PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Thường mỗi khi đi đâu thì “có thực mới vực được đạo” , bởi thế với chuyến Âu du dài hơn ba tuần lễ, mắt nhìn miệng xơi… thời cũng khá nhiều để có sức mà… lết. Xin được chia sẻ vài “cái ăn là cái trời cho” bên trời Âu qua cái nhìn và nếm của “cái tôi” miệt dưới.

Hồi còn bên nhà, tôi vẫn nghe kể rằng qua Tây, ngồi quán vỉa hè, gọi một ly café, xé miếng bánh Croissant  chấm  kèm vào hoặc nhâm nhi với bánh Paté chaud là có một bữa ăn sáng rất… Tây, nên lòng vẫn thầm ao ước có dịp sẽ thử cho biết cái thú vị này. Do đó khi qua Tây, cô bạn  dọn cho ăn sáng với bánh Croissant, kèm với Cheese và nước trái cây, tôi “đòi” café rồi tưởng tượng mình sắp sửa thành… Tây, vui vẻ xé miếng bánh chấm vào… nhấm nháp… ủa sao kỳ vậy cà, café và bánh trộn lẫn nhau thành ra… lợn cợn, chả ra làm sao cả! Thôi, trở về “cố hương” ăn theo kiểu Ta cho xong. Cắn một miếng bánh Croissant, mùi bơ thơm nhẹ tỏa ra, lớp bánh xốp nhưng giòn mềm, vị hơi mặn mặn  ngọt ngọt quyện lẫn vào nhau một cách hài hòa, tạo nên một hương vị độc đáo mà theo ý tôi có lẽ chỉ ở Pháp bánh Croissant mới thể hiện được cái hương vị ngon lành đó. Khi ngỏ ý muốn thử bánh Paté chaud, bạn cho biết bánh này đã vắng bóng từ lâu bên Pháp và có ý thắc mắc, bèn kể lại “huyền thoại” ăn sáng bên Tây. Bạn cười lớn bảo “cổ lai hy rồi bạn ơi!”

Sáng hôm sau được cho ăn bánh mì Baguette  Pháp mới ra lò, phết bơ và phô mai để điểm tâm tuy đơn giản nhưng không chê vào đâu được. (Nghe khen, cô bạn thích chí nên sau đó sáng nào cũng “bản cũ soạn lại” làm lòng dậy lên nỗi nhớ những món điểm tâm phong phú ở quê nhà làm sao!!!). Buổi trưa, để mừng ngày chúng tôi gặp lại sau khi rời trại tỵ nạn  30 năm về trước, là món barbeque cây nhà lá vườn của gia đình bạn. Món ăn do người Việt mình ướp thì bao giờ cũng đậm tình dân tộc nên rất hợp khẩu vị. Hỏi sao miếng thịt đậm đà thế, cô bạn cho biết món này được ướp “hợp chủng quốc” một ít nước mắm, một chút xì dầu, một gói  barbeque sauce của Korea, muối, đường, tiêu, tỏi, xả… để ngấm qua đêm, sáng đem ra nướng thì có vị như thế!  Bạn lại cho ăn thêm cơm sườn nướng đặc sệt kiểu Việt Nam nên ngon không thể tả.  

Một buổi đi chơi, ghé tiệm, con trai “sành điệu” dõng dạc gọi món sausage “ruột già” (tôi không nhớ tên gọi là gì nên tự “chế” tên món ăn), và giải thích với mẹ món này là một trong những món tiêu biểu của Pháp. Cháu nếm một miếng, gật gù, rồi “mời” mẹ và mấy em ăn thử. Trời ạ, một mùi “thơm” khó tả của ruột già rửa không kỹ nồng nàn xông lên! Không rõ cậu con trai quý nhớ sai hay Tây có sở thích khác Ta mà món ăn cực kỳ đáng… nể sợ! Cậu con cũng phải lắc đầu chào thua. Đẩy món sausage không- thể- nào- nếm- nổi ở xa tít tận góc bàn mà mùi “thơm” quyến rũ cứ dội lại khiến phải nhờ người bồi bàn dọn đi gấp! Tâm hồn ăn uống đôi khi cũng phải gặp “gian truân” và trả giá khá đắt (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) đấy chứ!

Chưa hết, tôi gọi món soup hành tiêu biểu của người dân xứ Pháp, mà cô bạn hết lời khen ngợi khi nhắc đến. Nhìn tô soup, nước lỏng bỏng, mấy miếng hành tây chín nằm “lang thang” quanh tô, thêm vài mẩu bánh mì nổi lềnh bềnh sao ngại ngùng quá. Nếm thử một tí, dù người rất mệt vì đi bộ dạo phố khá lâu, mà lòng thầm nghĩ “ước gì có tô mì gói còn ngon hơn nhiều”!  Đúng là hai Lúa vẫn hoàn  hai… Ngố!

Cô con gái cẩn thận hơn, gọi bò beefsteak cho chắc ăn, quả thật, món này thật là ngon, thịt bò tươi, ngọt (nhưng không được mềm như thịt bò eye fillet của Úc) nước sauce đậm đà và cách trình bày thẩm mỹ làm tăng thêm vị giác. Nhưng nhìn giá tiền thì hình như bụng… nhói đau!

Từ đó rút kinh nghiệm, chỉ chọn ăn những món gì mà mình từng ăn thử tại nhà hàng Tây bên Úc để so sánh cách nêm nếm, cách trình bày chứ không “can đảm” gọi liều. Các loại món ăn khác của Pháp, tiếc là vì tiếng Tây chỉ biết on đơ nên chẳng nhớ tên, nói chung đều ngon vì… ít! Thật thế một dĩa dọn ra sao khiêm nhường quá! Chẳng hạn như món cá hồi nướng hoặc hấp, miếng cá chỉ khoảng nửa bàn tay, ngon và bổ dưỡng thật đấy nhưng “chả bỏ dính răng”!

Nhưng công tâm mà nói thì món tráng miệng như bánh Flan và các loại bánh kem của Pháp thật tuyệt cả về hình thức lẫn nội dung!

Qua Ý, món Spaghetti, Pizza, Lasagna lạ hơn ở Úc vì đơn giản hơn, truyền thống hơn nhưng có vẻ đơn điệu. Pizza chỉ vài miếng Salami kèm với Cheese, phủ trên một lớp base mỏng  với Tomato sauce. Giòn thì có giòn nhưng ngon thì… không dám “còm men”! Spaghetti chắc chỉ dành cho người ăn… chay vì thịt đi kèm rất ư là “khiêm tốn” nhưng lại “dạt dào“ Cheese!. Lasagna tạm được, mùi vị đậm đà nhưng thịt thì hình như cũng e lệ trốn kỹ. Nhớ lại các bạn bên Úc khuyến khích tôi khi qua Ý phải thử mấy món  thuần túy này, nhưng quả thật là tôi… ngán quá!. Thành ra tôi “nếm”… Ice cream hơi nhiều! Kem bên Ý gọi là gelato thì không chê vào đâu được, đủ mùi vị nhưng tôi thích nhất là mùi dưa (melon), dâu (strawberry) và pistacchio (một loại hạt)! 

 

Bên Anh, buổi ăn sáng English breakfast nhìn cũng hấp dẫn lắm, này nhé hai trứng gà ốp la, mấy miếng Bacon, Sausage, nấm, đậu trắng (bean) kèm với hai miếng bánh mì Sandwich nướng thì quá chất lượng và ngon làm sao, tráng miệng với hủ Yaourt hay ly nước cam, tách trà sữa hay ly café… thì đủ năng lực cho một ngày tung tăng trên đường phố hay dù đứng phơi… nắng hằng gìờ trước điện Buckingham chờ xem lính đổi ca cũng chẳng hề chi! Món ăn ở Anh cũng tương tự như Mỹ, Úc nên không có gì đặc biệt mà giá cả lại mắc gấp hai, ba lần nên chúng tôi cũng ngại đi “thám hiểm” tìm món ngon. Chỉ có ngày cuối, nghe người bạn của cậu con trai giới thiệu, chúng tôi đến cửa hàng ăn tôm hùm, một phần ăn là nguyên con tôm hùm, một tô Chip và một dĩa Salad, giá cả tương đối phải chăng so với các món ăn khác ở đây, nên áp dụng câu “yolo” (you only live once) , cả nhà hăng hái nhập tiệc, mặc kệ cholesterol đang chờ đón!

Có điều lạ về thức uống ở châu Âu là giá một ly rượu rất rẻ so với nước ngọt  -  còn nước lọc (thật ra là nước vòi) cũng vẫn tính tiền chứ không như Mỹ, Úc, Canada… được miễn phí - có lẽ vì thế nên ít ai gọi nước ngọt và nhà hàng luôn dọn ra loại ly đựng rượu dù là để đựng nước lọc!

Vẫn biết rằng văn hóa ẩm thực mỗi nơi mỗi khác, khẩu vị mỗi người một ý nhưng “cái tôi” có lẽ còn đậm chất Hai Lúa trong người nên dù đã được đi Tây mà chẳng lai Tây được thêm chút nào kể cả về cách ẩm thực. Thôi thì “ta về ta tắm ao ta / dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, món ăn Việt Nam vẫn là khoái khẩu nhất đối với tôi!

Hồ Diệu Thảo