PSSC2017    PSSC2016    PSSC2015

.

Thành phố như còn mơ ngủ tuy mặt trời lấp ló phương đông, ánh vàng nhuộm từng kẽ lá lung linh theo gió. Mùa đông chưa đi, tiết xuân chưa vội đến.  Buổi giao thời hôm nay có nắng vàng ấm áp, bầu trời trong veo, không một gợn mây. Một buổi sáng thật tuyệt vời!
 
Trầm ngâm bên ly cà phê nhỏ giọt tí tách, tận hưởng hương thơm ngào ngạt. Tâm hồn sảng khoái đón một ngày mới, đồng thời chờ cô bạn, mà chúng tôi vẫn thường hẹn tại tiệm bánh mì trong khu thương xá gần nơi chúng tôi làm việc. Cuộc sống ở Mỹ hối hả, con người chạy đua với thời gian, công việc bề bộn từ sáng tinh mơ đến khi tắt nắng. Bởi vậy những giây phút đầu ngày thật quý hóa, và ly cà phê đầu ngày là năng lực giúp tôi chạy đua với thách thức đang chờ đón.
 
Thời gian có đợi chờ ai bao giờ. Chỉ cần chúng ta đứng lại trong khoảnh khắc, tức đã thụt lùi rồi. Thời gian như bóng câu như bóng câu qua cửa, thấm thoát đã làm thân lữ khách hơn hai mươi năm. Ngẫm nghĩ, tháng lại ngày qua mà lòng thêm ray rứt,
 
...Công danh sự nghiệp nửa vời.
Soi gương đã thấy da mồi tóc sương...
 
 
Qua khung cửa kính của tiệm bánh, ánh mắt lơ đãng bắt gặp hình ảnh thật xót xa. "Người đàn ông hom hem với cái nón hoa rừng sùm sụp trên đầu, đứng co ro phía ngoài cửa, hai tay nâng miếng bìa giấy cứng ghi hàng chữ "Homeless."
 
Nắng ấm, dù không gió, nhưng Đông chưa tàn, thân thể yếu đuối kia trong bộ  quân phục nhầu nát, làm sao đủ ấm! Thương thay! Trời lạnh, bụng đói càng làm cơn lạnh thêm da diết thấu tận xương. Nhìn kìa, tôi thấy ông run lên bần bật từng chập. Đấy là một khía cạnh khác, của cuộc đời. Một người cùng màu da, chắc hẳn khi xưa bỏ xứ ra đi tìm Tự do nơi vùng đất hứa, Ông Già kia đâu ngờ số phận long đong mà ông phải gánh chịu hôm nay!
 
Một món quà khiêm tốn. Một miếng ăn tầm thường, không đòi cao lương mỹ vị, chỉ để lấp trống đang cồn cào cơ thể hom hem suy nhược. Ai thấy cảnh này mà  không đau lòng! Quả tim nào cũng đầy ắp tình thương là chức năng con người trời ban. Tôi thấy lòng se thắt. Niềm tin và hy vọng của Ông Già bị đánh mất trong chặn đường ly hương. Và... này thì quá trễ tràng để bắt đầu cuộc đời, nên mới ra nông nỗi.
 
Homelless! Đọc sao đơn giản. Nghe quá ngắn gọn. Nhưng nói lên con người không có chỗ nương thân, không có nhà thì làm sao có mái ấm, tìm đâu ra được tình thương, những thứ thật đơn thuần nhưng quá xa xỉ đối với ông.
 
Tôi cảm thấy ngậm ngùi! Định đứng dậy, làm một điều mà con tim thôi thúc! Chưa kịp khoác cái áo lạnh, chợt khựng lại, quan sát, vì trước mắt tôi diễn ra một hoạt cảnh đầy kịch tính.
 
Một thiếu phụ có khuôn mặt khả ái, ăn mặc trang nhã, phong cách nhẹ nhàng, vừa rời khỏi chiếc xe đắt tiền, khiêm tốn bước đến bên người hành khất. Với cử chỉ thân ái, với nụ cười niềm nở người thiếu phụ kia trò chuyện với Ông Già khá lâu.  
 
Tôi thoạt nghĩ, hay là họ có liên hệ thân tình với nhau chăng?
 
Lòng tôi cảm thấy chua xót, khi nghĩ rằng ở xã hội này vẫn còn nhan nhản cảnh con cái sống trong no ấm nhung lụa, mà cha mẹ phải sống đời hành khất chỉ vì không muốn vào viện dưỡng lão, vừa đơn côi vừa buồn tủi. Rồi tôi tự biện hộ cho người thiếu phụ vì cung cách dễ mến của cô ta. Sự mâu thuẫn nội tại giằng co giữa hai đầu cán cân "lẽ phải".  Còn đang miên man bởi suy tưởng của mình, thì kìa cụ già nối gót theo người phụ nữ vào trong quán. Thiếu phụ mở cửa nhường bước cho Ông Già khiến tôi có cảm tình với người phụ nữ này.
 
Trời còn sớm. Quán vắng khách. Tôi là người khách duy nhất trong cái khung cảnh đặc biệt mà tôi bắt gặp ngày hôm nay. Sự xuất hiện của cô trong tiệm bánh bình dân, làm sáng rực cả khung cảnh quanh đây. Tôi có thơ thẩn và thi vị quá không đây? Tôi tự hỏi! 
 
Người thiếu phụ chậm rãi bước theo chân ông già, thân ái nắm bàn tay nhăn nheo của người hành khất đến bên quầy tính tiền.  Bằng một giọng miền Nam ngọt ngào và nhỏ nhẹ như sương, cô dịu dàng nói với người thâu ngân:
 
- Em cho chị năm ly cà phê, và năm ổ bánh mì.
 
- To go hết hả chị?
 
- To go một bánh mì và một cà phê thôi. Còn lại bốn ly cà phê và bốn bánh mì em để trên tường.
 
Cô thâu ngân tròn xoe đôi mắt:
 
- Cà phê và bánh mì trên tường? Chị nói em không hiểu gì cả!
 
- Chị sẽ trả tiền bây giờ, nhưng không lấy những món đồ ăn đó...
 
- Sao lạ vậy chị?
 
- Em sẽ hiểu ngay thôi! Và em chịu khó giúp chị dán lên tường mấy miếng giấy tương ứng.
 
Vừa đón nhận tiền từ tay người khách, cô thâu ngân vừa băn khoăn:
 
- Dán giấy lên tường chi vậy hả chị?
 
- Mỗi khi có người khách như ông bác đây vào gọi ly cà phê, ổ bánh mì trên tường, thì em lấy xuống một mảnh giấy và thực hiện theo yêu cầu của bác.
 
- Nghĩa là...
 
- Nghĩa là bác ấy cũng là khách hàng của em như bao nhiêu thực khách khác...
 
- Em hiểu rồi, cám ơn chị...
 
- Sao em lại cám ơn chị?
 
- Chúng em rất khó xử, vì mỗi sáng vừa mở cửa đã thấy các ông bà ấy đứng sẵn, xua đuổi thì không nỡ, và cũng không có quyền, mà để vậy, đôi khi gây khó chịu cho khách hàng... Bây giờ thì chị giúp chúng em rồi đó!
 
- Từ nay các bác ấy sẽ đường hoàng đi vào trong quán gọi món có sẵn trên tường. Mong các em đối xử tử tế như với bất cứ thực khách nào nhé!
 
- Dĩ nhiên rồi ạ! Nhưng... xin chị cho em hỏi...
 
- Có gì làm em thắc mắc vậy?
 
- Từ đâu mà chị nẩy ra cái ý tưởng làm việc từ thiện một cách cao cả thế này?
 
- Em dùng danh từ lớn lao quá rồi đó. Một lần chị drive thru tiệm Starbucks, gọi ly "to go". Sau khi nhận cà phê, toan móc tiền ra trả, thì người bán hàng nói rằng chiếc xe trước đã trả tiền rồi!
 
- Họ trả tiền mà không cần biết người lái chiếc xe phía sau là ai?
 
- Đúng thế! Tay mặt làm việc thiện không cần cho tay trái biết mà em...
 
- Từ đó chị nẩy sinh ý tưởng bánh mì trên tường?
 
- Chưa hẳn vậy,  một lần chị đọc được cái đoản văn nói về ly cà phê trên tường, kể chuyện những người khách trả tiền hai ly mà chỉ uống một, còn ly kia dành cho những người nghèo khó...
 
- Rồi chị đem ra áp dụng cho ổ bánh mì trên tường?
 
- Phải! Khi nhận ly cà phê Starbucks và đọc câu chuyện trên chị thấy rằng đây là một việc làm hết sức ý nghĩa. Từ ly cà phê đã đưa đẩy chị nghĩ đến ổ bánh mì. Và chị hy vọng rằng sau này sẽ có nhiều thực khách khi vào ăn uống, sẵn sàng chia sẻ với tha nhân khi có thể.
 
- Như vậy, ở chỗ chúng em, các cô bác "homeless" có thể nhận ra những món quà trên vách tường một cách dễ dàng hơn là ở cà phê Starbucks phải không chị?
 
 
- Em rất thông minh!
 
Quay qua người hành khất, cô dịu dàng nói:
 
- Nào bây giờ bác cứ gọi đi...
 
Nét e dè hiện rõ trên khuôn mặt nhăn nheo phong trần:
 
- Tôi… tôi ngại lắm cô ạ...
 
- Những món hàng ấy đã được trả tiền rồi mà...
 
Ông già ngước nhìn cô thâu ngân, nói khẽ:
 
- Cho tôi một ổ bánh mì, một ly cà phê...
 
- Phải thêm chữ "trên tường" nữa nghe bác! Đó chính là cái tín dụng mà chúng cháu nhận được từ người chị khả ái và nhân hậu này đấy.
 
- Và nhớ rằng mỗi người chỉ nhận món quà này một lần trong ngày thôi em nhé! Nào, đưa  phần "to go" đây cho chị đi làm kẻo trễ giờ rồi đấy.
 
- Có sẵn đây thưa chị.
 
- Cám ơn em!
 
 
Người thiếu phụ cầm theo ổ bánh mì và ly cà phê rời khỏi quán bằng bước chân nhẹ nhàng thanh thoát.
 
Dõi theo bóng dáng xinh xắn của cô là ánh mắt long lanh đầy vẻ biết ơn từ người hành khất già.
 
Tôi vẫn ngồi đó miên man, bồi hồi, xúc động. Trong lòng ngổn ngang nhiều câu hỏi và chắc sẽ không có câu trả lời thỏa đáng. Duy có một điều chắc chắn là dù xã hội bất công, mỗi người một số phận, nhưng lòng nhân ái, chân tình của người đối với người sẽ xóa đi phần nào đau thương cuộc đời. Và, tình yêu sẽ vĩnh viễn là liều thuốc nhiệm mầu, nhất là vào những ngày cận kề chuẩn bị đón xuân.
 
Hình ảnh đẹp này choáng ngập hồn tôi, trong buổi ban mai ngợp ánh hồng bên ngoài và trong lòng!
 
Bạn tôi vẫn chưa đến!
 
Tấm khăn giấy Kleenex âm ẩm nước mắt của tôi tự bao giờ...   
 
Songthy
(Những ngày vào Xuân)