bonard ở Sài Gòn. Mặc dù thời còn học sinh, mỗi lần ra khỏi quán là méo mặt vì phải nhịn ăn sáng cả tuần lễ để bù lấp vào lỗ hổng ngân sách giới hạn của đời học sinh xa nhà.
Bước thêm vài bước bắt gặp hình ảnh Nhà Thờ Đức Bà sừng sững như ngày nào, rồi hình ảnh Vườn Tao Đàn thơ mộng, mặc cho ngày tháng thăng trầm trong bao nhiêu năm qua, và dù cho mảnh vườn đã đổi chủ thay tên!
Tất cả đã được các ACE của VLVBSĐ tái tạo lại để nhớ một thời Sài Gòn được mệnh danh “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
Bên trong phòng tiệc, khoảng 60 bàn được trang trí bắt mắt. Mảnh khăn đơn sơ có nơ choàng qua ghế đơn giản nhưng làm phòng tiệc thoáng đạt hơn. Trên sân khấu, các bản nhạc như thời các cụ còn trẻ được bàn tay "phù thủy" của anh Nguyễn Cao Khải (cố vấn của VLVBSSĐ), thực hiện thành bức tranh bình phông: với các bản nhạc như "Ly Rượu Mừng", "Xuân Và Tuổi Trẻ", "Ô Mê Ly", "Cung Đàn Lữ Thứ", “Phố Buồn”, “Hương Xưa” và bìa báo “Chính Luận”.... Tất cả bao quanh bản đồ Việt Nam. Bàn thờ tổ tiên nhang đèn trang nghiêm để tưởng nhớ công đức quân thần đã phò trợ bảo vệ cho giang sơn ba tỉnh được cơm no trù phú.
Đồng hồ chỉ 7:30 phút.
"Hương Xưa" bắt đầu khi các bàn gần như không còn chỗ trống. Chương trình được điều hợp bởi LS Tiến Đạt và cô Văn Bạch Lan - cặp MC tiệc Xuân VLVBSĐ trong nhiều năm qua. Sau nghi thức khai mạc với chào quốc kỳ VNCH và HK, là lời chào mừng của ông Hội Trưởng Đào Lê Minh Khải. Đoàn lân chùa Linh Sơn với tiếng chiêng trống và sáu đầu lân là món khai vị cho buổi tiệc mừng năm mới; tiếp sau đó là phần lì xì và chương trình văn nghệ phong phú không làm sao viết hết, tuy nhiên có vài tiết mục nếu không nhắc đến là điều thiếu sót.
Đó là ban nhạc CBC nổi tiếng từ nhiều thập niên qua đã tiếp bước cùng "Ca sĩ Thế hệ thứ Ba" của VLVBSĐ, bằng bài hát "Ca sĩ Thế hệ thứ Ba", đã nối tiếp bằng bài hát "Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi" của Phạm Duy:
"Ƭôi уêu tiếng nước tôi từ khi mới rɑ đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xɑ νời
À à ơi! Ƭiếng ru muôn đời
Ƭiếng nước tôi!
Bốn ngàn năm ròng rã buồn νui ĸhóc cười theo mệnh nước nổi trôi,
và...
Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu..."
Giọng ca trong vắt trẻ thơ, phát âm rõ ràng tiếng Việt, dù cháu đã được sinh ra tại Mỹ: đã nói lên nòi giống Lạc Hồng vì Tiếng Mẹ Còn Nước Việt Còn. Đây cũng là niềm hãnh diện của bậc cha mẹ ông bà có đàn con cháu không quên cội nguồn. BTC đã sắp xếp chương trình vui Xuân nhưng không quên cội nguồn quê hương, rất có ý nghĩa.
Tiếp tục là phần trao tấm Plaque cho vị cao niên của hội Đại Tá Phạm Bá Hoa. Tấm Plaque được design và lộng khuôn rất đẹp đọc được như sau:
"90 Năm, Một Quãng Đời
Tôi vào Quân Đội ngày 12/5/1954, và bị kết thúc vào ngày 30/4/1975.
Trong 21 năm đó.. tôi học được bài học và ứng dụng trong cuộc sống đó là:
Quê hương cho tôi đất sống. Lịch sử cho tôi nguồn sống, Dân tộc cho tôi nếp sống. Quân ngũ cho tôi cách sống. Quân ngũ cũng cho tôi tình yêu: Tình yêu quê hương, tình yêu con người, tình yêu quân ngũ, và, tình yêu đã cho tôi ý nghĩa cuộc đời".
Bên đầu trên tấm Plaque là hình của NT/ĐT Phạm Bá Hoa. Bên dưới tấm có chữ "Giờ Thứ 25 Hồi Ký" và bìa sách “Đôi Dòng Ghi Nhớ” cùng hình của NT/ĐT và phu nhân. Làm sao quên được hình ảnh vị cao niên trong quân đội suốt đời hy sinh cho tổ quốc Việt Nam, nhưng vì vận nước nửa đường gãy gánh. Nay dù chín mươi tuổi đời, ông từ trong hậu trường miệng đếm, chân đi những bước chắc nịch, "một, hai, ba, bốn". Ra chào quan khách, nói sơ lược về cuộc đời quân ngũ của mình và... đơn ca "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật"! Xin được chào lại người với lời cảm mến!
Cảm động nhất là phần vinh danh ông Kim Sơn, một trong những sáng lập viên tiên khởi của hội. Quây quần là gia đình, con cháu và thành viên của hội VLVBSĐ. Bước chân chậm chạp vì phải vượt bao thăng trầm để thành công nơi xứ người, đôi vai quằn nặng vì tuổi đời và quang gánh trách nhiệm, dù trí có "nhớ nhớ quên quên" nhưng tình bằng hữu, tình yêu gia đình và quê hương không bao giờ quên. Và, ông Nguyễn Cao Khải là người bạn thân thiết đã tạc tượng và trao cho bạn mình trong ngày Xuân "Hương Xưa" năm nay 2020. Bức tượng bạn mình được tác giả đã bỏ thời gian, tâm huyết "nặn, đắp, nối, ghép, kết hợp các chất liệu" thành tác phẩm ba chiều tuyệt vời mà chiều sâu của tình bạn vượt ngoài bốn bề khung ảnh.
Buổi "Hương Xưa" của VLVBSĐ với nhiều tiết mục văn nghệ nôm na gọi là "Chương Trình Tạp Lục Ca Vũ Nhạc, Hip Hop..." với sự điều hợp khéo léo và lưu loát của MC Tiến Đạt - Văn Bạch Lan, và ban nhạc CBC. Xổ số lấy hên đầu năm là tiết mục cuối cùng trước khi bước qua phần dạ vũ.
Người viết rất hân hạnh được tham dự buổi mừng Xuân "Hương Xưa" của hội VLVBSĐ. Thức ăn thật ngon miệng còn để dư vị đầu môi. Văn nghệ còn bên tai âm thanh trầm bổng với những lời ca ngọt ngào. Hình ảnh bè bạn vẫn còn trong trí. Những cái bắt tay thật chặt như còn hằn trên tay. Ra về khi tiệc chưa tàn nhưng vì cơn mưa giông đang ùn ùn kéo đến; tiếng đồng ca "Một Ngày Việt Nam" còn đồng vọng đuổi theo từng bước chân,
Từ nghìn trùng xa, ai vẫn hát vang lời Việt Nam.
Nhìn về đại dương, ta nhớ hướng quê nhà ở đó.
Còn nhiều lầm than, sau phút súng gươm buồn lặng im,
là tiếng khóc thương đời biệt ly,
bên tiếng hát ru gọi người về...
(Trúc Hồ & Trầm Tử Thiêng)
Vâng! Chúng con là những người con xa xứ, nhưng lúc nào cũng không quên mình là người Việt Nam, và bên kia bờ đại dương là nơi chôn nhau cắt rún đã ấp ủ bao nhiêu kỷ niệm; hẹn có ngày về để nếm lại chút "Hương Xưa", để ôm ấp mớ kỷ niệm mà từ lâu Mẹ Việt Nam gìn giữ cho chúng con.
Trên đường về, đường đẫm ướt mưa phản chiếu ánh đèn long lanh. Từng cơn gió rít tạt vào kính xe bồm bộp như đánh thức thần trí tôi đang còn trong mơ. Một ngày qua, cơn bão đến viếng Houston như dự báo. Và, cơn mưa này cầm chân người người để tiếp tục cuộc vui chưa tàn. Người viết được dịp gặp bè bạn thăm hỏi; và đặc biệt gặp gỡ các thành viên của hội SócTrăng-BạcLiêu-CàMau, nhưng rất tiếc năm nay "mình" không tổ chức ngày họp mặt Xuân thường niên như dự tính vì các lý do ngoài ý muốn, xin tạm mượn cuộc vui hôm nay làm cuộc vui cho mình.
"Hương Xưa" tuy vỏn vẹn có mấy giờ đồng hồ nhưng BTC cùng ACE đã bỏ ra rất nhiều công sức và óc sáng tạo để thiết trí cảnh sắc mang nhiều ý nghĩa mà khách tham dự khó quên. Bao nhiêu người không biết mặt biết tên, nhưng âm thầm đóng góp để buổi tiệc được thành công. Hợp Quần Gây Sức Mạnh! Kết quả chúng ta chứng kiến không đơn thuần của một ai, mà do nhiều bàn tay, nhiều khối óc, sức sáng tạo, hòa hợp như tấu khúc bản nhạc tuyệt vời, hay đường nét và màu sắc độc đáo của bức tranh thủy mạc.
Ngày mai tất cả sẽ trở thành kỷ niệm, sẽ dần dà chìm vào tiềm thức, nhưng sẽ không bao giờ biến mất. Một lần nữa cảm ơn BTC và hội VLVBSĐ đã cho chúng tôi một buổi chiều thật đẹp mang hình ảnh "Hương Xưa" nơi quê nhà mà âm hưởng vẫn còn trong tôi.
Phạm Văn Hòa, 2020