PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ngayvecuahoaanhdao
 
Chiếc xe ngựa chưa ngừng hẳn, cô gái đã nhảy tót lên ngồi và nhìn ông già mà cười. Cô ngồi ở chiếc băng gỗ bắc ngang, đặt chiếc túi xách nhỏ bên cạnh rồi cất tiếng vui vẻ:

– Hôm nay bác cho cháu đi những nơi đâu vậy bác?

Ông già ghì dây cương cho chiếc xe đứng lại hẳn rồi mới quay lưng ra phía sau nói với cô gái:

– Chiều hôm qua cô nói với tôi là cô muốn đi thăm tất cả thắng cảnh của Đà Lạt, nhưng chiếc xe cọc cạch của tôi không thể đưa cô đi khắp nơi đâu. Hơn nữa, có những chỗ mà xe ngựa không được đến, còn những nơi xa thì cô phải chịu khó đi bằng phương tiện khác… Mắt cô gái theo dõi đám đông những người đang buôn bán trước bùng binh chợ đang bị cảnh sát rượt đuổi, nói nhanh:

– Vậy bác cứ cho cháu đến những nơi nào bác đến được, sau đó sẽ hạ hồi phân giải, được không bác?

Ông già không trả lời, cười vui vẻ và cảm thấy dễ chịu khi nói chuyện với một cô gái ở nước ngoài về thăm quê. Lối nói chuyện, cách ăn mặc, cả cách xưng hô của cô khác với nhiều cô nhiều bà ở xứ người về thăm mà ông đã gặp. Cô mặc chiếc quần jeans màu kaki, áo sơ mi thường màu trắng và khoác bên ngoài một áo choàng mỏng màu xanh nhạt, đội chiếc nón lưỡi trai cũng màu kaki, chân mang đôi giày vải màu trắng hơi cũ. Không môi son, không má phấn. Chiều qua ông đậu xe ở bùng binh chợ và gặp cô gái từ khách sạn gần đấy đi ra tìm ông ngỏ ý nhờ ông đưa đi thăm thắng cảnh. Cô gái không hỏi giá cả hay đưa ra điều kiện gì. Thấy vậy ông cũng không đặt vấn đề gì với cô ta. Sáng nay đúng hẹn cô đến tìm ông nơi bùng binh chợ.

– Được chớ! Bây giờ tôi sẽ đánh xe đưa cô dạo quanh hồ, ngang qua Đồi Cù và vài con đường quanh đó, sau đó sẽ đưa cô vào thăm thác Cam Ly…

Cô gái ngắt ngang:

– Còn hồ Than Thở và thác Prenn thì sao hở bác?

Ông già đáp lại:

– Hồ Than Thở thì được, còn thác Prenn thì xe ngựa không đến được đâu, xin cô thông cảm. Nhưng mà nếu cô muốn đi những chỗ xa, tôi sẽ giới thiệu cô với người tôi quen có xe hơi đưa cô đi cũng tiện lắm…

Cô gái nhanh nhẩu trả lời:

– Được rồi bác! Bác cho cháu đi đâu cũng được, tùy bác…

Ông già lấy ra từ trong túi áo khoác cũ kỹ một bao ny lông màu vàng ố đựng mớ thuốc lá rời. Ông mở dây thun lấy ra một mẩu giấy nhật trình xé sẵn vò vò cho mềm rồi bỏ thuốc vào quấn thành một điếu đầu to đầu nhỏ. Ông thè lưỡi thấm nước miếng dọc theo mép giấy rồi cho vào giữa hai lòng bàn tay xe đi xe lại mấy lần, ngậm điếu thuốc vào miệng, lấy hộp quẹt châm thuốc. Ông bập bập mấy cái rồi hít một hơi dài và nuốt cả khói vào hết bên trong miệng. Mặt ông lúc này trông thật sảng khoái. Điếu thuốc vẫn ngậm ở miệng, tay phải nhặt chiếc roi da bên cạnh, tay trái cầm dây cương giật mạnh, ông tằng hắng một tiếng, con ngựa già rướn lên. Ông lại giật mạnh dây cương một lần nữa, quất một roi vào mông con ngựa, rồi buông dây cương, con ngựa lao về phía trước.

Cô gái đổi vị trí ngồi khi chiếc xe ngựa rời khu bùng binh chợ để chạy ra phía hồ Xuân Hương. Mặt hồ vẫn còn phủ một màn sương trắng đục. Những tia nắng ban mai đã lan tỏa khắp nơi nhưng cũng chưa đủ sức để chọc thủng màn sương trên mặt hồ. Trời không gió nhưng vẫn se lạnh đủ để cho người ta phải mặc thêm một chiếc áo laine hoặc một tấm áo khoác bên ngoài. Đó là cái lạnh gần như cố hữu của Đà Lạt. Tiếng chân ngựa gõ lóc cóc trên mặt đường nhựa băng qua cầu Ông Đạo. Dưới chân cầu nước chảy tràn qua những tảng đá dựng tạo thành một bức màn nước trắng xóa trước khi đổ vào con suối quanh co giữa những đám rau xanh hai bên bờ. Cô gái hết nhìn phía bên trái lại xoay người để nhìn sang phía bên phải. Cô cảm thấy vui vì cảnh vật chung quanh rất lạ đối với cô. Nhiều người đi bộ về phía chợ hoặc lên khu Hòa Bình. Những người đi xe gắn máy rồ ga phóng lên dốc. Những kẻ cưỡi xe đạp len lỏi giữa đám đông đi tràn xuống cả lòng đường.

Khi xe qua khỏi cầu, quẹo trái để chạy về hướng sân vận động thì cô gái thấy làn sương mỏng trên mặt hồ đang dần tan và thấp thoáng những mảng trời xanh phản chiếu dưới hồ. Đột ngột cô gái hỏi ông già:

– Hồ này có hồi nào vậy bác? Hồ đẹp quá, hôm qua đến tối nên cháu chưa kịp ngắm.

Ông già ghìm dây cương cho ngựa chạy chậm, trả lời:

– Đây là cái hồ mà khởi thủy là một con suối thiên nhiên có từ lâu lắm rồi. Nếu thích, tôi sẽ kể cho cô nghe về cái hồ này.

Cô gái đáp:

– Vậy hở bác? Bác kể cho cháu nghe đi.

Ông già vứt tàn thuốc lá xuống đường, húng hắng ho mấy tiếng rồi bắt đầu:

Trước khi thành hồ, xưa kia nơi đây chỉ là một dòng suối nhỏ. Hai bên bờ suối là nơi cư ngụ của những người thuộc sắc dân K’ho Lat, K’ho Chil. Thời đó đã lâu lắm… trăm năm… ngàn năm không chừng… Khi người Pháp đến đây cuối thế kỷ mười chín họ đã biến vùng rừng núi hoang vu, lũng suối chập chùng, khí hậu mát mẻ quanh năm, có cây xanh tươi này thành nơi nghỉ mát cho lính tráng và công chức người Pháp. Họ đào vét để biến con suối nhỏ thành một hồ nước. Những người K’ho Lat, K’ho Chil thấy thế nên dần dần bỏ đi nơi khác, vào sâu trong rừng mà sinh sống theo lối du cư du canh. Người Pháp đặt tên hồ là Grand Lac và xây một con đập để giữ nước trong hồ. Chiếc cầu dài khoảng hơn chục thước bắc ngang qua đập do một ông Quản đạo người Việt Nam làm vào thời đó nên người Đà Lạt gọi là Cầu Ông Đạo. Mãi cho đến giữa thế kỷ hai mươi hồ mới được gọi tên là hồ Xuân Hương. Với cái tên này, hồ đã làm tăng thêm vẻ đẹp duyên dáng, yêu kiều cho thành phố Đà Lạt…

Cô gái cắt ngang:

- Sao lại có tên Đà Lạt hở bác?

À, chuyện này thì hơi dài dòng một chút… Theo tôi được biết, chữ Đà Lạt là do phát âm từ tiếng của người dân thiểu số sống lâu đời ở đây là Đaq Lạch. Đaq có nghĩa là nước, là suối, là sông, còn Lạch là tên của bộ lạc sống lâu đời trên cao nguyên Langbian này. Như vậy, lối nói trại của hai chữ Đaq Lạch cũng là quê hương của người Lạch tức là K’ho Lat vậy. Người Pháp lập nên thành phố Đà Lạt và  chọn cho thành phố này một câu châm ngôn như hầu hết các thành phố ở Âu Châu lúc bấy giờ bằng tiếng La Tinh có nghĩa khá hay và thích hợp với khí hậu, phong cảnh và con người của nơi này. Đó là câu “Dat Aliis Laetitiam Aliis Tempepiem”

Câu đó nói gì vậy bác? Cô gái tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi

– À, câu đó có nghĩa là “Cho người này niềm vui, cho người kia sự an bình”.

Cô gái reo lên:

- Hay quá! Hay quá! Cháu chưa bao giờ được nghe lai lịch của một thành phố lại hay đến thế…

Ông già vẫn giữ cho ngựa chạy chầm chậm khi ngang qua nhà Thủy Tạ rồi tiến về sân vận động. Khi vừa qua chiếc cầu sắt gần vườn ương hoa thành phố, ông già nói với cô gái:

– Cô hên lắm đấy! Nếu cô lên Đà Lạt trước đây vài tháng thì cô sẽ thấy dưới hồ không có một giọt nước…

Cô gái ngạc nhiên:

– Hồ không có nước? Tại sao vậy bác?

– Có sao đâu… người ta xả nước nói là để vét lòng hồ ấy mà… lâu lâu lại vét hồ mới có tiền chứ…

– Bác nói gì cháu không hiểu…

– Này nhá, muốn vét hồ thì phải có tiền. Ngân khoản dùng để vét hồ lọt vào túi mấy ông cán bộ nên họ bắt dân phải đi vét hồ không công gọi là lao động xã hội chủ nghĩa… Cứ bày ra công tác này công việc nọ là có tiền, nếu những ai không đi lao động xã hội chủ nghĩa được thì chỉ việc đóng tiền là xong ngay! Cứ đẻ ra việc bắt dân làm rồi rút tiền trong ngân sách bỏ túi là phe ta trở thành đại gia ngay. Cái thành phố này bây giờ được cai trị bởi các tên tư bản đỏ đấy, dân tình ai ai cũng biết…

Cô gái chợt hiểu nên ồ lên một tiếng.

Ông già thấy cô gái chịu nghe nên cũng không ngần ngại kể tiếp. Hình như ông muốn giải tỏa những ẩn ức bấy lâu nay chất chứa trong lòng nên vội đưa chiếc roi bằng da chỉ lên Đồi Cù và nói:

– Cô hãy nhìn lên Đồi Cù phía trước mà xem, cô thấy không? Người ta rào bít bùng bằng dây kẽm gai khiến dân chúng chẳng có ai léng phéng vào được. Bọn chúng đã bán cho đám tư bản nước ngoài để biến thành nơi giải trí riêng lâu rồi!

– Cháu có nghe mẹ cháu nói nhiều về Đồi Cù, đẹp lắm phải không bác?

Giọng ông già chùng xuống:

- Trước kia thì đẹp, chúng tôi thường hay lên đó chơi, đến mùa thi nhiều khi mang theo cả sách vở lên đó để ngồi học dưới bóng mát của những cây thông, cũng lắm lúc nằm ngủ dưới gốc thông trên những đám cỏ xanh mướt quanh năm, hay ngồi một mình trong những buổi chiều vàng nhìn xuống hồ Xuân Hương để tâm hồn bay bổng mơ mộng tận đâu đâu… thuở xưa tôi và bạn bè cùng trang lứa đã được tận hưởng những buổi chiều tuyệt vời như thế trên Đồi Cù này…

Bỗng ông già ngưng nói rồi ho mấy tiếng. Cô gái ngồi lặng im không dám hỏi tiếp. Không biết ông đang nhìn về nơi đâu và suy nghĩ gì nhưng trong giọng nói vừa rồi hình như có một chút gì nuối tiếc và oán trách. Cô gái cũng cảm thấy buồn buồn nhìn lên những ngọn đồi phía sau hàng rào sắt. Bên trái là mặt hồ nước lặng lẽ phơi mình dưới ánh nắng mai. Tiếng chân ngựa buồn tẻ gõ nhịp đều đều trên mặt đường. Nhà Thủy Tạ màu trắng và khách sạn Palace đối diện với Đồi Cù là hai kiến trúc hữu tình được xây dựng hơn thế kỷ trước vẫn là hình ảnh đậm nét đập vào mắt cô gái nhưng cô chưa dám hỏi ông già vì cô đoán chừng rằng ông đang có điều gì không vui trong lòng. Cô phải tôn trọng sự im lặng của ông. Cô thấy có hai chiếc xe ngựa khác đang đổ dốc vườn hoa chở đầy rau trái hướng về phía chợ Đà Lạt. Tới một đoạn đường loang lổ, ông già điều khiển cho ngựa tránh những ổ gà và những ụn đất hai bên đường. Một tốp thanh niên nam nữ gánh những giỏ bắp cải bước thoăn thoắt như muốn đuổi cho kịp với tốc độ của con ngựa già kéo xe.

Cô gái lại nhìn xuyên qua lớp dây kẽm mắt cáo thấy những quả đồi chập chùng cao thấp nối tiếp nhau giống như lưng của bầy rùa màu xanh nằm túm tụ vào nhau. Bên trong hàng rào không có vẻ gì là có sự sinh hoạt, có lẽ vì quá sớm. Những lần nghe mẹ kể chuyện Việt Nam, cô ao ước được về Sàigòn để xem Hòn Ngọc Viễn Đông ngày xưa, được đến Đà Lạt để đặt chân lên những thảm cỏ xanh non trong những buổi sáng mặt trời chưa thức giấc…

…Rước em lên đồi cỏ non ngập lối
Rước em lên đồi hẹn với bình minh
Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép
Hãy vứt chiếc dép bước đi ôm cỏ mềm…

Cô gái nghe đâu đây lời mẹ hát hôm hai mẹ con đứng trong phi trường trước khi cô bước vào phòng đợi lên máy bay rồi đắm chìm trong suy nghĩ mông lung. Vừa lúc đó ông già lại lên tiếng:

– Tôi đã đưa cô đi giáp vòng hồ Xuân Hương và cô đã thấy Đồi Cù. Bây giờ tôi sẽ đưa cô đi ngang qua Giáo Hoàng Học Viện ngày xưa rồi ghé thăm trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân – ngôi trường nổi tiếng của Đà Lạt quy tụ toàn những người đẹp của xứ hoa anh đào ngày nào.

Trong đó có mẹ tôi nữa… cô gái thoáng nghĩ ngay trong đầu. Xe ngựa leo dốc. Ông già tâm sự:

– Cô biết không, tôi là người được sinh ra và lớn lên ở nơi này, nói cô đừng cười, mỗi lần phải đi ngang qua đây thì lòng tôi lại không được vui. Tôi có cái cảm giác mất mát hụt hẫng thế nào ấy! Gần ba chục năm nay, tôi và bao nhiêu người nữa cứ sống vật vờ với toàn kỷ niệm xa xưa.

Cô gái cảm nhận được nỗi u uất phát ra từ giọng nói của ông già. Như tự trách mình, cô nói:

– Xin lỗi bác, chắc cháu làm cho bác không vui…

– Không phải vậy đâu cô! Tôi cũng vui khi được dịp nhắc lại chuyện xưa, sắp đến trường Bùi Thị Xuân rồi đấy…

Cô gái vói tay vỗ vào vai ông già:

– Bác cho cháu ghé trường học, cháu muốn chụp vài tấm hình kỷ niệm…

Ông già không trả lời, giật mạnh dây cương để con ngựa tăng tốc độ vượt lên đến đầu dốc trước cổng trường rồi dừng lại. Cô gái cầm chiếc máy ảnh nhỏ bước xuống, đưa máy hướng về phía cổng trường có tấm bảng “Trường Trung Học Bùi Thị Xuân”.

Cổng trường đóng kín, có mấy chiếc xe vận tải đậu sát cổng bên trái với mấy người thợ đang lúi húi sửa xe, dầu xe đổ ra làm loang cả một khoảng lớn mặt đường nhựa ngay trước cổng trường. Chụp xong mấy tấm ảnh, cô đề nghị ông già cho cô vào thăm thác Cam Ly.

o O o

Hai người, một già một trẻ ngồi trên tảng đá bên triền đồi thông xanh. Ông già kể, giọng xa vắng:

Từ chợ vào đây gần ba cây số. Thác này được nối từ một dòng suối bắt nguồn ở hồ Xuân Hương. Có nhiều chuyện kể về thác Cam Ly này nhưng tôi không nhớ hết, chỉ nhớ một lần tôi và một số bạn bè đi cắm trại ở vùng Cam Ly Thượng có gặp một cụ già người K’ho tên là Xa – Kờ – Nay giải thích cho chúng tôi nghe về hai chữ Cam Ly như sau: Cam là ngọt; Ly là nước thấm vào đất. Cam Ly là chữ biểu tượng của dòng suối có nước mát ngọt thấm vào lòng đất. Cả nửa thế kỷ trước nơi đây phảng phất hương vị liêu trai làm cho những ai đã đến đây một lần phải nhớ mãi không quên. Lại có chuyện kể Cam Ly là tên của một vị tộc trưởng của bộ lạc người K’ho Chil sống trong khu vực này nhiều thế kỷ trước. Khi vị tộc trưởng này qua đời, người ta mang xác ông ta xuống dòng suối để tắm rửa cho sạch trước khi đem bỏ vào một bọng thân cây ở núi Voi gọi là nhà mồ. Vị tộc trưởng này tên là Mon M’ Ly hay K’ Ly cũng thế. Bộ tộc K’ho Chil lấy tên ông đặt cho đoạn suối mà họ xem là buôn làng quê  hương của họ và cũng để nhớ đến ông K’ Ly rồi chữ này dần dà chuyển theo lối phát âm của người Kinh để thành hai chữ Cam Ly…

Cô gái chăm chú nghe và có cảm tưởng mình đang nghe kể chuyện cổ tích. Ông già ngưng kể và lấy thuốc ra vấn hút. Tiếng thác nước đổ rì rào hòa cùng tiếng thông reo vi vu trên đồi cao.

Cô gái tò mò hỏi thêm:

Còn chuyện gì nữa không bác? Chuyện bác kể hay quá…

Ông già vẫn đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt, khói thuốc quyện vào trong gió.

Cô biết không, trước năm bảy lăm Cam Ly là một trong những thắng cảnh đẹp đẽ, thơ mộng và yên tĩnh của Đà Lạt. Nay thì cô thấy đó, hàng quán xô bồ, buôn bán chụp giật cho nên dân Đà Lạt chính cống chẳng có ai muốn đến đây nữa…

Ông già ngưng kể, cả hai người cùng nhìn xuống thác nước đục từ trên cao đổ xuống, len qua các khe đá để rồi tuôn vào một dòng suối nhỏ chạy quanh co không biết đi về đâu. Cô gái đứng dậy cầm máy ảnh ngắm thác nước rồi chụp một loạt năm sáu tấm. Xong cô trở về ngồi lại trên tảng đá nói bâng quơ:

– Hình như nơi đây không khí không được trong lành…

Ông già hiểu ý, nói:

– Thác nước ở đây có mùi khó chịu do nước bẩn từ thành phố và lò sát sinh đổ về. Du khách đến đây mua vé vào chỉ để ngắm nhìn dòng nước đục và ngửi cái mùi không mấy dễ chịu này…

Cô gái lại hướng mắt nhìn lên những ngọn thông cao và thấy những đám mây trắng bay trên nền trời xanh biếc. Ông già im lặng.

o O o

Ông già và cô gái ngồi ở một chiếc bàn nhỏ trong góc nhìn ra mặt hồ. Ánh nắng ban mai chấp chới trên mặt nước. Mây trắng thấp lảng vảng bên kia Đồi Cù, trên những cụm thông xanh đứng im lìm bất động. Ông già vấn thuốc hút. Cô gái đặt ly cà phê xuống bàn, hỏi:

– Sao cháu chẳng thấy hoa anh đào đâu cả hở bác?

Ông già nhìn cô gái mà cười, miệng nhả khói thuốc và vẫn lơ đãng nhìn ra mặt hồ nước:

– Tôi cũng như cô thôi, mấy chục năm nay có thấy bóng dáng hoa anh đào đâu!

– Sao vậy bác? Theo lời mẹ cháu thì mùa này hoa anh đào đã nở rộ khắp thành phố kia mà…

– Mẹ cô trước kia ở Đà Lạt?

Ông già quay nhìn cô gái và hỏi với giọng đầy ngạc nhiên.

– Dạ, mẹ cháu là người Đà Lạt, lúc nào mẹ cháu cũng nhắc đến Đà Lạt và hoa anh đào với những câu chuyện kể, cháu rất thích…

Nói xong cô gái mở xách tay lấy ra một mẩu giấy để trước bàn rồi đẩy sang phía trước mặt ông già, cô hỏi:

– Địa chỉ này có xa đây lắm không bác?

Ông già tay cầm mẩu giấy, tay đưa vào túi áo lấy chiếc kính cũ gọng màu nâu đeo vào rồi đưa mẩu giấy lên đọc. Ông già khẽ giật mình. Ông vội quay mặt ra phía hồ để tránh cái nhìn của cô gái. Ông cố nén xúc động, nói với cô gái:

– Địa chỉ này cũng không xa đây lắm đâu! Độ chừng hơn cây số. Tôi biết ngôi nhà này trước kia có cả một vườn hoa anh đào và…

Ông già bỏ lửng câu nói.

Cô gái như chồm lên khỏi mặt bàn:

–Vậy là  bác biết nhà của mẹ cháu có phải không?

Cô gái hỏi tiếp mấy câu nhưng ông già hình như chẳng nghe gì cả. Ông hơi lúng túng, cầm tách cà phê lên uống liền mấy ngụm. Ông có cảm giác như cà phê không có đường, ông gí điếu thuốc mới hút vài hơi vào chiếc gạt tàn rồi lấy thuốc ra vấn một điếu khác.

Đúng là nhà của Bích Hà.

Ông nói trong đầu. Thật nhanh, ký ức của ông bắt đầu làm việc. Ông tự hỏi, không lẽ cô gái này là con của Bích Hà? Phải rồi! Cô nói mẹ cô là người Đà Lạt kia mà… hèn gì trông cô ta có gương mặt hao hao Bích Hà… mà ông đã ngờ ngợ thấy quen ngay buổi chiều đầu tiên mới gặp ở bùng binh chợ. Cố giữ bình tĩnh để nhìn cô gái, ông hỏi:

– Cô vừa hỏi tôi cái gì nhỉ?

Cô gái cười tự nhiên, trả lời cho ông già:

– Bác có biết bây giờ nhà đó ai ở và có còn vườn hoa anh đào không?

Với giọng buồn buồn ông già nói:

– Cô đã thấy trong thành phố này có nơi nào còn hoa anh đào nữa đâu! Nhà của mẹ cô chắc cũng thế, ngôi nhà đó bây giờ đã biến thành trụ sở của phường rồi… Tên đường cũ cũng không còn. Tôi nghĩ cô chẳng nên ghé đó làm gì, thấy chỉ để buồn thêm mà thôi…

Nghe ông già nói vậy, nét mặt cô trở nên buồn và nghĩ rằng… chắc không bao giờ thấy ngôi nhà của mẹ ngày xưa. Hai tay cô giữ chặt ly cà phê trên bàn, im lặng, thở dài. Sự háo hức của những giây phút đầu tiên khi đặt chân đến Đà Lạt, giờ đây đã tan theo mây trời lãng đãng. Cô không còn hứng thú gì nữa để hỏi chuyện tiếp ông già. Ông đã hứa kể cho cô nghe, nào là chuyện tình bên hồ Than Thở, chuyện về thác Prenn, chuyện dòng Suối Tiên, chuyện núi Langbian… Cô muốn được nghe và thấy tất cả những gì của Đà Lạt trong chuyến về thăm này. Bức tranh Đà Lạt mà mẹ cô đã vẽ, giờ đây như có ai lấy mực bôi vào. Không còn nữa những con đường hoa anh đào, không còn nữa vườn hoa của mẹ! Cô đang ở trên thành phố cao nguyên này vào những ngày đầu Xuân với một tâm trạng thất vọng não nề! Cô chưa bao giờ nghe mẹ nói đến những chuyện đổi thay, mất mát của thành phố… Phần ông già, ông cũng ngồi ngẩn ngơ bàng hoàng. Ông nhớ ngôi nhà có vườn hoa anh đào mà ông đã đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần để theo một tà áo xanh ròng rã mấy năm trời khi ông là một thầy giáo trẻ mới ra trường được đổi về Đà Lạt. Ông đã từng theo những con đường đưa nàng đến trường hay xuống phố trong những buổi sáng mưa bay hay trên đường nàng về buổi chiều sương khói…. Ông đã đứng nép bên những góc phố để nhìn nàng vô tư che dù đi dưới những cơn mưa ngày Hạ lướt thướt qua tận đến mùa Thu. Ông lặng lẽ. Không một lời bày tỏ. Không một dòng thư gửi trao… cho đến một ngày nàng và gia đình bỏ thành phố ra đi trong cơn biến loạn lịch sử.

Tiếng của một người khách vào quán khiến cho cả ông già và cô gái chợt tỉnh. Ông già quay sang hỏi cô gái, giọng lạc hẳn đi:

– Cháu có thể cho tôi biết tên của cháu được không?

– Dạ, cháu tên là Anh Đào, Lê Phan Anh Đào nhưng mẹ cháu thường gọi là Hoa Anh Đào, chắc là…

Cô gái chưa nói hết thì ông già đã kêu lên:

– Đúng rồi!

Cô gái ngạc nhiên:

– Cái gì đúng rồi vậy bác?

Ông già hơi lúng túng:

– À… tên… tên của cháu đẹp lắm! hèn gì mà cháu cứ hỏi về hoa anh đào mãi…

Cô gái nghe ông già nói thế bỗng vui. Cô đứng dậy áp mặt vào sát khung cửa kiếng nhìn ra mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Bên kia Đồi Cù nắng cũng đã trải đều lên thảm cỏ xanh.

o O o

Buổi chiều, cô gái nói lời chia tay với ông già sau bữa ăn trong một quán nhỏ ở đầu đường Duy Tân. Ông già khuyên cô gái nên ở lại vài hôm nữa để đi thăm thêm vài thắng cảnh quanh Đà Lạt nhưng cô gái nói như vậy đã đủ lắm rồi. Cô nói cô sẽ về Mỹ sớm hơn dự định. Ông già không nói gì thêm nhưng trông ông buồn ra mặt. Cô gái nắm hai bàn tay nhăn nhúm của ông già siết mạnh rồi trao cho ông một bao thư và một gói quà với lời cám ơn. Giọng cô xúc động. Ông già thu hết can đảm để chỉ nói được một câu:

– Cho tôi gửi lời thăm mẹ của cháu…

Sáng hôm sau nơi trạm hàng không, trước khi xe chuyển bánh để đến phi trường, cô gái thấy ông già từ phía sau xe bước đến, trên tay ôm một gói quà và một cành hoa đào. Cô gái rất ngạc nhiên và mừng hỏi:

– Bác tìm đâu ra được cành hoa anh đào đẹp thế?

Ông già vừa trao cành hoa cho cô gái vừa trả lời:

– Chiều qua tôi đạp xe vào rừng kiếm được cành hoa cho cháu, cháu hãy giữ lấy…

Cô gái cầm cành hoa và mở to mắt nhìn ông già với nỗi xúc động sâu xa. Cô chớp mắt và đôi dòng lệ không ngăn được trào ra. Ông già quay mặt đi nơi khác. Xe lăn bánh, ông vội đưa cho cô gái một gói nhỏ. Cô gái cầm gói quà để vào bên trong rồi quay đầu lại đưa tay vẫy chào từ biệt ông già đang đứng tần ngần dưới cơn mưa lất phất.

Cô gái không còn nhìn thấy ông già nữa khi xe quẹo ở ngả ba để chuyển hướng chạy về phía phi trường Liên Khương. Cô gái cầm gói quà lên xem và thấy bên ngoài đề gửi cho Phan Nữ Bích Hà, bên góc trái có ghi mấy chữ NHT – Đà Lạt.

Cô gái thoáng có ý nghĩ quay trở lại nhưng xe đã bắt đầu đổ dốc cùng cơn mưa càng lúc càng nặng hạt…

Phong Châu