PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

Trời đã vào tháng Tư, một chút u buồn chợt đến. Hôm đó, ngày lễ Vu Lan, khách thập phương viếng chùa thật đông. Chiều xuống dần, trên nền trời bầy chim thong thả bay về tổ. Cảnh chùa cho tôi cảm giác bình an khi thấy bức tượng Phật Quan Âm hiền lành dưới ánh nắng lung linh, dưới chân là dòng suối với tiếng nước róc rách. 
Tôi rảo bước về phía chánh điện và thoáng để ý đến người đàn bà mặc áo lam đang quét lá vì khuôn mặt trông quen quen. Như linh tính chị ngẩng mặt nhìn tôi, một thoáng suy nghĩ, chị mỉm cười:
 
-  Lan, không nhìn ra chị sao?
 
Tôi nhận ra chị Mai. Làm sao tôi quên nụ cười của chị, lúc nào cũng như muốn giữ chút gì riêng tư cho mình. Ánh mắt đó, rạng rỡ, nhưng không che nỗi u buồn.  
 
-  Làm sao quên chị được. Có lẽ chị xuống tóc nên chợt nhìn không ra đó thôi. 
 
Tôi tiếp:
 
-  Lâu quá không gặp chị, dạo này chị khỏe không? Mấy cháu ra sao?
 
Thoáng buồn, chị đáp:
 
-  Cũng bình thường Lan à! Nhưng câu chuyện dài dòng. Hôm nào rảnh rỗi Lan ghé nhà chị chơi, mình nói chuyện nhiều hơn nghe. Ngẫm nghĩ xong chị tiếp:
 
-  Lan đến viếng anh nhà phải không? Chị cũng vừa đốt nhang cho anh nhà chị xong.
 
-  Dạ, em đi lễ Phật xong phải về ngay, vì hôm nay Chủ Nhật các con đang chờ ở nhà. À, chị còn ở chỗ cũ chứ? Chị cho em số điện thoại, khi nào đến em sẽ gọi cho chị hay trước.
 
Chúng tôi chia tay. Trời chiều xế bóng. Tiếng chuông ngân nga từ chánh điện vươn cao, át cả tiếng huyên náo trong ngày lễ hội. Chị nhìn tôi như muốn nói điều gì, nhưng lại thôi.
 
Tôi rời chùa, lòng buồn man mác. Ngày lễ Vu Lan là ngày báo hiếu. Ba Má tôi vẫn còn đủ, nhưng yếu nhiều.  Tuổi già sức khỏe xuống mau thấy rõ.  Tôi có chút lo lắng, nên thường đến chùa vào những ngày như hôm nay, đốt nhang khấn nguyện cho ba má tôi được sức khỏe để vui sống cùng con cháu.  
* * *
      Mấy hôm sau chị Mai điện thoại mời tôi đến nhà chơi nhân ngày giỗ chồng.  Tôi hứa và đã thu xếp đến thăm chị cũng vào buổi chiều, khi những tia nắng cuối ngày tiếc nuối đọng trên ngọn cây đong đưa.  Căn nhà nhỏ nhắn, có vườn hoa xinh xắn trên lối vào, đầy màu vàng hoa cúc.  Chị Mai đón tôi ở ngưỡng cửa với nụ cười thật tươi và rạng rỡ. 
-  Cám ơn em tới thăm chị hôm nay.  Chị cũng vừa cúng xong.  Mời em vào.  Sao nhìn chị dữ vậy?
Tôi muốn nói là vì nụ cười chị đón tôi hôm nay khác hơn những lần gặp trước. Nhưng tôi lại im lặng và theo gót chị vào nhà
-  Chị Mai!  Chị có mời ai không?  Mấy cháu có đến không?
Chị không trả lời.  Thong thả rót nước và mời tôi ngồi.  Chị gượng gạo:
-  Chị không có mời ai cả.  Còn mấy cháu bận hết không đến được.
Chị Mai tiếp:
-  Hôm nay chị mời chỉ mình Lan, muốn tâm sự riêng vì có lẽ mình đồng cảnh ngộ.  Nhưng hoàn cảnh của Lan và chị thì khác nhau xa.  Con của Lan ngoan ngoãn, còn mấy cháu của chị là nỗi buồn mà chị giấu kín từ lâu.
     Tôi thẩn thờ khi nghe chị nói.  Chồng chị cũng mất hơn 30 năm rồi.  Lúc sang đây, chị vẫn còn xuân sắc.  Vài năm sau chồng chị bị bệnh rồi mất.  Một mình chị phải gánh vác tất cả, chị phải làm hai ba jobs để lo cho chồng, nuôi mẹ và ba đứa con.  Cái giường là nơi chị thèm đặt lưng lên nhất, nhưng mỗi ngày chỉ ngủ được năm ba tiếng là cùng.  Chị phải đầu tắt mặt tối.  Sáng rời nhà lúc mặt trời chưa thức, khi về đến nhà mặt trời đã ngủ yên.  Nhờ có bà ngoại thay chị chăm sóc cho các cháu. Mỗi đêm khi về đến nhà, chị nhìn các con yên lành trong giấc ngủ mà lòng xót xa, vì không có thời gian gần gủi các con nhiều.  Nhìn khuôn mặt vô tư của các con, đó là nguồn an ủi, và động lực tạo cho chị thêm sức chịu đựng để làm việc.  Hằng tháng chị luôn tính toán làm sao để cân đối tiền lương và các chi tiêu trong gia đình.  Nhờ trời chị còn sức khỏe để làm việc.  Đêm đêm, chị thường cầu nguyện Trời Phật độ trì và chồng chị phò hộ cho cả nhà được bình yên. 
Cuộc sống có cơ cực, nhưng chị không hề nghĩ đến bước thêm bước nữa, vì sợ tình thương cho các con bị san sẻ . . . mặc dù ở tuổi chị vẫn còn tràn đầy sinh lực.  Chị thường viếng chùa nhất là vào những ngày lễ, chị không bao giờ vắng mặt, gần đây vì có chuyện buồn nên chị đã xuống tóc, đến chùa làm công quả.
 Cúng vừa xong, chị dọn xuống bàn rồi nhìn tôi và hỏi:
 
-  Lan nghĩ gì mà thừ người vậy?  Thôi, hai chị em cùng ăn nhé!
-  Cám ơn chị.  Em ăn một chút với chị cho vui.
Khi ăn xong, tôi bước theo sau và nhìn thấy bước đi của chị không bình thường, tôi liền hỏi:
-  Chân chị đau hay sao?
Chị đã mổ chân mấy tháng trước.  Nằm nhà thương mấy hôm.  Bây giờ khá rồi, trước đây đi tới lui trong nhà cũng khó khăn lắm, Lan!
Với giọng buồn buồn chị tiếp:
-  Thể xác đau, nhưng không thấm gì so với nỗi đau tinh thần.  Tiếng chị nhẹ như hơi thở, rơm rớm nước mắt chị kể tiếp:
-  Chân đau cũng là kết quả của sự làm việc vất vả qua bao năm tháng để lo cho gia đình.  Bây giờ con cái thành tài thì sức khỏe cũng đến lúc suy giảm, thế mà các con không hiểu Lan à! 
-  Ba cháu con chị, cô lớn ra dược sĩ, hai cậu trai ra kỹ sư.  Công ăn việc làm ổn định và các cháu đã lập gia đình.  Chị đâu còn gì phải lo lắng, chỉ cần yên vui với tuổi già.  Mong chân chị sớm bình phục. Tôi tiếp:
-  Hôm ở bệnh viện có ai nuôi chị không? 
Chị thở dài tiếp lời tôi, giọng thật buồn:
-  Có đứa con trai đưa con vào thăm.  Vậy thôi đó Lan.  Khi về nhà lại ở một mình, vì chân đau nên sự di chuyển cũng khó khăn lắm.  Chị nghĩ trời sanh voi sanh cỏ, mình chưa tới số chết, còn nặng nợ trần thì cũng sống vậy thôi.
-  Tội nghiệp chị quá, thế còn cô con gái chị đâu! 
Tôi nắm tay chị vỗ về an ủi.  Nước mắt chị lăn dài.  Chị lấy vạt áo thấm, trong nghẹn ngào chị kể:
-  Hôm trước đây có người bà con đến thăm.  Chị em tâm sự, chị ấy cho biết cô con gái của chị không vào thăm vì giận chị đó.
Lấy bình tỉnh, giọng trầm buồn chị phân trần:
-  Cháu cho biết, nó không chăm sóc chị để chị biết cảm giác bị bỏ rơi như thế nào, vì cháu nghĩ khi cháu còn nhỏ chị không cận kề săn sóc, chăm lo cho cháu, mà để mặc bà ngoại lo.  Chị tiếp, giọng trầm buồn:

-  Lan coi!  Chị đi làm cả ngày, làm sao có thời gian bên cạnh con như cháu muốn.  Lúc đó, chữ nghĩa không rành, tiếng Anh không thông, mọi thứ đều xa lạ nơi xứ người . . . bao nhiêu khó khăn chị phải đối phó.  Chị sống, như người mù mờ đi theo chiếc bóng.  May mà chị còn sống sót đến hôm nay.  May mà chị lo được cho các cháu nên người!!!
Uống ngụm nước chị tiếp:
-  Con gái nó lý luận, nó cũng đi làm, cũng quần quật cả ngày mà sao cũng có thời giờ lo cho con, cho gia đình mà chị thì không?  Lan biết tình trạng của con mình ngày nay khác chị khi xưa trăm thứ.  Cháu không hiểu được, hiện tại những gì cháu đang có là do sự hy sinh của chị trước kia. Chị luôn cầu nguyện hằng đêm và hy vọng ngày nào con chị hiểu rõ, để chị được ôm nó vào lòng như thuở nhỏ và nói "Mẹ thương con nhiều lắm"
Rồi chị tự an ủi:
-  Tất cả là số phận và nghiệp quả thôi!  Chị sinh ra đời với ngôi sao xấu. Chị ráng trả cho xong kiếp nầy, hy vọng kiếp sau được thảnh thơi hơn.  Em biết không, khi không còn nước mắt để khóc nữa, chị mới nghiệm được như thế đó Lan!
Chị nhìn tôi với cái nhìn thật tội nghiệp.  An phận.
      Tôi nhìn chị thật lâu, không biết nói gì để an ủi, nói lời nào thích hợp trong hoàn cảnh này!  Tôi thấy cay nơi khóe mắt chỉ biết lắc đầu nghẹn ngào.  Ngọn đèn điện trên trần soi sáng làm đầu chị bóng loáng, như có ánh hào quang tỏa ra từ thân hình nhỏ bé, của người đàn bà suốt đời tận tụy, chịu đựng và hy sinh.
Chị nhìn tôi ra chiều hối hận vì làm tôi buồn lây:
-  Chị cám ơn Lan đã đến chia sẻ với chị.  
Chị đưa tôi ra cửa.  Mặt trời đi ngủ tự lúc nào!
* * *
 
Thời gian qua mau.    
 
Đêm nay tôi nghĩ nhiều về chị vì ngày mai là Mother's Day. Chiều nay tôi gặp chị, cũng chiếc áo lam nhẹ nhàng, chị thanh thản dạo quanh chùa. Dáng hao gầy mong manh, trời chiều kéo dài bóng chị trên đất, gãy vỡ trên bực thềm lên chánh điện. Chị chấp tay chào tôi. Ngẫm ra, cả năm nay không gặp chị. Người mẹ suốt đời tận tụy hy sinh cho chồng cho con, cho mẹ già. Nay cô đơn trong buổi hoàng hôn của cuộc đời. Có lẽ chị đã tìm được sự bình an cho tâm hồn. Trên cao, đức Mẹ Quan Âm nhìn xuống với ánh mắt nhân từ. Đàn chim bay về tổ. Các con của chị giờ ra sao? Chúng có tổ ấm vui vầy. Còn chị nương nhờ cảnh chùa để được che chở dưới bóng Từ Bi.
 
Hỡi các người con!
 
Có khi nào nghĩ đến mẹ hôm nay? 
 
Có khi nào trách cứ mẹ không làm tròn bổn phận mẹ hay không? 
 
Có khi nào nghĩ đến một ngày nào sẽ không còn gặp lại người mẹ thân yêu, đã hy sinh cả cuộc đời, để bảo bọc các con nên người khôn lớn? 
 
Tình mẫu tử vô bờ bến! Biển rộng khôn cùng, trời đất bao la, tình Mẹ là vậy đó. Có lẽ khi tuổi đời chồng chất, các người con sẽ hiểu rõ mẹ hơn, và ngày đó mẹ sẽ vĩnh viễn không còn bên mình nữa.   
 
Ngày mai là ngày Mother's Day.
 
Hãy tặng mẹ bông hồng, một chiếc thôi cũng đủ ấm lòng người mẹ. Dù biết đó chỉ là biểu tượng, nhưng chúng ta hãy làm những gì có thể cho phải đạo làm con, để mai này không thốt lên chữ "phải chi" với lòng hối hận, bởi những gì người mẹ cần là tình thương và lòng tương kính mẹ xuất phát tự con tim của các người con...

Songthy
Mother's Day 2012