PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Hôm nay thời tiết bên ngoài trở lạnh vì trời đã lập Đông. Vân An ngồi chờ ở phi trường để đón hai đứa con từ Việt Nam sang. Trong khu chờ đợi hành khách đến, người người dáng vẻ bồn chồn nao nức. Riêng nàng thấp thỏm đứng ngồi không yên. Thỉnh thoảng đến ghé mắt vào màn ảnh xem lịch trình các chuyến bay có gì thay đổi không. Hôm nay là ngày nàng mong chờ từ lâu để gia đình đoàn tựu sau những tháng năm dài xa cách.
 
Thấm thoát đã hơn năm năm nàng lưu lạc trên xứ người. Ngày rời quê hương trong tâm trạng rã rời của một góa phụ. Chồng nàng đã qua đời vì bệnh tim. Sau khi chồng nàng mất, mấy đứa em bên Mỹ muốn nàng sang đây để chị em có nhau và để nàng quên kỷ niệm đau buồn. Nàng do dự mãi, phần vì hai con, phần vì kỷ niệm của những năm tháng chăn gối như còn dư hương mỗi sáng, trưa, chiều, tối. Cuối cùng nàng quyết định phải đi để lo tương lai cho hai con. Giấy tờ và thủ tục được hoàn tất nhờ các em tận tình lo liệu và một phần nhờ lý lịch của chồng nàng nên được dễ dàng chấp thuận ở phía Hoa Kỳ. Chồng nàng là một chiến binh trong Quân Lực VNCH đã hy sinh một phần thân thể mình cho Tự Do mà anh và hàng hàng, lớp lớp chiến hữu đã chiến đấu để bảo vệ quê hương. Nàng rất hãnh diện về chồng và thường kể cho hai con nghe về cuộc đời binh nghiệp của cha chúng. Nhưng nàng và các con đã không có được cuộc sống thuận lợi trên phần đất mà chồng và cha mình đã hy sinh. Nàng không xin được việc làm vì lý lịch của chồng, nên phải sống nương tựa vào cơ sở làm ăn của người bà con. Hai đứa con thì bị đủ điều khó dễ từ khi đi học, cho đến khi đi làm, vì lý lịch của cha. Chúng tuy học rất giỏi, làm việc rất siêng năng, cần mẫn nhưng khi được đề bạt để thăng ngạch trật thì hồ sơ được gởi về tận quê cha ở cách xa chỗ làm việc của chúng hàng năm, sáu trăm cây số để điều tra. Và kết quả lý do bị khước từ vì cha là lính "Ngụy". Nàng an ủi hai con, nhưng chúng hiểu và chấp nhận vì luôn tự hào về Ba là người lính VNCH.  
 
alt
 
Ngày rời quê hương, trên chuyến xe từ miền Tây lên Sài Gòn, bao nhiêu cây số đường là bấy nhiêu kỷ niệm Vân An phải bỏ lại quê nhà. Con đò Mỹ Thuận xình xịch đưa nàng qua sông Tiền Giang. Con sông thân yêu đã lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm của nàng và Quốc Thái, người chồng quá cố, vì biết bao nhiêu lần hai vợ chồng đi lại giữa hai quê. Vì Thái là phế binh, nên mỗi lần qua đò xuống bắc rất ư là khó khăn vì sàn chiếc bắc long chong, đã nhiều lần làm Thái sắp ngã khi chiếc nạng mất điểm tựa. Bao nhiêu lần Vân An đi lại trên đường này mà giờ đây nàng mới thấy những hình ảnh, cảnh sắc, sinh hoạt trên đường sao quá thân thương. Các mái nhà san sát bên đường, con kinh nhỏ có những chiếc xuồng con xuôi ngược. Những cái bẩy gió để bắt cá treo lơ lửng trên các chiếc cầu khỉ. Lá gòn để làm nhang, lúa thóc sau vụ mùa, phơi ngay trên đường xe chạy. Những hình ảnh đặc thù này chỉ có ở quê hương miền Tây của nàng thôi. Các người bạn đưa tiễn mắt đượm buồn, khi chia tay nói là nàng có phước. Thật vậy không? Phước phần có còn sót lại chút gì cho nàng không, khi Thái đã bỏ nàng mà đi? Đêm đêm nàng tự hỏi, Thượng Đế có thấu cho thân phận con chăng? Trong đám đông qua lại, trò chuyện, cười đùa kia tại sao không có Thái? Tại sao vận số không phải là một người trong đám đông kia, mà là chồng nàng, khi mà Thái là tất cả của đời mình? Những đau khổ dần dà vơi đi, nhưng nỗi cô đơn vẫn gặm nhấm nàng đêm đêm. Rồi đây nơi xứ người, khi Xuân đi, Hạ đến, Thu qua, Đông tàn, đời nàng sẽ ra sao? Bao nhiêu câu hỏi, không có câu trả lời. Càng thấy lòng dằn vặt vui buồn lẫn lộn khi Vân An ngồi gọn trong phi cơ. Phi dạo chạy dài như tương lai trước mặt. Cuối phi đạo kia, việc gì đang chờ đón. Không trung bao la, việc gì sẽ xảy ra khi phi cơ hạ cánh ở miền đất lạ. Nàng được nhấc bổng lên cao khi phi cơ cất cánh, từng đám mây bên dưới như những mớ bông gòn lơ lửng đưa nàng đi về miền đất hứa.
 
Nàng lần tay vào túi mân mê tấm thẻ bài của chồng. Nàng đưa lên môi hôn rồi áp tấm thẻ bài vào ngực, như ngày nào nàng áp chiếc khăn tay vào lòng khi nàng gặp Thái lần đầu nơi bệnh viện. Tấm thẻ bài này là chút kỷ vật của người chồng quá cố, là hành trang cho cuộc hành trình về vùng đất Tự Do. Nàng buột miệng "Thái ơi! Phò hộ cho em nơi xứ người và các con còn ở lại quê nhà".   
 
Quê hương nàng nhỏ dần bên dưới. Thành phố Sài Gòn rộng lớn bao nhiêu mà nay chỉ còn là một điểm nhỏ dưới chân trời. Nàng thấy nghèn nghẹn, hai hàng nước mắt làm ướt má nàng tự bao giờ. Nghe như có tiếng nói của Thái văng vẳng bên tai những lời khuyến khích, khuyên nhủ đáp lời cầu nguyện của nàng. Bao nhiêu kỷ niệm về mối tình thật đẹp của nàng và chồng lần lượt hiện về như khúc phim xưa cũ được trình chiếu...
 
***
 
Ngày đó, Cô giáo cho biết Vân An và một số các bạn học cùng lớp được chọn để đi thăm các thương binh hiện đang điều trị tại bệnh viện tỉnh lỵ vào cuối tuần sau. Một số các học sinh viết thơ cho các anh chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Các nữ sinh thêu khăn tay để tặng các thương bệnh binh đang điều trị. Trong thời kỳ hoa mộng của tuổi thơ, Vân An mong sự đóng góp nhỏ nhoi của mình xoa dịu phần nào những đau khổ mà các anh đã hy sinh cho hậu phương được an bình. Chiến tranh càng khốc liệt thì bệnh viện càng đông thương binh. Chương trình ủy lạo chiến sĩ, thăm viếng các thương binh nhu cầu vì đó mà gia tăng. Đêm đêm Vân An nghe chương trình Dạ Lan, tiếng nói của em gái hậu phương gởi các anh ngoài tiền tuyến. Nàng tưởng như chính mình đêm đêm đem giọng nói ngọt ngào để an ủi các anh chiến sĩ cầm súng gìn giữ quê hương, từ thành thị đến thôn quê, đến các tiền đồn đèo heo hút gió hay các căn cứ nơi biên phòng.
 
Hôm nay, Vân An cảm thấy rất nôn nóng trong lòng nên khi vừa về đến nhà là nàng lăng xăng đi tìm chọn mẫu thêu, dùng viết chì đồ vào mấy tấm lụa làm khăn mouchoir. Đêm đêm, sau khi làm bài vở xong, mở radio nghe chương trình Dạ Lan trên đài Quân đội rồi nàng thêu các chiếc khăn tay. Nàng rất hài lòng, ngắm nghía các chiếc khăn tay đã được thêu xong. Nàng thật vui vì nghĩ là các anh chiến binh sẽ thích lắm khi nhận món quà này của mình, và đêm nay nàng cảm thấy tâm hồn rất bình an và chìm trong giấc mơ thật đẹp.
 
Vân An và các bạn được các anh thương bệnh binh vui vẻ chờ đón. Nàng lo lắng, ôm ghì hộp quà chứa ba chiếc khăn tay trước ngực. Nàng nghĩ trong đầu những câu thăm hỏi. Bước chân nàng như ngập ngừng khi gần đến bên giường của người chiến sĩ được nàng ủy lạo. Nàng tự giới thiệu và lí nhí mấy câu chào hỏi. Anh thương binh trông còn rất trẻ. Nửa phần người phía dưới được phủ lớp drap trắng bệnh viện. Cặp mắt anh như có sức thu hút khi trò chuyện cùng Vân An. Lối nói chuyện duyên dáng, tự nhiên. Sắc mặt anh có vẻ mệt mỏi, nhưng khi anh trò chuyện thì hầu như tan biến. Được biết quê anh ở thật xa nơi đây. Quê anh có cát trắng, có hàng dương liễu chạy dài bên bờ đại dương và là thắng cảnh của quê hương mình. Anh xa nhà từ ngày ra trường và chưa lần nào về thăm. Mắt anh như xa xăm khi nói về miền quê hương cát trắng, và ánh mắt thật tha thiết khi hát nho nhỏ:
 
"Nha trang, là miền quê hương cát trắng,
trông lên xanh len màu trời,
nhìn ngoài nước thắm xa khơi...
Nha trang, hòa mình  vương vương khắp lối
đêm đêm trăng thanh rạng ngời
ngày ngày nắng ấm xinh tươi..."

( Nha Trang - Minh Kỳ )
 
Tiếng ca trầm ấm, ngân nga nhẹ nhàng. Vân An cảm thấy ngây ngất như nghe tiếng đàn Hạ Uy Cầm thánh thót trong gió, hòa theo từng cơn sóng đùa vào bờ.
 
Nàng khen anh hát hay!
 
Anh khen nàng thêu khăn đẹp!
 
Sao thời gian qua đi mau quá! Mới đó mà đã hết giờ ủy lạo. Vân An từ giã người thương binh trẻ tuổi hào hoa. Người thương binh bịn rịn, vì không biết có cơ duyên nào gặp lại. Bằng hai tay, anh đưa chiếc khăn tay lên môi như nói lên lời từ biệt.

-  Chào chú! Chúc chú chóng được bình phục.

Ôi, đôi mắt đó, tuy câm nín nhưng như nói thật nhiều. Khuôn mặt, giọng nói trầm ấm đó như theo đuổi nàng suốt đường về.

Có phải đây là duyên số. Sau này Vân An được biết Thái bị tàn phế vì anh đã để lại một phần thân thể của anh khi chiến đấu cho quê hương. Anh cho biết dù tàn phế nhưng tin mình sẽ khắc phục mọi trở ngại. Sau biến cố trọng đại tháng 4-75, anh bị tống ra khỏi bệnh viện mặc dù cơ thể chưa hoàn toàn bình phục. Tình thương nàng dành cho Thái ngày càng tăng khi biết anh lâm vào hoàn cảnh bi thương cùng vận nước. Vân An thường nghe người thương binh trẻ tuổi tâm sự về cuộc sống của chàng. Đến một hôm Thái ngỏ lời yêu nàng và xin cầu hôn. Lòng thương người và tình thương nàng dành cho anh đã khiến nàng chấp nhận lời cầu hôn, dù nàng chưa yêu, và dù nàng bị nhiều sự cản ngăn từ gia đình và bè bạn. Khi chấp nhận lời cầu hôn, nàng nghĩ mình là cái phao để giúp chàng qua cơn hoạn nạn, là chiếc nạng gỗ để chàng đi đứng được bình thường, là hoa hướng dương để chàng thấy con đường trước mặt ánh sáng chan hòa, là bạn đồng hành để cùng chàng chia sẽ buồn vui trong cuộc sống... nàng rất hạnh phúc, và hai đứa con, một trai một gái, là kết quả của tình yêu mặn nồng. Nàng xa cha mẹ, bè bạn thân thương để nhận quê hương chàng làm quê hương mình. Cuộc sống thật nhiều khó khăn vào buổi giao thời, và càng khó khăn hơn khi chàng là người phế binh bại trận. Dù vậy chàng rất năng động. Chu toàn mọi việc dù khiếm khuyết về thể chất. Chàng là biểu tượng cho sự kiên trì, là người chồng tốt, người cha gương mẫu. Nhưng gia cảnh nàng ngày càng suy sụp, có lúc không đủ gạo, phải ăn khoai mì để sống, dù vậy gia đình vẫn hạnh phúc. Thời gian sau nầy, khi muốn dẫn hai con về thăm quê nhà vào mỗi dịp Tết, nàng phải chăn nuôi gà, heo để bán và chắt chiu từng đồng mới đủ tiền cho mỗi chuyến đi. Bao nhiêu cay đắng nhọc nhằn đã cướp đi mạng sống của anh ra khỏi đời nàng. Cay nghiệt thay! Những hình ảnh của ký ức làm lòng nàng thêm tê tái.

Quá khứ dù nhiều nỗi u buồn, nhưng với tình yêu của chồng, đã giúp nàng vượt qua những nỗi khó khăn khi Thái vĩnh viển ra đi. Tương lai thì tùy thuộc vào sự thành công của hai con nơi xứ người, mà đêm đêm nàng luôn cầu nguyện. Còn hiện tại là sự sum họp nàng hằng mong đợi, vì nàng đã bỏ rất nhiều công sức để có được ngày hôm nay...
 
alt 
 
Phi cơ hạ cánh đúng giờ dự định. Vân An hồi hộp đợi chờ. Hành khách người người hớn hở quên đi mệt mỏi sau cuộc hành trình dài. Tiếng chào đón với nhiều ngôn ngữ khác nhau, những cái siết tay, những nụ hôn, những vòng tay ôm thật chân tình... Bỗng mắt Vân An sáng lên khi bắt gặp vóc dáng thân thương của hai con lẫn trong đám hành khách.
 
-  Mẹ!
 
-  Con!
 
Nàng ôm chầm hai con như sợ chúng vuột mất khỏi tầm tay. Nàng đưa tay ra đón hũ tro đựng hài cốt chồng, mà hai con đã rước từ chùa ở Việt Nam mang sang đây theo lời mẹ dặn. Gia đình đoàn tựu là ước nguyện bấy lâu, nay nàng được mãn nguyện. Bức ảnh chồng trên hũ tro hài cốt như tươi cười với nàng. Chính nụ cười kia là khởi điểm mối tình giữa nàng và Thái, sau lần đầu gặp gỡ trong bệnh viện hơn ba mươi năm qua. Nàng quàng tấm thẻ bài của chồng, kỷ vật mà nàng đã mang theo bên người trong suốt năm năm qua, lên hũ tro đựng hài cốt và vòng tay ôm, như ôm người chồng sẽ cùng nàng sánh vai đi hết đoạn đường còn lại của cuộc đời. Nàng cảm thấy ấm áp vô cùng mặc dầu bên ngoài trời đông giá lạnh..

Cả nhà lên xe! Tiếng hát từ CD êm đềm, "Nha trang là miền quê hương cát trắng..." như nhắc lại buổi gặp gỡ Thái lần đầu. Nàng âu yếm vuốt ve hũ đựng hài cốt chồng với hai dòng nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má...
                                                                                                                   
Songthy