Mùa xuân đang trở lại trong thành phố, mới đó mà mọi người đã trải qua hơn một năm sống trong sự bất ổn của cơn đại dịch, nhưng đối với cỏ cây thì chẳng hề hấn gì, chúng đang đâm chồi nở lộc, những chồi non màu xanh lá mạ đang phủ lên những tàn cây cao thấp, những vườn hoa bắt đầu nở rộ với bao nhiêu sắc màu rực rỡ trước sân nhà láng giềng. Tôi thường tản bộ quanh xóm vào buổi sáng để thưởng thức cảm giác hồi sinh của vạn vật sau những ngày đông giá. Khi đi ngang qua khu vườn đẹp đẽ ở góc đường tôi bỗng thấy tờ bạc năm chục màu hồng nằm dưới lề, tôi cúi xuống cầm lấy, lần đầu tiên tôi nhặt được tiền. Sẵn cái ghế gỗ bên lề, tôi ngồi xuống cố ý chờ ai đó có thể trở lại tìm tờ giấy bạc, rồi ký ức nhanh chóng trở về với những lần được tiền của bạn bè từ lâu lắm, giờ mới tới phiên mình để có cái cảm giác “được” trong tay.
Ngày ấy… Kim bỗng giật mình khi thấy một xấp bạc hai chục nằm trong cái rãnh của máy rút tiền ở bên ngoài nhà băng. Hình như người nào đến lấy tiền mặt để dùng mà đãng trí quên lấy tiền về. Nàng muốn cầm lấy và đi ngay vì chung quanh chẳng có ai nhìn thấy, nhưng sao tim nàng bỗng đập mạnh dù nàng không ăn cắp hoặc móc túi của ai. Kim đứng bàng hoàng một lúc rồi đưa tay cầm lấy tiền, xong cô bỏ thẻ của mình vào rút ra tờ hai chục, trong băng của nàng chỉ còn lại hai mươi ba đô, số tiền tối thiểu để khỏi bị đóng trương mục. Kim đứng nán lại vài ba phút để chờ người trở lại tìm rồi bỏ về. Sáng hôm sau gặp tôi đang đem rác xuống từ tầng trên, cô giữ tôi lại để nói chuyện. Kim kể cho tôi nghe câu chuyện được tiền hôm qua, rồi hỏi: “Nếu chị được số tiền đó thì chị sẽ làm thế nào để trả lại?”
Tôi trả lời: “Biết ai mà trả, đãng trí kiểu đó thì phải chịu mất thôi.”
Kim ngây thơ cãi lại: “Em không muốn xài tiền không phải của mình, em nghĩ là mình nên trả lại trăm đô đó cho nhà băng.” Hồi đó trăm đô khá lớn so với immigrants.
Tôi mỉm cười nói ngay: “Vậy thì đưa cho tôi, đỡ mất công đi trả, đừng làm phước cho nhà giàu nữa.”
Kim ngạc nhiên nhìn tôi bảo: “Em chẳng bao giờ nghĩ chị có thể nói vậy. Hay là em viết cái note dán gần cái máy ấy để người nào nói đúng số tiền thì em sẽ trả lại cho họ.”
Thế là Kim làm như điều cô nghĩ. Hôm đó có ba người gọi và họ đều nói sai số tiền hoặc thời điểm đã mất. Nghe vậy tôi bèn ra điện thoại công cộng bỏ hai lăm cent vào và bấm số của Kim. Tôi giả giọng nói một cách thiết tha mừng rỡ. Kim chưa bao giờ nghe tôi nói tiếng Anh vì cô mới dọn tới từ Alberta, cô đồng ý gặp người mới gọi tại chỗ mất tiền. Đến nơi Kim ngạc nhiên nhìn tôi đang chào cô với cái giọng đó, rồi đưa tay đấm vào vai tôi mấy cái trong lúc tôi đang mỉm cười thắng cuộc.
Tháng sau tôi được gọi đi học Anh văn tập trung ở gần China Town. Một hôm trong giờ ăn trưa, cô Sara ăn mặc màu mè ngồi bên cạnh phấn khởi kể lại câu chuyện được tiền sáng nay, giống như trường hợp của Kim nhưng lần này người quên lấy tiền đang đứng trước mặt, cô đứng sau chờ phiên mình, khi thấy bà kia quay đi mà không cầm tiền, cô tiến tới chụp ngay xấp tiền đó và bước ra khỏi cửa. Cô mừng rỡ đếm được một trăm đô.
Cậu trai trẻ trong lớp bảo cô nên gọi bà ta lúc đó để đưa lại cho họ.
Cô cãi lại: “Nhìn bà đó là biết dân ở đây rồi, bà có nhiều tiền mới quên, còn tôi là immigrant mới tới đang cần tiền thì tại sao tôi phải gọi bà để trả lại.”
Cậu kia bảo: “Vậy là mày lấy tiền của người khác mà không bị bắt, nhưng không tốt lắm đâu.” Sara nhún vai bỏ đi.
Hai câu chuyện đơn giản như vậy đã làm tôi suy nghĩ một thời gian dài. Cùng một tình huống tương tự nhưng hai người hành xử trái ngược nhau. Cô nào cũng có cái lý riêng của họ. Tôi nghĩ Kim đang ở bên bờ của ánh sáng nên rất khó cho cô làm một cái gì hơi mờ ám trong bóng tối. Còn Sara đang đứng bên bờ của bóng tối, mắt cô đã quen thấy trong màn đêm nên cái gì hơi sáng là mắt cô lòa không làm được. Có lẽ Sara lớn lên trong môi trường bon chen, giành giựt nên cô ta thấy chuyện đó bình thường, thậm chí còn tự tuyên dương thành tích của mình trong lớp học. Hành xử theo cách của Sara thì khỏe, cách của Kim thì khổ, còn tôi có lẽ ở giữa đôi bờ ấy.
… Thành phố Toronto vẫn đang bị lock down nên tôi chỉ gặp bạn bè trên màn ảnh, lâu ngày sinh chán. Tôi ngồi làm bạn với cỏ cây, thư thả ngắm nhìn khu vườn đẹp đẽ trước mặt, những cụm hoa tulip màu trắng và màu tím đen được trồng theo hình zic zắc ngộ nghĩnh, một lằn cỏ mịn xanh rờn uốn lượn giữa những cụm hoa đó rất lạ làm tôi liên tưởng đến hai bờ trắng và đen trong cuộc sống để cảm nhận được sự tinh tế và mỹ thuật của người thiết kế vườn. Tôi chẳng là hoa trắng như bên bờ sáng của Kim và không là hoa đen như bờ tối của Sara mà là lằn cỏ mịn len lỏi giữa đôi bờ trắng đen đó…
Đứng giữa đôi bờ đã khó mà nhiều lúc cái khoảng cách giữa đôi bờ đó quá mong manh như sợi tơ mành nên người ta thường có nhiều thử thách, nhích qua bên này một chút thành trắng, lay sang bên kia một ly thành đen. Tục ngữ của người Anh thường nói: Khi bạn làm được một đồng trong tay, nếu bạn tiêu dưới chín chín cent thì bạn là người hạnh phúc vì lúc nào cũng có của dư, còn nếu bạn tiêu vượt một đồng lẻ một cent thì bạn luôn là người đau khổ, vì bạn là người thiếu nợ dù chỉ một cent, nợ đẻ ra nợ nên nợ triền miên. Mấy người bạn VN của tôi đều tiêu cỡ tám chín chục cent nên lúc nào họ cũng sung sướng có của ăn của để, còn tôi hay tiêu tào lao hết một đồng lẻ một cent nên khổ. Từ ngày làm bạn với họ tôi học được cách tiết kiệm, chỉ mua những gì mình cần chứ không phải vì nó đẹp nó rẻ, dần dà tôi cũng biết tiêu chín chín cent để trở thành người hạnh phúc như họ. Từ đó tôi biết được cái ranh giới giữa sướng và khổ chỉ cách nhau hai cent!
Hồi mới định cư ở Toronto tôi rất cần tiền vì trắng tay. Tôi không nói được tiếng Anh nhiều nên thường lật trang quảng cáo của báo người Việt để tìm mấy công việc lặt vặt kiếm tiền xài riêng, bỗng tôi thấy một khung quảng cáo: “Cần nữ massage, làm thứ Sáu thứ Bảy Chủ Nhật / ngàn đô một tuần, tiền mặt.” Tôi thật thà cảm thấy ham, lấy đồng quarter ra cái payphone ở góc đường để gọi. Tôi thập thò bước ra bước vào cái payphone box cả mấy lần, thả đồng tiền vào rồi cancel lấy ra năm ba lượt, hình như điều gì sâu thẳm trong tôi đang níu kéo làm tôi do dự, cho tới khi cái đầu tôi bỗng click vào câu chuyện ngắn “Sợi Tóc” mà tôi đã đọc đâu đó từ lâu lắm, cái ranh giới giữa tốt và xấu, giữa tội lỗi và thánh thiện rất mong manh như sợi tóc. Lúc đó tôi mới cầm đồng quarter bỏ về, lòng bàng hoàng như mới tỉnh giấc. Một thời gian sau tôi mới biết chỉ cần vượt quá một sợi tóc rất nhỏ ấy là tôi sẽ rơi qua bên kia bờ tăm tối và trở thành con nai vàng vùi dập trong những mánh mung của cáo già.
…Tôi vẫn ngồi yên thả hồn theo những tiếng chim muông và hoa lá chung quanh trong sự tĩnh lặng của buổi sáng mùa xuân, những tia nắng nhẹ nhàng chiếu lên khu vườn khá rộng, những giọt nước mới tưới còn đọng lại trên lá, trên hoa tạo nên một không gian tươi mát dễ chịu, tôi cởi mũ để đón nhận thêm ánh nắng mặt trời và những làn gió nhẹ thoảng qua. Con đường nhỏ phía sau nhà quá vắng vẻ trong mùa dịch bệnh để tôi có thể ngồi nghĩ vẩn vơ về những chuyện của đôi bờ trong cuộc sống….
Ngày đất nước VN chia đôi, nhiều người Việt đã chìm trong nỗi khổ khi đứng giữa đôi bờ của vĩ tuyến mười bảy. Sự chọn lựa giữa chế độ Cộng Hòa hay Cộng Sản đã làm nhiều gia đình tan rã, điêu đứng. Chỉ cần một chút do dự hay chậm trễ, họ có thể trở thành chú bộ đội mũ cối dép râu hay anh lính chiến nón sắt giày bốt đờ sô, rồi họ trở thành kẻ thù bắn giết lẫn nhau, làm mấy ông anh lính chiến và bà con của tôi bị đối xử tàn tệ trong các trại tù cải tạo một thuở. Còn mấy chú bộ đội ngố ngáo thì được thưởng thức sự xa hoa phù phiếm ở những thành phố trù phú trong Nam.
Năm một chín bảy bảy, lần đầu tiên tôi ngồi trên chiếc xe van chạy qua chiếc cầu Hiền Lương bắc qua con sông Bến Hải, dòng sông đã phân chia hai miền Nam Bắc chỉ rộng hơn trăm mét như một lằn ranh nhỏ xíu so với chiều dài một ngàn sáu trăm cây số của đất nước VN, vậy mà lòng tôi bồi hồi như đang vượt qua một đoạn đường dài để đến một vùng đất rất xa lạ bên kia bờ sông. Tôi sinh ra và lớn lên ở bờ bên này , ngày bước vào tuổi teen tôi đã bắt đầu suy nghĩ về những đau thương nghèo khó của bà con tôi trong vùng xôi đậu, ban ngày quốc gia, ban đêm mấy anh tới làm khó dễ, nhiều lần họ suýt mất mạng nên phải bỏ đất mà đi. Giờ đây xe đang vượt qua dòng sông lịch sử đó để tới vùng cấm địa trong tâm trí của tôi, vì chưa bao giờ tôi được nghe ai nhắc đến vùng đất bên kia của dòng sông. Tôi ngồi ngẩn ngơ nhìn những vùng đất khô cằn, những mái nhà tranh xiêu vẹo mục nát, những phụ nữ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, rồi những người đàn ông đội mũ cối với những chiếc xe đạp cũ kỹ trên con đường mòn làm tôi cảm thấy chạnh lòng, miền Trung mình đã nghèo mà ở đây còn quá nghèo hơn nữa. Dòng sông Bến Hải nhỏ hẹp đã từng là đường ranh giới để phân chia đôi bờ cách biệt của quê hương VN hơn hai mươi năm trời kể từ khi tôi được sinh ra cho đến lúc tôi trưởng thành.
Ngày nay đôi bờ cách biệt không còn là dòng sông nữa, mà là đại dương với núi rừng trùng trùng điệp điệp, từ một đất nước VN nhỏ bé ở vùng biển Đông qua tận Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ. Những cuộc chia lìa sau năm bảy lăm đến nay vẫn không ngừng nghỉ. Kẻ muốn ra đi, người muốn trở về. Có kẻ muốn cả hai vì thế giới càng ngày càng thông thương đi lại dễ dàng. Lằn ranh chia cắt hai miền Đông và Tây kéo dài cả vạn cây số, vậy mà nhiều người không nản lòng vẫn muốn phân chia gia đình êm ấm của mình để tìm đến lợi lộc. Cách đây mấy năm, một phụ nữ trung niên từ VN bay qua Toronto mua căn nhà của ông bạn tôi gần trường Đại Học để đứa con đầu lòng đi học gần đó, và đứa sau đi học Trung Học. Chị khoe có công ty làm ăn lớn ở VN với hai căn nhà đồ sộ, nhưng chị lại muốn ở Canada vì sẽ được hưởng phúc lợi của ngành Y Tế và Giáo Dục tốt ở đây. Hai vợ chồng chị sẽ bay qua bay về gặp nhau hàng tháng là đủ. Vậy mà cả năm nay chị chỉ biết ở nhà nấu ăn cho hai đứa con tuổi teen đang học on line. Chị chán nản lo sợ mất chồng vì xa nhau lâu ngày ông có thể cặp bồ với bà khác. Vậy là đôi bờ Đông Tây không trắc trở về đường lối chính trị như Nam Bắc ngày xưa mà chỉ vì một con virus tí tẹo tên là Covid 19.
Trong cơn đại dịch chuyện đôi bờ giữa xứ Cờ Hoa và xứ Lá Phong cũng không kém phần lâm ly bi đát. Cô bạn trẻ Michell là single mom với hai đứa con nhỏ, đem lòng thương yêu một single dad ở Huê Kỳ. Hai người thương nhau da diết nên chẳng ngại đường xa, cứ mỗi hai tuần lễ, bất kể trời nắng nóng chói chang hay mưa bão tuyết lạnh, anh lái xe từ Michigan qua Toronto mất hết năm tiếng đồng hồ để thăm viếng người yêu. Dày công với nhau gần tám năm trời họ vẫn chưa tính chuyện hôn nhân vì nàng thích ở chốn đô hội, còn chàng có cái nhà to lớn đẹp đẽ ở vùng ngoại ô, tới khi biên giới hai bên bắt đầu đóng cửa thì hai người quyết định kết hôn để lái xe qua lại biên giới dễ dàng. Ngờ đâu đại dịch làm khó khi số ca nhiễm tăng cao, biên giới dẹp luôn xe nhỏ, chỉ cho xe tải chở hàng chạy qua. Vậy là anh chị đang ở thế kẹt vì đi máy bay cũng nhiều rắc rối, test đi test lại mấy lần, quarantine mất hết thời gian, tiền bạc và ngày phép không đủ, thêm phần tốn kém nhiều chiêu nên cuối cùng anh chị phải chịu làm virtual love, ngày nào cũng ngắm nhau trên màn hình hàng giờ mà không làm gì được. Tôi nghe cô bạn ca bài Bolero thật não nùng trên Zoom “Không phải tại anh cũng không phải tại em, tại vì Cô vít nên chúng mình xa nhau….”
Còn nữa, chị bạn đồng hương tuổi gần bảy mươi mới chịu lên xe hoa lần đầu tiên với người yêu cũ góa vợ, anh đem chị qua chốn Cờ Hoa ở được mấy năm, chị nhớ xứ Lá Phong nên phải qua lại ở mấy tháng bên này mấy tháng bên kia. Mấy năm sau này chị quyết định không qua nhà anh nữa làm anh xách gói chạy theo, chị xin được nhà của nhà nước cho hai người ở, vợ chồng già bên nhau trên đất nước Lá Phong thật chan hòa, đối xử với nhau như thuở còn teen dù nay đã xấp xỉ chín mươi, anh chị gọi nhau bằng anh anh bé bé, bé với anh suốt ngày cũng vui. Cứ đều đặn một tuần hai lần họ lấy TTC đi hết chợ nầy qua chợ nọ trong thành phố để tìm mua thức ăn tươi ngon bổ.
Thuốc chủng Covid hai liều ưu tiên đã tiêm đủ nên chẳng còn lo gì nữa. Vậy là chị đã nhanh tay ghép hai bờ thành một để mãi hạnh phúc bên nhau trong tuổi xế chiều. Ông bà Hải trong nhóm thể dục thì động viên cô con gái xinh đẹp của mình qua Mỹ làm việc sau khi cô ta tốt nghiệp ngành IT vì lương cao và tiền Mỹ có lợi, anh chồng qua mua nhà lớn làm vốn liếng cho con, rồi qua lại như một nơi thay đổi không khí của tuổi hưu trí, vợ chồng xa nhau mới biết thương nhau, ở với nhau hoài gây gổ suốt ngày.
Vậy mà giờ phải chịu thua với đôi bờ cách biệt giữa cái biên giới ngắn ngủi chỉ cần mấy bước là qua. Sáng nay bà Hải buồn tình gọi bà Hoa kể lể cô con gái bà vừa báo tin nó đem người bạn trai mới quen về ở chung vì ở một mình trong căn nhà rộng rãi làm nó sợ. Bà Hoa nghe được liền quở: “Ủa, ăn cơm Canada… sao qua bên Mỹ.” Vậy là bà Hải cảm thấy nhức nhối trong lòng nhưng không chửi lại bà Hoa mà gọi tôi để than thở. Tôi chỉ biết lặng im.
Chuyện giữa trời và đất luôn thay đổi muôn hình vạn thể biết đâu mà lường, hôm nay mình tưởng đúng ngày mai lại thấy sai. Ông anh họ trên tôi vài lớp thi rớt Tú Tài nên nộp đơn xin học làm Cảnh Sát Giao Thông, đứng dang nắng cả ngày ngoài đường ông không chịu nổi nên nhờ ông chú họ thương tình dạy kèm vào buổi tối để lấy lại bằng Tú Tài rồi đi học làm Biên Tập Viên, vợ chồng anh mừng rỡ cám ơn ông chú rối rít. Mấy năm sau cộng sản tràn vào bắt anh đi học tập mút mùa, chị vợ tuần nào cũng qua nhà ông chú than thở sao hồi đó chú không để chồng tui đứng chỉ đường cho xong, giờ một mình tui làm nuôi năm miệng ăn còn đi thăm chồng nữa khổ quá chú ơi. Ông chú não lòng lặng thinh. Khi anh đi học tập về thì được đi diện HO, cả nhà mừng rỡ qua cám ơn ông chú, nhờ chú giúp đỡ hồi đó giờ mới được đi Mỹ. Ông chú mừng cho vợ chồng cháu đã được hanh thông. Qua Mỹ được một thời gian chị vợ viết thư về than vãn với chú bảo ngày xưa chú giúp chồng tui làm chi giờ qua đây vợ chồng đi làm đầu tắt mặt tối, con cái hỗn hào nói không nghe. Lần này ông chú không buồn không vui nữa, chú âu yếm nhìn bà vợ suốt đời tần tảo bên chú nuôi sống gia đình trong cảnh thanh bạch rồi nói:
“Tui có tâm thương cháu mong sự tốt lành cho cháu mà khi gặp khó khăn thì con vợ xấu tính của nó cứ chuyển lửa ra ngoài, đổ thừa cho tui hoài vậy là sao.”
Rồi cách đây mấy năm khi anh chị về thăm VN nghe nhà nước vừa cho phép người nước ngoài đứng tên mua nhà, anh chị liền mua một căn nhà gọn đẹp ở SG để nghỉ hưu. Hai ông bà vui mừng ra tận ĐN cám ơn chú, nhờ chú giúp đỡ ngày xưa giờ con cái đều thành tài bên Mỹ, vợ chồng có đủ vốn liếng để về hưu sung sướng ở VN, có thức ăn tươi, có người nấu nướng chùi dọn. Anh chị mời chú vào dự tiệc tân gia, chú lắc đầu bảo không đi, rồi chú quay lưng vào trong nói nhẩm một mình, lỡ mai nầy nhà nước làm khó dễ không cho Việt kiều ở nữa thì chúng sẽ nói gì với mình đây.
Thế nên làm việc gì tôi chỉ cần biết mình có tâm ý tốt lành cho người khác là đủ, dù tôi phải ở vị trí nào trong thế tục, trắng đen hay ở giữa. Tôi ngồi ngẫm nghĩ, có phải thật may mắn cho những ai được đứng hẳn về bên sáng hoặc bên tối, cuộc đời họ sẽ suôn sẻ và hạnh phúc hơn, dễ dàng thành công hoặc thành nhân, còn những người đứng giữa đôi bờ mới trắc trở, đa truân. Ngày đi làm đêm đi ngủ, sao tôi đứng giữa hoàng hôn nên hay bị quáng gà, dật dờ nhìn về hai phía mới thành gian nan. Tuy vậy tôi vẫn mỉm cười khi thấy con tôi đang đong đưa giữa hai vùng sáng và tối, giữa tả và hữu để định vị bản thân mình, tôi không muốn đưa thêm một ý kiến nào khi cuộc sống càng ngày càng trở nên phức tạp với nền công nghệ mới và bệnh tật đang hoành hành. Đôi bờ vẫn luôn là sự hiện hữu trong đời sống con người, và giữa cái tốt cái xấu, điều trái lẽ phải nhiều khi chỉ là một fine line.
Lê Cẩm Tú
YKH13