PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
Sáng 30 tháng Tư 1975, Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng Việt Cộng...
 
Sau mười năm đoạn trường...
 
Chiều ngày 28 tháng 2 năm 1985 gia đình năm người Sao Khuê đặt chân xuống phi trường Mirabel của tỉnh bang Quebec thuộc Canada, cách xa thành phố Montréal khoảng 1 giờ lái xe, trong túi chỉ có 2 đồng đô la Mỹ và cái nhẫn mỏng tanh dành để gọi điện thoại khi cần thiết. Bao nhiêu trang sức, tiền bạc, kể cả cặp nhẫn cưới mà sau này mẹ Sao Khuê bán đi lấy tiền cho các em vượt biên... để lại hết vì nghe nhà nước cấm mà Sao Khuê thì sợ họ làm rắc rối nên... bỏ hết.. bỏ hết.. miễn đi được thì thôi. Chưa bao giờ chúng tôi đi xa thế và mang ít tiền như thế, chả bù sau này đi du lịch ngoài hai ba cái thẻ còn giấu trong người tiền ngàn...
 
hinh1 
Hình chụp cùng gia đình tại phi trường Tân Sơn Nhất tháng 2-1985
 
... Tới Canada rồi sao? Sao Khuê không mơ chứ? Đã một lần Sao Khuê nằm mơ thấy được đón tiếp ở nhà anh chị chồng nhưng chỉ là giấc mơ thôi, mong ước chỉ là mộng mà thôi, Sao Khuê vẫn ở trong nhà tù lớn với hàng trăm ngàn băn khoăn lo sợ. Cái nhà tù lớn đang là nhà mình, bị cướp tràn vào lấy mất biến thành nhà tù có đầy rẫy công an, bộ đội gác cho mang tên Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà khi mới bị nhốt, cả tháng sau Sao Khuê vẫn chưa quen: những sáng mai thức giấc sau ngày 30 tháng Tư Sao Khuê cứ bâng khuâng không biết tỉnh hay mê, mơ hay thực và sau cùng thì Sao Khuê ao ước được ngủ luôn không bao giờ thức dậy để thấy sự thật não nề...
 
Nhưng cuối cùng thì... ”Em Phải Sống”, Sao Khuê vẫn sống vì ba con nhỏ và bây giờ, chao ôi, sung sướng quá vì sau khi chui ra chui vào, mất tiền mà không lọt, vợ chồng con cái Sao Khuê cũng may mắn thoát khỏi ách độc tài Cộng Sản, ra khỏi nhà tù, tới được miền đất hứa.
 
Tạ ơn Thượng Đế, tạ ơn Trời Phật, tạ ơn Thánh Thần, tạ ơn Canada...
 
Nói thiệt quí vị nghe, dù được đi chính thức nhưng những người trên máy bay cũng hồi hộp lắm lắm. Sao Khuê đã từng có người bạn sắp lên máy bay còn bị kéo xuống, đuổi về để tiếp tục “xây dựng xã hội chủ nghĩa” nên mọi người trong máy bay thở phào khi phi cơ hạ cánh an toàn xuống phi trường Bangkok, Thailand. Lúc đó Sao Khuê vừa mừng vừa tủi, mừng vì từ nay được thở không khí tự do và tủi vì so sánh phi trường Bangkok nhộn nhịp, ngợp trời đèn xanh, đèn đỏ, văn minh hiện đại so với phi trường Tân Sơn Nhất quạnh hiu, lạc hậu mà thương cho đất nước mình từng một thời là hòn ngọc Viễn Đông.
 
Tháng Hai, trời còn rất lạnh, lạnh thế nào thì Sao Khuê chưa biết nhưng toàn thể Mít (Anamite, ý nói dân Việt) chúng tôi, những người vừa rời Việt Nam hai ngày trước, sau khi ghé phi trường Bangkok, Thailand và một phi trường nữa ở Italie thì ngoài mấy cái áo len chẳng ai có áo lạnh mùa đông cả.
 
Trước khi máy bay hạ cánh, nhiều bà được cho đi đoàn tụ với chồng còn mang áo dài thêu, quần lụa trắng mỏng tanh ra diện sau khi điểm phấn thoa son. Nghĩ lại thật buồn cười cho sự ngây thơ của quí bà quá quí bà ơi.
 
Vừa ra khỏi phi cơ thì Sao Khuê đứng ngẩn người ra: tuyết rơi. Tuyết chỉ mỏng manh rơi nhưng máu lãng mạn nổi lên khiến Sao Khuê dừng chân lại ngắm khiến ai đó đi ngang hỏi bằng tiếng Pháp:
 
- Lần đầu tiên bà nhìn thấy tuyết hả?
 
Sao Khuê gục gặc cái đầu thay cho câu trả lời vì đang bận ngắm tuyết, chả gì thì cũng là lần đầu Sao Khuê được tận mắt thấy tuyết rơi mà lỵ. Tuyết nhè nhẹ rơi rơi... dĩ nhiên không đẹp bằng cảnh tuyết trắng mù trời trong phim Đốc Tờ Zhivago nhưng caméra trong đầu Sao Khuê giờ này vẫn còn y cảnh tuyết rơi mỏng manh buồn qua khung cửa ngày 28 tháng 2 năm 1985.
 
Cô chú em chồng và anh chồng - người bảo lãnh cho gia đình Sao Khuê - đến đón đang vẫy gọi rối rít sau khung kính trên cao.
 
Sau khi làm xong thủ tục, Sao Khuê còn nấn ná tài khôn làm thông dịch cho hai bà không biết ngoại ngữ để trả lời những câu hỏi của nhân viên Sở Di Trú dù tiếng Anh hay tiếng Pháp của Sao Khuê chưa đầy lá mít nên ra trễ khiến cô em nhằn là “sao mãi mới ra, khuya rồi đó, mau lên, mai em phải đi làm”.
 
Sau khi dùng cơm tại nhà cô em, gia đình Sao Khuê được đưa về nhà anh Tú Anh, người cha thứ hai của các con của Sao Khuê, người đã tái sinh các cháu, mang các cháu khỏi thiên đường xã hội chủ nghĩa. Gia đình Sao Khuê được dành cho ba phòng ngủ trên lầu: hai con trai chung một phòng, cô con gái có phòng nhỏ và hai vợ chồng Sao Khuê căn phòng khá lớn với một nhà tắm riêng. Anh chị và cháu gái ở hai phòng mé trái và sử dụng phòng tắm nhỏ. Cháu trai của anh chị độc chiếm Basement. Nhà anh chị rộng rãi, khang trang nhưng là nhà cổ ở chân núi nên sàn gỗ kêu cót két, cọt kẹt. Sao Khuê dặn các con là ráng đi nhẹ nhàng nhưng mà... mình càng rón rén nó càng kêu to!
 
Chưa đầy một tuần, chú Long đưa ông xã xệ Sao Khuê đi làm, cùng hãng với chú, dĩ nhiên là làm phu khuân vác: chuyển từng thùng giấy chứa Card chúc mừng đủ loại lên kệ, ghi sổ, đánh dấu. Công việc rất nặng nhọc khiến cho anh chàng dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, ôm vài cái Cử Nhân trong tay, nếu Vi Xi (VC) không vào là về làm phụ giảng ở trường Luật, nay phải làm phu vất vả nên vài tháng sau chàng chỉ còn da bọc xương, chắc cũng giống như lúc trong tù cải tạo, khiến Sao Khuê mủi lòng thương hại, nhường nhịn đủ điều ai dè lâu dần chàng ta càng được thể lên chân!
 
Nghỉ ngơi một tuần cho quen giờ sinh hoạt, chị dâu Sao Khuê, người Ý, chở Sao Khuê đi xin học cho ba cháu. Mang từ Việt Nam sang cái áo Manteau mùa xuân màu gạch cua mà ai cũng khen đẹp khi Sao Khuê mặc thử lúc còn ở Sàigon, bây giờ mặc vào trông Sao Khuê quê xệ chẳng giống con giáp nào. Bà chị dâu bảo:

- Áo này mặc vào mùa xuân. Thay áo mùa đông đi, áo này không đủ ấm đâu!
 
Sao Khuê phanh cho chị thấy hai lớp áo len, đan tay, mới toanh bên trong:
 
- Không sao, ấm mà chị, em còn hai áo len nữa đây này.
 
Ý-tà-lồ chính gốc, chị dâu đâu biết là bên Việt Nam làm gì có áo Manteau mùa đông nhưng chị lại tưởng là Sao Khuê có áo nhưng không muốn thay nên chỉ nhún vai:
 
- Ok, mình đi.
 
Chu choa ơi, sao lạnh quá thế này, Sao Khuê run lên cầm cập dù ngồi trong xe được sưởi ấm. Còn con đường, sao nó nó dài thế, con đường Sherbrooke ấy mà, đi mãi, đi mãi mới tới cái gọi là Nha Học Chính (Commission Scolaire).
 
Bà Thư Ký niềm nở lịch sự kéo ghế mời hai chị em ngồi:
 
- Mời bà ngồi.
 
Ý! Trời đất ơi, sao họ lại lịch sự như thế với con mán quê mùa, nghèo mạt rệp này nhỉ.
Sao Khuê chợt có ý nghĩ so sánh: Ngày mà Đảng dẫn đoàn quân bèo nhèo, mang nón tai bèo, ngheo huyền nghèo, lếch tha lếch thếch như con mèo ướt vào miền Nam, trông như những đoàn âm binh thì bà Dược Sĩ kiêm Giáo Sư Đệ Nhị Cấp, vợ “cựu” Trưởng Khối Quản Trị của Truyền Thanh &Truyền Hình & Điện Ảnh, được các anh mặt mũi non choẹt, hỉ mũi còn chưa sạch, mới mười mấy tuổi đầu, học vấn cỡ Lớp Ba Tiểu Học quát vào mặt mỗi khi Sao Khuê phải gặp các anh:
 
- Nhà chị (!) phải lễ phép với cán bộ nhà nước. Sao nhà chị kém văn hoá thế!
 
Còn nữa, ngày Sao Khuê ra Đài Truyền Hình, sở cũ của chồng gặp “ban quân quản” xin lãnh lương trong lúc chồng được nhà nước ưu ái gửi đi học tập thì được cho vào gặp anh Bảy. Quái, chữ ông, tiếng bà, biến đâu mất hết, ai họ cũng gọi là anh, là chị. Đã vậy họ lại không có tên, chỉ thấy họ gọi nhau anh Hai, chị Ba, chị Tư, anh Năm, chú Sáu, cô Bảy, chị Tám, anh Chín, chú Mười... sao bí mật dễ sợ. Cô và chú chỉ dành cho các cán bộ cao cấp và tiếng bác chỉ được dùng cho bác Hồ. Cấp trên họ lại chỉ nói là “Trên” khiến mình chẳng hiểu “Trên” là cái quái gì! Anh Bảy nói:
 
- Tôi nói cho chị biết, chồng chị mang tội tày trời, nay được cách mạng khoan hồng gửi đi học tập. Chị và gia đình phải biết ơn cách mạng (mốc xì! bắt tù mà phải biết ơn). Chị phải báo cáo cho chúng tôi biết những việc chồng chị đã làm, đã chống phá cách mạng như thế nào. Chị phải động viên chồng chị học tập tốt, lao động tốt. Chị phải động viên chồng chị thành khẩn khai báo tội lỗi thì mới được xét cho về đoàn tụ với gia đình (động viên là gửi đi động viên tức đi lính ấy à??). Chị phải hiểu là nhân dân miền Nam ai cũng có tội hết, ngay cả chị bán xôi cũng có tội...
 
Ủa, bán xôi cũng có tội? Thấy nét mặt Sao Khuê cau lại tỏ vẻ không đồng ý thì anh Bảy mở lượng khoan hồng giải thích:
 
- Chị phải biết dân miền Nam ai cũng có tội. Không phải chỉ có nguỵ quân, nguỵ quyền mới có tội mà chị bán thuốc (là Sao Khuê), chị bán xôi, chị đổ rác cũng có tội vì góp phần duy trì đời sống và kinh tế cho Mỹ Nguỵ. Mấy thầy cô giáo (cũng là Sao Khuê) cũng có tội vì dạy dỗ, đào tạo học trò chống lại đảng và nước...
 
À ra thế. Mọi người đều có tội. Lạy Chúa con là kẻ có tội - nhưng trong bụng Sao Khuê thì “Hứ, nói càn nói rở, được làm vua thua có tội.”
 
Ấy, Sao Khuê đã được đối xử như kẻ có tội khi còn ở trong nước bởi những người cùng tổ tiên, nòi giống với mình. Suốt mười năm kẻ có tội lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi bị bắt, bị tù... thế mà bây giờ sang xứ người ta, Sao Khuê lại được người ta lịch sự tiếp đãi thế này cơ chứ. Sao Khuê đang đi xin xỏ chỗ học cho các con mà. Sao Khuê lại ăn mặc quê mùa, nghèo nàn như con mọi, còn họ, họ lịch sự sang trọng mà sao họ lại không tỏ vẻ gì coi thường hay khinh khi Sao Khuê cả vậy? Trời đất ơi, sao Sao Khuê lại được những người chủ nhà cho mình sống nhờ mà còn coi mình bình đẳng với họ. Từ lâu lắm Sao Khuê mới được người ta đối được xử như một con người. Cảm giác này làm cho Sao Khuê vừa thích thú, hãnh diện lại vừa hụt hẫng, bâng khuâng...
 
Một người bạn của Sao Khuê gọi tới mách cho việc đi giữ trẻ. Sao Khuê dẫn con gái lớn, mười lăm tuổi đến nhận việc. Bà mẹ cháu bé đón hai mẹ con sao Khuê đến thăm nhà bằng xe hơi và tiễn chúng tôi ra về bằng Métro để biết đường hôm sau trở lại. Sao Khuê dặn con:
 
- Con nhớ quẹo phải sau khi đi qua nhà thờ nghe con.
 
Than ôi, ngày hôm sau mẹ con Sao Khuê trở lại thì không biết nhà ở đâu vì trạm Métro Laurier này có hai lối ra chứ không phải chỉ có một “Bouche” như Métro Vendôme gần nơi chúng tôi ở và cả hai đầu đều có nhà thờ, tuy vậy cuối cùng hai mẹ con cũng tìm đến nhà được sau khi chìa địa chỉ hỏi thăm người đi đường. Mẹ cháu bé cũng đã lo xa nhờ bà ngoại tới trông cháu nếu không thì cô đã phải nghỉ làm. Bà dặn đi dặn lại chúng tôi:
 
- Trạm Métro này có hai đường ra. Cô nhớ đi ra theo hướng đầu Métro chạy tới thì mới ra đúng đường.
 
Nhưng việc coi cháu bé chẳng lâu vì các con Sao Khuê được nhà trường gọi vào học lớp “Acceuil”. Đây là lớp chuyển tiếp dành cho những học trò mới di dân qua mà đa số giờ học là tiếng Pháp, mục đích cho học trò quen lần trước khi chính thức vào lớp. Hai cháu lớn học ở trường Côtes -St -Luc và cháu Út, mười tuổi học nơi khác nhưng được xe đưa đón miễn phí tận nhà. Vậy thì đâu là thiên đường nhỉ, Việt Nam hay Canada? Cảm ơn Canada đã mở rộng vòng tay.
 
Sao Khuê bắt đầu mở chiến dịch đi tìm việc làm. Đến đây thì quả thật là gay go. Kinh tế đang suy thoái nên việc làm rất khó kiếm. Sao Khuê đến nhà hàng xin làm phụ bếp nhưng không thấy họ gọi lại. Ông bố nuôi cho Sao Khuê địa chỉ một hãng may. Giữa mùa đông gió thổi mạnh xém tí thì thì lăn xuống chân dốc, Sao Khuê lần mò theo bản đồ Métro, tìm ra địa chỉ thì thấy toà nhà cao lớn mà cửa nào cũng đóng im ỉm. Thất vọng vô cùng, Sao Khuê đang tính ra về thì có một bà tới trễ bước vào. Bà dẫn Sao Khuê vào hãng may của bà.
 
- Ai giới thiệu bà đến đây?
 
- Dạ, ông Hải
 
- Ông gì? Henri?
 
- Dạ không, ông Hải.
 
Hai ba lần bà Xếp vẫn không biết ông Hải là ai, thôi thì Henri, Henrette, hết răng, ai cũng được.
 
- Thôi, bà vào may thử đi.
 
Trời đất thánh thần bà con ơi, coi nè, trước khi ra đi Sao Khuê đã học một khoá cắt may, một khoá Thảo Trình Viên (Programer), quyết chí bỏ làm thầy (à Sao Khuê đi dạy học môn Công Dân khi còn đi học Dược và sau đó dạy Lý Hoá Đệ Nhị Cấp ngay cả sau khi Vi-Xi vào, Sao Khuê cũng vẫn... đứng lớp, dạy Lý cho Lớp Mười Một. Sao Khuê gõ đầu trẻ gần mười lăm năm nghe bà con) mà làm thợ nuôi con nhưng mà sao cái máy này nó mạnh như trâu, nhanh như ngựa, chạy cái rầm, khiến đường may xiên xẹo mẹo dậu.
 
- Thôi, bà chưa biết may, bà biết ủi không?
 
Ủi đồ? ai mà không biết cơ chứ.
 
Bà xếp đưa cho Sao Khuê một lô cà-ra-oắt (Cravate) của trẻ con. Trời! cái bàn ủi, móc vào dây điện tòong teeng... mà sao ủi hoài không thẳng, chẳng ra hình thù gì hết!... Thế là Sao Khuê không có việc làm. Ra về mà lòng tan nát, thấy mình bất tài vô tướng, chán nản cùng cực, chẳng lẽ qua cơn bỉ cực tới hồi tối thui, rồi đây làm gì để nuôi con và nuôi thân, nuôi bố, nuôi mẹ, nuôi em ở Việt Nam? Huhu huhu!...
 
Sao Khuê tìm đến một tiệm thuốc của vợ một ông bạn mới quen được ở Việt Nam, do thường gặp nhau trên trụ sở xuất cảnh nằm trên đường Nguyễn Du ở Việt Nam để xin việc. Chị rất lịch sự:
 
- Sao Khuê kiếm chỗ nào học cho biết việc rồi trở lại đây mình thu xếp sau vì người phụ tá Còi (dân Việt mình hay gọi đùa dân bản xứ Quebecois là Còi) này khó chịu lắm.
Ông bạn của chú cho Sao Khuê một địa chỉ nhà thuốc để Sao Khuê xin học việc (dĩ nhiên không lương) nhưng rồi cũng bị từ chối vì Sao Khuê lỡ dại, cả tin mà khai ra là sẽ trở lại làm việc cho chị X. Đấy, số con rệp, ngay đến xin học việc không lương cũng không được nói chi việc đi làm! Huhu...
 
Một bà bạn thân cũng là đồng nghiệp, Trăng Sáng giới thiệu vào nhà thuốc bà đang làm, Sao Khuê cũng bị từ chối vì quẩn chân người ta. Buồn thúi ruột thì bị bạn la:
 
- Mày làm cái gì mà rối tinh lên thế. Cứ từ từ rồi đâu sẽ vào đó. Mới lên xe Bus thì phải đứng, rồi cũng có lúc sẽ có chỗ cho mày ngồi.
 
Ê! Cảm ơn mày nghe nhỏ. Sau này Sao Khuê hay dùng lời khuyên rất chí lý mà khuyên những di dân mới nhập cư khi họ vào mua thuốc trầm cảm. Quí vị nên biết dân Canada dùng nhiều thuốc trầm cảm... nhất thế giới! Những di dân mới tới thì mơ một thiên đường không hiện hữu hay bối rối vì làm sao gánh vác gia đình, còn dân ở lâu thì phát điên- chả thế mà có tên là Canadien- phải, phát điên lên vì mùa đông dài, lạnh, bẩn, trơn, dễ té ngã, dễ bị tai nạn xe cộ, và vì trời u ám:
 
Trời ở nơi đây rất dễ buồn
Mùa đông dài lắm giá lạnh luôn
Đóng băng luôn mảnh hồn hiu quạnh
Như tuyết ngoài kia giá lạnh tuôn...
 
(Ai thích nghe bài thơ này của Sao Khuê đã được anh bạn đồng nghiệp LKC vừa phổ nhạc vừa ca thì click vừa nghe vừa đọc tiếp nhé)
 
Rồi thì ông bố nuôi dẫn Sao Khuê đi cắt tóc, tự tay đánh giày (Bottes) cho Sao Khuê trước khi dẫn Sao Khuê đến tiệm may nhỏ của một người Việt để học việc.
 
- Con ơi, thế bố ruột của con có đánh giày cho con không?
 
- Dạ, chưa bao “vờ” bố ạ vì ở Việt Nam con đi guốc Đa Kao không hà, mà có đi giày cũng không cần đánh bố ơi, mẹ con thì có đánh nhưng đánh bằng roi.
 
“Bố Vượng ơi! Thương Bố quá à. Bố đang dạo chơi trên cõi Niết bàn hả Bố?”
 
Bản cũ soạn lại, cái máy may chạy như xe lửa tốc hành khiến sau mỗi đường may Sao Khuê lại cặm cụi gỡ ra, may lại.
 
- Công việc hôm nay ra sao? bà chị dâu hỏi.
 
- Je suis bonne pour rien (em thật là vô tích chi thời sự), cái máy nó chạy trước, em chạy sau, chạy theo không kịp...
 
- ... À ngày hôm nay thì khá hơn, em đuổi theo nó gần kịp rồi.
 
- Khá hơn hôm qua, coi như em đi cùng máy được.
 
Vì cứ phải tháo ra tháo vào nên Sao Khuê học may Overlock mà ba ngày chưa thạo.
 
Sau gần một tuần thì chú Tân, em họ của ba Sao Khuê ra tiệm may tìm Sao Khuê:
 
- Cháu về gấp, thay quần áo cho tươm tất rồi ra trường Collège Français gặp bác Rạng. Bác đã xin được việc cho cháu rồi, mau lên cháu!
 
Sao Khuê vào gặp Cha Perron, một trong ba người chủ của trường và với bằng Dược Sĩ không cần trình ra, Sao Khuê vẫn được Cha cho coi phòng thí nghiệm Sinh Hoá, chưa kể Cha còn chắp tay, cúi đầu chào tiễn Sao Khuê về theo phong tục Việt Nam khiến Sao Khuê vô cùng bối rối. Cảm ơn Cha nhân từ, độ lượng với di dân Việt Nam được nhận vào làm vì Cha từng bảo:
 
- Quí vị đừng ngại vì không nói thạo tiếng Pháp. Chúng tôi cần người làm việc chứ không cần nghe quí vị nói tiếng Pháp.
 
“Chắc giờ này Cha đang cùng Thánh Pierre đi dạo hay cầu nguyện trên Thiên Đàng và Bác nữa, Bác là người cha thứ hai của cháu, cả đời giúp mọi người, Bác chắc chắn đang nơi miền Cực lạc.”
 hinh2
 
Jardin Botanique Montréal Canada mùa hè năm 1986
 
Đến đây thì Sao Khuê qua cơn bỉ cực tới hồi thới lai. Biết số phận run rủi như thế này thì tội gì mà lo lắng, vất vả khổ sở tìm việc cả tháng qua. Ê! nhỏ bạn, cuối cùng ta cũng trúng số lô độc đắc, có được một cái ghế trên chuyến xe Bus cuộc đời mà cái ghế nhung êm ái nữa à nghe. Sao Khuê được trả lương năm, mười sáu ngàn một năm so với lương tối thiểu ngày đó có 4.25 đồng một giờ. Tiền lương được lãnh hàng tháng kể cả những ngày nghỉ, tháng hè và mỗi ngày chỉ làm theo giờ học trò đi học (nhưng Sao Khuê ngây thơ cứ đến từ 8:30 sáng và 5 giờ chiều mới ra về) nếu tính theo giờ làm thực sự (30 giờ một tuần, 35 tuần một năm vì Sao Khuê được nghỉ hè, Pâques, Noel...) thì... xấp xỉ lương Dược Sĩ. Công việc làm thì nhàn nhã so với nghề may: bày ra rồi lại dẹp vào những thứ dùng làm thí nghiệm của toàn thể các lớp trong trường về phân khoa Sinh Hoá (Biologie) từ Secondaire I đến hai lớp Cégep (Collège), có khi ba phòng cùng làm thí nghiệm một lúc nhưng với Sao Khuê thì là chuyện nhỏ, nghề của nàng mà. Rửa hàng trăm ống nghiệm hay hàng trăm dụng cụ mổ xẻ, lấy ra xếp vào vài chục kính hiển vi v..v... mà nhằm nhò gì. Ấy nhưng mà cái phần mua dụng cụ hay mượn phim chiếu cho học trò xem thì thật là gay cấn vì phải sử dụng điện thoại để giao dịch. Quí vị biết rồi, mười mấy năm sau khi ra trường, tiếng Pháp của Sao Khuê đã theo Tây về nước, Sao Khuê mới dợt lại cũng chưa đủ sức xí xa xí xồ. Mặt nhìn mặt nhau bâng khuâng không nói một câu vì lời nghẹn ngào nghệt ra như say như ngây vì ngu nhưng Sao Khuê cũng còn đoán được họ nói cái chi và họ cũng đoán được Sao Khuê trả lời cái gì vì có thể kèm theo ngôn ngữ quốc tế hoa tay múa chân, chứ qua điện thoại - eo ôi, họ đâu thấy con nai vàng ngơ ngác mà nói chầm chậm cho mình kịp hiểu chưa kể đôi khi họ còn... sủa tiếng “Còi” thì ô hô ai tai! (tiếng Còi là cách phát âm tiếng Pháp của người Quebecois giống như cách phát âm tiếng Việt theo giọng Quảng, hì hì khó nghe lắm, chẳng hiểu gì hết trơn). Văn phòng Sinh Hoá (Département de Biologie) có bảy giáo sư, ba bà và bốn ông đều rất tử tế. Sao Khuê thân nhất với bà xếp và cả gia đình bà. Sao Khuê năn nỉ bà xếp gọi điện thoại giùm khi cần mua dụng cụ (tim, ếch, cá, ống nghiệm, kính hiển vi v..v...). Bà vui vẻ làm giùm nhưng ít lâu sau đó thì bà bắt Sao Khuê phải tập nói cho quen:
 
- Hôm nay thì Sao Khuê phải tự mình đặt hàng nhé. Đừng lo, tôi ngồi bên cạnh, có gì tôi sẽ giúp.
 
Trống ngực đánh thùm thụp Sao Khuê run rẩy bấm số. Rồi thì cũng xong, tuy vậy không có bà thầy đố mầy làm nên. Sau đó thì công việc ro ro mà chạy, chạy giỏi nên từ trên xuống dưới, trong ngoài ai cũng quí mến. Khi vận mệnh đến lúc hanh thông thì cửa nào cũng mở thênh thang. “Chân thành cảm tạ xếp và đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người”.
 
Tạm ổn về công ăn việc làm Sao Khuê bắt đầu tìm cách đi học, lấy lại bằng Dược Sĩ theo lời khuyên của cô em họ cũng là Dược Sĩ, mặc kệ giấy cam kết không xin hành nghề lại phải ký với di trú Quebec khi được họ cho giấy nhập cảnh. Than ôi, trâu chậm nên uống nước đục. Tỉnh bang Québec và Đại Học Montréal từ chối cho Dược Sĩ di dân học lại. Hèn gì họ bắt mình cam kết trước khi cho giấy nhập cảnh... Cửa này đóng thì gõ các cửa khác vậy. May quá, cửa nhà nước Canada còn mở. Các Dược Sĩ có thể xin thi “Board Canada” sau khi thi đậu phần tương đương- Équivalent- sau đó thì có quyền hành nghề trên toàn cõi Canada. Để đậu phần tương đương (Équivalent) thì, hoặc xin thi sau khi tự kiếm bài mà học, hoặc xin học một số Tín Chỉ của Đại Học Montréal gồm năm Cours, kéo dài khoảng hơn hai năm. Con đường thứ hai này tuy chậm nhưng chắc vì lúc đó chúng tôi còn lớ nga lớ ngớ đâu ai biết bài thi hỏi gì mà học... Trong lúc chờ đợi đến đầu niên học để ghi danh thì hai vợ chồng Sao Khuê dầm mưa lội tuyết lạnh run cầm cập mà đi học Anh Văn, Pháp Văn mỗi tối.
 
Một năm sau thì Sao Khuê ghi danh... đi học. Đi mà không đi vì ban ngày phải đi làm. Lâu lâu có ngày được nghỉ làm thì Sao Khuê lên trường... xem mặt thầy, mang máy ghi âm theo ghi lén nhưng về nhà vẫn chẳng hiểu thầy nói gì!!! Lại huhu... Mọi sự trông cậy vào cô bạn nhỏ gần nhà: cô đi học, cô mượn phần ghi Cours của các em Việt Nam cùng học, cô nhanh chân Copie khi ra chơi rồi phân phát cho các bạn và cuối tuần tụ tập nhau mà học. Cảm ơn Biển, em đã giúp đỡ Sao Khuê rất nhiều. Nhóm năm sáu người của Sao Khuê giúp nhau (cho Copies Cours), khuyến khích nhau mỗi khi có người chán nản muốn bỏ cuộc vì phần lớn ai cũng có gia đình con cái phải lo. Hai cái tay của Sao Khuê mỏi rã rời vì tra tự điển, tra tới tra lui, tra rồi ngày mai tra lại vì... quên. Mèn ơi, cái xứ này, bài giảng bằng tiếng Pháp, sách đọc bằng tiếng Anh khiến mình nhiều khi hiểu sai vì cấu trúc tiếng Anh và Pháp đôi khi ngược nhau. Bài ghi sau khi Copie thì mờ, lại viết tắt, viết tháu, mở to mắt chưa đoán nổi... Học bài xong Sao Khuê làm thử câu hỏi thì... rớt. Sao Khuê hết hồn. Hoá ra cách học bên này khác bên Việt Nam. Ngày Sao Khuê học ở Việt Nam, nỗi năm phải học thuộc lòng cỡ năm ngàn trang chia làm hai khoá thi, chưa kể phần thực tập. Vào thi, lỡ quên, có ai nhắc chút xíu thì chữ lại chạy ra, không thì... thi rớt. Bên này thi theo lối trắc nghiệm nên không có cảnh bỏ giấy trắng ra về, tuy vậy muốn đậu, Sao Khuê phải đổi cách học: học theo chiều sâu, hiểu kỹ để chọn đúng câu trả lời thay vì trải theo chiều rộng như xưa.
 hinh3a
 
Tết năm 1985 – trước cửa nhà ở Saigon với hai em Út trai và Út gái
 
Trong lúc đi học thì Sao Khuê vẫn phải đi làm Full Time, Sao Khuê vẫn phải cơm nước, nuôi con, vẫn phải trả nợ tiền đã vay để vượt biên không thành, trả tiền vé máy bay cho năm người, Sao Khuê cũng còn phải gửi tiền về giúp đỡ gia đình khiến đôi lúc Sao Khuê... phục mình quá, viết thư khoe nhỏ bạn thì nhận được hồi âm: “tao thấy mày giỏi thật hay là mày đóng cái bàn thờ tự động, mày ngồi lên rồi lại nhảy xuống mà vái mình!”
 
Ngoài những lúc xuống tinh thần, lo âu vì thi cử, khổ sở vì không hiểu bài còn thì ui chao đời sống mới thật là vui vẻ thoải mái nhất là hai tháng hè tha hồ lấy xe Bus rong chơi khắp thành phố Montreal hay đi câu cá tận Dorion hoặc họp nhau ăn uống. À không, cuối tuần của hai tháng hè mới được rong chơi thôi vì tuy học trò nghỉ hè thì Sao Khuê cũng được nghỉ làm nhưng năm ngày trong tuần Sao Khuê vẫn đi làm: đi may - lúc này Sao Khuê may nghề rồi nghe - để tiếp tế gia đình chứ. Số vất vả nên mùa hè, nóng chảy mỡ mà hàng ngày Sao Khuê phải ôm hàng trăm cái Manteau mùa đông bằng dạ, nặng ơi là nặng lên may, may có mỗi một đường ráp gấu thôi vì may theo dây chuyền mà...
 
Ba đứa con của Sao Khuê được nhận vào học trường tư Collège Français miễn phí. Sao Khuê thuê nhà sát cạnh trường, gần nhà chú và nhà bác. Giờ nghỉ trưa Sao Khuê về làm cơm, bốn mẹ con cùng ăn, thế là tiết kiệm được không những tiền xe Bus mà cả thời gian di chuyển và cũng không phải trân mình chịu lạnh chờ Bus. Ui, ở gần chỗ làm sướng thật, tiết kiệm đủ thứ lại có cơm nóng ăn vào giờ nghỉ trưa. Sao Khuê học thím và bác làm giò chả nên ăn uống thả dàn. Thịt thà bên này quá rẻ, chỉ có rau quả mới đắt thôi...
 
Sau bữa cơm tối thì bốn mẹ con cùng học bài. “Ông càu nhàu” chui vào đại hạn vất vả, vẫn phải khuân vác nhưng cũng ghi danh học Đại Học Haute Etude Comercial (HEC) ban tối nên càng ngày càng cảu nhảu càu nhàu. Tóm lại cả nhà học. Không có TV, không có phim bộ, không có ăn tiệm, không có đi chơi. Những ngày lễ dài mấy mẹ con mới được sướt mướt theo “Giòng Sông Ly Biệt” hay “Xóm Vắng”... (phim bộ Hồng Kông). Mẹ thì thủ sẵn hộp Kleenex, đến đoạn nào muồi thì cà rỡn: “Sửa soạn! Khóc! nên thay vì khóc mấy mẹ con lại cười sằng sặc!”
 
Sau gần ba năm dùi mài kinh sử thêm một năm thực tập không lương, tổng cộng bốn năm Sao Khuê mang giấy hành nghề đi xin việc. Sao Khuê vừa làm phòng thí nghiệm vừa đi bán thuốc, cày hai Job, đôi khi sáu bảy chục giờ một tuần, Full Time ở trường học và khoảng hai mươi, hai mươi lăm giờ làm ở Pharmacie nên Sao Khuê không có Week-end cũng chẳng có Shopping. Khi học trò nghỉ lễ thì Sao Khuê mới được nghỉ nhưng hè thì Sao Khuê lại làm thay cho các Dược Sĩ đi nghỉ hè khắp các tiệm thuốc xa gần của Chaine Cumberland hồi đó. Cày chết bỏ mà! May quá ngày đó chẳng cần đi chợ. Mua gì thì đặt qua điện thoại, hàng giao tận nhà, Sao Khuê chỉ phải nấu ăn. Con gái rửa chén, ủi đồ, trông cho các em học, con trai giặt đồ, ông bố đi làm và đi học. Ổng dại quá, chọn ngành mới nên học lại từ đầu, rồi ông cũng tốt nghiệp Đại Học Canada, có bằng của HEC nhưng như thường lệ, bằng chỉ để treo!
 
Ngày đầu xin đi làm, trời xui đất khiến, Sao Khuê gọi cho Cumberland, là một Chaine Pharmacie lớn ngày đó (như Jean Coutu) xin làm ngày Chủ Nhật.
 
Khi đến để phỏng vấn, sau phần chuyên môn Sao Khuê bị hỏi ba câu ngoài lề:
 
- Tại sao bà đến Canada?
 
- Vì gia đình tôi tị nạn Cộng sản và Canada là xứ tự do.
 
- ?
 
- Sống với Cộng Sản chúng tôi có thể bị cho vào tù bất cứ lúc nào chỉ vì lời nói nào đó!!!!
 
Bà này chưa biết gì về chuyên chính vô sản nên miễn bàn tiếp.
 
- Bà gặp trở ngại gì không?
 
- Có ạ, trở ngại ngôn ngữ. Tôi không nói, không nghe được nhiều tiếng Pháp nhất là tiếng Anh.
 
- Với thời gian bà sẽ khá hơn. Bà còn trở ngại gì nữa không?
 
- Canada lạnh quá sức!
 
- Cái lạnh này thì bà phải chịu cả đời... hắc hắc. Martine cười thành tiếng.
 
Bà Martine nhận cho tôi đi thực tập tiếp trước khi chính thức vào làm và lấy áo trên mắc trao trả tôi như khi bà đã treo Manteau giùm tôi lúc đến. Tôi học được một điều: người có học, có đức thường cư xử lễ độ văn minh ngay với cả những người thua kém mình. Càng nhún nhường họ càng nêu cao phẩm giá của họ...
 
... Thời gian lặng lẽ qua, ba mươi năm rồi đó. Các con của Sao Khuê đã có gia đình và Sao Khuê vẫn đi làm chút chút. Sao Khuê thấy nhiều người gọi nơi mình định cư là đất tạm dung, riêng với Sao Khuê thì Canada là quê hương thứ hai, là chùm khế ngọt dẫu... đông lạnh. Đi du lịch, Sao Khuê rất hãnh diện khoe mình là Canadienne, đôi khi còn cầm theo lá cờ Quebec cho khỏi lạc nhau, vậy mà cũng có người nhận ra lá cờ hoa Lys là của tỉnh bang Quebec thuộc Canada khác với cờ có hình lá phong phổ thông của Canada. Dân Quebec (Còi) rất dễ thương, thân thiện và ít kỳ thị chủng tộc nên các con cháu của Sao Khuê nhất định chọn nơi này làm quê hương mà không chịu kiếm đường qua nước Mỹ ấm áp kế bên.
 
Nhớ lại câu trả lời khi Sao Khuê vào gặp phái đoàn phỏng vấn Canada năm 1985:
 
- Tại sao gia đình bà chọn Canada?
 
- Tại vì chúng tôi yêu Canada.
 
- Hả ? bà yêu cái tủ lạnh Canada? Ha ha, hắc hắc!!!! (ông Canadien cười ngất)
 
Dạ phải, thưa quí vị, tôi yêu Canada, cái tủ lạnh khổng lồ... nhưng ước chi mùa đông ngắn đi một nửa và cái lạnh bớt đi một phần ba nhỉ.
 
- Khi đó thì thiên đường này chỉ còn chỗ cho mỗi người đứng một chân mà thôi Sao Khuê ơi, mấy người Giáo Sư đã trả lời Sao Khuê như thế ngày Sao Khuê mới vào làm Collège Français....
hinhco Oh! Vive le Quebec et Vive le Canada
 
Sao Khuê
Ngày 4 Tháng Tư năm 2015