(Lời tâm tình vụn vặt trong cơn Bão Harvey)
Sau khi tham dự lễ tốt nghiệp vào cuối trung tuần tháng 8 năm 2017, cô con gái đầu lòng đề nghị đưa mẹ và em gái đi du ngoạn vài ngày. Thật ra cũng chỉ là chuyến dã ngoại ở một thành phố cách nơi tôi cư ngụ không xa lắm. Nhìn cô bé xúng xính với bộ quần áo hơi quá khổ trong buổi lễ đón nhận văn bằng, lòng tôi xúc động vô cùng. Con tôi thật sự trưởng thành rồi!
Tôi đã vượt qua một đoạn đường đầy gian nan với trọng trách khá nặng nề, để hôm nay nhìn con tôi khôn lớn, nên người. Lòng tôi vui như mở hội. Đó là lý do tại sao tôi sẵn sàng nhận lời tham dự cuộc du ngoạn ấy, dù công việc đang bề bộn, và nhất là dự báo thời tiết cho biết một cơn bão lớn sẽ đổ vào Houston cuối tuần lễ này.
Chỉ vài ngày gác bỏ mọi lo toan cuộc sống để cùng gia đình người em gái và hai công chúa nhỏ sống những phút giây thật êm đềm gần gũi, đã cho tôi bao cảm xúc khó tả. Khi được hai cô con gái sắp xếp cho mẹ và dì ngủ phòng nào, ăn món gì... tôi cười thầm và thấy hạnh phúc chẳng cần tìm đâu xa... Chợt nhớ lại những việc nầy tôi đã từng làm cho các con hơn mười năm về trước.
Tôi nghiệm ra sự chí lý trong câu hát của một nhạc sĩ nào đó đã viết:
Chiều Thứ Năm, trên đường về, mọi người đều nơm nớp lo sợ với những tin tức nhận được qua Radio về cơn bão Harvey. Càng đi sâu vào trung tâm thành phố càng thấy vẻ nghiêm trọng thực sự của những nguồn tin ấy. Bầu không khí căng thẳng bao trùm khắp nơi. Mọi người hối hả mua sắm mọi thứ thực phẩm cần thiết cho cuôc sống hàng ngày. Tất cả các nơi đều đông nghẹt, nhưng vẫn giữ được trật tự. Điều này nói lên lòng tôn trọng luật pháp của một dân tộc có nền giáo dục nhân bản.
Sau khi ai về nhà nấy, chỉ còn hai mẹ con tôi, vì cô con gái nhỏ ở lại nơi trọ học. Chúng tôi dừng lại một tiệm thực phẩm gần nhà để mua thêm một thùng mì và mấy xách nước uống. Cô bé đi học xa nhà từ lâu, nên cũng biết tự chăm lo cuộc sống, bảo mẹ cứ ngồi ngoài xe, để mình cô vào được rồi. Hơn nửa tiếng sau, con gái tôi trở ra với một thùng mì và một xách nước lọc.
Tôi thắc mắc hỏi:
- Mẹ nói mua hai xách nước, sao con mua có một vậy? Bộ người ta chỉ bán mỗi người một xách hả con?
- Họ bán mỗi người hai xách đó mẹ! Nhưng con thấy như vậy là đủ cho hai mẹ con mình rồi. Sẽ còn rất nhiều người cần hơn mình đó mẹ!
Tôi sững sờ trước câu trả lời của cô con gái mà lúc nào tôi cũng nghĩ là còn rất bé bỏng. Ôi! Con tôi được sinh ra và trưởng thành trong một môi trường nhân bản, không vị kỷ chỉ nghĩ đến mình mà còn biết quan tâm đến những người chung quanh!
Ngày Thứ Sáu, cả thành phố bao trùm một không khí vô cùng căng thẳng. Dòng người đổ dồn vào các chợ thực phẩm ngày một đông, gợi trong tôi ký ức những tháng năm loạn ly trên quê hương. Một ngày tràn ngập nỗi phập phòng âu lo. Buổi chiều thì thảm họa thật sự đã đến khi "vị khách không mời mà ngang nhiên thăm viếng" ập vào Rockport, một thị trấn ven biển cách xa chúng tôi hơn ba giờ lái xe. Với sức gió tại tâm bão lên đến hơn 100 Miles một giờ, nên Houston cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Đêm Thứ Sáu thực sự là một đêm trắng, chỉ biết ngồi dán mắt vào màn ảnh truyền hình để theo dõi tin tức, nhận điện thoại thăm hỏi từ người thân và của bạn bè, tôi cũng chuẩn bị những thứ thật cần thiết để sẵn trên đầu giường, lỡ khi "làm người di tản buồn" bất đắc dĩ! Và thực sự cũng chẳng dám ngủ, thỉnh thoảng vẫn phải vén rèm nhìn ra ngoài sân, không phải để ngắm trăng, mà ngó chừng xem nếu nước dâng lên thì phải tìm đường "thoát hiểm". Để bớt căng thẳng, tôi chúi đầu vào thực hiện một số thi ảnh cho bạn bè.
Tạ ơn Thượng Đế! Một đêm trôi qua yên bình.
Sáng Thứ Bảy, muốn tìm chút không khí thoáng sau một đêm mất ngủ, tôi lái xe lòng vòng trên những con đường chưa bị nước ngập quá cao, bầu trời âm u dầy đặc mây xám xịt và mưa rất nhiều. Thành phố như vừa trải qua một biến động lớn. Chín mươi phần trăm các cơ sở thương mại đóng cửa.
Lặng lẽ, im lìm và ngột ngạt. Thèm một ly Starbucks nhưng cũng đành chịu.
Dừng lại trước của tiệm, chụp bài tấm ảnh gửi cho bạn bè như một thông báo:
- Cứ yên tâm, tui vẫn bình an...
Chuông điện thoại reo hối hả... Đầu dây bên kia, giọng cô con gái hốt hoảng giục mẹ về, vì ra đường lúc này rất nguy hiểm. Tôi cảm nhận được sự âu lo trong giọng nói của con, nên cũng vội vã quay về. Lại thêm những giờ phút dài đăng đẳng, đối diện với màn ảnh truyền hình, và đón nhận những lời thăm hỏi của thân nhân, bè bạn qua điện thoại. Riêng ba và tôi, mỗi ngày đã liên lạc không biết bao lần để biết tin tức nhau, vì hai nhà cách nhau trên dưới một giờ xe.
Thương ba nhiều, vì đêm nào trước khi ngủ cũng gọi cho các con, nhất là tôi... để biết là vẫn bình an, và dặn dò đủ chuyện. Ba có biết không, các con của ba cũng lo cho ba nhiều lắm, mặc dù ba đang sống chung với cậu em trai. Ngay trong lúc nầy không ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy đến, khi chỉ có thể liên lạc nhau qua điện thoại, chứ không thể đến với nhau khi hữu sự, vì các ngã đường đã bị chận lại, có những vùng "nội bất xuất ngoại bất nhập"... Tình thương của mẹ cha bao giờ cũng thế! Cho dù các con có già, có lớn bao nhiêu vẫn mãi là trẻ con trong lòng cha mẹ.
Một đêm trôi qua với đầy nỗi âu lo, khi hay tin nhà cậu em trai thứ tư bị ngập, nước đã qua khỏi giường ngủ, đang trên đà dâng cao, nên phải gọi đội cứu hộ đến để đưa gia đình ra khỏi vùng nguy hiểm. Qua những hình ảnh xem được trên TV, dù mình bình an nhưng lòng cũng vô cùng xốn xang trước thảm cảnh của những cư dân các vùng lân cận. Có hai người bạn gửi qua tin nhắn cho tôi hai tấm hình vừa chụp được, một chú cá sấu và một anh rắn nằm nghỉ ngơi ngoài cửa sân sau nhà kèm theo lời nhắn: "Khi ra khỏi nhà phải cẩn thận". Nhìn tấm hình ấy, tôi lo lắng không ít vì vừa nghe tin hồ nuôi cá sấu gần Houston bị bể, nên các chú sấu tha hồ tung tăng khắp nơi. Thật là họa vô đơn chí, nỗi lo nầy chưa xong, mối lo khác lại đến, thôi thì chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện!
Ngày Chủ Nhật, một tấm ảnh được đưa lên mạng xã hội, với mức độ truyền tải chóng mặt. Đó là khoảnh khắc tuyệt đẹp về sự nhân bản của con người, đã được nhiếp ảnh gia Davis Phillip chộp được, chỉ vài phút, trước khi toàn bộ dụng cụ hành nghề của ông bị chôn vùi dưới cơn sóng lũ. Giữa biển nước mênh mông, nổi bật hình ảnh người quân nhân Mỹ bế một phụ nữ Việt Nam, trên ngực bà mẹ trẻ ấy là cậu nhóc mới mười ba tháng tuổi, đang chìm sâu trong cơn mộng êm đềm. Nhìn nét mặt mệt mỏi của người lính đặc nhiệm SWAT, chúng ta đoán được anh đã thực hiện công vụ này trong thời gian khá dài. Và khuôn mặt của bà mẹ Catherine thì tràn ngập nỗi âu lo. Thế mà cậu bé Aiden Phạm vẫn vô tư trong giấc ngủ!
Tuổi thơ Việt Nam ơi! Các em may mắn được sinh ra, được dưỡng nuôi và giáo dục trong môi trường đầy tính nhân bản, đầy lòng vị tha này. Hãy biết sống sao để xứng đáng với mảnh đất đã dành cho các em những cơ hội tốt nhất để vươn lên.
Hình ảnh anh quân nhân Daryl Hudeck, vì mọi người, quên tất cả mệt nhọc, khiến tôi chợt nhớ đến câu nói của cô con gái:
"Có nhiều người thật sự cần hơn mình đó mẹ!".
Từ lâu, chúng ta vẫn nghe câu nói trên cửa miệng của nhiều người "Nước Mỹ là thiên đàng", mà thâm tâm tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Nhưng qua trận thiên tai này, tim tôi chợt ấm lên với những gì đã chứng kiến. Và câu nói trên có lẽ cũng không quá cường điệu, chí ít ở phạm trù tình người...
Quả thật nước Mỹ là thiên đàng của lòng nhân ái!
Cảm ơn đất nước này! Cảm ơn nền giáo dục này!
Đã hun đúc nên những lớp người sẵn sàng quên mình vì tha nhân, và mở rộng vòng tay bác ái đối với tất cả mọi người, chứ không có lối sống vị kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết lo cho bản thân.
Xin ơn trên mang bình an đến mọi nơi!
Xin cảm ơn mối quan tâm của thân hữu, bè bạn.
Có hoạn nạn mới thấy chân tình!
Chúc tất cả gia đình không may mắn trong cơn bão, sớm ổn định cuộc sống, trở lại bình thường như xưa.
Songthy